Thương nhớ Hữu Khuông

27/01/2014 22:20

(Baonghean) - Cái bản làng nhỏ ấy hiện dần trong hơi sương của một buổi chiều cuối năm buốt giá, khi con thuyền cập bờ, các em học sinh nhỏ chạy ùa ra đón chúng tôi, gương mặt rạng rỡ, mong chờ…

Xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương nằm biệt lập giữa núi rừng vời vợi, giữa lòng hồ Bản Vẽ xanh ngắt, lác đác những mái nhà lợp lá cọ, vách nứa chênh vênh. Khung cảnh vừa yên bình, tĩnh lặng, nhưng cũng đặc biệt khó khăn, thiếu thốn. Xã có 554 hộ, thì có tới 520 hộ là hộ nghèo, chiếm tới hơn 90% số hộ trên địa bàn. Không điện, không đường giao thông, không chợ, và không có sóng liên lạc. Bà con dân tộc Thái, Mông, Khơ mú nơi đây sống chủ yếu tự túc, tự cấp. Tất cả mối liên hệ với cuộc sống nhộn nhịp, hối hả từng ngày ngoài kia chỉ trông chờ vào những chuyến đò trên lòng hồ Bản Vẽ chạy vào. Có lẽ cũng bởi vậy mà ở Hữu Khuông, bà con mong mỏi, vui mừng biết bao khi có sự ghé thăm của những người khách dưới xuôi, đơn giản, chỉ để thổi vào cuộc sống một luồng không khí mới, ấm áp, vui tươi.

Thuyền chở quà tặng cập bản Con Phen, Hữu Khuông, Tương Dương.
Thuyền chở quà tặng cập bản Con Phen, Hữu Khuông, Tương Dương.

Con thuyền chở chúng tôi cập bờ vào bản Con Phen, trung tâm xã Hữu Khuông. Các em học sinh chạy ùa ra đón, quây tròn xung quanh các anh, các chị của CLB Ảnh xứ Nghệ, hồn nhiên, vô tư trước ống kính. Sự chào đón của các em học sinh và thầy cô khiến tất cả chúng tôi quên hết đi bao mệt nhọc của một chặng đường dài. Đây là chuyến đi thiện nguyện “Hơi ấm miền biên giới”, trao quà cho các em học sinh và bà con dân bản Hữu Khuông, nhằm góp “một hơi ấm, một nhịp tim” của những tấm lòng yêu thương chia sẻ khi cái tết đang đến gần.

Áo mới cho các em học sinh.
Áo mới cho các em học sinh.

Mỗi người một tay, giúp vận chuyển hàng hóa vào bờ, 300 đôi dép, 300 chiếc mũ len, và 297 chiếc áo ấm mới của người mẫu, diễn viên Huỳnh Trang Nhi gửi CLB Ảnh xứ Nghệ mang về tặng các em học sinh vào dịp mùa xuân về. Vậy là các em đã được ấm thêm trong mùa đông lạnh. Em Lô Thị Lê (Lớp 6A, Trường THCS Hữu Khuông) mân mê gấu áo, ngượng ngùng khi các anh chị hỏi chuyện: “Ở trường em, nhiều bạn nhà nghèo lắm, nhưng bạn nào khó khăn hơn, thì dành tặng cho bạn ấy, bạn nào học giỏi cũng được tặng quà”. Nhìn các em nhỏ cười thật tươi khi đón nhận tấm áo mới, biết sẻ chia cho nhau từng cái bóng bay nhỏ xíu để chơi chung, ai nấy đều cảm thấy mình đã làm được điều có ý nghĩa và được nhận lại từ các em nhiều hơn thế.

Bởi nó gợi nhắc cho tất cả chúng tôi về tuổi thơ của mình, về mong ước của ngày tết xưa, có quần áo mới, có kẹo bánh, và thật nhiều bong bóng để thổi… Đánh thức trong chúng tôi những niềm vui giản dị, an nhiên dường như bị bỏ quên giữa cuộc sống đầy lo toan, bon chen mỏi mệt của người trưởng thành. Để tìm thấy bao ước mơ vẫn còn dang dở, bao nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ, nhớ bà tưởng chừng thật vô lý khi vừa mới đặt chân lên mảnh đất xa lạ này. Các em, rồi cũng sẽ lớn lên, trong số đó, ai sẽ đi xa, ai sẽ ở lại với bản làng bé nhỏ của mình? Nhưng chắc chắn, các em đã có một tuổi thơ dù nghèo khó, thiếu thốn nhưng trong lành và chân thật, điều đó sẽ nâng đỡ các em trong suốt quãng đường dài sau này, như chính chúng tôi…

Quà tết trao về tận tay cho những bà con dân bản khó khăn nhất của xã Hữu Khuông là gạo, dầu ăn, nước mắm, muối, bột canh, bột ngọt và bánh kẹo, cùng với quần áo ấm cũ. Những vật phẩm thiết yếu hằng ngày bà con Hữu Khuông đang cần nhất, trong hoàn cảnh sống biệt lập ven lòng hồ… Ông Pịt Văn Quyên (70 tuổi) ở bản Con Phen phấn khởi ôm túi quà trong tay, nói tiếng Kinh vẫn còn chưa sõi: “Thế này là có đồ ăn tết rồi, vui lắm, cảm ơn mọi người nhiều lắm, nhà nghèo quá mà, 2 vợ chồng già rồi, không biết làm chi để sống, các con đi lấy vợ, lấy chồng hết rồi”.

Tôi đã nhiều lần lên các vùng cao, mỗi nơi đều có những khó khăn, cực khổ riêng. Nhưng vào với Hữu Khuông, khi mọi thông tin liên lạc bị cắt đứt, khi mọi người không còn ai chăm chú vào cái điện thoại di động của riêng mình, bứt ra khỏi thế giới ảo của mạng Internet, để dành trọn mọi giác quan và tâm hồn để cảm nhận, mới thấy cuộc sống vẫn còn quá khắc nghiệt đối với bà con vùng lòng hồ này. Có dáng lưng còng trên con đường dốc chênh vênh nặng trĩu gùi rau, măng. Bước chân đi mòn rừng núi, chẳng bao giờ biết đến xe máy, xe đạp. Có những đứa trẻ đầu trần, chân đất lấm lem. Dọc bờ suối gập ghềnh, mấy mẹ con đang bắt cá về cho bữa tối. Và trong căn nhà sàn trống hoác, người phụ nữ nấu cháo cho con ăn, ngước lên nhìn mái nhà còn lợp dở: “Không ai làm cho nữa, chồng chết rồi, tự dựng nhà một mình đấy, mới được từng đó thôi...”.

Họ đã sống thiếu thốn như thế, nhưng chan chứa nghĩa tình. Có em gái, sáng dậy sớm nhóm bếp lửa, rồi vội vàng gửi xuống cho cái chị hôm qua trao quà nắm xôi còn nóng hổi gói trong lá chuối; có người lái thuyền đang giữa dòng chợt mời các vị khách xa lạ ghé vào thăm ngôi nhà dựng tạm trên lòng hồ, để mời cho được chum rượu cần ngọt lịm.

Nơi đây, nụ cười của những đứa trẻ vẫn giòn tan với trò chơi đu dây chuối, hay cả buổi trưa không ngủ trượt cát bên sườn đồi. Người mẹ cần mẫn đan nốt những tấm lá cọ để đặt lên mái nhà. Tiếng chày giã gạo vang lên đều đặn trong ánh nắng chiều ấm áp. Lúa rẫy của bà con trồng đó. Người dân ở đây vẫn sống chủ yếu bằng nghề làm nương, làm rẫy và bắt cá dưới lòng hồ Bản Vẽ. Nhưng họ đã biết nuôi thêm con lợn, con gà. Họ biết cho con cái đến tuổi được đến trường, để có cái chữ, để sau này cuộc sống của nó sẽ sáng hơn, đẹp hơn, vui hơn.

Bà con gùi quà về bản.
Bà con gùi quà về bản.

Khi người đàn ông mải vác cái rựa lên rừng, phát cây dại, làm đất cho mùa rẫy mới, người đàn bà ở nhà ủ rượu vào chum. Rượu cần ngọt nhẹ mà cũng say, tết phải có rượu để hát vui, nhảy múa. Bàn tay tỉ mỉ khâu từng cái hoa văn trên chiếc váy đã xong rồi, đã cất vào trong rương chờ đến ngày chơi hội…

Đêm đến, khi đống lửa nổi lên, tất cả mọi người tay trong tay cùng múa điệu lăm vông: “Nào, chúng ta bên nhau, mời hỡi ai say sưa…”. Khi rượu đã ngấm trên đôi má ửng hồng, khoảng cách xóa bỏ, các thầy cô giáo cũng ôm đàn say sưa. Người mới về công tác, người đã đến Hữu Khuông ngay từ khi tái lập trường, người đã gần 20 năm gắn bó với núi rừng, chất chứa bao nỗi niềm, bao yêu thương. Có người quê ở Tương Dương, nhưng cũng có thầy cô nhà ở tận Quỳnh Lưu, Thanh Chương lên đây dạy học… Thấm thoát đã bao nhiêu năm rồi.

Cô giáo Lô Thị Phượng về đây công tác 4 năm, từ ngày Trường THCS DTNT Hữu Khuông tái thành lập. Nhà ở Thị trấn Hòa Bình, ngày mới học xong về Hữu Khuông công tác, nhìn ngôi trường cùng khu nhà ở nội trú tạm bợ dựng bằng tre nứa, cô giáo trẻ không tránh khỏi chạnh lòng. Nhưng cô càng se sắt thương những đứa nhỏ nhà cách trường cả ngày đi bộ, xa bố mẹ về đây học cái chữ. Vậy là ở lại, vậy là chẳng nỡ rời đi. “Bây giờ thì quen rồi, bọn trẻ ngoan và quý các thầy cô nên mình cũng thấy vui. Nhất là từ khi trường và khu nhà ở nội trú được xây lại thì đỡ vất vả đi nhiều lắm rồi. Bây giờ mình ở đây luôn, chỉ mong sao có điện, có đường đi thuận lợi nữa thôi…”.

Các thầy cô cũng dựng nhà để ở, cũng trồng rau, nuôi gà… Một cuộc sống mới bắt đầu trên mảnh đất Hữu Khuông, bao tâm huyết, yêu thương dành cho học trò, những đứa trẻ ấy, mai này sẽ thay thầy cô mình đi khắp muôn nơi.

Ông Lô Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông chia sẻ: “Xã Hữu Khuông tái thành lập đã 5 năm, cơ sở vật chất bây giờ đã đỡ hơn trước kia rất nhiều. Nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, và vẫn cô lập với xung quanh. Nhất là thiếu điện và đường giao thông thuận lợi, nếu được hỗ trợ thì sẽ giúp ích cho đời sống của bà con Hữu Khuông rất nhiều”.

Đến và đi, Hữu Khuông nơi ấy - không chỉ có niềm vui của người dân bản thật thà, không chỉ có những nghẹn ngào lưu luyến của người ở lại, mà còn có cả niềm hạnh phúc của những tấm lòng thiện nguyện, hạnh phúc được sẻ chia, được đồng cảm, được cho đi yêu thương và nhận lại yêu thương. Lâu lắm rồi, tôi mới được thấy lại một cảnh chia tay nơi bến đò đầy xúc động đến thế. Những cái ôm siết chặt, những giọt nước mắt, và con thuyền cứ lùi dần, lùi dần, bàn tay vẫy chào tạm biệt của cô trò, bà con dân bản Hữu Khuông bé lại và khuất xa dần sau những ngọn núi xanh thẳm.

Con thuyền ngược trở ra bến thượng lưu đã nhẹ vơi hàng hóa, lại chở nặng đầy biết bao tình cảm. Ai nấy đều lặng im, như dành cho mình một nỗi niềm riêng, sự thương nhớ riêng, cùng những đau đáu về mong ước cuộc sống bà con Hữu Khuông sẽ tốt đẹp hơn lên: có điện, có đường, có chợ… Để nhắc nhớ nhau, ta sẽ còn quay lại, nơi ấy… với những tin vui đón đợi.

Hồ Lài

Mới nhất
x
Thương nhớ Hữu Khuông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO