Tích cực phủ ni lông cho mạ
(Baonghean) - Sản xuất vụ xuân thường gặp thời tiết rét đậm rét hại, do vậy những năm gần đây người dân đã chú trọng chống rét cho mạ bằng cách phủ ni lông nhằm đảm bảo độ ấm để mạ phát triển an toàn, đảm bảo nguồn mạ cấy.
Đang cẩn trọng dém mép ni lông cho 4 luống mạ vừa xuống giống, chị Nguyễn Thị Hương ở xóm 8, xã Nam Trung (Nam Đàn) hồ hởi: “Năm ni trời rét quá, nhà tui phải làm vòm che phủ ni lông cẩn thận cho mạ, chỉ tốn thêm chút kinh phí mua ni lông, chứ không phủ thì rét đậm, rét hại như ri mạ chết càng tốn tiền mua giống, lại chậm lịch thời vụ. Nhà tui làm 5 sào lúa vụ xuân, nay mới bắc mạ cho các giống dài ngày như AC5, nếp dòng 87, 97, còn giống lúa lai đến khoảng ngày 10/1 mới gieo mạ. Để đảm bảo đủ mạ cấy cho 5 sào ruộng, nhà tui đã mua 5kg ni lông che phủ cho toàn bộ diện tích bắc mạ, ngoài ra còn bón lân và tro bếp nhằm giữ ấm trong chân ruộng”.
Bà con xã Nam Trung (Nam Đàn) phủ ni lông chống rét cho mạ. |
Bên cạnh đó, hộ bà Nguyễn Thị Hạnh xóm 3, xã Nam Trung cũng đang phủ ni lông cho trà mạ xuân sớm, với 7,5 sào sản xuất vụ xuân, bà Hạnh đã mua gần 7kg ni lông chuẩn bị phủ cho toàn bộ diện tích mạ. Đối với sản xuất vụ xuân, hàng năm gia đình bà đều thực hiện các biện pháp chống rét cho mạ, nhờ vậy nguồn giống cấy luôn đảm bảo, mạ khỏe, lúa phát triển tốt cho năng suất thu hoạch cao.
Vụ xuân 2014, xã Nam Trung có kế hoạch gieo cấy 323,6 ha lúa, 70 ha lạc, 30 ha ngô và khoảng 20 ha các cây trồng khác. Trong đó có 30 ha giống lúa thuần X23 thời gian sinh trưởng dài nên bà con đã ra mạ từ ngày 8/12/2013 và che phủ ni lông 100%. Trà 2, nếp dòng 87, 97 và giống lúa thuần AC5, BC15 gồm 43 ha đã xuống giống từ ngày 20/12, cũng được phủ ni lông 100%. Đối với 200 ha lúa lai, đến ngày 12- 14/1 mới xuống giống. Ông Phạm Văn Phượng- Trưởng ban Nông Nghiệp xã Nam Trung cho biết: Người dân Nam Trung năm nào cũng chủ động chống rét cho mạ vì họ xác định đó là việc bảo đảm lợi ích cho gia đình, những năm gần đây bà con rất tự giác che phủ ni lông khi bắc mạ xuân. Đến thời điểm này, nhân dân toàn xã đã nhận 1,8 tấn ni lông (được hỗ trợ giá của tỉnh và huyện), ngoài ra bà con còn mua thêm 6 tạ ni lông, đảm bảo đủ ni lông phủ chống rét cho toàn bộ diện tích mạ của xã. Ngoài phủ ni lông, người dân địa phương tăng cường bón lân và tro bếp, giữ nước trong chân ruộng, giữ ấm đảm bảo chất lượng nguồn giống. Đến nay, trà mạ sớm đã được hơn 20 ngày, mặc dù trời rét đậm nhưng mạ vẫn phát triển bình thường, nhân dân hoàn toàn tin tưởng vào các biện pháp chống rét truyền thống. Xã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn kịp thời cho nhân dân, nếu rét đậm, rét hại kéo dài, chỉ đạo nhân dân khắc phục kịp thời, trong trường hợp nào cũng phải đảm bảo nguồn mạ gieo cấy phủ kín toàn bộ diện tích sản xuất.
Ngược lên huyện Đô Lương, mặc dù chưa xuống giống nhưng bà con các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng vật tư để chống rét cho mạ, do điều kiện thời vụ năm nay các trà mạ đều gieo trong tiết tiểu hàn đến đại hàn, do đó nhân dân xác định phủ ni lông 100%. Rét đậm rét hại thường gây ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt giống và sinh trưởng của mạ; che phủ ni lông cho mạ không những giúp chủ động chống rét cho mạ mà còn có nhiều lợi ích khác như tránh các loại rầy chích hút truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen; rút ngắn thời gian giai đoạn mạ, mạ chỉ sau 15 – 16 ngày đã đạt 3 lá.
Gia đình chị Đào Thị Sơn xóm 1, xã Nhân Sơn (Đô Lương) đang khéo léo dùng các thanh tre nứa làm giàn đỡ cho luống mạ, chị Sơn cẩn thận nhắc nhở chồng, phải gài thật tốt các mép ni lông vào mép luống mạ tạo thành một buồng hoàn toàn kín, chắc chắn không bị gió làm bung hở ra. Nhà chị Sơn làm 4 sào lúa vụ xuân, trong đó có 2 sào ở vùng Hóc Chọ đã gieo mạ vào ngày 31/12, sau 1 tuần sẽ mở 2 đầu ni lông để mạ làm quen với môi trường. Chồng chị Sơn chia sẻ: “Năm 2008 có mô hình phủ ni lông ở xã, thấy mạ nhanh tốt, phát triển an toàn, từ đó bà con trong xã ai cũng học theo cách phủ ni lông chống rét cho mạ xuân, đảm bảo mạ cấy chất lượng tốt, cây lúa phát triển khỏe mạnh.
Trong điều kiện thời tiết lạnh, mạ không phủ ni lông rất dễ chết rét, nếu mạ vẫn ổn định thì phải trên 30 ngày mới cấy được, hơn nữa thời gian sinh trưởng dài, mạ già phải cấy dày vừa tốn giống lại dễ phát sinh sâu bệnh nhiều, năng suất lúa không cao; Trong khi mạ phủ ni lông chỉ 15 – 20 ngày là đưa ra ruộng cấy, cây mạ non, bà con cấy thưa vừa đỡ tốn giống vừa cho năng suất cao. Nhà tui năm nào cũng làm tốt khâu chống rét cho mạ, cấy thưa nên năng suất lúa lai vụ xuân luôn đạt bình quân 4,5 tạ/sào, và rất ít khi phải phun thuốc trừ sâu”. Ông Đặng Hữu Tú xóm 4, xã Thuận Sơn (Đô Lương) khoe rằng, bộ khung vòm che phủ mạ được ông cất cẩn thận, đến vụ xuân hàng năm lại đưa ra sử dụng. 5- 6 năm nay gia đình ông luôn thực hiện phủ ni lông cho mạ nên dù thời tiết rét đậm mạ vẫn phát triển an toàn.
Ông Phan Bá Bình – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thuận Sơn cho biết: Vụ xuân 2014, xã Thuận Sơn sản xuất 154 ha lúa, 40 ha lạc, 85 ha ngô. Toàn bộ diện tích lúa được bắc mạ cấy, phủ ni lông 100%. Đến thời điểm này HTX đã lấy về 1,2 tấn ni lông phủ mạ cung ứng tới mỗi hộ dân, và gần 4 tấn ni lông phủ lạc đáp ứng cho toàn bộ diện tích lạc được phủ ni lông 100%. Nông dân xã Thuận Sơn có trình độ thâm canh khá, thường xuyên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bắc mạ phủ ni lông chống rét được người dân áp dụng từ nhiều năm nay. Đối với cây lạc cũng vậy, trồng lạc phủ ni lông được đảm bảo phát triển tốt, lượng đâm chồi kết quả cao, nhờ đảm bảo độ ẩm, tạo điều kiện cho các tia tạo củ tiếp xúc mặt đất tạo củ nhiều hơn, cho năng suất sản lượng thu hoạch cao hơn khoảng 10% so với trồng lạc không phủ ni lông.
Vụ xuân 2014, toàn huyện Đô Lương có tổng diện tích lúa gieo cấy 7.500 ha, để phục vụ cấy cho tổng diện tích trên, phải có diện tích bắc mạ khoảng 170 ha. Huyện đã chuẩn bị đầy đủ cung ứng cho các xã 27 tấn ni lông để che phủ mạ. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, rét đậm, rét hại kéo dài, UBND huyện Đô Lương chỉ đạo các xã phải có kế hoạch che phủ cho diện tích mạ sắp gieo theo quy trình che phủ ni lông để chống rét cho mạ, chủ động phòng, chống dịch vàng lùn, lùn xoắn và các loại dịch bệnh khác, đồng thời bám lịch thời vụ của UBND huyện để chỉ đạo đúng lịch sản xuất. Đơn vị nào không thực hiện đúng quy trình để xẩy ra mạ chết rét thì đồng chí chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện.
Quỳnh Lan