Thuế chồng lên thuế

05/03/2013 10:18

Kiến nghị xem xét đánh thuế thu nhập đối với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng của chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoRea) vừa gửi lên Chính phủ với mục đích chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong đó có giải cứu bất động sản đang nhận được sự phản ứng gay gắt của dư luận, các tổ chức tín dụng và cả cơ quan thuế.

(Baonghean) - Kiến nghị xem xét đánh thuế thu nhập đối với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng của chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoRea) vừa gửi lên Chính phủ với mục đích chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong đó có giải cứu bất động sản đang nhận được sự phản ứng gay gắt của dư luận, các tổ chức tín dụng và cả cơ quan thuế.

Đề xuất này mục đích chính là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh hiện nay và thị trường bất động sản không nằm ngoài cuộc. Trả lời báo giới, mới đây, lãnh đạo HOREA cho rằng, việc người dân đem tiền gửi ngân hàng, có người gửi cả tỷ đồng, thậm chí chục tỷ đồng mà không phải đóng đồng thuế nào là "quá phi lý”. Chính vì thế, phải đánh thuế để bổ sung thêm nguồn thu cho ngân sách, khuyến khích đầu tư, thay vì gửi ngân hàng lấy lãi thì cần huy động nguồn lực làm giàu cho đất nước, cho gia đình, cá nhân.

Khi được hỏi ý kiến của mình về vấn đề này, giám đốc một ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố Vinh (xin được giấu tên) cho rằng, tiền gửi tiết kiệm của người dân được ngân hàng cho các doanh nghiệp vay để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Nếu đánh thuế sẽ khiến người dân không gửi tiết kiệm nữa, khi đó, ngân hàng lại thiếu hụt nguồn tiền gửi, lấy đâu ra nguồn vốn vay cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất. “Chúng tôi đang đưa ra nhiều giải pháp để hút vốn, tăng tiền huy động từ dân cư, các tổ chức còn chưa xong, nay lại đánh thuế thì e rằng không chỉ ngân hàng khó mà cả nền kinh tế khó. Ngoài ra, để lách luật cũng không khó, thay vì gửi 500 triệu đồng, khách hàng gửi 499 triệu đồng thì sao; hoặc tách ra gửi tại nhiều ngân hàng, làm sao để quản lý?” - vị này băn khoăn.



Hoạt động ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Nghệ An.

Bà Tạ Thị Lương - Phó phòng Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Nghệ An) cho biết: Đánh thuế lãi suất tiền gửi tiết kiệm mâu thuẫn với luật. Thuế thu nhập cá nhân năm 2012 không quy định và Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 cũng không quy định.

Anh Minh - cán bộ Ngân hàng SHB chi nhánh Nghệ An cho rằng, trên góc độ lý, là không có cơ sở để đánh thuế, nếu muốn tính thuế thì lại phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Trên phương diện tình thì tiền gửi tiết kiệm phần lớn là khoản tích lũy của cá nhân, tiền lương, lương hưu, là mồ hôi của người dân dành dụm để đầu tư cho con cái học hành, phòng khi bất trắc… Tại ngân hàng SHB chi nhánh Nghệ An từ đầu năm đến nay huy động đạt gần 1.400 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là của người dân tiết kiệm, khoản gửi nhỏ; có không nhiều các khoản của các tổ chức, doanh nghiệp và các khoản lớn thì hầu hết là gửi không kỳ hạn, tạm thời nhàn rỗi phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh. “Năm 2012 lạm phát đạt 8,4%, lãi suất tiết kiệm hiện chỉ 8%, gửi tiết kiệm hiện nay khó có thể coi là kênh đầu tư tốt và nhiều người đã có xu hướng không gửi tiết kiệm mà đầu tư vào vàng, đô la. Giả sử đề xuất của Hiệp hội bất động sản được thực hiện, rất có thể dòng tiền tiết kiệm ngân hàng sẽ được người dân đầu tư sang đô, vàng và nếu như thế, sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều cho nền kinh tế”, đại diện Ngân hàng SHB chi nhánh Nghệ An bình luận.

Ông S. - một cán bộ hưu trí ở khối Yên Bình (Hưng Phúc - TP. Vinh) chia sẻ: Sau khi về hưu vợ chồng ông tiết kiệm được một khoản, cùng với tiền của các con ở nước ngoài gửi về biếu bố mẹ phụng dưỡng tuổi già, số tiền gần 1 tỷ đồng này ông bà đem gửi tiết kiệm, vừa an toàn, vừa sinh lãi. Nếu đánh thuế số tiền này ông cho là không hợp lý.



Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm liệu có phá được “tảng băng” thị trường bất động sản (ảnh có tính minh họa). Ảnh: HOÀNG VĨNH

Thực tế, hầu hết người dân lao động, cán bộ công chức, hưu trí không biết kinh doanh mới đem tiền tích lũy được đi gửi tiết kiệm ngân hàng và không thể khuyến khích họ đem vốn ra kinh doanh, sản xuất được. Vả lại, người dân đã phải chịu một lần thuế thu nhập cá nhân, rồi nay lại đóng thêm thuế thu nhập từ đồng tiền tích lũy, là “thuế chồng lên thuế”. Khi được hỏi về tính khả thi xung quanh kiến nghị của Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An xin không đưa ra bình luận gì thêm về vấn đề đánh thuế tiền gửi ngân hàng, mà chỉ cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã bàn kỹ càng tại Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Chỉ đạo này đã được ban hành kịp thời với những giải pháp hợp lý, đồng bộ. Như vậy, triển khai tích cực, quyết liệt Nghị quyết 02, bức tranh kinh tế - xã hội sẽ được cải thiện, còn nếu đánh thuế thêm cả tiền gửi tiết kiệm thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động huy động vốn và cho vay của các ngân hàng. Và như vậy, huyết mạch của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh càng khó khăn hơn và tảng băng bất động sản lúc này không những không tan mà còn có khả năng càng đông cứng.


Bài, ảnh:Thu Huyền

Mới nhất
x
x
Thuế chồng lên thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO