Tích cực chống rét cho mạ xuân

11/01/2013 18:26

(Baonghean) Trong cái rét giá, nông dân các địa phương đang hối hả xuống đồng làm đất, bắc mạ phủ nilon, chăm sóc cẩn thận để đảm bảo mạ cấy cho vụ xuân 2013...

Ông Phan Công Hưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Diên (Nghi Lộc) cho biết: Vụ xuân 2013, toàn xã Nghi Diên gieo cấy 394 ha lúa. Đến thời điểm hiện nay Nghi Diên đã gieo mạ phủ nilon được 85%, tất cả đều được bắc mạ và phủ nilon đúng quy trình kỹ thuật. Qua kiểm tra cho thấy mặc dù trời rét đậm kéo dài, cây mạ vẫn sinh trưởng phát triển khoẻ, trà mạ bắc đầu tiên đã xanh tốt. Khoảng đến ngày 22- 24/1, nhân dân cả xã sẽ cấy đồng loạt, phấn đấu hoàn thành cấy lúa xuân trước Tết Nguyên đán. Để đảm bảo nguồn mạ kịp thời vụ, ngoài việc tập trung chống rét cho mạ, nhân dân đồng loạt xử lý diệt chuột bằng bả vi sinh do UBND xã mua về cấp phát cho dân. Xã quán triệt nhân dân bắc mạ phủ nilon 100%, không gieo thẳng, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xóm. Nếu hộ nào bắc mạ không phủ nilon thì phải hoàn trả gấp đôi tiền nilon cho Nhà nước.

Là xã vùng màu của huyện Nghi Lộc, vụ xuân 2013 xã Nghi Long sản xuất 138 ha lúa, 223 ha lạc. Hiện bà con đang tích cực bắc mạ phủ nilon 100%. Địa phương đã cung ứng đầy đủ vật tư, phân bón phục vụ nhân dân sản xuất vụ xuân, với hơn 2,6 tấn giống lúa lai, 70 tấn phân bón các loại. UBND xã liên hệ với Công ty Giống cây trồng Bắc Giang lấy giống lạc L14 và L26 mới để cung ứng cho bà con sản xuất. Chính quyền địa phương cũng như người dân nơi đây đang tập trung khắc phục khó khăn về thời tiết để triển khai sản xuất vụ xuân với kỳ vọng cao nhất.



Nông dân Nghi Lộc chăm sóc mạ xuân. Ảnh: Q.L

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: Ngay trong tháng 11/2012, UBND huyện đã tổ chức quán triệt cho từng cơ sở và toàn thể nhân dân kế hoạch sản xuất vụ xuân 2013. Trước thời điểm bắc mạ, toàn huyện đã cung ứng trên 100 tấn giống lúa thuần, hơn 50 tấn giống lúa lai và trên 2.000 tấn phân bón các loại. Hiện nay, nhân dân toàn huyện đang tập trung chống rét cho mạ bằng các biện pháp như bắc mạ phủ nilon, bón tro bếp và đảm bảo nước trong chân ruộng để giữ ấm cho mạ, đồng thời chấp hành nghiêm túc lịch thời vụ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo. Tuyệt đối không gieo thẳng lúa.

Song song với bắc mạ, bà con nông dân cũng khẩn trương thu hoạch nhanh gọn cây trồng vụ đông, vệ sinh đồng ruộng để đảm bảo hoàn thành sản xuất vụ xuân trước Tết Nguyên đán đối với cây lạc và lúa. Vụ xuân 2013, toàn huyện Nghi Lộc gieo trồng 7.100 ha lúa, trong đó 90% diện tích xuân muộn. Cơ cấu từ 2.500 - 3.000 ha lúa lai, gần 1.000 ha lúa hàng hoá chất lượng cao bằng các giống DT168, AC5, RVT, Nghi Hương… Đến ngày 9/1, mặc dù trời rét đậm kéo dài, mạ xuống giống được bà con phủ nilon cẩn thận nên vẫn đảm bảo phát triển tốt. Ngoài chính sách của tỉnh, huyện Nghi Lộc hỗ trợ 10% giá trị máy làm đất các loại cho nông dân; hỗ trợ 20.000 đồng/kg nilon phủ mạ, hỗ trợ xây dựng 2 mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Nghi Hoa và Nghi Kiều để nhân rộng trong các năm tiếp theo…

Yên Thành là một trong những địa phương ra mạ vụ xuân khá sớm. Đến ngày 9/1, trên địa bàn huyện, bà con cơ bản đã gieo xong mạ. Theo ông Nguyễn Sỹ Hưng- Phó Chủ tịch UBND huyện, thì Yên Thành tập trung ra mạ từ 31/12/2012 đến 5/1/2013, đến nay chỉ còn một số trà lúa ở các xã vùng cao dự kiến gieo mạ từ mùng 5 - 10/1, nhưng do rét nên đang dừng lại. Dù mạ đã được phủ nilon 100% diện tích, nhưng huyện vẫn tập trung chỉ đạo các xã hướng dẫn, khuyến cáo bà con điều tiết nước hợp lý, phủ tro bếp và hòa nước phân lân tưới giữ ấm cho cây mạ, đồng thời thường xuyên kiểm tra để khắc phục những sự cố như nilon bị thủng, rách, đảm bảo giữ cho mạ đủ ấm. Đến nay, qua kiểm tra, toàn bộ diện tích mạ đang phát triển tốt, tuy nhiên trước tình hình mưa rét còn tiếp tục kéo dài, việc chống rét cho mạ vụ xuân vẫn đang là một trong những nhiệm vụ được Yên Thành tập trung chỉ đạo.

Đến nay, ngoài 80 ha mạ trà xuân sớm hiện đã lên xanh, thì những diện tích mạ còn lại đang được huyện Hưng Nguyên chỉ đạo tạm dừng ngay việc gieo cấy, ngâm ủ, ra mạ. Ông Hoàng Đức Ân - Phó phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Trong diện tích mạ đã gieo, có khoảng 80% được che phủ nilon. Những ngày qua, huyện đã ban hành các hướng dẫn, chỉ thị, yêu cầu các xã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo vệ mạ bằng các biện pháp như phủ nilon bổ sung, bón phân lân, tro bếp và điều tiết nước hợp lý, nhờ đó, hiện chưa có mạ bị chết do rét.

Theo tổng hợp nhanh của Sở NN&PTNT, đến nay toàn tỉnh đã gieo 1.140 ha mạ, đủ để cấy khoảng 31.000 ha, cơ bản các diện tích mạ đều được phủ nilon (trừ diện tích mạ xuân sớm). Nhờ đó nên mặc dù những ngày qua xảy ra rét đậm kéo dài, nhưng hiện tại chưa có hiện tượng mạ chết do rét. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, nếu rét đậm kéo dài 5-7 ngày thì mạ sẽ chết nếu không được bảo vệ cẩn thận, còn nếu rét hại xảy ra thì cây mạ chỉ chống chịu được 2-3 ngày. Bởi vậy, biện pháp tốt nhất để bảo vệ mạ hiện nay là bà con phải che phủ nilon kín, đúng kỹ thuật. Những diện tích không che phủ nilon thì phải cho nước vào ngập sâu trong ruộng để giữ ấm cho mạ, nếu trời tạnh ráo, có ánh sáng nhưng nhiệt độ không khí vẫn thấp thì ngày có thể tháo nước ra, nhưng đến tối phải cho nước vào. Những nơi không chủ động nước, không che phủ nilon thì phải dùng tro bếp vãi phủ kín trên luống mạ. Những diện tích mạ được che phủ nilon, khi trời hết rét và mạ đã đến tuổi cấy thì cũng phải mở nilon từ từ để cây mạ tiếp xúc dần và làm quen với điều kiện ngoại cảnh.

Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nếu những ngày tới nhiệt độ vẫn xuống thấp thì nguy cơ mạ bị chết rất dễ xảy ra. Bởi vậy, ngoài những diện tích mạ đã gieo, thì ở các địa phương hiện đang chuẩn bị ra mạ, cần tiến hành che phủ nilon cho 100% diện tích mạ để chống rét, chống rầy nâu và rầy lưng trắng gây bệnh lùn sọc đen. Riêng đối với diện tích mạ đã gieo nhưng chưa phủ nilon thì phải che phủ bổ sung ngay. Đặc biệt, tuyệt đối không được bón đạm cho mạ, không ngâm ủ, gieo mạ, cấy lúa trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 150C, vì nếu gặp thời tiết dưới 150C cây mạ sẽ ngừng sinh trưởng, nếu nhổ lên rễ không tái sinh được do gặp rét nên rất dễ chết. Nếu đã ngâm ủ, cần tìm cách hãm mộng lại không gieo vội. Bà con cũng có thể đợi sau tiết Đại hàn (ngày 20/1 dương lịch), khi thời tiết khả năng sẽ ấm dần lên để tiến hành gieo mạ, như vậy mạ không bị nguy hiểm do gặp rét mà vẫn đảm bảo thời vụ do đây chủ yếu là các giống ngắn ngày.

Cùng với chống rét, các địa phương và người dân cũng cần lưu ý thời gian sinh trưởng của từng giống để gieo mạ, tránh tình trạng gieo giống ngắn ngày cùng thời vụ với giống dài ngày. Chú ý chuẩn bị nguồn giống lúa dự phòng để gieo mạ bổ sung nếu rét kéo dài làm mạ bị chết, hoặc thiệt hại ở những diện tích gieo thẳng; đồng thời có kế hoạch sớm trong trường hợp phải chuyển đổi lúa sang các cây trồng cạn để có sự chỉ đạo đồng bộ về vùng, cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng,... nhằm đạt hiệu quả cao nhất và không để diện tích bị bỏ hoang.


Quỳnh Lan - Phú Hương

Mới nhất

x
Tích cực chống rét cho mạ xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO