Thực hiện đồng bộ các giải pháp
(Baonghean) - Ông Phan Bùi Mỹ - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt - Vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.
PV: Nước sạch - VSMTNT là lĩnh vực quan trọng luôn được các cấp, ngành và người dân rất quan tâm. Xin đồng chí biết, thời gian qua, lĩnh vực này được triển khai như thế nào?
Ông Phan Bùi Mỹ: Thực hiện Chương trình MTQG Nước sạch & VSMT nông thôn ở tỉnh ta có nhiều thuận lợi, đó là Chính phủ đã phê duyệt Chương trình MTQG Nước sạch & VSMT nông thôn giai đoạn 2012 -2015 và quy hoạch cấp nước và vệ sinh vùng nông thôn đến năm 2015, có tính đến 2020 đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt. Cùng với đó, là sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các cấp uỷ đảng, chính quyền. Đặc biệt là nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh nông thôn của người dân ngày càng được nâng cao, có nhiều mô hình công nghệ, kỹ thuật về cấp nước và vệ sinh nông thôn khai thác hiệu quả...
Trên cơ sở của “Đề án chương trình nước sạch - VSMTNT Nghệ An”, tỉnh đã có kế hoạch, ưu tiên nguồn vốn đầu tư và ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực cấp nước - VSMTNT. Cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn vay ngân hàng, quỹ tín dụng quay vòng của Hội phụ nữ và đóng góp của người dân hưởng lợi từ các tổ chức ở trong và ngoài nước như: Tổ chức UNICEF, DANIDA (Đan Mạch), Ngân hàng Thế Giới - WB, Ngân hàng phát triển Châu Á - ADB… cũng luôn ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ cho lĩnh vực này. Riêng năm 2014 đạt hơn 242,7 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách TƯ 30 tỷ đồng, vốn tín dụng ưu đãi 82 tỷ đồng, người dân đóng góp 90 tỷ đồng…
Người dân huyện Diễn Châu mít tinh hưởng ứng Chương trình nước sạch & VSMTNT. Ảnh: H.V |
Để triển khai Chương trình MTQG Nước sạch & VSMT nông thôn, tỉnh ta đã thành lập Ban chỉ đạo gồm các ngành liên quan như: Nông nghiệp &PTNT, Tài nguyên & MT, Y tế, Giáo dục - Đào tạo... Thời gian qua, Ban chỉ đạo tỉnh đã triển khai và giám sát chặt chẽ các hoạt động thuộc lĩnh vực nước sạch và VSMTNT. Các Sở, ngành liên quan đã phối hợp xây dựng những chương trình, hành động cụ thể, nên các dự án thuộc lĩnh vực cấp nước và VSMTNT triển khai có hiệu quả. Thông qua dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn, thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta đã xây dựng nhiều công trình cấp nước tập trung công nghệ hiện đại, có công suất lớn và các công trình cấp nước nhỏ lẻ, nên năm 2014 đã có 73% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo chỉ tiêu của Quyết định số 2570/ QĐ - BNN - TCTL và 34% dân số được sử dụng nước sạch theo QCVN 02: 2009/ BYT.
Tại dự án cấp nước sinh hoạt và vệ sinh trường học, luôn được ưu tiên nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia và các tổ chức quốc tế, nên đã xây dựng được nhiều công trình tập trung, có quy mô lớn và năm 2014, đã có 59% số trường học ở vùng nông thôn được sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Tại dự án vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, với sự nỗ lực của các cấp, ngành liên quan trong công tác tuyên truyền vận động, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi, bởi vậy hiện đã có 43% hộ vùng nông thôn có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh.
Về lĩnh vực vệ sinh nông thôn cũng được các cấp, ngành liên quan và ưu tiên nguồn vốn đầu tư, cùng với đó tổ chức các đợt tập huấn, giới thiệu về mô hình, kỹ thuật để người dân lựa chọn đầu tư xây dựng công trình phù hợp… nên hiện có 49% hộ dân vùng nông thôn sử dụng công trình nhà tiêu hợp vệ sinh. Tại dự án xây dựng công trình cấp nước và nhà vệ sinh ở các trạm y tế, hiện có gần 90,4% trạm y tế xã sử dụng công trình nước và nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Thực hiện Thông tư 54/TT - BTC về công tác cấp nước và vệ sinh tại các xã nông thôn mới, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Sở Tài chính đã tổ chức các cuộc tập huấn hướng dẫn thực hiện Thông tư 54 và lập kế hoạch triển khai cho các đơn vị, địa phương. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh ta có 442 công trình cấp nước tập trung, trong đó có 391 công trình tự chảy tại các huyện miền núi và trung du, có 51 công trình bơm dẫn tại các huyện đồng bằng và để phát huy hiệu quả các công trình này, hiện cơ quan chức năng tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng công trình, qua đó sẽ đề xuất phương án xử lý, xác định chủ sở hữu công trình.
P.V: Xin ông cho biết mục tiêu và các biện pháp để thực hiện có hiệu quả Chương trình cấp nước - VSMTNT năm 2015 trên địa bàn tỉnh?
Ông Phan Bùi Mỹ: Năm 2015, mục tiêu của ngành Nông nghiệp và PTNT là số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 73% lên 75% (vào cuối năm 2015), trong đó, sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT tăng từ 34 % lên 40%; Tỷ lệ số chuồng trại chăn nuôi có xử lý chất thải hợp vệ sinh tăng từ 43% lên 45% vào cuối năm 2015; số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chí 08/BYT tăng từ 49% lên 54%. Tỷ lệ số trạm y tế có công trình cấp nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 90,4% lên 100%; tỷ lệ trường học có công trình cấp nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 59% lên 61%.
Để đạt được mục tiêu đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, như tăng cường công tác giáo dục truyền thông, giới thiệu các công nghệ cung cấp sử dụng nước sạch, giới thiệu mô hình cấp nước và vệ sinh môi trường. Đặc biệt, vấn đề chính sách phù hợp với thực tế và kịp thời thời triển khai xã hội hóa cấp nước sinh hoạt nông thôn theo Quyết định 131/ QĐ - TTg ngày 2/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn. Sử dụng một phần vốn sử nghiệp hỗ trợ công tác quản lý, vận hành sau xây dựng (đối với công trình đưa vào sử dụng sau 3 năm).
Để tăng nhanh tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn theo công nghệ sản xuất nước sạch, cần được quan tâm một cách đúng mức và ưu tiên hỗ trợ cho các công trình đấu nối, mở rộng các dự án từ nhà máy nước hiện có để giảm chi phí đầu nguồn, xây dựng nhanh, chất lượng nước đảm bảo và tận dụng tối đa công suất các nhà máy nước đã xây dựng. Chú trọng đầu tư các dự án cấp nước quy mô lớn, liên xã, hạn chế đầu tư manh mún nhằm giảm thiểu diện tích xây dựng, dễ kiểm soát chất lượng nước, giảm chi phí quản lý vận hành... Để triển khai có hiệu quả Chương trình nước sạch và VSMTNT, trong năm 2015 này, tổng nhu cầu nguồn vốn cần huy động là hơn 396 tỷ đồng, trong đó đề xuất ngân sách Trung ương là 100 tỷ đồng và ngân sách tỉnh hỗ trợ 30 tỷ đồng, còn lại là huy động các cấp, ngành, người dân hưởng lợi và Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 134, 135, Chương trình xoá đói giảm nghèo...
“Tuần lễ Quốc gia về nước sạch - VSMTNT” năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 25/4 tại xã Long Thành - Yên Thành. Ngoài buổi lễ mít tinh ra quân hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia về nước sạch - VSMTNT”, sẽ tổ chức lễ khởi công hệ thống cấp nước sạch tập trung liên xã Long Thành, Khánh Thành, Vĩnh Thành và Trung Thành từ nguồn vốn vay ADB.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Hoàng Vĩnh
(Thực hiện)