Tích cực trồng rừng nguyên liệu
(Baonghean) - Diện tích rừng trồng nguyên liệu gần 700 ha đã khẳng định nỗ lực trồng rừng tại xã Hùng Sơn nhờ sự đoàn kết, biết cộng hưởng nhiều nhân tố tích cực...
Cách đây hơn 8 năm về trước, khó khăn nhất đối với ông Nguyễn Văn Gia (xóm 1, Hùng Sơn) là 6 ha đất rừng ông nhận ở vùng đồi xứ Ông Đào toàn cây leo chằng chịt, đồi dốc cao, đường đi lối lại không có. Công sẻ phát khai hoang lớn nhưng không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo ông Gia tính thì cứ 1 ha gồm khoảng 1.700 hố trồng, công thuê sẻ phát mất 1,4 triệu, công dọn đào hố mất gần 4,8 triệu (200 - 300 đồng/hố), cộng vào tiền giống khoảng 400 đồng/1 bầu, chi phí phải bỏ ra là 6,8 triệu đồng/ha. Như vậy, tính tổng chi phí lên đến trên 10 triệu đồng/ha khai hoang. Đây là khoản tiền không hề nhỏ đối với bất kỳ người dân nào. Được xã tạo điều kiện cho vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp, được hỗ trợ an ninh, công tác PCCCR, được hỗ trợ 50% chi phí giống và phân đạm, ông mua 1,2 vạn cây giống, hoàn thiện 4,5 ha rừng cây nguyên liệu. Nhờ chăm chỉ, bám đất, bám rừng nên đồi keo của ông đã cho thu hoạch lứa đầu vào năm 2009, với giá keo 960 ngàn/tấn, thu lãi ròng 80 triệu đồng trong vòng 5 năm.. Vụ trồng rừng thứ 2 này (trồng từ 2009 ) nhờ đã có kinh nghiệm nên ông trồng tới 2 vạn bầu giống. Theo tính toán, nếu giá keo ổn định 960 ngàn đồng/tấn thì ông có thể có gần 150 triệu đồng tiền lãi. Ông Gia bộc bạch: “Nhiều khó khăn qua đi, bây giờ các đồi cây sắp vào mùa thu hoạch thứ 2. Nhìn lên những đồi cây khỏe khoắn, thẳng tắp, tôi rất yên tâm và phấn khởi”.
Thu mua nguyên liệu gỗ keo ở Hùng Sơn (Anh Sơn)
Rừng keo gần 4 ha của chị Nguyễn Thị Huyền- (xóm 6, Hùng Sơn) nằm cách nhà gần 5 km, hiện cũng đang chuẩn bị cho thu hoạch lần thứ 2. Theo chị, nan giải là phải tự tìm kiếm thị trường. Chị tính nhẩm: Chi phí đi về để vận chuyển 1 tấn keo về Nhà máy giấy tại KCN Nam Cấm hết gần 4 triệu đồng tiền xăng, 2 triệu tiền công vận chuyển, cước xe... tổng chi phí trên chiếm gần 50% thu nhập cả chuyến. “Trên đồi đất rừng này, cây keo là thế mạnh nổi bật nhất, nhà tôi đã chủ động bỏ gần 20 triệu đồng để đổ đất cấp phối, mở đường, tạo thuận lợi cho xe chở hàng về tận nơi thu hoạch ”. Chị Huyền nói.
Hùng Sơn là xã nằm về phía tả ngạn sông Lam của huyện Anh Sơn. Toàn xã hiện có trên 1,2 ngàn ha đất tự nhiên, trong đó gần 500 ha được quy hoạch trồng chè công nghiệp, còn lại trồng rừng sản xuất. Ông Hoàng Văn Hồng - cán bộ địa chính xã Hùng Sơn cho biết: Triển khai cho bà con trồng rừng , khó khăn nhất là ban đầu người dân chưa biết được lợi ích, công sẻ phát, khai hoang không có sự hỗ trợ, đường vận chuyển nguyên liệu phụ thuộc vào Quốc lộ 7B, song tuyến đường này đầy trắc trở vì thi công chậm trễ. Đặc biệt mùa mưa việc thu hoạch keo có khi nằm chờ hàng tháng. Tính đến nay, đã sắp gần 2 mùa thu hoạch keo nguyên liệu, song phần lớn đầu ra vẫn là do người dân tự thỏa thuận, chưa triển khai được hình thức hợp đồng ký kết trong thu mua và giá cả ổn định.
Trong điều kiện khó khăn này, Đảng bộ và nhân dân xã Hùng Sơn vẫn quyết tâm duy trì và phát huy thế mạnh... bắt đầu từ năm 2000 khi dự án phi chính phủ về phòng chống thiên tai của nước ngoài CRS đã tài trợ bà con 25 ha rừng bao gồm chi phí giống, phân đạm, cây keo bắt đầu bén duyên trên đất đồi Hùng Sơn. Đến năm 2004, trên cơ sở quy hoạch phát động phong trào trồng rừng trên diện lớn của huyện, tỉnh, Hùng Sơn đã ban hành nghị quyết khép kín trồng rừng nguyên liệu , triển khai quy hoạch đến từng hộ, từng xóm, phát động dân sẻ phát, tuyên truyền cho dân hiểu về lợi ích của việc trồng rừng. Xã huy động dân quân hỗ trợ mở đường giao thông tiểu vùng thuận tiện cho người dân trong sản xuất. Kết quả năm 2004, xã đã vận động được trên 40 hộ trồng gần 60 ha rừng nguyên liệu. Thấy cây phát triển nhanh, tốt, phù hợp với chất đất và địa hình vùng đồi rừng, xã tiếp tục vận động bà con vượt khó để sẻ phát và trồng rừng, mỗi năm sau đó đều đạt gần 60 ha/năm. Tiếp đó là 3 năm từ 2009- 2011, theo cơ chế hỗ trợ 147 của Nhà nước trong Chương trình mục tiêu 5 triệu ha rừng, bà con được hỗ trợ 100% về giống, 90 kg đạm/ 1 ha. Trong 3 năm này, diện tích rừng trồng trên địa bàn không ngừng tăng lên, đạt trên 260 ha, tập trung tại một số vùng trọng điểm như Khe Rồng, Khe Mõn... Đầu năm 2012, tỉnh đã đầu tư đường cấp phối dài 14km phục vụ tốt cho việc thu hoạch và chăm sóc cho khoảng 300/700 ha rừng trên địa bàn.
Đến nay, Hùng Sơn đã hoàn thành khép kín gần 700 ha rừng nguyên liệu trên đất được giao khoán, bình quân 3 ha/hộ. Hàng năm đều hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu trồng rừng nguyên liệu của tỉnh và huyện giao. Có nhiều hộ như ông Trần Đức Châu, Trần Đức Thơm xóm 1 có gần 10 ha rừng. Nhiều vùng trọng điểm đa số người dân chấp nhận sống xa nhà, dựng lán trại và ở lại với rừng như vùng Khe Gát, Khe Hàn với gần 200 ha rừng. Theo tính toán của bà con thì nhờ phát triển phong trào trồng rừng mà trong 5 năm qua, người dân Hùng Sơn thu về lợi nhuận gần 9 tỷ đồng sau khi trừ đi chi phí; trong đó nhiều hộ thu hàng trăm triệu đồng. Phong trào trồng rừng ở Hùng Sơn đã khép kín toàn bộ đất trống đồi trọc, chống xói mòn, bảo vệ môi trường, vừa giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Lương Mai