Thuê, mua là giải pháp tích tụ ruộng đất hiệu quả
Tích tụ ruộng đất là xu hướng tất yếu để tiến tới sản xuất hàng hóa. Từ thực tiễn sản xuất đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, cho doanh nghiệp thuê đất là hình thức khá hiệu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (CAP) nhận xét, hiện đang có những tranh luận về phương hướng tái phân bổ ruộng đất. Một bên là quan điểm cho rằng, để gia tăng hiệu quả kinh tế thì nhất thiết cần có tích tụ ruộng đất (TTRĐ) vào tay những người làm nghề nông giỏi. Do đó, cần có chủ trương và chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình TTRĐ, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, thúc đẩy cơ giới hóa. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, chủ trương và chính sách về đất nông nghiệp cần hướng tới đảm bảo sinh kế cho mọi nông dân.
Cân đong hiệu quả xã hội và kinh tế
TS. Nguyễn Trung Kiên, chuyên gia của CAP cho biết, tổng diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam là 9,4 triệu hecta, bình quânchỉ 1.560,4m2/người, chưa bằng 1/3 so với Thái Lan và Campuchia. Hiện, 70% số hộ ở nông thôn có diện tích đất nông nghiệp dưới 0,5ha; số hộ có trên 3ha chỉ chiếm 2%. Hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp đang tụt hậu so với các nước trong khu vực, bình quân thu nhập của mỗi lao động làm nông nghiệp ở Việt Nam đạt chưa tới 400 USD/năm, thấp hơn cả Lào và Campuchia.
Diện tích nhỏ thì số ngày công lao động trên một đơn vị diện tích tăng, khó áp dụng cơ giới hóa một cách đồng bộ. Nghiên cứu cho thấy, hộ nông dân có diện tích đất canh tác càng thấp thì chi phí sản xuất càng tăng. Với hộ có dưới 0,2ha, chi phí đầu tư sản xuất 1kg lúa hết 2.000 đồng, trong khi hộ có trên 3ha, chi phí chỉ hết 1.500 đồng. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ khiến cho việc tổ chức sản xuất, tổ chức ngành hàng và liên kết chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, không tạo được quy mô sản xuất lớn, chất lượng hàng hóa không đồng đều, gây phức tạp cho công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh, tăng chi phí sản xuất và chi phí giao dịch thương mại.
Ở Việt Nam có 3 nhóm TTRĐ đang diễn ra. Đó là, chuyển dịch giữa nông dân với nông dân bằng 2 hình thức: dồn điền đổi thửa hoặc nông dân mua, thuê lại đất của nhau. Nhóm TTRĐ thông qua hợp tác xã gồm 2 loại hình: hộ nông dân cùng góp đất để sản xuất, hoặc hộ nông dân không góp đất nhưng thống nhất về định hướng thị trường, đầu vào, đầu ra, phương thức canh tác. Nhóm TTRĐ thông qua các công ty, doanh nghiệp (DN) nông nghiệp gồm 3 hình thức: nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất, DN thuê lại đất của nông dân và mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Theo bà Lê Thị Kim Dung, đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam, qua nhiều mô hình TTRĐ đã được khảo cứu, thấy dồn điền đổi thửa chỉ làm giảm số thửa ruộng của mỗi nông dân chứ không tăng được quy mô đất canh tác. Mô hình cánh đồng mẫu lớn vẫn lúng túng trong quản lý từ khâu sản xuất đến thị trường. Với TTRĐ giữa nông dân và doanh nghiệp, nhiều mô hình nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất đã được triển khai nhưng hầu như chưa đạt được hiệu quả về kinh tế. Chỉ có thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì đất tích tụ mới được khai thác hiệu quả.
Đơn cử như tại xã Lương An Trà (Tri Tôn - An Giang), từ nhiều năm qua đã diễn ra quá trình TTRĐ một cách tự phát, nông dân mua đất canh tác của nhau. Đến nay, tỷ lệ hộ không có đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã này là 70%, những hộ có trên 10ha đất chiếm trên 5% tổng số hộ, có những hộ tích lũy được tới hơn 100ha đất. Vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh hiện tượng này khi trên thực tế, một số nông dân vì nhiều lý do mà rơi vào cảnh bần cùng hóa, phải bán hết đất canh tác nhưng phải khẳng định rằng, quá trình TTRĐ ở đây đã giúp cơ giới hóa phát triển rất nhanh. Hiện, xã Lương An Trà có 600 máy cày, 28 máy gặt đập liên hợp. Năng suất lao động tăng lên rõ rệt, giảm được chi phí sản xuất, trước đây gặt thuê cắt bằng tay hết 120.000 đồng/1.000m2, nay thuê máy gặt chỉ mất 70.000 đồng.
DN thuê đất của nông dân: Lợi đôi đường
Theo đánh giá, mô hình DN thuê đất của nông dân, sau đó nông dân lao động cho DN, khá thành công. Điển hình như Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn thuê đất của nông dân tại xã Vân Sơn (Triệu Sơn - Thanh Hóa) trong vòng 20 năm. Đến nay, đã có 492 nông dân cho công ty thuê đất với diện tích 76ha để tổ chức quy hoạch thành vùng trồng mía rộng lớn. Nhờ vậy, chi phí sản xuất mía giảm từ 8,5 triệu đồng/ha xuống còn 3,8 triệu đồng/ha, năng suất tăng gấp hai lần so với trước đây. Nông dân vừa được công ty trả tiền thuê đất, vừa được trả công lao động. Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 100% nông dân cho thuê đất có thu nhập cao hơn so với trước và so với nhóm hộ tự sản xuất.
DN tư nhân Phong Thủy ở Đức Trọng (Lâm Đồng) thuê đất của nông dân với giá 5 triệu đồng/sào/năm (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2), triển khai canh tác giống rau cao cấp, rau thương phẩm theo mô hình công nghệ cao. DN tư nhân Phong Thủy sử dụng 130 lao động là chính những nông dân mà họ thuê đất, với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Trong khi trước đây, thu nhập của nông dân không quá 5 triệu đồng/năm.
Nghiên cứu cho thấy, hầu hết các mô hình TTRĐ sản xuất quy mô lớn đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn khi chuyển từ đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác theo nhu cầu thị trường. Khi DN thuê đất, giá thuê được thỏa thuận sát với thị trường hơn (khoảng 3-5 triệu đồng/ha/năm); trong khi ở các mô hình góp vốn bằng đất canh tác thì các công ty áp đặt giá trị quyền sử dụng đất với giá quá thấp (chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha cho khoảng thời gian 50 năm hoặc vĩnh viễn). Vì mất tiền để thuê đất, các DN phải tìm cách đầu tư sao cho hiệu quả. Còn nông dân góp vốn bằng đất, lợi nhuận cùng chia, lỗ cùng chịu nếu DN thiếu năng động.
Để quá trình TTRĐ diễn ra hiệu quả, vừa hướng đến sản xuất lớn, vừa đảm bảo sinh kế cho nông dân, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết, Nhà nước nên xem xét rút đất từ nông - lâm trường để phục vụ cho các dự án phát triển nông nghiệp, tránh lấy đất của dân. Cần điều chỉnh chính sách an ninh lương thực theo hướng linh hoạt hơn để khuyến khích động cơ TTRĐ, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi đất trồng lúa sang các cây trồng khác có giá trị cao hơn tại các vùng không có lợi thế cạnh tranh về cây lúa. Cần bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng, bỏ thuế vượt hạn điền và thay bằng đánh thuế tài nguyên đối với đất nông nghiệp. Thực tế, từ tình huống nông dân mua đất của nông dân tại xã Lương An Trà, thấy các hộ thường lách luật vượt hạn điền bằng cách nhờ người thân đứng tên. Điều này dẫn đến gia tăng rủi ro cho các hộ vượt hạn điền, gia tăng tranh chấp đất đai.
Theo Kinh tế nông thôn