Thung lũng Tung Coong

15/03/2015 09:42

(Baonghean) - Người dân những bản lân cận gọi thung lũng thuộc xã Chi Khê (Con Cuông) là Tung Coong hoặc Thung Coong. Vùng đất rộng chừng 200 hecta, với núi cao bao quanh và hàng chục căn chòi nhỏ của dân bản ở rẫy trồng mía, nuôi trâu bò và gà. Gần 40 năm về trước, người ta bắt đầu khai phá thung lũng này. Cách đây 15 năm Nhà máy đường Sông Lam phát triển vùng nguyên liệu mía, cây chủ lực của cả vùng.

Còn nhớ ngày ấy, người dân hào hứng với cây mía lắm. Dân bản vẫn quen trồng mía trong vườn, mỗi nhà vài khóm nhưng để ăn và buộc vào chân bàn thờ ngày Tết. Lần đầu tiên người ở đây nghe nói sẽ có nhà máy đến hợp đồng thu mua, chẳng phải lụy tư thương như hạt ngô, củ lạc. Người ta lại còn mở hẳn một con đường vào Tung Coong cho ô tô tải đến chở mía. Xem chừng, cây mía sẽ làm thay đổi cái thung lũng này. Dân bản sẽ giàu lên cho coi. Nghĩ vậy, nên người ta hăng hái làm đất trồng mía. Nhà đất ít trồng dăm bảy sào, nhiều thì một vài hecta. Cũng là lần đầu tiên, máy làm đất về thung lũng. Vậy là cây mía đã mang quá nhiều thứ “đầu tiên” đến thung lũng Tung Coong. Hồi ấy, thung lũng nhỏ suốt ngày vang tiếng máy cày, máy xúc mở đường. Đường mở đến đâu, lòng người như mở cờ ở đó. Chỉ trong vài tháng, một vùng đất hoang vu vốn chỉ trồng ngô, lạc, năng suất và giá cả đều thấp bỗng thành vùng nguyên liệu mía. Khắp thung lũng là cả một màu xanh hy vọng.

Rẫy mía chỉ có lác đác người đi đốn.
Rẫy mía chỉ có lác đác người đi đốn.

Tôi đi học xa và công việc cuốn tôi theo một nhịp sống khác, hối hả hơn, cũng khác hoàn toàn với cái thung lũng nhỏ này. Theo năm tháng, những vết chai trên tay tôi cũng dần phai mờ. Tôi mang theo ký ức tháng ngày lam lũ, về những bàn chân trần con gái núi bám chặt bùn đất với cái gùi nặng trịch trên lưng. Và màu xanh cây mía giữa thung lũng trở thành một ký ức đẹp. Hôm nay, tôi không đi trên con đường dốc núi quen thuộc từ bản vào thung lũng nữa. Đã có con đường rải nhựa từ Quốc lộ 7 vào Tung Coong. Tôi chạy xe và hình dung về màu xanh của mía với một niềm háo hức. Con đường nhựa vừa chạm đến vùng nguyên liệu mía rồi cụt ngủn. Tất cả đường ngang ngõ tắt trong thung lũng vẫn còn là đường đất gồ ghề đá lớn, đá nhỏ. Tôi ngó lên những ngọn đồi thấp. Trên những vạt mía đã đốn, người ta đang cày đất để trồng vụ sau. Ngoài cây mía, thung lũng giờ đã có thêm màu xanh cây keo, cây sắn. Vậy là đất này đã có thêm những màu xanh khác.

Tôi đứng ngắm vạt sắn mới trồng của ông Lữ Văn Hường ở bản Nam Đình (Chi Khê – Con Cuông). Những cây sắn non đang đâm lá non. Ông Hường năm nay mới ngoài 50 tuổi, ở rẫy cũng hơn 20 năm nay rồi, vốn là người cùng bản, ông gọi tôi ghé thăm căn chòi. Thấy tôi tần ngần trước vạt sắn, ông Hường như hiểu ra liền nói ngay: “Cây mía giờ không ăn thua! Nhiều nhà đã chuyển sang trồng sắn…”. Rồi ông khoe gia đình đã thu hoạch được 2 vụ sắn, mỗi vụ đều kiếm được 27 triệu. Tiền tươi thóc thật. Người thu mua về bốc sắn, cân tại rẫy, trả tiền luôn. Khỏe hơn trồng mía. Trồng sắn lại chẳng tốn nhiều công chăm sóc như cây mía, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu ít hơn. Xét về cái lợi trước mắt sắn vẫn hơn mía. Nhà ông còn một rẫy keo nữa, chỉ gần 4.000 m2 nhưng năm rồi cũng thu được hơn 30 triệu.

Gần rẫy ông Hường là vườn mía khoảng nửa hecta của gia đình ông Lô Phương. Trên rẫy có lác đác vài người ngoài bản vào chặt mía giúp vừa lấy ngọn mía về cho trâu bò. Một người đốn mía cho hay, những năm trước ra tết dân bản còn chưa cấy xong nên nhu cầu cỏ cho trâu bò cày ruộng vẫn lớn, các rẫy mía đều đông người đến chặt hộ. Năm nay cấy xong trước Tết chẳng còn mấy ai đi kiếm cỏ cho trâu nữa. Lực lượng nhân công đều phải dựa vào anh em họ hàng và tổ nhóm liên gia. Dẫu đã có thâm niên trồng mía hàng chục năm, bà con ở Tung Coong vẫn rất thụ động về nguồn nhân lực, nhất là khi thu hoạch mía. Năm nay ít người đi lấy ngọn mía cho trâu nên có nhà phải chặt hàng chục ngày liền mới xong. Mới non trưa mà rẫy mía đã thưa vắng người. Chỉ còn lại gia chủ và một vài người họ hàng ở lại đốn mía. Một thiếu phụ trẻ góp chuyện: “Cứ như thế này, có khi cả tuần chưa chắc đã đốn hết vạt mía”.

Cách rẫy mía nhà ông Lô Phương chừng 5 phút đi bộ là điểm tập kết của anh Vi Hiền. Tôi tới nơi cũng vừa lúc có xe nhà máy đường đến chở mía. Đống mía tập kết về ước chừng chỉ hơn 5 tấn nhưng cần đến một lượng nhân lực gần chục người để chuyển lên ô tô. Đã ngoài 60 tuổi, ông Quang Văn Hoa có rẫy cách nhà anh Hiền hơn nửa cây số vẫn phải đến hỗ trợ. Ông phân bua: “Ra tết, thanh niên trong bản lên đường đi miền Nam kiếm tiền. Ở lại chỉ còn ông già bà cả nên mình mới phải làm việc nặng nhọc vậy đó. Hầu như nhà trồng mía nào cũng thiếu người”. Từng ở rẫy trồng mía nên tôi hoàn toàn hiểu được tâm sự của những người dân trồng mía một nắng hai sương như lão nông Quang Văn Hoa. Từ khi trồng cho đến ngày thu hoạch mất cả năm trời. Trong một năm ròng rã hết làm cỏ đến bóc bẹ lá rồi phun thuốc trừ rầy. Cũng như làm ruộng, người trồng mía chẳng có kỳ nông nhàn.

ÔNg Quang Văn Hoa đã 60 tuổi vẫn phải bốc mía
Ông Quang Văn Hoa bốc mía

Trong lúc ngơi tay, ông Lương Văn Thành, một hộ trồng mía từ những ngày đầu mới phát triển vùng nguyên liệu mía cho hay: Qua nhiều năm sử dụng chỉ một vài giống mía, nay đã thoái hóa, đất đai cằn cỗi, cây mía còi cọc, năng suất giảm sút. Trong khi đó giá mía mấy năm gần đây liên tục giảm. Vụ mía này, giá trần là hơn 800.000 đồng mỗi tấn, đó là với mía loại 1, trong khi cả vùng nguyên liệu mía may ra chỉ có một vài đám được loại 1. Có nhà bị xếp loại thấp, chỉ được 650.000 đồng mỗi tấn. Trong khi đó, thuốc trừ sâu, phân bón thì qua bao nhiêu năm vẫn giữ nguyên giá. Trừ tiền nhân công, tiền phân bón, thuốc trừ sâu, lại còn thêm khoản ứng tiêu Tết nữa, có nhà đến khi nhận tiền mía chỉ còn dư lại chút ít!

Anh cán bộ nông vụ của nhà máy đường có mặt để làm thủ tục cho xe chuyển mía đi, góp chuyện rằng qua nhiều năm sử dụng, giống mía đang dần thoái hóa. Nhà máy đường đang ươm giống mới ở xã Thọ Sơn (Anh Sơn), nhập từ Thanh Hóa về, nhưng ít nhất 2 năm nữa mới có giống mới. Dẫu sao thì thứ cây trồng có vị ngọt này đã bám trụ ở thung lũng 15 năm nay và làm ít nhiều đổi thay cuộc sống của người dân nơi đây. Có thể nói, đó cũng là một thành công. Do đó, người dân Tung Coong rất gắn bó với cây mía…

Có một điều trăn trở đã nhiều năm nay của người dân làm nông nghiệp ở thung lũng Tung Coong, đó là nguồn nước sinh hoạt. Cái thung lũng rộng hàng trăm hecta chỉ có một nguồn suối nhỏ ở cuối thung lũng. Người dân có nghĩ đến một con đập ngăn nơi nguồn suối chính của thung lũng để cung cấp nước đến các hộ dân làm rẫy và trang trại trong thung lũng. Nhưng họ chỉ dám mơ ước mà thôi, bởi một công trình hàng tỷ đồng như vậy vượt quá sức của họ. “Nếu có nước về chắc chắn thung lũng này sẽ thành bản”, ông Thoan nói trong làn khói thuốc mơ màng… Nói rồi, ông phóng tầm mắt qua ngút ngàn màu xanh của mía, rừng cây, núi đá. Đó là phút giây nhàn nhã hiếm hoi trong ngày của những người trồng mía nơi đây!

Hữu Vi

Mới nhất
x
Thung lũng Tung Coong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO