Thức tỉnh lương tri
(Baonghean) - Hôm nay mới chính thức là ngày Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng suốt cả tuần vừa rồi, nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã để tang Đại tướng trong niềm tiếc thương và tôn kính vô hạn.
Trên các trang báo giấy, báo mạng, các đài phát thanh, các kênh truyền hình trong nước và nước ngoài tràn ngập thông tin, hình ảnh về con người, cuộc đời và những chiến công hiển hách cùng những lời đánh giá, phát biểu bày tỏ sự thương tiếc, khâm phục trí tuệ và nhân cách như một bậc thánh nhân của Đại tướng. Và nhiều nhất vẫn là những hình ảnh về dòng người đông đúc, đủ mọi thành phần, lứa tuổi nối nhau dưới nắng kiên nhẫn xếp hàng chờ tới lượt được vào thắp một nén tâm nhang, cúi mình trước ban thờ Đại tướng ở nhà riêng số 30, phố Hoàng Diệu, Thủ đô Hà Nội và khóc thương như khóc thương người thân yêu của mình.
Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh “vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay” thì đây là người thứ hai ở đất nước Việt Nam khi đi vào cõi vĩnh hằng đã khiến nhân dân cả nước đau buồn rơi lệ và thế giới phải nghiêng mình tiễn biệt. Và đây chính là điều đáng để suy ngẫm nhất. Vì sao một vị tướng khi qua đời lại làm rung động và thức dậy tình cảm lớn lao của cả dân tộc? Sự rung động đó đến từ những chiến công “chấn động địa cầu” hay là từ trí tuệ sáng suốt, nhân cách cao cả của Đại tướng? Dĩ nhiên là từ cả hai, nhưng chắc chắn chiếm phần lớn là từ tình cảm, tư tưởng cao đẹp của Đại tướng. Những chiến công hiển hách mà cả thế giới ngả mũ khâm phục và luôn gắn công lao hàng đầu của Đại tướng vào đó thì với Đại tướng, đó là công lao của nhân dân.
Đại tướng đã từng khẳng định và luôn khẳng định: “Trước hết là nhờ Bác Hồ, không có Bác Hồ thì không có tôi. Tiếp theo là nhờ quân, dân ta. Mình tôi thì làm được gì”. Và khi nằm trên giường bệnh, Đại tướng vẫn khẳng định “Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó”. Nhân dân luôn là trung tâm trong mọi suy nghĩ, hành động, việc làm của Đại tướng. Đây là điểm tương đồng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Võ Đại tướng - những người đã dành trọn cả cuộc đời để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân không một chút nề hà. Cho nên “Thương dân, dân lập bàn thờ”. Và như lời giáo sư Trần Văn Giàu phát biểu tại lễ sinh nhật lần thứ 90 của Đại tướng “Thế kỷ 20 khép lại, tại Việt Nam đã diễn ra biết bao nhiêu sự kiện lớn, ghi nhận biết bao nhiêu con người nhưng lắng đọng lại chỉ là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp - hai biểu tượng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20”.
Có một điều khiến nhiều người ngạc nhiên là trong dòng người đông đúc xếp hàng viếng Đại tướng có rất nhiều thanh, thiếu niên. Và giống như các bậc cao niên, những cựu chiến binh, những lão thành cách mạng là những người đã biết đến Đại tướng từ rất lâu trong cuộc đời mình, những người trẻ đó cũng vô cùng đau xót trước sự ra đi của Đại tướng. Vì sao lại có sự lạ thường đó? Cũng không có gì khó hiểu cả. Bởi với lớp trẻ, như lời lý giải của giáo sư Sử học Phan Huy Lê là: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một hình tượng trong quá khứ huy hoàng, một biểu tượng cao đẹp mà ở đó lớp trẻ thấy được ước vọng của mình là đúng, là chính đáng và có thể thực hiện.
Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lớp trẻ nhận ra không chỉ một vị anh hùng lẫy lừng với những chiến công mà là một biểu tượng của những gì tốt đẹp, đáng trân quý nhất của dân tộc Việt Nam. Đó là Biểu tượng của ý chí Độc lập - Tự do, của Nghị lực và Trí tuệ sáng tạo của dân tộc; Biểu tượng của một con người suốt đời sống và chiến đấu vì Dân, vì Nước. Qua Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những biểu tượng như vậy, lớp trẻ như tìm lại được niềm tin và lẽ sống của mình. Và con người ấy tỏa sáng bằng một nhân cách không màng đến danh lợi, rất mực trong sáng. Và Đại tướng luôn là nơi gửi gắm niềm tin kính của nhân dân cả nước. Bởi thế, khi ông ra đi, nhân dân cả nước đau đớn biết rằng dân tộc Việt Nam đã mất đi một chỗ dựa tinh thần khó có ai thay thế được. Vì thế, khi ông mất, cả dân tộc dường như đã xích lại gần nhau hơn, nắm chặt tay nhau trong đoàn kết, yêu thương, gắn bó và cũng là để phát đi một thông điệp rất rõ ràng: nhân dân luôn sáng suốt và công bằng. Và nhiều học giả, nhà nghiên cứu, tướng lĩnh và cả những người dân bình thường nữa có chung nhận định: Hành động của dân chúng trước nỗi mất mát lớn này, muốn hay không, bất kỳ ai có lương tri cũng phải có sự "thức tỉnh" ở mức độ nhất định. Chắc chắn sự rung động của cả dân tộc sẽ tác động vào họ, sớm muộn, ít nhiều sẽ khiến họ sẽ phải điều chỉnh hành vi. Tình cảm, niềm tin kính đó như một lời nhắc nhở những người ở lại phải có trách nhiệm lớn hơn với dân tộc, sống trong sáng hơn nữa để có được niềm tin của người dân.
Bằng chính nhân cách cao cả của mình, ngay cả khi không còn trên cõi đời này nữa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn làm thêm được một việc vô cùng ý nghĩa là: thức tỉnh lương tri.
Duy Hương