Thực phẩm chức năng: Hiểu đúng, dùng đúng

07/02/2015 21:51

(Baonghean.vn) - Thực phẩm chức năng phát triển một cách chóng mặt xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nhưng đi theo nó là cả một sự quản lý còn rất mới mẻ và đang trong quá trình hoàn thiện. Trong khi đó việc xuất hiện ngày càng nhiều của các mặt hàng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc trên thị trường với muôn hình vạn trạng hình thức kinh doanh đe dọa đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vậy nên người tiêu dùng cần có những hiểu biết đúng đắn về thực phẩm chức năng...

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực phẩm chức năng tại Việt Nam hiện có gần 10 nghìn sản phẩm với gần 1800 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và có xu hướng năm sau tăng hơn năm trước.

Thực phẩm chức năng dùng hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa hiểu đúng về thực phẩm chức năng, một số doanh nghiệp, cơ quan truyền thông đại chúng vì nhiều lý do quảng cáo thực phẩm như thần dược, như thuốc chữa bệnh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Mặc dù mới vào Việt Nam được hơn 10 năm nhưng thực phẩm chức năng đã phát triển đến chóng mặt, trong đó có nhiều cơ sở, doanh nghiệp vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng. Để quản lý tình trạng kinh doanh quảng cáo thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đã ra thông tư số 08/2013/TT-BYT ngày 13/3/2013 về hướng dẫn quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế trong đó có thực phẩm chức năng.

Viên trắng da không rõ xuất xứ
Viên trắng da không rõ xuất xứ Ảnh: Nhật Lân

Theo thông tư số 08/2013/TT-BYT, thực phẩm chức năng phải được cơ quan chức năng chứng nhận nội dung quảng cáo mới được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cũng theo thông tư này, các sản phẩm thực phẩm chức năng khi quảng cáo phải có dòng chữ hoặc lời đọc “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thuốc chữa bệnh”. Đặc biệt, doanh nghiệp không được quảng cáo dưới hình thức bằng các bài viết của các bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh, sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân…

Đợt tiêu hủy hàng, hàng nhái cuối năm
Đợt tiêu hủy hàng giả, hàng nhái trước Tết Nguyên đán Ảnh: Hoàng Vĩnh

Hiện nay trên địa bàn Nghệ An, lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chức năng diễn ra khá phổ biến dưới các hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu sản phẩm hoặc kinh doanh đa cấp hoặc phân phối bán lẻ qua các nhà thuốc.

Chia sẻ về công tác quản lý, cấp phép, ông Đào Trọng Dũng - Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An cho biết, hầu hết các dòng sản phẩm chức năng hiện đang lưu hành trên thị trường Nghệ An đều được Cục An toàn thực phẩm cấp Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm; Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và Giấy tiếp nhận quảng cáo, Xác nhận nội dung quảng cáo, còn số ít xâm nhập vào dưới dạng tiểu ngạch hoặc hàng xách tay.

Theo thông tư 08/2013/TT-BYT, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đăng ký tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu thực phẩm chức năng. Các cơ sở hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng chỉ được phép tổ chức hội thảo, hội nghị khi đã được Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp giấy xác nhận hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên các dòng sản phẩm thực phẩm được Cục An toàn thực phẩm cấp Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm; Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và Giấy tiếp nhận quảng cáo; Xác nhận nội dung quảng cáo rất nhiều nhưng thực tế chỉ một số ít công ty quảng cáo thực phẩm chức năng thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, nhiều công ty đăng ký kinh doanh đa cấp mặt hàng thực phẩm chức năng tại Phòng Quản lý hoạt động thương mại - Sở Công thương nhưng không đăng ký tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu sản phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn tổ chức hội nghị, hội thảo quảng cáo giới thiệu sản phẩm xuống tận địa bàn các thôn xóm, phương, xã nên việc giám sát các hoạt động này luôn bị hạn chế. Và trên thực tế một số công ty, doanh nghiệp khi quảng cáo đã “thổi phồng” công dụng của thực phẩm chức năng hoặc quảng cáo nói quá giá trị của sản phẩm nên dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Tìm hiểu thực tế tại 1 số hiệu thuốc, nhà thuốc lâu năm ở thành phố Vinh cho thấy, mặt hàng thực phẩm chức năng quá đa dạng về chủng loại và sản phẩm nên việc lựa chọn mặt hàng để bán lẻ cũng là vấn đề khó. Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thị H - chủ một hiệu thuốc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai - Thành phố Vinh cho biết để thực sự có nguồn hàng yên tâm chỉ nhập của các công ty lớn, có thương hiệu và chỉ lấy những sản phẩm có đầy đủ giấy chứng nhận về tiêu chuẩn, quảng cáo của Cục An toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An.

Chia sẻ của chị H cũng là ý kiến chung của nhiều nhà thuốc. Họ còn khẳng định thực phẩm chức năng thường có hàng nhái đối với một số sản phẩm của ngoại còn đối với hàng nội, có người cho là hiếm, có người chưa thấy xuất hiện. Điều này dễ lý giải bởi có làm nhái hàng ngoại thì hành vi gian lận ấy mới nhanh chóng đem lại lợi nhuận cao bởi giá thực phẩm chức năng ngoại cao hơn nhiều so với mặt hàng trong nước.

Một nguyên nhân khác nữa là nếu bị phát hiện là hàng trôi nổi thì hàng nhái ngoại khó và chậm bị xử lý hơn bởi công ty của sản phẩm ở nước ngoài, còn đối với hàng nội nếu có hàng trôi nổi, hàng giả thì đơn vị sản xuất trong nước sẽ ráo riết chuyện tìm ra nguồn gốc sản xuất hàng nhái và vấn đề ngăn chặn không phải là quá khó.

Còn tâm lý người dùng thực phẩm chức năng thì cũng có thể chia nhiều đối tượng. Có người am hiểu vì đã có kinh nghiệm dùng lâu năm, nhưng bên cạnh đó cũng có người hoàn toàn không biết về thực phẩm chức năng, chỉ mua theo hướng dẫn của người bán hoặc theo các quảng cáo nên việc để tìm đúng thực phẩm chức năng tốt mà sử dụng là vấn đề không khỏi băn khoăn của nhiều người. Dưới nhiều dạng hàng xách tay, hàng do người đi nước ngoài về gửi bán, nhiều dạng thực phẩm chức năng đã đến với người tiêu dùng nhưng thực chất vấn đề này khó kiểm soát.

Trong khi đó, được hỏi về công tác chống hàng giả, hàng nhái năm nay, đặc biệt là dịp trước Tết Nguyên đán này, ông Trần Đăng Ninh - Phó Giám đốc Sở Công thương - Chi Cục trưởng Chi cục quản lý thị trường khẳng định cũng nổi lên vấn đề gia tăng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Điều này cũng xuất phát từ như cầu thực tế hiện nay là khi Tết đến Xuân về, nhiều người thường tìm đến mặt hàng này để mua biếu, tặng người thân, đặc biệt là tâm lý sính ngoại của nhiều người Việt.

Theo thống kê từ Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Nghệ An, thời gian gần đây, qua các đợt kiểm tra đã phát hiện nhiều mặt hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ như dung dịch Cell Pack, nguyên liệu viatmin E Actate, thực phẩm chức năng Male Max, viên uống trắng da PEARL, All Natural Maxi, Fulap Vitahty Mega, Triple Royal, Syrop Prawos, Dtaliquid Cacium Vitamin, Juvit D3, Premium Omegas 3…

Vậy làm thế nào để có thể mua và sử dụng đúng thực phẩm chức năng là vấn đề không phải dễ. Về vấn đề này, ông Đào Trọng Dũng - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An cũng đưa ra một số khuyến cáo cho người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm chức năng đó là chỉ sử dụng những sản phẩm thực phẩm chức năng được lưu hành trên thị trường theo con đường chính thống, được Cục An toàn thực phẩm cấp Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm; Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và Giấy tiếp nhận quảng cáo; Xác nhận nội dung quảng cáo và được Chi Cục An toàn thực phẩm cấp giấy xác nhận hồ sơ đăng ký tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng.

Theo ông Dũng, trước khi sử dụng cần đọc kỹ công dụng và hướng dẫn sử dụng, các khuyến cáo của nhà sản xuất. Khi sử dụng nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như trong khuyến cáo hoặc các triệu chứng bất thường khác cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phân biệt giữa thực phẩm chức năng và thuốc

Ông Đào Trọng Dũng cũng đã đưa ra một số tiêu chí để giúp độc giả dễ dàng phân biệt giữa thực phẩm chức năng và thuốc.

* Định nghĩa:Thực phẩm chức năng là sản phẩm dùng để hỗ trợ ( phục hồi, tăng cường và duy trì) các chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng cường đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Còn thuốc là chất hoặc hỗn hợp chất dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể, bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế trừ thực phẩm chức năng.

* Công bố: Với thực phẩm chức năng có công bố là thực phẩm chức năng ( sản xuất theo luật Thực phẩm), còn thuốc thì sản xuất theo luật Dược.

* Ghi nhãn: Thực phẩm chức năng ghi nhãn là thực phẩm chức năng, hỗ trợ các chức năng của các bộ phận cơ thể, còn thuốc phải ghi là thuốc, có chỉ định, liều dùng, chống chỉ định.

* Điều kiện sử dụng: Thực phẩm chức năng người tiêu dùng có thể tự mua ở chợ, siêu thị… còn thuốc phải có chỉ định, kê đơn của bác sỹ.

* Đối tượng dùng: Thực phẩm chức năng dùng cho cả người bệnh và người khỏe, còn thuốc chỉ dùng cho người bệnh.

* Điều kiện phân phối: Thực phẩm chức năng được phân phối theo dạng bán lẻ, siêu trị, trực tiếp hoặc đa cấp còn thuốc phải bán tại hiệu thuốc, cấm bán hàng đa cấp.

* Cách dùng: Việc sử dụng thực phẩm chức năng có thể thường xuyên, liên tục, không gây biến chứng nên không hạn chế dùng. Còn đối với thuốc phải dùng từng đợt, có nguy cơ biến chứng nên hạn chế dùng.

* Nguồn gốc nguyên liệu: Thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên, còn thuốc vừa có nguồn gốc tự nhiên vừa có nguồn gốc tổng hợp.

Phân loại thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật và thường được phân loại theo bản chất cấu tạo và tác dụng của chúng. Thực phẩm chức năng được phân chia thành từng nhóm:

Nhóm bổ sung vitamin và khoáng chất: Loại này phát triển ở Mỹ, Canada, các nước châu Âu, Nhật Bản… như việc bổ sung i-ốt vào muối ăn, sắt vào gia vị, vitamin A vào đường hạt, vitamin vào nước giải khát, sữa…Việc bổ sung này trở thành bắt buộc, được pháp luật hóa để giải quyết tình trạng “ nạn đói tiềm ẩn” vì thiếu vi chất dinh dưỡng ( thiếu i-ốt, thiếu viatmin A, thiếu sắt). Ví dụ như sữa bột bổ sung acid folic, vitamin, khoáng chất rất phát triển ở Mỹ, bổ sung vitamin và khoáng chất vào các loại nước tăng lực được phát triển mạnh mẽ ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc….

Nhóm thực phẩm dạng viên: Đây là nhóm phong phú và đa dạng nhất. Tùy theo nhà sản xuất, có các dạng viên nang, viên nén, viên sủi, chứa các hoạt chất sinh học, vitaminh và khoáng chất. Ví dụ viên C sủi, viên tăng lực, viên đề phòng thoái hóa khớp…

Nhóm thực phẩm chức năng “ không béo”, “ không đường”, “ giảm năng lượng”: Thường gặp ở nhóm này nhóm trà thảo dược được sản xuất, chế biến để hỗ trợ giảm cân, giảm béo, phòng chống rối loạn một số chức năng sinh lý thần kinh, tiêu hóa để tăng cường sức lực và sức đề kháng ( ví dụ: trà giảm béo, trà sâm…) các loại thực phẩm này dành cho người muốn giảm cân, bệnh tiểu đường…

Nhóm các loại nước giải khát, tăng lực: Được sản xuất, chế biến để bổ sung năng lượng, vitamin, khoáng chất cho cơ thể khi vận động thể lực, thể dục, thể thao…

Nhóm thực phẩm giàu chất xơ tiêu hóa: Chất xơ là các polysaccharide không phải là tinh bột, là bộ khung, giá đỡ của các mô, tế bào thực vật và có sức chống đỡ với các men tiêu hóa của người.

Nhóm các chất tăng cường chức năng đường ruột: bao gồm xơ tiêu hóa sinh học ( Probiotics) và tiền sinh học ( Prebiotics) đối với hệ vi khuẩn cộng sinh ruột già.

Nhóm thực phẩm chức năng đặc biệt: ví dụ thức ăn cho phụ nữ có thai, thức ăn cho người cao tuổi, thức ăn cho trẻ ăn dặm…

An Nhân

Mới nhất
x
Thực phẩm chức năng: Hiểu đúng, dùng đúng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO