Tích cực triển khai công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới Việt - Lào

02/12/2011 18:34

Thực hiện Quyết định số 137/QĐ-TTg, sau 3 năm tổ chức khảo sát và thi công (chính thức khởi động từ 5/9/2008), đến nay, việc tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới giữa Việt Nam và Lào đoạn qua địa phận Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đây chính là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu công tác cắm mốc vào năm 2012.

(Baonghean) - Thực hiện Quyết định số 137/QĐ-TTg, sau 3 năm tổ chức khảo sát và thi công (chính thức khởi động từ 5/9/2008), đến nay, việc tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới giữa Việt Nam và Lào đoạn qua địa phận Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đây chính là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu công tác cắm mốc vào năm 2012.

Nghệ An có 419 km đường biên giới trên bộ, tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và BôLy KhămXay). Địa bàn biên giới trải dài trên 6 huyện, 27 xã, 205 thôn, bản của tỉnh; với dân số khoảng 21.592 hộ/111.859 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Theo kế hoạch, sẽ có 105 vị trí được khảo sát và 115 mốc quốc giới cần tôn tạo và tăng dày (114 mốc theo kế hoạch tổng thể, 1 mốc mới khảo sát bổ sung).

Trung tá Phan Văn Hồng, Đội trưởng đội cắm mốc tỉnh Nghệ An, cho biết: Sau khi có kế hoạch cắm mốc, tháng 12/2008, tỉnh đã thành lập 1 đội cắm mốc với biên chế là 18 người, hoạt động trên tuyến biên giới tiếp giáp với tỉnh Xiêng Khoảng. Thế nhưng do yêu cầu nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc theo kế hoạch được giao, vào tháng 10/2010 Đội cắm mốc số 2 của tỉnh được thành lập, sau đó đội số 1 được giao thực hiện nhiệm vụ trên tuyến Hủa Phăn (gồm 39 vị trí/39 mốc), đội số 2 thực hiện nhiệm vụ trên tuyến Bôlykhămxay (gồm 39 vị trí/39 mốc).

Hiểu rõ vị trí và tầm quan trọng của công tác tôn tạo, tăng dày mốc quốc giới, Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An luôn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ khảo sát, giám sát thi công mốc giới, báo cáo thường xuyên tình hình cho cấp có thẩm quyền theo quy định. Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh cũng đã ban hành các quy chế thực hiện, phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo, trách nhiệm phối hợp của các sở, ban, ngành, huyện, xã, bản trên địa bàn biên giới đất liền.



Đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Quốc hội thăm cột mốc tại cửa khẩu Nậm Cắn.



Cán bộ chiến sỹ BĐBP tuần tra, thăm cột mốc.

Trên cơ sở nội dung tập huấn hàng năm về tôn tạo, tăng dày mốc giới Việt Nam - Lào, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho 200 lượt cán bộ trong đơn vị và các ngành tham gia, tổ chức 66 lượt tập huấn cho 252 lượt CBCS tại các trạm, tổ, đội biên phòng giúp cho các CBCS, các lực lượng tham gia công tác này hiểu rõ hơn về phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ và bồi dưỡng kỹ năng áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ hiện đại trong tôn tạo, tăng dày mốc giới cũng như quản lý, bảo vệ đảm an toàn vững chắc của đường biên giới hiện tại và những năm tiếp theo.

Cùng với đó, các phòng, ban chức năng mà nòng cốt là Phòng Chính trị - BĐBP tỉnh, thường xuyên cử cán bộ bám nắm địa bàn, phối hợp với các đồn, tổ, đội công tác Biên phòng xuống các bản và từng hộ gia đình, nhất là các hộ gia đình có nương, rẫy sát biên và những người thường xuyên qua lại thăm thân, làm ăn ở hai bên biên giới biết những nội dung có liên quan đến chủ trương, kế hoạch triển khai thực hiện Dự án tôn tạo tăng dày mốc giới của hai nước Việt Nam - Lào, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các kế hoạch thường xuyên hoặc đột xuất. Phối hợp với các đơn vị của Công an tỉnh nắm tình hình, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trong quá trình các Đội cắm mốc thực hiện nhiệm vụ. Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh triển khai công tác rà phá bom mìn theo đúng kế hoạch, đảm bảo thời gian, đúng tiến độ và an toàn kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức khảo sát, thi công xây dựng mốc đạt hiệu quả cao...

Tôn tạo, tăng dày mốc giới là nhiệm vụ quan trọng, nhằm khẳng định tính pháp lý về chủ quyền lãnh thổ 2 quốc gia, thể hiện quyết tâm xây dựng tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển bền vững. Vì thế sau khi xây dựng hoặc tôn tạo xong một cột mốc, BCH BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các Đội cắm mốc kịp thời bàn giao tạm thời để Đồn BP trên địa bàn duy trì công tác quản lý, bảo vệ theo quy định. Trong đó, các Đồn BP Nậm Cắn, Mường Típ, Na Ngoi đã phát hiện báo cáo dấu hiệu sạt lở (Mốc 409), mất phần trên cột thu lôi chống sét (Mốc 404, 408 và 422) để các cấp có thẩm quyền kịp thời có biện pháp khắc phục.

Tuy nhiên, cũng theo Trung tá Phan Văn Hồng, do địa hình khu vực biên giới trên địa bàn Nghệ An thường là núi cao, rừng rậm, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ ngập lụt thường xuyên ở nhiều nơi, hầu hết các mốc được tôn tạo, tăng dày lại đều nằm ở các vị trí hiểm trở. Từ khó khăn đó lại làm nảy sinh ra biết bao nhiêu khó khăn khác như: khó vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống, đặc biệt là vận chuyển mốc đến địa điểm thi công. Vì là mốc liền khối, để đảm bảo không thể giãn nở khi thời tiết đột ngột thay đổi và công trình được vĩnh cửu, cho nên đối với những mốc tiểu (cao 1,2m, nặng 200kg) thì còn đỡ, nhưng mốc trung (cao 1,5m, nặng 400kg) hay mốc đại (cao 2,1m, nặng 1 tấn) ở những vị trí hiểm trở, cheo leo trên đỉnh núi thì có khi cả tháng trời mới hoàn thành xong một mốc, trong đó thời gian vận chuyển đã chiếm hơn 1/2. Việc phải đối mặt với sên, vắt và cả những cơn khát khi nắng nóng kéo dài cũng là một trở ngại. Cho dù tất cả các biện pháp đã được đem ra áp dụng như: bôi thuốc chống vắt, căng bạt hứng sương, đến thuê dân bản gùi nước uống…, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Đó là chưa kể đến tình hình trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới cũng luôn có nhiều diễn biến phức tạp, gây khó khăn không nhỏ tới hoạt động cắm mốc.

Hơn nữa trong một thời gian dài chỉ được biên chế 1 đội cắm mốc, việc ổn định tổ chức biên chế triển khai còn chậm; Trang bị, ph­ương tiện cho đội hoạt động còn chưa kịp thời; Việc triển khai đảm bảo các chế độ chính sách cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ phân giới cắm mốc trên thực địa biên giới thời gian đầu còn chưa phù hợp, ảnh hưởng đến triển khai kế hoạch hoạt động của Đội cắm mốc. Hi vọng rằng trong thời gian tới những khó khăn trong quá trình triển khai công tác cắm mốc sẽ được hạn chế, nhằm hoàn thành đúng chỉ tiêu và kế hoạch đã đề ra.


Quảng An

Mới nhất

x
Tích cực triển khai công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới Việt - Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO