Thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn

30/08/2011 10:15

Sáng 29/8, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ tổ chức giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác dạy nghề 6 tháng đầu năm cho lao động nông thôn. Phía đầu cầu Nghệ An, đồng chí Đinh Viết Hồng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì với sự tham gia của các ngành, các huyện, thành, thị.

Sáng 29/8, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ tổ chức giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác dạy nghề 6 tháng đầu năm cho lao động nông thôn. Phía đầu cầu Nghệ An, đồng chí Đinh Viết Hồng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì với sự tham gia của các ngành, các huyện, thành, thị.

Năm 2011 là năm thứ 2 thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2015". Với mục tiêu dạy nghề cho khoảng 500.000 lao động nông thôn theo chính sách của Đề án, trong đó có ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo, năm 2011 cả nước đã tổ chức dạy nghề cho 267.032 người (đạt 53% kế hoạch năm), trong đó 48,4% học các nghề nông nghiệp, 51,6% học các nghề phi nông nghiệp. Cả nước đã huy động 1.452 cơ sở tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, xây dựng 20 chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghề, công nghệ mới cho người dạy nghề...

Ở Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh thực hiện dạy nghềcho 1.632 người, trong đó nhóm người thuộc đối tượng chính sách 425 người, nhóm lao động thuộc diện cận nghèo: 470 người, nhóm lao động khác 470 người. Các nghề được đào tạo là: mộc mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, mây tre đan, may công nghiệp, chăn nuôi gia súc, trồng hoa...80% lao động sau đào tạo có việc làm mức thu nhập 1,5 triệu đồng/ người/ tháng.


Tại giao ban, đại diện các Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Hội Nông dân, đại diện các tỉnh đã phát biểu. Theo đó còn nhiều vấn đề cần quan tâm như cơ chế chính sách cho lao động sau đào tạo, cơ sở vật chất của các trung tâm dạy nghề còn bất cập.


Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân- Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 đánh giá cao việc triển khai đề án đã tạo sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng chí yêu cầu các ngành và địa phương 6 tháng cuối năm cần thực hiện có hiệu quả Đề án dạy nghề để hoàn thành mục tiêu 2011.


Phó Thủ tướng đề nghị đến hết tháng 12/2011: tất cả các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã phải tổ chức hội nghị phổ biến Quyết định 1956. Về đối tượng tham gia đề án: thống nhất đối tượng lao động nông thôn thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thay cho qui định đối tượng lao động nông thôn thuộc hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ học nghề ngắn hạn. Mỗi tỉnh chọn xây dựng ít nhất một Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu, dạy những nghề có nhu cầu cao nhất và phổ biến nhất ở các địa phương. Các bộ, các cơ quan thông tin đại chúng cần tập trung triển khai thực hiện Đề án, xây dựng tư liệu về dạy nghề trên băng đĩa hình, hỗ trợ dạy nghề qua truyền hình ở các địa phương...


Châu Lan

Mới nhất
x
Thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO