Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ Doanh nghiệp chồng chất khó khăn

08/06/2011 17:38

(Baonghean) - Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ngân hàng thắt chặt tín dụng, kho bạc dường như ngừng trễ giao dịch. Nguồn cung dòng vốn cho nền kinh tế bị thắt chặt. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong tình trạng đói vốn…

Hiện nay, các doanh nghiệp ở hầu hết các ngành: bất động sản, xây dựng, tín dụng, tài chính… đều đang rất khó khăn khi dòng vốn bị thắt chặt, tất cả các ngân hàng và kho bạc đều thận trọng với các khoản vay và các khoản giải ngân. Bí nguồn vốn, cộng với sự tăng giá của của tất cả các nguồn nhiên nguyên liệu đầu vào khiến cho tất cả các doanh nghiệp ăn theo và các doanh nghiệp khác đều gặp khó khăn. Những doanh nghiệp lớn còn có cơ hội chờ đợi, còn các doanh nghiệp nhỏ có nguy cơ phá sản.

Doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do ngân hàng thắt chặt vốn vay.

Tổng Công ty CP Dầu khí Nghệ An mặc dù năm 2010 trúng thầu hàng chục công trình song nhiều công trình đành dừng lại vì không có vốn, trong lúc đó các khoản vay khổng lồ cho các dự án lớn đến hạn phải trả với lãi suất thương mại cao chóng mặt. Giám đốc Công ty XD Trường Sơn thi công các công trình giao thông cho biết: “Hàng trăm công nhân thiếu việc làm, nhiều công trình không thể vay vốn để thi công. Tập kết nguyên vật liệu xong rồi chờ không biết bao giờ”.

Chủ tịch HĐQT Công ty Tecco đầu tư kinh doanh bất động sản dịp này cũng cho biết: Các căn hộ bán rất chậm. Ngân hàng thắt chặt cho vay đối với bất động sản nên làm ăn khó khăn, trong lúc đó, đầu tư bất động sản cần rất nhiều vốn.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, nhiều dự án tranh thủ tài trợ của nước ngoài cũng bị dừng lại do thực hiện Nghị quyết 11. Trưởng Ban quản lý các công trình giao thông của tỉnh cho biết: Có ít nhất 5 cầu treo trong tỉnh bị dừng vốn dù nhu cầu bức thiết. Trên lĩnh vực tài chính, tín dụng, không ít ngân hàng đang nắm “đàng chuôi” đồng vốn kinh doanh của mình. Nhiều dự án triển khai không hiệu quả, dư nợ tín dụng cao, rủi ro cao, trong khi đó huy động khó và vốn huy động ngày càng cao với lãi suất có khi đến 18-20%/năm.

Vốn không chỉ là một điều kiện để sản xuất mà đối với nhiều doanh nghiệp đó là “nguyên liệu” chính. Vốn khan hiếm trên thị trường chính thì thị trường tín dụng “chợ đen” lại phát triển. Vay 1 triệu đồng, người vay phải trả 3 ngàn đồng đến 5 ngàn đồng/ngày. Một số doanh nghiệp xây dựng, thương mại phải vay nóng nguồn vốn này, nhưng vay nguồn vốn này doanh nghiệp không khéo lâm vào ngõ cụt.

Thực hiện Nghị quyết 11, Kho bạc Nhà nước đã có công văn số 334/KBNN.VP ngày 8/3/2011, qui định dừng giải ngân các công trình khởi công mới, làm tiến độ giải ngân chung bị chậm lại. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng cho biết Kho bạc quá thận trọng, cứng nhắc khi thực hiện nên ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Tuy lượng cắt giảm theo Nghị quyết 11 đối với xây dựng cơ bản không nhiều (60 tỷ đồng) nhưng không chỉ các công trình đó bị ảnh hưởng. Hệ lụy là thu hút đầu tư giảm sút mạnh, thu hút không hiệu quả, nhiều dự án dở dang cũng do doanh nghiệp không thể vay được vốn như hạ tầng KCN Hoàng Mai, xi măng Đô Lương….

Doanh nghiệp ở Nghệ An chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vừa mới hồi phục lại sau khủng hoảng, nay khó khăn lại chồng chất. Nhiều doanh nghiệp nợ nần chồng chất, đang là con nợ “khủng” của Ngân hàng phát triển và các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, cũng thực hiện Nghị quyết 11, Bộ Tài chính cũng đốc thúc thu thuế, đặc biệt là thu nợ thuế.

Trong khi lạm phát chưa giảm, doanh nghiệp chỉ còn biết chờ đợi và mong ngóng Chính phủ cho một thời hạn thực hiện Nghị quyết 11, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất khó khăn.


Châu Lan

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ Doanh nghiệp chồng chất khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO