Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2012-2020

28/11/2011 16:16

(Baonghean) - Sáng 28/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp cho ý kiến về Đề án “Phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012-2020” và thông qua Nghị quyết “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2015 có tính đến 2020”.

(Baonghean) - Sáng 28/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp cho ý kiến về Đề án “Phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012-2020” và thông qua Nghị quyết “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2015 có tính đến 2020”.

Theo Dự thảo Đề án, tỉnh Nghệ An hiện có 1.728 bác sỹ, đạt tỷ lệ 5,9 bác sỹ/1 vạn dân; dược sỹ đại học (DSĐH) 205 người, đạt 0,7 dược sỹ đại học/1 vạn dân. Số bác sỹ còn thiếu là 584 người, DSĐH 79 người. Số lượng bác sỹ, DSĐH phân bố không đều ở các tuyến và các đơn vị, đặc biệt thiếu trầm trọng ở các huyện miền núi, các đơn vị y tế hệ dự phòng, trung tâm y tế các huyện và các bệnh viện đặc thù và các trạm y tế xã. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 17 đề ra mục tiêu đến năm 2015 đạt 7 bác sỹ/vạn dân, 100% trạm y tế xã ở đồng bằng và 80 - 90% ở miền núi có bác sỹ công tác. Dự kiến số lượng bác sỹ, DSĐH cần có đến 2020 là 816 bác sỹ và 170 DSĐH. Từ thực trạng đó, việc xây dựng đề án “Phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012-2020 nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh là cần thiết.

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp cho dự thảo Đề án, đồng chí Phan Đình Trạc kết luận, cơ bản nhất trí các nội dung của Dự thảo. Đồng chí yêu cầu ngành y tế trong quy hoạch nguồn nhân lực cần tính toán cả nguồn nhân lực của các cơ sở y tế ngoài công lập và các bệnh viện tuyến trung ương đóng trên địa bàn. Về phạm vi điều chỉnh của đề án, nên giới hạn nhân lực có trình độ đại học, sau đại học, thay lại tên đề án cho phù hợp. Về giải pháp thực hiện, cần bổ sung thêm các giải pháp: định kỳ cho bác sỹ, DSĐH đi học nâng cao trình độ, kỹ năng trong và ngoài nước; quy hoạch nhân lực y tế tại chỗ cho địa phương vùng sâu, vùng xa; cải cách mạnh mẽ khâu tổ chức thực hiện các chính sách; xem lại tính khả thi của việc đến năm 2017 không đào tạo cử tuyển và chuyên tu.

Tiếp đó, BTV đã họp và thông qua Nghị quyết về Chương trình phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2015 có tính đến năm 2020. Mục tiêu dự thảo Nghị quyết đưa ra là: Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các lĩnh vực đảm bảo tiêu chuẩn chức danh, có cơ cấu hợp lý; Tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ đảm bảo tối thiểu như định hướng của Đại hội đảng bộ các cấp; Đội ngũ doanh nhân phần lớn được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản. Tỷ lệ hoàn thành các cấp học duy trì ở mức 90% trở lên ở cả 3 cấp học. Cùng với đó là 7 giải pháp thực hiện các mục tiêu trên.

Đồng chí Phan Đình Trạc kết luận nhất trí cao với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Tuy nhiên, cần chú ý về giáo dục định hướng và công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động; bỏ từ “bậc cao” trong đề án Đào tạo công nhân kỹ thuật bậc cao giai đoạn 2011 – 2015; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật chủ trì đề án Đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân giai đoạn 2011 – 2015.


Minh Quân

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2012-2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO