Thuyền trưởng “Jack Sparrow” Việt Nam kể chuyện Trường Sa
Tự nhận mình có khuôn mặt hao hao thuyền trưởng Jack Sparrow vùng Caribê, ông Thạch vui vẻ kể về công việc cầm lái cưỡi sóng đưa nước ngọt ra đảo Đá Tây (Trường Sa) phục vụ miễn phí cho ngư dân và lính đảo.
Là một trong 28 cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến mới trong phát triển kinh tế biển đảo vừa được Ban tuyên giáo Trung ương vinh danh tại Đà Nẵng, thuyền trưởng Trương Ngọc Thạch (Công ty TNHH một thành viên dịch vụ khai thác hải sản biển Đông) tạo ấn tượng bởi đôi mắt tinh anh cùng phong độ của người dạn dày sóng gió, dù ông đã bước sang tuổi 50.
Cẩn thận lấy từ trong cặp những hình ảnh và cả tấm bản đồ khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, người đàn ông với mái tóc ngả màu muối tiêu dúi vào tay người hỏi chuyện: “Chuẩn bị nhiều ảnh và bản đồ lắm, nhưng nói thật mình ở ngoài đảo thì mạnh mồm tếu táo với anh em, nhưng vào đất liền lại ngại tiếp xúc nên chẳng khoe với ai được về đảo. Đây chú tặng con để có dịp thì giới thiệu cho mọi người về đảo Đá Tây nhé!”.
Quê gốc ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), ông Thạch cùng gia đình vào lập nghiệp tại TP HCM từ những ngày đầu đất nước giải phóng. Theo học nghề thủy sản, khi tốt nghiệp ông theo nghề thuyền trưởng. Tình yêu nghề được ông thể hiện bằng việc nhớ rành rọt thời gian bám biển tròn 29 năm 6 tháng, trong đó có 13 năm làm thuyền trưởng tàu khai thác và dịch vụ nghề cá.Năm 2005, công ty của ông được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp quốc phòng an ninh trên vùng biển Trường Sa và Cụm kinh tế – Khoa học – Dịch vụ (DK1) bằng việc nuôi trồng thủy sản trên biển, cung ứng nhiên liệu, thực phẩm, thu mua hải sản và đặc biệt là cứu nạn, vận chuyển nước ngọt, sửa chữa tàu thuyền miễn phí cho bà con ngư dân.
Thuyền trưởng Trương Ngọc Thạch giới thiệu những hình ảnh về đảo Đá Tây, nơi ông đang cùng những thuyền viên tiếp nước ngọt, sửa chữa tàu thuyền miễn phí cho ngư dân. Ảnh: Nguyễn Đông
Ngày đầu ra đảo Đá Tây, nơi đây hoang sơ với những khối bê tông, nước ngọt chỉ biết trong vào trời. Khi bắt tay xây dựng khu hậu cần nghề cá, ông Thạch cùng đồng nghiệp nghĩ cách thiết kế thêm máng hứng nước từ mái nhà và xây bể nổi diện tích 3.000 m2 để chứa nước ngọt. “Chỉ 10 tháng gần đây đã có 1.400 lượt tàu ghé đảo lấy nước ngọt”, ông khoe.
Nói nghe đơn giản, nhưng mỗi tàu vận chuyển một tấn nước ngọt ra được hòn đảo cách đất liền hơn 600 km không hề đơn giản. Nhiều lần con tàu chao đảo giữa sóng lớn, mất cả ngày ròng mới cập được đảo an toàn. Có lần chở được nước ngọt từ đất liền nhưng gặp sóng to, tàu không thể cập khu hậu cầu để bơm nước lên bể. Ông Thạch chỉ huy các thuyền viên khác bắc đường ống từ đảo ra tàu, chia nhau ngồi trên các thuyền nhỏ giữ chặt để đường ống không bị sóng biển đánh tán và dùng thêm một máy bơm tiếp lực.
Đảo Đá Tây giờ đã thành điểm đến quen thuộc lấy nước ngọt của ngư dân. Để tiết kiệm thời gian và nhiên liệu cho bà con, đoàn tàu hậu cần vẫn chạy ra giữa khơi xa để tiếp nước ngọt. Giữa độ sâu 3.000-4.000 m, các thuyền không thể neo đậu, những can nước được chuyển xuống tàu nhỏ hơn chạy ra chỗ ngư dân. Hay nhiều khi sóng lớn buộc tàu hậu cần phải bơm nước qua đường ống đưa trực tiếp xuống tàu cá.
Tàu hậu cần của ông Thạch tiếp nước ngọt cho ngư dân bám biển xa.Ảnh: NVCC
Mùa khô hạn, tàu chở nước từ đất liền chưa ra thì ngoài đảo xa đã hết nước. “Tàu cá ngư dân vào đảo xin ứng cứu nước ngọt. Anh em lại vui vẻ tiết kiệm nước sinh hoạt. Có khi tắm nước mặn rồi nhúng khăn vào nước ngọt lau qua người”, ông Thạch kể và hồ hởi khoe sắp tới Nhà nước đầu tư công nghệ tách nước ngọt từ nước mặn, khi đó ngư dân và chính đội thuyền hậu cần sẽ bớt vất vả.Ngoài việc cung cấp nước ngọt cho ngư dân, công ty của ông Thạch còn sửa chữa tàu cá cho ngư dân. Ông Thạch nhớ nhất chuyến tàu đưa đội sửa chữa ra tàu cá, bất ngờ tàu cá rơi chân vịt. Nước từ phía dưới xối xả trào lên. Đang lúc nguy nan, một thuyền viên trẻ tuổi quay sang ông hỏi “Thế là mình chết ở đây à chú?”.
Ông Thạch nhoẻn miệng cười động viên rồi phân công người lặn xuống biển tìm chỗ tàu thủng dùng vật dụng nút lại. Vật lộn suốt 6 tiếng tát nước trong đêm tối, cuối cùng con tàu nổi trên mặt nước. Từ đó ông đúc kết: “Sống ở đời không gì quan trọng hơn niềm tin!”.
Ông thuyền trưởng kể có những đêm trời tối đen, ông đi tuần tra và lặng người khi thấy ngư dân ngồi bất động trên chiếc thuyền thúng mỏng manh để câu mực, đánh đổi cả tính mạng của mình để có được những con cá bán lấy tiền mang về cho vợ con. “Có lẽ tình yêu gia đình là lý do ngư dân đánh ván bài ngửa với biển cả. Chính họ là những cột mốc chủ quyền trên biển Đông”, ông Thạch chiêm nghiệm.
Trên mỗi tàu hậu cần có 10 thuyền viên đảm nhận tất cả công việc từ nuôi trồng thủy sản trên biển, đến tiếp nhiên liệu, ứng cứu ngư dân. Ảnh: NVCC
Ngồi trầm ngâm, ông Thạch bảo nghề của mình gian nan không kém những người lính đảo, phụ cấp lại chưa được quan tâm đúng mức. Trong số anh em ông quản lý, có chàng trai Nguyễn Văn Hoài bám trụ 26 tháng ngoài đảo với lý do lưu phép lại để về thăm nhà, thăm vợ con được dài ngày hơn. Mới đây thuyền viên Đinh Lâm Bảo Sang quyết “phá kỷ lục” khi xin ở lại đảo suốt 27 tháng. Đảo toàn thanh niên, nhiều khi thiếu rau xanh, anh em ăn miết loại cá đánh được từ rặng san hô, đến khi đi tiểu ra toàn bột trắng.
Có chuyến tàu đi 188 ngày mới về lại đất liền. Cái nắng cái gió Trường Sa không khuất phục được tình yêu gắn bó với biển. “Nhiều anh em tâm sự không dám có lỗi với bạn gái vì đi biển dài ngày mới được về nghỉ phép, mới được gặp người yêu. Đời là cho là biếu là vay/Yêu là gánh lấy lo buồn và đau khổ”, ông thuyền trưởng thở dài.
Ông Thạch tâm sự với ông tàu chính là nhà. Đã làm thuyền trưởng, cầm sinh mạng của thuyền viên thì phải coi trọng anh em như chính thân thể mình. “Ngoài việc cho anh em vay tiền mua nhà cho vợ con có chỗ ở ổn định, nhiều dịp tôi tổ chức cho gia đình họ đi chơi để được trực tiếp cảm ơn những người vợ đã tạo thành hậu phương vững chắc để chúng tôi yên tâm bám biển”.
Thuyền trưởng Thạch trong lần nhận bằng khen của Ban tuyên giáo Trung ương trong công tác phát triển kinh tế biển, đảo. Ảnh: Nguyễn Đông
Nhắc đến gia đình mình, ông Thạch giới thiệu ngắn gọn mà dí dỏm: “Thời sinh viên, đứng trên tàu Hải quân thấy mấy cô sinh viên trường y mặc áo trắng xinh ơi là xinh. Trộm nghĩ có khi nào lấy được một trong số các cô ấy làm vợ nên mình nghĩ cách tự trượt ngã, dập tai để được vào bệnh viện. Cô y tá tận tình chăm sóc bây giờ là bà xã tôi. Gia đình hạnh phúc, cậu út được học bổng toàn phần, giờ đang du học
Theo Vpchinhphu-M