Thực phẩm tăng giá: Cơ hội cho các cơ sở chăn nuôi khôi phục, tái đàn
(Baonghean) - Sau một thời gian dài im ắng, ít biến động, đến nay các mặt hàng thực phẩm gia súc, gia cầm trên thị trường tỉnh ta đã được điều chỉnh tăng giá bán. Đây là một tín hiệu khả quan trong hoạt động chăn nuôi dịp cuối năm...
Dạo qua các hàng bán thịt gà tại chợ Quán Lau, được biết hiện nay giá bán thịt gà tăng lên nhanh và tăng đều trên các loại gà. Đáng kể nhất là gà gô. Theo như chị Trần Thị Thịnh, chủ một hàng gà tươi sống, cho biết: Đến nay, giá gà gô tăng mạnh nhất, mức giá lên 30 ngàn đồng/kg, giá bán ra từ 70 ngàn nay lên 100 ngàn đồng/kg. sau gà gô là gà cỏ thả vườn, gà cỏ chưa làm thịt tăng 20 - 25 ngàn đồng/kg, giá bán 140 - 145 ngàn đồng/kg. Các loại gà công nghiệp, gà lai tăng nhẹ từ 5-10 ngàn đồng/kg. Tại các chợ đầu mối lớn như chợ Vinh, chợ Ga.. các mặt hàng thịt lợn cũng tăng từ 7-10 ngàn đồng/kg, thịt lợn thăn bán 100 ngàn đồng/kg, thịt có da bán 85 ngàn đồng/kg. Sản phẩm trứng gà, trứng vịt lộn tăng bình quân 200 đồng/quả. Theo nhận định chung thì các mặt hàng thực phẩm bắt đầu tăng lên, cho thấy nhu cầu đối với các mặt hàng này đang được khẳng định, nhất là dịp Tết.
Thực phẩm tăng giá, các cơ sở chăn nuôi khôi phục tái đàn.
Các trang trại chăn nuôi quy mô tại Hưng Lộc, Nghi Đức, Đông Vĩnh, hay các trang trại chăn nuôi tại Nam Đàn, Diễn Châu trải qua một thời gian đối mặt với khó khăn về chi phí đầu vào và giá thành hạ; nên sự tăng giá thực phẩm hiện nay được coi là tín hiệu vui. Trang trại Phạm Bình - xóm 14 - Nghi Đức quy mô trên 10 ngàn con gà công nghiệp và trên 12 ngàn con gà cỏ lai. Đây là một cơ sở chăn nuôi gà thịt tập trung, quy mô lớn, đảm bảo cung ứng cho thị trường Thành phố vinh và các vùng lân cận. Thời điểm này, cơ sở này vừa xuất bán trên 30 tấn gà thịt.
Theo phân tích của chủ trang trại Phạm Bình thì thị trường xuất bán sản phẩm gà thịt hiện nay tại cơ sở tăng gần gấp đôi, đặc biệt gà cỏ lai, giá tăng 40 ngàn đồng/kg, giá bán 100 ngàn đồng/kg, gà công nghiệp tăng 20 ngàn đồng/kg, xuất bán 50 ngàn đồng/kg. Với giá bán này, sau khi trừ đi chi phí thức ăn, con giống thì mỗi con gà xuất bán có lãi từ 10-15 ngàn đồng/kg. Như vậy, cơ sở chăn nuôi tập trung của anh đã có thể thu về lãi ròng gần 200 triệu đồng. Theo đánh giá của anh Phạm Bình thì nguồn thu nhập này chưa cao hơn mọi năm, song bù đắp lại khó khăn cho sự sụt giảm về giá cả quá lâu từ đầu năm đến nay. Hiện, nhu cầu thị trường đang khan hiếm về nguồn thực phẩm gà cỏ, cơ sở chăn nuôi của anh đã tiếp tục vào đàn 12 ngàn con gà cỏ lai để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán.
Theo chị Trần Thị Thịnh, chủ của hàng gà tươi sống ở chợ Quán Lau thì thị trường gà gô hiện rất hiếm, đây là thời điểm khó khăn nhất về sản phẩm thịt gà này. Nguyên nhân vì do việc cấm nhập lậu gà Trung Quốc, các tiểu thương buôn bán gà thịt phải ra Ninh Bình tìm kiếm hàng về bán. Sản phẩm gà cỏ thả vườn lại càng khó vì nhiều lý do như chăn nuôi không có lãi, các nguồn hàng ổn định gà cỏ lâu nay tại Thành phố Vinh, Nam Đàn, Nghi Lộc được bà con để ăn Tết, hoặc giải quyết bán lẻ nhiều lần, không chú trọng gom sản phẩm nhiều như các dịp cuối năm trước đây. Vì thế, các tiểu thương phải lăn lộn tận các vùng như Tân Kỳ, Thanh Chương, Anh Sơn để có được nhiều sản phẩm gà cỏ phục vụ cho nhu cầu của khách.
Theo tìm hiểu thì gần 1 năm trở lại đây, chăn nuôi không có lãi nên một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn Thành phố Vinh và các huyện lân cận không quan tâm đầu tư. Chỉ một số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có vốn đầu tư ban đầu lớn đã sẵn sàng chấp nhận vượt khó vươn lên để tái đàn, phát triển chăn nuôi. Đến nay, cùng với nhu cầu tất yếu của thị trường, giá thực phẩm tăng phù hợp với mặt bằng chung trong đầu tư chăn nuôi.
Trao đổi của ông Lưu Công Hòa - Trưởng phòng Chăn nuôi - Sở Nông nghiệp và PTNT, cho hay: Mức tăng giá trên các mặt hàng thực phẩm như hiện nay đang nằm trong mức độ hợp lý, cho phép, không tăng đột biến và phù hợp với xu thế thị trường. Để góp phần ổn định thị trường thực phẩm dịp cuối năm, Sở đã tăng cường phối hợp các ban, ngành chức năng giao trách nhiệm và yêu cầu UBND các huyện, thành kiểm soát việc nhập lậu thực phẩm. Đặc biệt là chương trình phối hợp với Chi cục Thú y làm việc với UBND huyện Kỳ Sơn và các xã lân cận để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhập lậu bò qua biên giới. Qua kiểm tra các chốt chặn và kiểm dịch cho thấy tình trạng chỉ tồn tại một số chuyến gà, bò Lào, Trung Quốc đổ về tỉnh ta. Tuy nhiên, số liệu chưa đến mức báo động, tỉnh cũng đã có những giải pháp xử lý kịp thời. Đến nay, có thể khẳng định tình hình gà và bò nhập lậu đã được hạn chế và đi vào ổn định, tạo niềm tin cho người chăn nuôi và người tiêu dùng về các sản phẩm chăn nuôi.
Theo các chuyên gia thị trường, thời gian tới, cùng với nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng vào dịp cuối năm, các mặt hàng thực phẩm trên thị trường tỉnh ta có thể sẽ “nhích” nhẹ, không tăng cao do thương lái sẽ cân đối trong việc ghìm giữ giá mua để tăng giá bán, tăng giá thành sản phẩm. Người chăn nuôi sẽ có cơ hội khôi phục tiếp tục ổn định, tái đàn chăn nuôi mới.
Lương Mai