Thực hiện đề án hỗ trợ huyện nghèo XKLĐ theo Quyết định 71/CP: Bài 1: Còn "xa" mục tiêu

10/08/2015 09:06

(Baonghean) - Ngày 29/4/2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 71/2009/QĐ-TTG phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020. Thực hiện đề án, 5 năm qua, các huyện nghèo của tỉnh là Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng con số lao động được xuất khẩu còn xa vời với mục tiêu đặt ra.

Có thể nói, Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 là một cơ hội để người dân của 61 huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ đi lao động ở nước ngoài được hưởng chính sách hỗ trợ cho vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách - Xã hội. Theo mục tiêu của đề án, mỗi huyện nghèo 1 năm đưa 100 người là dân tộc thiểu số thuộc gia đình nghèo đi XKLĐ.

Một quyết định thiết thực là vậy, tuy nhiên, đã qua thời gian 5 năm thực hiện tại 3 huyện nghèo của tỉnh là Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn, nhưng chưa mang lại hiệu quả khả quan. Theo báo cáo khảo sát của HĐND tỉnh, từ năm 2009 đến nay, 3 huyện nghèo nói trên mới có 493 người đi XKLĐ theo Quyết định 71/CP. Trong đó, Quế Phong có 351 người, Tương Dương 69 người, Kỳ Sơn 119 người (trong đó phần lớn đi theo Quyết định 71/CP). Như vậy, nhìn chung cả 3 huyện mới đạt 33% so với mục tiêu của đề án.

Phát tài liệu tuyên truyền XKLĐ theo Quyết định 71/CP  tại huyện Quế Phong.
Phát tài liệu tuyên truyền XKLĐ theo Quyết định 71/CP tại huyện Quế Phong.

Nguyên nhân nào khiến 3 huyện nghèo của tỉnh có số con em đi XKLĐ theo Quyết định 71/CP thấp?. Trước hết, phải khẳng định, chất lượng lao động của con em các huyện nghèo thấp kém về trình độ văn hóa, tay nghề, ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật; ngại học tập, sức khỏe không đảm bảo và tư tưởng không muốn xa quê, xa anh em, người thân. Phần lớn con em đến tuổi trưởng thành ở vùng sâu, vùng xa của các huyện nghèo mới học xong cấp 2, chưa được đào tạo tay nghề, quen với tập quán sản xuất lạc hậu, tùy tiện trong lao động. Trong khi yêu cầu phía sử dụng lao động ở nước ngoài là phải có tay nghề, chấp hành nghiêm ý thức kỷ luật lao động. Đặc biệt với thị trường lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản những yếu tố đó đòi hỏi càng phải cao hơn.

Qua các đợt tư vấn, tuyển dụng lao động cho thấy, tỷ lệ thanh niên không đáp ứng yêu cầu về sức khỏe, do mắc các bệnh xã hội cao: giang mai, nghiện hút, viêm gan B... Theo tìm hiểu của chúng tôi tại 3 huyện, được biết, tỷ lệ lao động không đủ sức khỏe vòng sơ tuyển khoảng 35%, tỷ lệ lao động không đủ sức khỏe vòng tuyển chính thức để đi XKLĐ ở nước ngoài là 15%. Từ đó, gây khó khăn đến công tác tư vấn, đưa người đi XKLĐ đối với doanh nghiệp, dẫn đến số doanh nghiệp tham gia chương trình XKLĐ theo Quyết định 71/CP vào địa bàn giảm dần, hoặc không tích cực trong việc vận động cùng địa phương thực hiện.

Mặt khác, thị trường XKLĐ chủ yếu là Malaysia, các nước Trung Đông, thu nhập thấp, không hấp dẫn người lao động. Chị Moong Thị Duyên ở bản Bình Sơn 1, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn), cho biết, bản thân đi XKLĐ sang Malaysia từ năm 2011, làm công nhân tại một công ty chế biến hải sản, công việc hàng ngày vất vả, nhưng mỗi tháng chỉ được nhận mức lương 5 - 6 triệu đồng. Còn anh Moong Văn Khuyên (SN 1991) nói: “Tôi không đi XKLĐ vì ngại học tiếng, học nghề, không quen với môi trường làm công nhân trong công ty. Hơn nữa, trong bản đã có nhiều người đi Malaysia nhưng hiệu quả không cao, không có nhiều tiền về cho gia đình...”.

Nhiều con em sang nước ngoài, không quen với quy định làm việc nghiêm ngặt của công ty, trốn ra ngoài lao động bất hợp pháp, hoặc sau khi hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại lao động tự do bên nước sở tại. Ông Cụt Văn Thế - quyền Chủ tịch UBND xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, cho biết: Tại 4 bản Huồi Nhúng, Phà Khảo, Phà Khốm và Kim Đa đã có 17 người đi XKLĐ sang Malaysia. Ông Thế không biết có ai trong số đó được đi XKLĐ theo Quyết định 71/CP, nhưng theo ông thì phần lớn số con em đã và đang đi XKLĐ sang Malaysia không mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Có những trường hợp không chấp hành ý thức, tổ chức kỷ luật của công ty, hoặc công ty không có việc làm thường xuyên, trốn ra làm ngoài bất hợp pháp; đã có những trường hợp về “tay không” sau 2 - 3 năm lao động ở nước ngoài.

Ông Kha Đình Phê, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tương Dương, cho rằng: Sở dĩ địa phương có số người đi XKLĐ theo Quyết định 71/CP ít là do thu nhập của người lao động ở Malaysia thấp. Thủ tục vay tiền ngân hàng khó ở chỗ, nhiều công ty tư vấn XKLĐ không làm theo chương trình của Quyết định 71/CP, trong khi con em muốn được đi theo đề án này của Chính phủ. Bên cạnh đó, có những công ty thực hiện chính sách của Quyết định 71/CP, nhưng khi làm thủ tục giải ngân, thì đơn vị đó không có giấy giới thiệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, nên ngân hàng không giải ngân được vốn, người lao động không thể xuất cảnh được; hiện vẫn còn 9 người ở các xã Lượng Minh và Tam Quang (Tương Dương) đi theo hợp đồng của Công ty CP đầu tư Vĩnh Cát, chưa xuất cảnh được vì lý do trên. Ông Kha Đình Phê cho biết thêm: Do đi XKLĐ sang Malaysia thu nhập thấp, trong khi đó người lao động ở vùng miền núi này không quen với tác phong làm việc ở công ty, nên hiện nay nhiều thanh niên sang Lào, Trung Quốc, hay vào các thành phố lớn, tìm kiếm việc làm bằng lao động phổ thông... Ở Huyện Kỳ Sơn, theo chị Xá Thị Xí - Bí thư Huyện đoàn, cho biết: Nhiều đoàn viên, thanh niên không mặn mà với XKLĐ sang Malaysia, vì thu nhập thấp, mà tự tìm kiếm việc làm; như hiện nay có gần 100 đoàn viên, thanh niên ở các xã Hữu Kiệm, Mường Ải đi làm ăn xa không rõ địa chỉ.

Nhiều trường hợp sau khi hoàn tất mọi thủ tục về hợp đồng XKLĐ, nhưng đến ngày xuất cảnh lại bỏ không có lý do. Tình trạng này, gặp nhiều nhất tại huyện Quế Phong. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, người phụ trách XKLĐ của Công ty Cổ phần SimCo Sông Đà, đóng tại khối 2, Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong), cho biết: Mặc dù hàng năm lực lượng lao động trẻ đăng ký đi XKLĐ theo Quyết định 71/CP khá nhiều, nhưng tỷ lệ được đi rất ít, nguyên nhân do sức khỏe không đảm bảo hoặc bỏ dở nguyện vọng. Ví như, từ tháng 1/2014 đến tháng 5/2015, có 176 người làm hồ sơ đi XKLĐ qua Công ty Cổ phần SimCo Sông Đà, nhưng chỉ có 80 người xuất cảnh, còn lại 57 người không đạt sức khỏe, 39 người bỏ dở chừng. Nhiều trường hợp, đến ngày xuất cảnh, không có mặt để làm thủ tục, liên lạc với gia đình, thì nhận được câu trả lời “không đi nữa”. Những trường hợp như thế, phía người dân đành phải chịu thiệt, là ôm món nợ ngân hàng. Từ thực tế đó, dẫn đến Công ty Cổ phần SimCo Sông Đà gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình tư vấn, tuyển người đi XKLĐ theo Quyết định 71/CP.

Từ thực tế trên cho thấy, triển khai thực hiện công tác XKLĐ theo Quyết định 71/CP gặp rất nhiều khó khăn đối với các huyện nghèo. Song, khó chứ không phải không làm được và là việc cần thực hiện tốt, bởi vậy giai đoạn tiếp theo các cấp, ngành liên quan ở các huyện nghèo cần có tư duy mới, quan trọng hơn là thay đổi cách tuyên truyền, hướng cho thế hệ trẻ một con đường tìm kiếm việc làm ổn định, để XKLĐ thực sự là kênh xóa nghèo bền vững cho từng địa phương...

(Còn nữa)

Xuân Hoàng

Mới nhất

x
Thực hiện đề án hỗ trợ huyện nghèo XKLĐ theo Quyết định 71/CP: Bài 1: Còn "xa" mục tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO