Thượng tọa Thích Thọ Lạc: Không phải cứ mâm cao, cỗ đầy mới là hiếu thảo với cha mẹ

Phước Anh 10/08/2019 08:54

(Baonghean) - Báo hiếu với cha mẹ là việc làm thường xuyên chứ không phải trong một ngày, một dịp, nhưng mùa Vu lan cũng là thời điểm nhắc nhớ mỗi người tri ân đấng sinh thành bằng những lời nói, việc làm cụ thể.

Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trước những đổi thay của đời sống xã hội hiện đại, khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng lớn, nhận thức và hành vi hiếu đễ bởi vậy đứng trước nhiều thách thức.

Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An về vấn đề này.

Hoa hồng cài áo
Hoa hồng cài áo trong lễ Vu lan được tổ chức tại chùa Diệc. Ảnh: Hải Vương

Cần có cách hiểu hiện đại hơn về chữ Hiếu

- Thưa Thượng tọa, tháng 7 Vu lan, mọi người thường đề cập nhiều về chữ Hiếu, đạo Hiếu. Bên cạnh khẳng định giá trị tốt đẹp của đạo Hiếu trong truyền thống dân tộc thì nhiều người cũng cho rằng, nhịp sống hiện đại với biết bao đổi thay, xô bồ đã, đang và sẽ làm cho sự hiếu hạnh phần nào bị mai một. Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa Thượng tọa?

Thượng tọa Thích Thọ Lạc: Cũng như nhiều tôn giáo khác, Phật giáo rất đề cao chữ Hiếu. Đức Phật có dạy: Tâm hiếu là tâm Phật, hành hiếu là hành Phật. Tâm của con người hiếu thảo là tâm của Đức Phật, hành động hiếu thảo của con người chính là hành động của Đức Phật. Người xưa cũng có câu: Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế; và “Bách thiện hiếu vi tiên”, để biểu đạt rằng cha mẹ là 2 đấng rất đỗi thiêng liêng, trong trăm cái thiện thì hiếu là đứng đầu. Quan điểm Phật giáo và truyền thống dân tộc này đã thấm sâu vào tâm thức nhiều thế hệ người Việt, đi vào ca dao, tục ngữ.

Mỗi thời đại, mỗi điều kiện sống khác nhau thì đương nhiên sẽ dẫn đến sự thay đổi trong nhận thức, ứng xử và hành động của con người. Xã hội hiện nay, từ sự học hành, hiểu biết mà mỗi người đều có chính kiến rõ ràng hơn. Mặt khác, chúng ta phải đối mặt với nhiều áp lực, phải lăn lộn mưu sinh nên quỹ thời gian dành cho nhau ngày càng ít đi. Sự thấu hiểu, sẻ chia vì vậy cũng bị hạn chế, mâu thuẫn giữa cha mẹ - con cái nảy sinh từ những việc vặt vãnh đời thường.

Ảnh: Phước Anh; Đồ họa: Hữu Quân
Ảnh: Phước Anh; Kỹ thuật: Hữu Quân

- Nhiều bạn trẻ cho rằng thật khó vẹn tròn chữ Hiếu khi họ mong muốn được đi xa lập thân, lập nghiệp, song lo lắng ở nhà chỉ có cha mẹ quạnh hiu. Thượng tọa có thể cho lời khuyên trong trường hợp này?

Thượng tọa Thích Thọ Lạc: Xã hội thời nay khác xã hội thời xưa, nên quan niệm phải ở bên cạnh cha mẹ để báo hiếu như trước đây chúng ta cũng cần nhìn nhận lại. Nếu suốt ngày ru rú ở nhà, không có chí tiến thủ, không nỗ lực vươn lên, thậm chí còn lệ thuộc vật chất vào cha mẹ thì cũng không phải là người con có hiếu.

Tuy nhiên, nói vậy cũng không có nghĩa là chúng ta cứ mải miết đi xa, thực hiện hoài bão mà quên đi đấng sinh thành ở nhà. Phải luôn nhớ rằng con chim có tổ, dòng nước có nguồn. Dù ở đâu cũng phải nhớ gọi điện, gửi thư báo tin, thăm hỏi cha mẹ, thường xuyên trò chuyện, sẻ chia để cha mẹ không cảm thấy cô đơn.

Đặc biệt, rèn luyện thân thể khỏe mạnh để cha mẹ yên tâm, tu dưỡng đạo đức lối sống để cha mẹ tự hào, có ý chí tiến thủ, sống có thành tựu để cha mẹ hãnh diện cũng chính là hành vi hiếu đạo.

Không phải mâm cao, cỗ đầy mới là hiếu thảo

- Một số quan điểm về chữ Hiếu xưa kia dường như không còn mấy phù hợp với thời đại hiện nay. Ví dụ, người xưa dạy rằng “Thân thể, da tóc, là nhận được từ cha mẹ, không được hủy hoại, là khởi đầu của hiếu”; hoặc “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”… Thật khó chiếu theo những quan niệm về chữ Hiếu như vậy khi hiện nay, một bộ phận thế hệ trẻ đang có xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ, làm cha/mẹ đơn thân…

Thượng tọa Thích Thọ Lạc: Thay đổi của đời sống xã hội dẫn đến thay đổi trong nhận thức, hành động của con người, nhưng không phải ai cũng suy nghĩ thấu đáo để nhận biết rõ việc làm của mình. Ví dụ như phẫu thuật thẩm mỹ, phải hiểu rằng tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt, sự thay đổi vẻ bề ngoài chỉ là lớp vỏ, có thể chỉ hào nhoáng trong một giai đoạn chứ không thể chuyển hóa bền vững được. Thay vào đó, nên dành thời gian, tâm sức để thay đổi từ bên trong, từ chính đạo đức, lối sống, nghĩ thiện, làm thiện; tâm an thì thân an. Chưa nói đến việc phẫu thuật thẩm mỹ có thể dẫn đến một số rủi ro về sức khỏe, làm cha mẹ lo lắng, phiền lòng. Chữ Hiếu trong vấn đề cụ thể này nên hiểu dưới góc độ như vậy.

Đêm hoa đăng với chủ đề “Ơn nghĩa sinh thành” tại chùa Gám. Ảnh: Huy Thư
Đêm hoa đăng với chủ đề “Ơn nghĩa sinh thành” tại chùa Gám. Ảnh: Huy Thư; Kỹ thuật: Hữu Quân

Lựa chọn sống như thế nào là quyền của mỗi người, không ai có quyền phán xét, song trước mỗi lựa chọn cần biết rõ tiền căn, hậu quả, sẵn sàng đương đầu để giải quyết. Trước đây, mẫu gia đình truyền thống được tạo nên bởi cha - mẹ - con - cháu… còn hiện nay nhiều người lựa chọn mẫu gia đình chỉ có 2 người: mẹ - con, hoặc vợ - chồng.

Vấn đề không phải là tranh cãi đúng hay sai, mà trước mỗi lựa chọn, cần trò chuyện, tâm tình để cha mẹ hiểu về quyết định của mình, hạn chế những mâu thuẫn từ suy nghĩ, quan điểm khác biệt.

- Trên báo chí thời gian vừa qua đăng tải nhiều vụ việc gây phẫn nộ dư luận, khi con cái có lời nói, hành động ngược đãi cha mẹ. Quan điểm Phật giáo về hành vi ấy như thế nào, thưa Thượng tọa?

Thượng tọa Thích Thọ Lạc: Tội bất hiếu với cha mẹ là ác nghiệp, nếu chiếu theo luật nhân quả thì gieo nhân ác ắt gặt quả ác. Chưa nói đâu xa, từ hành vi bất hiếu với cha mẹ, người con đó sẽ bị xã hội chê trách, lên án, xa lánh. Hơn nữa, có câu nói rằng “Giọt trước nhỏ đâu, giọt sau nhỏ đấy”, lời nói, hành động bất hiếu sẽ là tấm gương xấu cho con cháu, và mình ứng xử với cha mẹ như thế nào thì sau này con cái mình cũng ứng xử với mình như vậy.

Không ai trong cuộc đời này là hoàn hảo, cha mẹ cũng có những lúc sai lầm, con cái cũng có lúc thiếu hiểu biết. Song dù sai, dù thiếu ở đâu cũng có thể giải quyết bằng cách đối thoại, chuyện trò chia sẻ; không nên quá đề cao cái Tôi mà quên mất cái Ta; không nên áp dụng chuẩn mực của mình lên người khác mà cần lắng nghe, hài hòa trong mọi vấn đề.

Đông đảo người dân thành tâm hành lễ Vu lan tại chùa Diệc. Ảnh: Hải Vương
Đông đảo người dân thành tâm hành lễ Vu lan tại chùa Diệc. Ảnh: Hải Vương

- Dịp lễ Vu lan, không khó bắt gặp cảnh những người dâng lễ mâm cao cỗ đầy, cúng bái tốn kém với quan niệm như vậy mới “đến” được vong linh cha mẹ đã khuất. Làm vậy có đúng hay không, thưa Thượng tọa? Và lời khuyên nào dành cho những người con trong dịp Vu lan này?

Thượng tọa Thích Thọ Lạc: Không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy, cúng kiếng khắp nơi mới thể hiện được lòng hiếu thuận với cha mẹ, mà tùy theo điều kiện để sắm lễ thích hợp. Lễ cao không thể hiện tâm dày, ngược lại gây lãng phí không cần thiết. Có thể dùng số tiền đó làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, kém may mắn hơn trong xã hội rồi hồi hướng công đức cho cha mẹ mình.

Báo hiếu với cha mẹ là việc làm thường xuyên chứ không phải trong một ngày, một dịp, nhưng mùa Vu lan cũng là thời điểm nhắc nhớ mỗi người tri ân đấng sinh thành bằng những lời nói, việc làm cụ thể. Một lời thăm hỏi ân cần, một bữa cơm gia đình ngon lành ấm cúng, thành tích tốt trong học tập và công tác... có thể là món quà quý nhất với mẹ cha.

- Xin cảm ơn Thượng tọa Thích Thọ Lạc về cuộc trò chuyện!

Mới nhất
x
Thượng tọa Thích Thọ Lạc: Không phải cứ mâm cao, cỗ đầy mới là hiếu thảo với cha mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO