Thương tiếc nhà viết kịch Nguyễn Tường Lân

17/03/2014 21:35

(Baonghean) - Nguyễn Tường Lân sinh ngày 9/10/1935, quê ở xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, xuất thân từ Trường Sư phạm Trung cấp ở Khu học xá Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc (1954).

Ông sớm mồ côi mẹ, thân phụ ông vốn là một cán bộ cấp tỉnh của Thanh Hóa rồi được cử làm Giám đốc Bệnh viện chống Lao Liên khu Bốn đặt tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Đó là duyên cớ để ông thành một giáo viên trên đất Nghệ rồi lập gia đình và trưởng thành trong nghề nghiệp tại đây. Cuối năm 1992, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh, về công tác tại Hội Văn nghệ. Sau khi nghỉ hưu (cuối năm 1997), ông chuyển ra sống tại Hà Nội. Những năm cuối đời, ông bị bệnh gút khá nặng nên không mấy khi về Nghệ An. Ông qua đời vào ngày 4/3/2014.

Tôi quen Nguyễn Tường Lân từ khi Trường phổ thông cấp III Quỳnh Lưu mới được thành lập (1961). Bấy giờ, ông vừa dạy học vừa làm công việc sáng tác văn chương. Có lẽ sáng tác đầu tay của ông là kịch bản “Dọn nhà lên tỉnh” viết tại ngôi trường này, đã được công diễn cho thầy trò và người dân quanh vùng xem. Tuy còn ở dạng “kịch cương” nhưng theo tôi, đó cũng là một dấu ấn trong buổi đầu cầm bút viết văn của ông. Chắc duyên nợ với văn nghệ của Nguyễn Tường Lân cũng bắt đầu từ đó mà người giữ mối dây liên lạc là nhà thơ Quang Huy (vốn là bạn cùng học ở Khu học xá Nam Ninh, vào dạy Cấp 2 Yên Thành, rồi chuyển sang công tác văn nghệ ở Ty Văn hóa Nghệ An, về sau ra Hà Nội). Năm 1966, tôi được Tỉnh ủy Nghệ An điều về làm công tác nghiên cứu Lịch sử Đảng địa phương. Sau này, Nguyễn Tường Lân được chuyển lên dạy ở Trường Sư phạm 10 +3 (Cao đẳng Sư phạm Nghệ An hiện nay). Bởi các mối duyên nợ đó, chúng tôi lại năng được gặp nhau tại Vinh.

Nguyễn Tường Lân có mặt trong giới văn nghệ Nghệ An từ khi tỉnh mới có Ban Vận động thành lập Hội với các cuộc họp Ban Văn nghệ hàng năm. Năm 1967, khi tỉnh mở Đại hội thành lập Chi hội Văn học- Nghệ thuật Nghệ An lần thứ nhất thì ông đã có mặt. Từ đó, qua các kỳ Đại hội Văn nghệ của tỉnh I, II, III, IV và V, Nguyễn Tường Lân liên tiếp được bầu vào Ban Chấp hành. khóa IV, ông ở trong Ban Thường vụ và khóa V (1992-1997), ông được bầu làm Chủ tịch Hội.

Nguyễn Tường Lân không phải là một cây bút viết văn chuyên nghiệp. Ông sáng tác cả truyện, ký nhưng nét nổi bật nhất vẫn là kịch bản sân khấu. Về lĩnh vực này, ông đã có: “Người hậu phương”, “Người trồng cây”, “Bác trong tôi”, “Thượng nguồn”… Các kịch bản ấy đều đã được dàn dựng và công diễn. Trong đó, “Người hậu phương” sau khi in trên Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà Văn thì được giải thưởng của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, năm 1976.

Sinh ở đất Thanh, rồi sống di dưỡng tuổi già nơi Thăng Long ngàn năm văn hiến, chắc trước khi từ giã cõi thế, nhà viết kịch Nguyễn Tường Lân đã nghĩ nhiều đến đất Nghệ có núi cao, sông sâu, là quê hương của Bác Hồ, nơi đã chắp cánh giúp ông trưởng thành trong công việc dạy học và viết văn…

Chu Trọng Huyến

Mới nhất
x
Thương tiếc nhà viết kịch Nguyễn Tường Lân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO