Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt
(Baonghean.vn) - Năm 2012, ngành Ngânhàng ngoài việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của năm 2011, phải bắt tay vào tái cơ cấu toàn hệ thống một cách toàn diện. Với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhiệm vụ trọng tâm được ngành ngân hàng xác định là: Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất.
Bước qua "sóng cả"
Trao đổi với chúng tôi về những diễn biến của ngành Ngân hàng trong năm 2011, bà Nguyễn Thị Thu Thu - Phó GĐ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho rằng: Năm 2011 là một năm nhiều khó khăn thách thức đối với ngành Ngân hàng. Tuy vậy, trên cơ sở các giải pháp chỉđạo điều hành của NHNN, các Tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh TCTD trên địa bàn Nghệ An tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, có mức tăng trưởng khá, cơ cấu tín dụng được điều chỉnh tích cực theo đúng chỉđạo của chính phủ và NHNN. Tín dụng đối với lĩnh vực sản suất - kinh doanh chiếm tỷ lệ cao, nhất là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tỷ lệ tín dụng phi sản xuất giảm đáng kể; lãi suất cho vay tuy tăng cao những tháng đầu năm, nhưng từ cuối quý III/2011 đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh đã có xu hướng giảm dần về mức từ 17-19% theo đúng cam kết của các TCTD, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu nằm ở mức 16-18%/năm.
Năm 2012, ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường.Ảnh: Internet
Huy động vốn trên địa bàn tăng trưởng khá cao, lãi suất huy động đã được kiểm soát một cách chặt chẽ, đến nay đã ổn định ở mức lãi suất huy động tối đa 14%/năm (Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở tối đa 14,5%/năm). Hoạt động ngoại hối trên địa bàn diễn biến ổn định, tích cực; hoạt động của hệ thống các TCTD đảm bảo an toàn, đảm bảo tính thanh khoản; tỷ lệ nợ xấu vẫn ở dưới mức kiểm soát được; thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển...
Đến 30/12/2011, nguồn vốn huy động tại địa bàn đạt 33.000 tỷđồng, tăng so với đầu năm 16%. So với bình quân chung cả nước, Nghệ An có tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động khá cao (cả nước bình quân tăng trưởng 10%), tạo điều kiện cho các TCTD chủđộng về nguồn vốn trong đầu tư tín dụng. Dư nợ cho vay đạt trên 60.000 tỷ, đạt mức tăng trưởng gần 29%. Việc tăng dư nợ cao nằm ở khối Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và khối tín dụng chính sách, khối kinh doanh vẫn ở mức dưới 20%, các TCTD, chi nhánh TCTD tuân thủ hạn mức tăng trưởng tín dụng theo chỉđạo của Thống đốc. Hiện tại chưa có TCTD nào tăng vượt chỉ tiêu được giao.
Nếu loại trừ khỏi tổng dư nợ phần dư nợ cho vay chính sách (qua NHCSXH và NHPT) thì nguồn vốn huy động trên địa bàn đáp ứng được 78% dư nợ cho vay thương mại, số còn lại chủ yếu các TCTD phải điều hòa từ Hội sở (dùng vốn huy động từ các địa bàn khác). Nếu xét riêng từng Chi nhánh NHTMCP thì 10/18 đơn vị dư nợ cho vay lớn hơn vốn huy động, 8/18 đơn vị dư nợ cho vay nhỏ hơn nguồn vốn huy động. Tỷ lệ dư nợ/huy động đơn vị cao nhất là 224% (Bưu điện Liên Việt), đơn vị thấp nhất là 22% (Việt Nam Thương tín), đây đều là các chi nhánh NHTMCP mới mở.
Việc đầu tư cho các dự án của các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn đều thực hiện theo quy chế cho vay hiện hành, chủ yếu là tiếp tục đầu tư các dự án theo các cam kết giải ngân theo hợp đồng tín dụng, dự án mới không nhiều. Việc đầu tư cho dự án nằm trong kế hoạch kiểm soát tăng trưởng tín dụng của các TCTD, chi nhánh TCTD.
Ngăn chặn những rủi ro
Mặc dù huy động vốn của các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn có tốc độ tăng trưởng khá cao so bình quân chung cả nước nhưng xét về cơ cấu kỳ hạn thì nguồn vốn huy động ngắn hạn vẫn là chủ yếu (80,1%), chưa phù hợp với cơ cấu đầu tư tín dụng, một số TCTD có thể gặp áp lực về huy động vốn đểđảm bảo khả năng thanh khoản. NHNN và các TCTD cần tiếp tục quan tâm để có chính sách lãi suất và cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn cho phù hợp hơn.
Có thể nói rằng, năm 2011, đứng trước những khó khăn chung của nền kinh tế, nợ xấu của các TCTD, chi nhánh TCTD có biểu hiện gia tăng. Trên địa bàn có một sốđơn vị ngân hàng có nợ xấu cao (trên 5% tổng dư nợ), ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Nhiều vụ án tham ô trong ngành Ngân hàng có nguyên nhân xuất phát từ cán bộ ngân hàng (rủi ro đạo đức) và sơ hở trong qui trình nghiệp vụ.
Do vậy, NHNN cần giám sát, chỉđạo và các TCTD phải chủđộng rà soát lại dư nợđể kiểm soát chất lượng tín dụng và tìm mọi giải pháp thu hồi nợ xấu, hạn chế nợ xấu gia tăng; cần quan tâm nhiều hơn tới công tác quản lý, giáo dục cán bộ, rà soát các quy định nội bộ của tổ chức mình để có bổ sung sửa đổi cho phù hợp, đảm bảo kiểm soát được rủi ro và hoạt động an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thu Thu - Phó GĐ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho rằng: Năm 2012 sẽ là mốc quan trọng với ngành Ngân hàng, ngoài việc phải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khó khăn và quan trọng của năm 2011, phải bắt tay vào tái cơ cấu toàn hệ thống một cách toàn diện. Do yêu cầu phát triển mới, ngành Ngân hàng phải tái cấu trúc để lớn mạnh hơn, tăng sức cạnh tranh hơn và đáp ứng nhu cầu mới.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cũng cho biết thêm: Với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng hợp lý, nhiệm vụ trọng tâm được ngành Ngân hàng xác định là: Rà soát lại thể chế, quy chuẩn, quy phạm để hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời ngăn chặn hiệu quả những rủi ro.
Dưới sự chỉđạo của Thống đốc NHNN, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, yêu cầu tăng trưởng kinh tế theo các chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Điều hành chủđộng, linh hoạt và hợp lý các công cụ chính sách tiền tệđể từng bước giảm dần mặt bằng lãi suất theo mức giảm của lạm phát, bảo đảm khả năng thanh khoản của nền kinh tế...
Thu Huyền