Thương hiệu "Nghệ" qua các kỳ SEA Games

17/06/2015 16:43

(Baonghean) - Bên cạnh những môn thể thao gây ấn tượng mạnh, tạo được những kỳ tích qua các kỳ SEA Games, bóng đá là bộ môn thu hút được nhiều người theo dõi nhất. Trong mỗi chiến công của môn thể thao vua này, luôn in đậm dấu ấn của những cầu thủ xứ Nghệ...

Từ những kỳ tích

Từ khi ra đời vào năm 1959 (Việt Nam là 1 trong 6 nước thành viên sáng lập), SEA Games đã được coi là phương tiện để củng cố mối quan hệ giữa các nước trong khu vực cũng là dịp tốt để rèn luyện, nâng cao trình độ thi đấu thể thao của các VĐV trong khu vực Đông Nam Á.

Trong những kỳ SEA Games đầu tiên, Việt Nam đã đạt được một số thành tích, nổi bật ở các môn: bóng bàn, bắn súng, quần vợt, bơi, xe đạp, bóng đá (vô địch năm 1959), bóng chuyền nam (vô địch năm 1967). Sau khi vắng mặt một thời gian, đến năm 1989, Việt Nam mới trở lại tham dự sân chơi này. Sự có mặt của đoàn thể thao Việt Nam tại kỳ SEA Games lần thứ 15, khi nước nhà thống nhất, non sông thu về một mối, đã thể hiện tình hữu nghị, hòa bình, ổn định của khu vực Đông Nam Á. Ở lần trở lại này, đoàn thể thao Việt Nam đã đoạt 19 huy chương (3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ), xếp vị trí thứ 7/9 nước tham dự. Kể từ đây, thể thao Việt Nam ngày càng phát triển với những tiến bộ vượt bậc qua từng kỳ SEA Games. Đến năm 2003, Việt Nam lần đầu tiên vinh dự được đăng cai tổ chức SEA Games 22 tại Thủ đô Hà Nội. Kết quả, Việt Nam dẫn đầu với 340 huy chương (156 HCV, 91 HCB, 93 HCĐ). Cũng từ kỳ SEA Games này, thể thao Việt Nam luôn giữ vững vị trí tốp 3 quốc gia đứng đầu khu vực.

Không chỉ giữ vững ở vị trí tốp đầu, thể thao Việt Nam còn bắt đầu “thống trị” những môn thể thao chính thức của Olympic như điền kinh, bơi lội... những môn mà trước đó thể thao Việt Nam chỉ tham dự với mục đích “học hỏi”. Có thể kể đến các VĐV xuất sắc đang tham dự kỳ SEA Games 28 lần này như: “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên; “rái cá” Hoàng Quý Phước; VĐV đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc và chắc chắn sẽ còn rất nhiều tấm HCV, những kỷ lục mới sẽ được bổ sung vào bộ sưu tập của các VĐV Việt Nam tại kỳ SEA Games 28 đang diễn ra, nhưng phía sau những nụ cười, niềm vinh quang đem về cho Tổ quốc, thì những tấm huy chương đoạt được đều in đậm dấu ấn mồ hôi, công sức, ý chí, khát vọng, nước mắt hạnh phúc, thậm chí là cả những tủi hờn của các VĐV, HLV.

Đến dấu ấn Nghệ An

Tại các kỳ SEA Games, bên cạnh niềm vui với số huy chương ngày càng tăng dần trên bảng tổng sắp của đoàn thể thao Việt Nam, CĐV xứ Nghệ còn có một niềm vui nữa là dõi theo các bước chạy của các cầu thủ xứ Nghệ trong màu áo đội tuyển quốc gia trước đây, và sau này là U23. Người hâm mộ bóng đá Nghệ An chưa thể quên được hình ảnh Văn Sỹ Hùng với màn trình diễn rực sáng tại SEA Games 1997 khi ghi 2 bàn giúp đội tuyển Việt Nam thủ hòa chủ nhà Indonesia 2-2 ngay tại “chảo lửa” Senayan. Khi đó, những pha đi bóng lắt léo của “Little boy” như cách ví von của báo giới khu vực sau giải đấu đã làm rối loạn hàng phòng ngự gồm toàn các hậu vệ cao lớn của Indonesia. Hay những cú xoạc bóng đầy dũng mãnh của trung vệ thép Hữu Thắng, rồi màn đua tốc độ dọc biên của tiền vệ Trường “trâu”... đã góp phần giúp đội tuyển Việt Nam đoạt HCĐ SEA Games 1997, HCB SEA Games 1999... Đến kỳ SEA Games 28 này, CĐV xứ Nghệ lại ngất ngây với màn trình diễn của Công Phượng, Phi Sơn, Mạnh Hùng, Ngọc Hải... trong màu áo U23 Việt Nam.

Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An là bệ phóng cho những tài năng bóng đá. Ảnh: t.h
Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An là bệ phóng cho những tài năng bóng đá. Ảnh: TH

Để có được những cầu thủ tỏa sáng tại SEA Games và các đấu trường châu lục, ngoài sự góp mặt của các cầu thủ đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, không thể không nhắc đến Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An. Ra đời cách đây 19 năm, đến nay, giải đấu này đã trở thành sân chơi thực sự bổ ích cho các cầu thủ nhí khắp mọi miền quê xứ Nghệ. Từ giải đấu này, nhiều tài năng bóng đá trẻ đã được phát hiện, được các lò đào tạo trên khắp cả nước tuyển chọn, huấn luyện và trở thành những “ngôi sao” bóng đá. Đến nay, tuyển thủ quốc gia Lê Công Vinh vẫn không quên lần đầu tiên được đến TP. Vinh, được đi ăn kem và ngủ khách sạn khi đội bóng NĐ Quỳnh Lưu lọt vào vòng chung kết. Hay tiền đạo Công Phượng vẫn nhớ như in hình ảnh người thầy đầu tiên là Trương Quang Vinh đã chọn mình vào đội NĐ Đô Lương tham dự Cúp Báo Nghệ An năm 2005....

Từ Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An, nhiều tài năng bóng đá trẻ tỉnh nhà đã trở thành những tuyển thủ quốc gia. Từ những bàn chân trần chơi bóng bên bãi bồi sông Lam hay trên những cánh đồng khô nứt nẻ sau các mùa gặt, đến nay, họ đã in dấu giày trên các sân cỏ của các đấu trường quốc tế. Đó cũng chính là động lực để các cầu thủ nhí tham dự Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An lần thứ 19 sẽ thi đấu hết mình để tỏa sáng và lọt vào “mắt xanh” các HLV của các lò đào tạo trẻ, để nuôi ước mơ trở thành những ngôi sao bóng đá như các lớp đàn anh đi trước.

Chính những giải đấu phong trào, được xã hội hóa như Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An, là cơ sở, nền tảng để thể thao Việt Nam tiếp tục phát triển, nâng cao hơn nữa thành tích thi đấu, trở thành một trong những quốc gia có nền thể thao phát triển ở châu lục và thế giới.

Đức Dũng

Mới nhất
x
Thương hiệu "Nghệ" qua các kỳ SEA Games
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO