Thực hiện Luật nuôi con nuôi: Còn nhiều vướng mắc

01/04/2014 14:48

(Baonghean) - Việc triển khai đăng ký nuôi con nuôi nhằm thực hiện các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi. Từ đó, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ cha, mẹ, con; tăng cường các mối quan hệ gia đình, ngăn ngừa những tác động, tranh chấp phát sinh... Tuy vậy, trên thực tế tình trạng nuôi con nuôi chưa đăng ký vẫn phổ biến.

Là con nuôi của bà H.B, nhưng sau khi bà H.B qua đời, đến nay ông M.S mặc dù vẫn sử dụng căn hộ trước đây của bà H.B ở phường Quang Trung (TP Vinh) nhưng không thể làm được thủ tục khai nhận di sản thừa kế và sang tên căn hộ cho mình. Theo ông M.S: Nguyên nhân là ông được bà H.B nhận làm con nuôi nhưng vì trước đây không đăng ký thủ tục nhận con nuôi nên sau khi bà mất ông không có cơ sở pháp lý chứng minh mối quan hệ được hưởng thừa kế. Đó là một trong số nhiều trường hợp gặp phải “sự cố” phát sinh từ mối quan hệ nuôi con nuôi.

Luật sư Nguyễn Vinh Diện (Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Diện và cộng sự) cho biết: Theo quy định của pháp luật, việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận và ghi vào sổ hộ tịch mới có giá trị pháp lý, thực chất đó chính là đăng ký việc nuôi con nuôi. Nhiều trường hợp quan hệ nuôi con nuôi đã được thực hiện trên thực tế nhưng lại không có sự công nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không được ghi vào sổ hộ tịch nên việc nuôi con nuôi không có giá trị pháp lý, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự. Khi phát sinh tranh chấp về tài sản, thừa kế,... cơ quan chức năng thường phải mất khá nhiều thời gian và gặp không ít khó khăn trong việc xác định mối quan hệ giữa hai bên.

Hướng dẫn làm thủ tục nhận nuôi con nuôi ở Sở Tư pháp.
Hướng dẫn làm thủ tục nhận nuôi con nuôi ở Sở Tư pháp.

Tìm hiểu nguyên nhân nhiều trường hợp không đến làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền được biết là do tâm lý không muốn công khai mối quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi. Đơn cử như trường hợp chị N.T.T, trú tại phường Lê Lợi (TP Vinh), mặc dù đã nhận nuôi con nuôi gần chục năm, song đến nay gia đình chị vẫn chưa làm thủ tục với chính quyền địa phương. Bởi theo chị “Nếu thủ tục cho - nhận quá rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cháu sau này”. Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó phòng Tư pháp huyện Nghi Lộc cũng cho rằng: Tâm lý chung của người dân thường e ngại, không muốn công khai mối quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi. Họ muốn giữ bí mật để tránh mặc cảm của trẻ nhận làm con nuôi. Bên cạnh đó, còn do nhận thức đơn giản, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao. Đây là thách thức không nhỏ trong việc đăng ký nuôi con nuôi nói chung và con nuôi thực tế nói riêng.

Có thể thấy, việc đăng ký nhận nuôi con nuôi là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích pháp lý của cha mẹ nuôi và con nuôi, ngăn ngừa, hạn chế những tác động, tranh chấp phát sinh từ việc nuôi con nuôi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi. Vì vậy, dù chưa trở thành thủ tục bắt buộc, song các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc đăng ký nuôi con nuôi, các quyền và nghĩa vụ của người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi được pháp luật bảo vệ khi việc nuôi con nuôi được đăng ký trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền để người dân tự giác chấp hành.

Theo Luật nuôi con nuôi: Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật nuôi con nuôi có hiệu lực (từ ngày 1/1/2011) mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 5 năm, (từ 1/1/2011 đến ngày 31/12/2015). Nếu hết thời hạn này mà người nuôi con nuôi không đăng ký thì việc nuôi con nuôi thực tế sẽ không được pháp luật công nhận, các tranh chấp liên quan đến cha mẹ nuôi, con nuôi, giữa con nuôi với các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi sẽ không được pháp luật bảo hộ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi khá đơn giản. Hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi gồm các giấy tờ: Tờ khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế (ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011 của Bộ Tư pháp). Trong tờ khai ghi rõ ngày, tháng, năm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi trên thực tế, có chữ ký ít nhất của 2 người làm chứng. Ngoài ra cần có Bản sao Giấy CMND và hộ khẩu của cha mẹ nuôi; Bản sao CMND hoặc Giấy khai sinh của con nuôi; Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ nuôi nếu có…

Quảng An

Mới nhất

x
Thực hiện Luật nuôi con nuôi: Còn nhiều vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO