Tích cực chăm sóc cà phê sau thu hoạch

10/06/2013 17:05

Cà phê sau một năm mang trái thường mất sức sinh trưởng khá nhiều, chưa kể cà phê trong giai đoạn cho thu hoạch cũng là trong giai đoạn cây phân hoá mầm hoa. Chính vì thế, sau thu hoạch, bà con trồng cà phê vùng Phù Quỳ đang tích cực chăm bón, tỉa cành tạo tán cho cây.

(Baonghean.vn) - Cà phê sau một năm mang trái thường mất sức sinh trưởng khá nhiều, chưa kể cà phê trong giai đoạn cho thu hoạch cũng là trong giai đoạn cây phân hoá mầm hoa. Chính vì thế, sau thu hoạch, bà con trồng cà phê vùng Phù Quỳ đang tích cực chăm bón, tỉa cành tạo tán cho cây.

Được biết năm 2012 - 2013 cà phê vùng Phủ Quỳ mất mùa, rớt giá thảm hại, nhiều diện tích cà phê thu hoạch còn thua giá của các loại cây keo lai, bạch đàn… Anh Phạm Hồng Minh ở xóm Phú Tân, xã Tây Hiếu cho biết: Gia đình làm 1 ha cà phê, năm trước đạt trên 15 tấn/ha, vụ này chỉ đạt hơn 10 tấn quả tươi/ha. Mất mùa do nhiều nguyên nhân, do vườn cà phê đã già cỗi trên 10 năm tuổi, rồi nhiều diện tích bị mắc hạn. Đặc biệt giá cà phê năm nay rớt giá, các năm trước đạt gần 7,4 triệu đồng/tấn quả tươi thì nay chỉ đạt 3,5 triệu đồng/tấn. Vụ này gia đình tôi chỉ thu về 35 triệu đồng từ cà phê.

Anh Minh nói tiếp: Mặc dù giá thấp, thua lỗ nhưng thời gian này gia đình tôi đang tập trung chăm sóc, bởi sau một năm mang quả làm cây bị suy kiệt vì vậy phải cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây. Cùng với việc bón các loại phân theo quy định như bón lân đảm bảo cho việc phân hoá mầm hoa, tăng số hoa và số quả, bón kaly cũng giúp tăng tỷ lệ đậu quả cao chống chọi thời tiết bất thuận; chúng tôi tập trung tỉa cành, tạo tán, chủ yếu là tỉa cành chân vịt, cành tổ quả, cành già, cành còi cọc, cành vô hiệu mọc trong tán sát mặt đất.

Anh Nguyễn Dương ở Tây Hiếu đang làm cỏ đánh nhánh trên lô cà phê tâm sự: Làm 1 ha ca phê, vụ trước đạt 22 tấn, với giá 7.400 đồng/kg quả tươi, đạt trên 150 triệu đồng, vụ này sản lượng chỉ đạt 8 tấn, bán được gần 30 triệu đồng. Mất mùa vụ này nhưng vẫn phải tích cực để chăm sóc, biết đâu vụ sau lại thắng lớn.



Lô cà phê catimo già cỗi đang cần được “tái cành”

Khác với các hộ dân khác Dương lại chú trọng bón phân chuồng kết hợp với đạm, lân và ka ly. Anh tập trung bón 2 đợt, đợt đầu từ tháng 2-3, đợt 2 bón tháng 6-7. Đối với một số cây mắc sâu bo re thì phải chặt cây và đào tận gốc, còn đối với một số cây có rệp thì phun Motox, dính bọ xít phun Cypemap 10EC.

Ông Hoàng Thục-Xóm trưởng Phú Tân cho biết thêm: Khó khăn đặt ra hiện nay là vấn đề nước tưới, nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích cà phê đã bị hạn nặng, trong khi hệ thống bơm Phú Tân được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả. Nguyên nhân là thiết kế sai, xây dựng xong không đưa nước lên lô cà phê được. Chưa kể là trên 90% diện tích cà phê catimo đã bị già cỗi rất cần kinh phí khôi phục tái cành. Bởi nếu trồng mới cà phê thì sẽ rất tốn kém.

Ông Nguyễn Đình Thiện-Giám đốc nông trường Tây Hiếu I giải thích thêm: Vụ cà phê 2013- 2014 nông trường đã tạo điều kiện cho bà con mua phân bón đầu vụ, cuối vụ thanh toán, trị giá trên 2 tỷ đồng. Đối với trạm bơm Phú Tân đã vừa đầu tư kinh phí để nâng cấp, khắc phục hệ thống đường ống dẫn nước, tuy nhiên chưa hiệu quả.

Được biết, Công ty TNHH-MTV cà phê cao su Nghệ An có tổng diện tích cà phê trên 400 ha, kim ngạch xuất khẩu vụ cà phê năm 2012-2013 chỉ đạt trên 700.000 USD, giảm doanh thu do mất mùa và giá rớt giá. Thời điểm này bà con đang tích cực chăm sóc cà phê sau thu hoạch; trên 400 ha cơ bản đã tỉa cành tạo tán và đang tiến hành bón phân cà phê đợt 2. Vấn đề đặt ra hiện nay là vùng nguyên liệu cà phê Catimo hầu hết đều trên 10 năm tuổi già cỗi cho năng suất kém đang cần được tái cành.

Theo anh Phạm Hồng Minh, 1 ha cà phê nếu muốn phá bỏ để trồng mới thì 5-6 năm mới cho thu nhập, nếu tái cành thì cà phê vẫn cho quả nhưng mỗi ha tái cành phải đầu tư thêm từ 50-60 triệu đồng nên gia đình chưa kham nổi. Hiện nay diện tích của Công ty chỉ mới tái cành được gần 100 ha; người trồng cà phê đang rất cần được Nhà nước, Công ty TNHH-MTV cà phê cao su Nghệ An đầu tư kinh phí để tái cành. Người dân cũng mong muốn đầu tư hệ thống thuỷ lợi hiệu quả, đảm bảo việc tưới tắm cho cà phê, nhất là trong điều kiện nắng nóng mùa hè.


Bài, ảnh: Văn Trường

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Tích cực chăm sóc cà phê sau thu hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO