Thương nhau cho đúng
(Baonghean) - Đã là đồng chí với nhau thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải thương yêu nhau, không được ghét bỏ nhau....
(Baonghean) - Đã là đồng chí với nhau thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải thương yêu nhau, không được ghét bỏ nhau. Vậy nhưng, trong sinh hoạt tự phê bình, phê bình hiện nay vẫn có những người do mâu thuẫn cá nhân đã phê bình đồng chí mình với thái độ “ghét nhau”. Bởi “ghét nhau” nên người phê bình tìm cách moi móc những khuyết điểm nhỏ nhất để làm mất uy tín của người bị phê bình. Nhưng tập thể luôn có con mắt tinh tường, nhìn thấu đáo bản chất từng con người, không để ai bôi nhọ người tốt. Bởi vậy, người mất uy tín chính là người phê bình chứ không phải là người bị phê bình.
Đối lập với kiểu phê bình trên là cách phê bình nể nang né tránh, vòng vo, không nói thẳng khuyết điểm của đồng chí mình. Sống trong tập thể luôn có quan hệ với nhau cả về quyền lợi và tình cảm nên khi phê bình thường rất “khó nói”. Biết là đồng chí mình mắc khuyết điểm nhưng vì người đó đã giúp đỡ mình nhiều trong cuộc sống nên không nỡ đưa ra phê bình trước tập thể. Trong sinh hoạt hàng ngày, hợp tính nhau thì chơi thân với nhau, nhưng khi bạn mình mắc khuyết điểm thì không dám phê bình vì sợ mất tình cảm. Có trường hợp chi bộ họp kiểm điểm một đảng viên mắc sai phạm, sau cuộc họp, bí thư chi bộ hỏi một số đảng viên sao không phát biểu thì họ thản nhiên trả lời: “Hàng ngày đi uống cà phê với nhau nên ra giữa cuộc họp khó nói”. Nhiều trường hợp biết đồng chí mình mắc sai lầm, khuyết điểm nhưng do lòng thương cảm nên không nỡ phê bình hoặc phê bình một cách chiếu lệ, thậm chí có người còn biện bạch bao che khuyết điểm cho đồng chí mình.
Tự phê bình, phê bình không được có thái độ “ghét nhau” nhưng cũng không vì quan hệ quyền lợi cá nhân và tình cảm riêng tư mà bao che khuyết điểm cho nhau. Thái độ phê bình đúng đắn là phải xuất phát từ nguyên tắc tổ chức Đảng trên cơ sở tình thương yêu đồng chí để phê bình nghiêm túc, có lý, có tình. Biết đồng chí mình có sai lầm, khuyết điểm cứ thẳng thắn nói ra với thái độ chân tình, thông cảm để giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải có tấm lòng coi khuyết điểm của đồng chí như khuyết điểm của chính mình thì mới có thể giúp nhau cùng tiến bộ.
Phương ngôn hiện đại có câu: “Thương không đúng thì hại người, ghét không đúng thì hại mình”. Câu phương ngôn ấy rất đúng với hai kiểu phê bình trên đây.
Trần Hồng Cơ