Tích cực đổi mới công nghệ khai thác tài nguyên

08/07/2015 15:27

(Baonghean) - Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản có những tác động đến môi trường sống như ô nhiễm nguồn nước, khói bụi, tiếng ồn. Để hạn chế tình trạng đó, một số doanh nghiệp đã có những giải pháp bảo vệ môi trường khá hiệu quả.

Sử dụng máy cắt bằng lưỡi cưa kim cương tuy chi phí đầu tư cao nhưng lại đảm bảo an toàn cao trong lao động, giảm thiểu được sức người và nhân công lao động, không lãng phí tài nguyên, đặc biệt là giảm thiểu được ô nhiễm môi trường bụi đá và tiếng ồn. Với lợi thế đó, doanh nghiệp tư nhân Long Anh ở xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp vừa đầu tư hàng tỷ đồng để đầu tư máy cắt bằng dây kim cương. Còn Công ty TNHH Toàn Thắng (cũng ở Quỳ Hợp), 3 năm qua đầu tư hơn chục tỷ đồng để đầu tư công nghệ khai thác, chế biến đá bằng dây chuyền thiết bị hiện đại của Ý.

Hiện tại đơn vị đã sử dụng máy robot khoan đá tự động, loại robot này khoan đá được ở mọi địa hình hiểm trở. Đơn vị còn sử dụng cả cưa đá bằng dây kim cương (dây chuyền của Ý). Bà Trần Thị Khánh Toàn, Giám đốc công ty cho biết thêm: Sử dụng công nghệ khai thác cắt dây kim cương, ngoài việc đảm bảo an toàn lao động, dây chuyền này còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, như sản phẩm đá không bị răn nứt, đáp ứng được các hợp đồng xuất khẩu đá cho nước ngoài. Trong năm 2015, đơn vị này đang tiếp tục đầu tư xây dựng khu chế biến đá công nghệ của Ý, chủ yếu các thiết bị cưa đá khối, máy xẻ, máy mài…

Khai thác đá tại mỏ đá Thọ Hợp (Quỳ Hợp) của doanh nghiệp tư nhân Long Anh.
Khai thác đá tại mỏ đá Thọ Hợp (Quỳ Hợp) của doanh nghiệp tư nhân Long Anh.

Trong lĩnh vực chế biến luyện thiếc, Công ty CP chế biến khoáng sản An Vinh ở Quỳ Hợp đã “đột phá” đầu tư mua sắm dây chuyền máy móc luyện thiếc hiện đại trị giá trên 20 tỷ đồng. Ông Đậu Anh Đức, Giám đốc công ty cho biết: Dây chuyền đạt năng suất 520 tấn thiếc/năm, nhờ công nghệ hiện đại nên quặng đạt chất lượng 99,75% (xuất khẩu quặng ra thế giới). Xử lý môi trường khép kín đồng bộ từ khí thải đến nước thải, như nước thải xử lý tuần hoàn, khí thải có hệ thống lọc bằng túi vải…

Anh Trần Mạnh Hùng, cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường Quỳ Hợp cho biết thêm: Địa bàn huyện có gần 100 đơn vị đang hoạt động, trong đó có 6 - 7 đơn vị đầu tư công nghệ khai thác chế biến tiên tiến, sử dụng cắt đá bằng dây kim cương. Đây là giải pháp cơ bản để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giảm thiểu các tác động tiêu cực như độ rung, tiếng ồn, bụi, khí độc hại... giảm tác động xấu đến môi trường, giảm các sự cố, tai nạn lao động.

Đối với các mỏ đá xây dựng, Công ty CP Phả Ngọc ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương đầu tư gần 4 tỷ đồng xây dựng hồ chứa nước để tưới trực tiếp cho dàn xay đá và tưới đường dân cư. Đơn vị còn trích 300 triệu đồng trồng 1,5 ha cây xanh các loại xung quanh mỏ đá, nhờ vậy khi mỏ đá hoạt động đã giảm bụi đá bay ra ngoài vào khu dân cư. Ông Trịnh Văn Long, Giám đốc công ty cho biết thêm: Công ty đang đầu tư khoảng 1 triệu USD mua dây chuyền máy móc xay đá của Hàn Quốc, loại dây chuyền này hoạt động giảm thiểu tối đa tiếng ồn và bụi, dự định trong năm 2016 sẽ đưa vào hoạt động.

Toàn tỉnh hiện có trên 130 mỏ khoáng sản đang hoạt động, hiện nay Sở tài nguyên - Môi trường đang phối hợp với ngành chức năng, kiểm tra chấn chỉnh về công tác khai thác khoáng sản gắn với thực hiện bảo vệ môi trường. Theo đó, chế biến khoáng sản phải sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Các dự án khai thác, chế biến khoáng sản chỉ được xem xét, cấp phép khi đã có dự án đầu tư và được Hội đồng thẩm định của Nhà nước các cấp, ngành thẩm định theo thẩm quyền.

Văn Trường

Tích cực đổi mới công nghệ khai thác tài nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO