Thực hiện đồng bộ giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

23/11/2012 15:23

(Baonghean) - Trong nhiều năm qua, tỉnh ta xác định phát triển nghề rừng là một trong những nhiệm vụ chiến lược để phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào miền núi.

Thực hiện nhiệm vụ của mình ngành đã tham mưu giúp tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đơn vị khắc phục khó khăn đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao đầu năm. Cụ thể, đã tiến hành quy hoạch mở rộng diện tích trồng cao su 6.000 ha tại Quế Phong và Quỳ Châu; Quy hoạch vùng trồng cỏ cho Dự án bò sữa TH diện tích 2.500 ha tại Nghĩa Đàn, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ và Quỳ Châu; rà soát 150.000 ha rừng sản xuất cho 10 ban QLRPH; quy hoạch vùng nguyên liệu cho Công ty Ván nhân tạo Tân Việt Trung 6.000 ha tại 5 huyện: Quỳ Hợp, Diễn Châu, Yên Thành, Nam Đàn và Nghi Lộc; quy hoạch rừng đặc dụng gắn với di tích văn hóa tại 9 xã của huyện Yên Thành và một số hoạt động khác.



Ươm giống keo lai tại vườn ươm Lâm trường Đồng Hợp (Quỳ Hợp).
Ảnh: Công Sáng

Công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường gắn với việc đa dạng hóa sản phẩm từ rừng và phát triển rừng kinh tế theo hướng thâm canh. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, ngành đã hướng dẫn phát huy hiệu quả các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn của doanh nghiệp và của nhân dân, tổ chức gieo ươm 30,353 triệu cây giống các loại, trồng mới 10.336 ha rừng. Khai thác 1.179m3 gỗ rừng tự nhiên, hàng trăm nghìn m3 gỗ rừng trồng, 1.542,2 tấn nhựa thông và nhiều loại lâm sản ngoài gỗ, phục vụ sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu… góp phần tạo kim ngạch xuất khẩu hàng chục triệu USD.

Để đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho phát triển lâm nghiệp, Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên thành lập được Quỹ Bảo vệ phát triển rừng.

Bên cạnh những kết quả trên, hoạt động lâm nghiệp vẫn còn bộc lộ một số hạn chế: tình trạng cháy rừng, đốt phá rừng làm nương rẫy, khai thác, vận chuyển, buôn bán, chế biến lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra, có lúc có nơi rất nghiêm trọng. Chất lượng, cơ cấu rừng trồng còn đơn điệu. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân chưa cao; cấp ủy, chính quyền các cấp nhất là chính quyền xã và đặc biệt là cấp xã nơi có rừng chưa quan tâm đúng mức, còn buông lỏng quản lý; lực lượng kiểm lâm nhất là kiểm lâm địa bàn chưa làm tròn trách nhiệm giúp chính quyền bảo vệ rừng tận gốc.



Chuẩn bị ươm giống cao su phục vụ trồng rừng. Ảnh: C.S

Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng hiện có, năm 2013 trồng mới 12.000ha rừng, đưa độ che phủ rừng đạt 54,3%, ngành Lâm nghiệp tỉnh phải tập trung phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu:

Một là, đẩy mạnh công tác truyên truyền giáo dục cho cán bộ và người dân, nhất là ở những nơi gần rừng tự nhiên, vùng xa, vùng đệm nâng cao ý thức, trách nhiệm về quản lý bảo vệ rừng và trồng rừng, khắc phục tình trạng đốt phá rừng trái phép, quan tâm đẩy mạnh trồng rừng kinh tế và phòng hộ.

Hai là, triển khai có hiệu quả Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ, không ngừng nâng cao vai trò của chính quyền cơ sở trong công tác bảo vệ rừng với 7 nhiệm vụ của UBND huyện và 10 nhiệm vụ của UBND xã; xây dựng các phương án về phòng cháy, chữa cháy rừng từ cấp tỉnh đến huyện, xã, tổ chức diễn tập các phương án về PCCCR;

Ba là, chỉ đạo các chủ rừng, nhất là chủ rừng Nhà nước (các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, các công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, các Tổng đội TNXP được giao rừng) tiến hành các biện pháp bảo vệ rừng tại gốc, theo hướng tập trung lực lượng tuần tra rừng, thu giữ lâm sản trái phép tại gốc, đẩy đuổi người vào rừng để khai thác, phá rừng, săn bắt động vật rừng trái phép; tập trung mọi điều kiện cần thiết để hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng của đơn vị mình.

Bốn là, thực hiện tốt các quy chế phối hợp giữa các lực lượng để bảo vệ rừng; tăng cường phối hợp giữa các ngành liên quan với lực lượng kiểm lâm trong việc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản;

Năm là, tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước của UBND các huyện, thành thị phối hợp với các ngành chức năng quy hoạch, đầu tư bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, đồng thời huy động tổng lực các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ công tác bảo vệ phát triển rừng, trong đó đặc biệt quan tâm tới thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.


Nguyễn Tiến Lâm (Phó giám đốc Sở NN& PT NT )

Mới nhất

x
Thực hiện đồng bộ giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO