Thực trạng chợ nông thôn ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa
(Baonghean) - Một trong những vấn đề quan trọng nhằm kích cầu tiêu dùng và tăng nhanh sức tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là khu vực nông thôn, là phải đầu tư nâng cấp phát triển mạng lưới chợ nông thôn.
Chợ Gám (Xuân Thành – Yên Thành) liền kề với Thị trấn Yên Thành, chợ họp vào buổi chiều hàng ngày, thu hút khá đông người dân vào kinh doanh buôn bán. Hoạt động của chợ đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thế nhưng, vì che chắn tạm bợ, không có lều, ốt kiên cố, nền chợ bằng đất nên vào những ngày mưa sình lầy, bất tiện cho việc mua bán hàng hóa.
Không chỉ ở Yên Thành, mà nhiều địa phương từ đồng bằng đến miền núi, hình ảnh chợ rất “nghèo” về hình thức. Theo thống kê của Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 60% hàng hóa được lưu chuyển qua chợ nông thôn. Thế nhưng, có một thực trạng là hạ tầng tại các chợ rất yếu kém, xập xệ. Phần lớn chợ được hình thành chủ yếu trước khi có quy hoạch, nên phân bổ không đồng đều giữa các vùng; hệ thống điện, giao thông trong chợ, cấp thoát nước còn yếu kém. Hệ thống phòng cháy chữa cháy không có hoặc rất ít; vệ sinh môi trường trong và ngoài chợ chưa được quan tâm, ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hàng hóa tại nhiều chợ nông thôn vẫn chưa phong phú.
Vẫn biết thị trường nông thôn đang bị bỏ trống, nhưng theo tìm hiểu thì nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại khi mở các kênh phân phối hàng Việt cho thị trường này vì sức mua thấp nên không mấy mặn mà. Như vậy, vô hình chung các doanh nghiệp đã bỏ trống cả một thị trường rộng lớn, tạo cơ hội cho các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, chất lượng thấp tấn công và chiếm lĩnh trong thời gian dài. Chính người tiêu dùng nông thôn đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong việc được tiếp cận và sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng tốt.
Ông Trần Đức Chính - Quyền Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Nghệ An), cho biết: Do nhu cầu phục vụ tiêu dùng cho một bộ phận dân cư sinh sống trong thôn, xóm, nên nhiều chợ hình thành tự phát. Các chợ này chỉ họp vào buổi sáng (hoặc buổi chiểu), mỗi phiên chỉ diễn ra trong vài giờ, chủ yếu là các hộ nông nghiệp với các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống tự sản xuất đem đi bán, nên sản phẩm còn nghèo nàn. Sự bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý chợ đã gây nên lãng phí. Ông Chính cũng cho biết thêm, trong phát triển thương mại nông thôn chúng tôi quan tâm xây dựng chợ truyền thống theo hướng hiện đại, nghĩa là vẫn giữ nguyên thói quen mua sắm của người dân, nhưng phải có hạ tầng tốt, người tham gia kinh doanh hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, phong cách bán hàng lịch sự.
Quan điểm là vậy, nhưng để nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ nông thôn, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, kích cầu tiêu dùng trong nông thôn vẫn là câu chuyện dài. Hiện, tỉnh Nghệ An đang thực hiện chính sách đầu tư hỗ trợ xây dựng chợ nông thôn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và các quy định Nhà nước. Trong thời gian từ năm 2010 - 2015, ngoài chợ hạng I, hạng II, toàn tỉnh vẫn còn tới 325 chợ cần được đầu tư xây dựng để từng bước thay thế chợ tạm, chợ cóc, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, mở rộng hệ thống thương mại đến các vùng dân cư, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa.
Thu Huyền