Tích cực cải tạo hạ tầng lưới điện nông thôn

20/08/2015 09:22

(Baonghean) - Sau khi bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành điện quản lý, đến nay đã có một số dự án đầu tư cải tạo thay thế hạ tầng lưới điện nông thôn đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả dịch vụ. Tuy vậy, do nguồn kinh phí đầu tư lớn, ngành điện chưa thể thực hiện đồng bộ, hiện toàn tỉnh vẫn còn trên 7.894 km lưới điện hạ áp phải tiếp tục cải tạo. Ngành điện đang tích cực triển khai những phương án đảm bảo lưới điện ổn định, nhất là trong mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Đức Vinh ở xóm 7, xã Đông Sơn (Đô Lương) chia sẻ: "Gần 20 năm nay các hộ dân trong xóm sử dụng điện bằng dây nhôm trần do dân tự đầu tư, chất lượng điện không đảm bảo, tổn thất điện năng. Đặc biệt, mỗi mùa mưa bão đến luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và vật nuôi. Nay ngành Điện đầu tư thay thế hệ thống đường dây bọc cáp vặn xoắn đảm bảo chất lượng và các cột điện mới chắc chắn, tạo yên tâm cho người dân sử dụng. Người dân còn có thể dùng được cả điện 3 pha phục vụ sản xuất cũng là một thuận lợi lớn".

Điện lực Đô Lương quản lý trên 1.000 km lưới điện 0,4 KV 1 pha và 3 pha, qua nhiều đợt lốc xoáy, mưa bão, ngành Điện đã thay thế nhiều cột điện kém chất lượng bị gãy đổ. Hàng năm, Điện lực huyện chú trọng sửa chữa hạ tầng lưới điện nhằm nâng cao chất lượng điện năng và đảm bảo an toàn hơn trong mùa mưa bão. Trong 2 năm (2013, 2014), Điện lực Đô Lương đã thay thế trên 500 cột điện các loại. Vừa qua, trong tháng 6/2015 có lốc xoáy xảy ra trên địa bàn 3 xã Trù Sơn, Đại Sơn, Hiến Sơn làm hơn 40 cột điện bị gãy đổ và 4.000m dây điện các loại bị hư hỏng, hiện nay đã lên phương án và danh mục khắc phục sửa chữa...

Nhân viên Điện lực Đô Lương thay thế đường điện tại xã Đông Sơn.
Nhân viên Điện lực Đô Lương thay thế đường điện tại xã Đông Sơn.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng kỹ thuật Điện lực Đô Lương cho biết: Với 166 trạm biến áp trên địa bàn toàn huyện, hiện còn khoảng 40% số trạm đang vận hành cả dây trần và dây bọc, 15% số trạm biến áp vận hành dây trần, dây dẫn kém chất lượng, dây nhỏ, cột điện thấp. Thời gian qua mặc dù đã được đầu tư cải tạo đáng kể, song với số lượng tiếp nhận nhiều, trong khi nguồn kinh phí đầu tư lớn, với một trạm cải tạo hoàn thiện hết khoảng 20 tỷ đồng nên rất khó khăn về nguồn vốn. Hiện, đáng lo ngại là nhiều tuyến lưới trần, hành lang lưới điện nông thôn đi qua vườn dân có cây xanh dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn lưới điện, nhất là trong mùa mưa bão.

Đường dây kém chất lượng ở xã
Đường dây kém chất lượng ở xóm 4 xã Đông Sơn- Đô Lương,

Còn với huyện Anh Sơn, địa bàn trải rộng, toàn huyện có hơn 300 km đường dây 35 KV, trên 600 km đường dây 0,4 KV và 157 trạm biến áp với tổng công suất 46.185 KVA. Những năm trước, hệ thống lưới điện do nhân dân đầu tư sử dụng đã cũ nát, bán kính cấp điện lớn, hệ thống cột chủ yếu tre, gỗ, cột bê tông tự đúc, hạ tầng lưới điện không đảm bảo. Sau khi bàn giao cho ngành Điện quản lý, ngành đã tiến hành đầu tư cải tạo. Từ nguồn vốn vay Ngân hàng tái thiết Đức gần 60 tỷ đồng đã thực hiện cải tạo hạ tầng lưới điện trên địa bàn huyện từ năm 2010 - 2014, với mức đầu tư 2,5 tỷ đồng/xã. Kết quả trong 4 năm đã làm mới 6 trạm biến áp dung lượng 960 KVA, đầu tư mới 2.888m đường dây hạ thế, cải tạo 94.228m đường dây hạ thế 0,4KV và đầu tư mới 5.078m đường dây 35KV (điện cao thế). Đồng thời chống quá tải đường dây và trạm biến áp: 2 trạm công suất 360KVA, 1.500m đường dây cao thế, dắm thêm 6 trạm biến áp dã chiến công suất 1.080 KVA. Ngoài ra, hàng năm đầu tư cải tạo với nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên 350 triệu đồng.

Mặc dù đã được quan tâm sửa chữa thường xuyên, nhưng để đầu tư cải tạo thay thế hạ tầng lưới điện đồng bộ trên địa bàn toàn huyện cần nguồn kinh phí rất lớn nên ngành Điện chưa thể làm cùng một lúc, do đó trên địa bàn huyện vẫn còn khoảng 180 km đường dây 0,4KV và 0,2KV bằng dây nhôm trần, (chiếm 30%) cần được đầu tư cải tạo để đảm bảo an toàn lưới điện cho nhân dân. Ông Ngũ Văn Chương, Giám đốc Điện lực Anh Sơn cho biết: “Để ứng phó mùa mưa bão năm nay, chúng tôi đã khảo sát nắm tình hình các đoạn đường dây xung yếu để có phương án tập trung xử lý thay dây, củng cố hệ thống cột điện, đường dây, trạm biến áp, các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét trên địa bàn các xã Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn, khu vực bản Vều, xã Phúc Sơn. Đồng thời chuẩn bị vật tư dự phòng với đầy đủ chủng loại, theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết để có phương án xử lý kịp thời. Tất cả sẵn sàng với tinh thần “4 tại chỗ” để đảm bảo cung ứng điện cho nhân dân.

Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, lưới điện hạ áp có tổng chiều dài 15.123 km, trong đó lưới điện hạ áp nông thôn 11.600 km. Lưới điện hạ áp sau tiếp nhận hầu hết rất cũ nát, không đảm bảo vận hành an toàn và tổn thất điện năng cao, phần lớn các trạm biến áp thường có bán kính cấp điện rộng dẫn đến cuối đường dây điện áp thấp, chất lượng điện kém và tổn thất điện năng cao. Thực tế đáng quan tâm là hành lang không đảm bảo thường xuyên, lưới điện hạ thế 0,4KV hay bị ngắt mạch giữa các pha gây nên sự cố, tiềm ẩn nguy cơ cháy máy biến áp.

Theo ông Trần Đức Dũng, Phó phòng kỹ thuật Công ty Điện lực Nghệ An: Để ứng phó với mùa mưa bão năm 2015, công ty tổ chức rà soát, xử lý các điểm suy yếu như tiếp xúc cung, lèo, mối nối trên đường dây, các vị trí cột có nguy cơ bị sạt lở, nghiêng đổ; tổ chức phát quang hành lang lưới điện trung thế, hạ áp; đồng thời bổ sung các phương án phòng, chống bão lụt, phương án xử lý sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai sát đúng thực trạng từng đơn vị. Công ty Điện lực Nghệ An phối hợp với Công ty sản xuất cột điện Khánh Vinh trên địa bàn sẵn sàng cung ứng nguồn cột điện để thay thế khi có sự cố xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, công ty dự phòng 20 - 25 cột sắt lắp ghép di động để sẵn sàng cấp cho các huyện nhanh chóng khôi phục sự cố. Đối với dây cáp trung thế và hạ thế, mỗi loại dự phòng 2.000 - 3.000m, tổng dự phòng các loại dây gồm 12.000m. Máy biến áp cũng được dự phòng với các cấp điện áp 35KV, 22kV, 10KV/0,4kV, sẵn sàng cấp cho điện lực các huyện....

Tuy vậy, trước tình hình lưới điện hạ áp nông thôn còn nhiều tiềm ẩn, Công ty Điện lực Nghệ An đang chỉ đạo Điện lực các huyện, thành, thị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết để phòng tránh và hợp tác tích cực với ngành Điện trong việc bảo vệ, sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão cũng như lâu dài.

Quỳnh Lan

Sau khi tiếp nhận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đã quan tâm đầu tư một số dự án: Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Nghệ An (kFW) tổng mức đầu tư 746,232 tỷ đồng; hiện đã hoàn thành đưa vào vận hành với khối lượng cải tạo được 23% (2.693,31/11,600 km) lưới điện hạ áp với quy mô trên 274 xã. Dự án thay dây, dắm trạm biến áp giảm tổn thất năm 2015 với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, dự kiến đóng điện vào tháng 9 năm 2015. Với khối lượng dự kiến cải tạo được 747,733 km đường dây hạ thế nông thôn tiết diện nhỏ, dây dẫn không đảm bảo lên vận hành dây có tiết diện lớn hơn (chiếm 6,44% đường dây hạ thế). Dắm 40 trạm biến áp với tổng công suất 8.950 kVA, xây dựng mới 21,5 km đường dây trung thế.
Mới nhất
x
Tích cực cải tạo hạ tầng lưới điện nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO