Tiềm năng lớn, kết quả thấp
(Baonghean) - Với trên 30 nghìn ha đất 2 lúa làm được vụ đông, 35 nghìn ha đất màu, đất bãi, trên 1,2 triệu con lợn, hơn 700 nghìn con trâu bò, Nghệ An là tỉnh có tiềm năng cũng như nhu cầu rất lớn với sản xuất ngô đông. Thế nhưng, những năm gần đây, diện tích ngô đông của tỉnh ngày càng sụt giảm.
Theo quy hoạch của tỉnh, tổng diện tích gieo trồng vụ đông của Nghệ An lên tới 60 - 65 nghìn ha, trong đó 50 - 52 ngàn ha ngô (30 nghìn ha ngô trên đất 2 lúa và 20 - 22 nghìn ha ngô trên đất bãi, đất màu. Thế nhưng, thực tế sau nhiều năm phát triển mạnh, diện tích ngô đông trên địa bàn tỉnh đã sụt giảm nhanh chóng. Nếu năm 2004, Nghệ An gieo trồng 53 ngàn ha ngô, trong đó ngô trên đất 2 lúa hơn 30 ngàn ha, thì đến năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 25.832,7 ha, trong đó diện tích ngô trên đất 2 lúa chỉ trồng được 5.172,7 ha, trong khi kế hoạch đề ra là 8 nghìn ha. Nhiều huyện như Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quế Phong không trồng, một số địa phương dù có điều kiện đất đai rất thuận lợi cho sản xuất ngô đông như Yên Thành, Thanh Chương, Quỳnh Lưu..., nhưng diện tích vẫn đạt thấp.
Giống ngô NL1 cho năng suất, chất lượng cao trên đồng ruộng Nghi Long (Nghi Lộc).
Ảnh: văn Dũng
Vụ đông năm 2012, huyện Diễn Châu có chủ trương thưởng “nóng” cho những xã có diện tích sản xuất vụ đông đạt và vượt kế hoạch, và Diễn Thọ là một trong số ít xã được huyện “thưởng nóng” 24 triệu đồng do có thành tích trồng ngô đông trên đất 2 lúa vượt chỉ tiêu kế hoạch huyện giao. Thế nhưng, ngay tại địa phương được coi là làm rất tốt này, trong tư tưởng người dân vẫn còn nhiều “lấn cấn”. Anh Cao Tiến Cương - xóm 9 xã Diễn Thọ cho biết: Gia đình tôi chỉ trồng 2 sào ngô ở cánh đồng Xưởng, vốn cao và an toàn, đủ dùng làm thức ăn cho trâu bò và lợn là được, vì trồng ngô đông rất bấp bênh do thời tiết mấy năm nay diễn biến khó lường.
Theo bà Cao Thị Nguyệt - cán bộ khuyến nông xã Diễn Thọ, việc chỉ đạo sản xuất vụ đông thường gặp khá nhiều khó khăn, do đàn vật nuôi trên địa bàn giảm mạnh (khoảng 40%), trước đây mỗi gia đình trong xã ít nhất cũng nuôi 4 - 5 con lợn, chưa kể trâu bò, có hộ nuôi tới 20 - 30 con, nhưng bây giờ thường chỉ có 1 - 2 con lợn, nhu cầu về thức ăn giảm hẳn.
Ông Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Cây ngô vụ đông bắt đầu được đưa vào nhiều từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước và đã từng có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Với mục tiêu phấn đấu đạt 1 triệu tấn lương thực, những năm 2005 - 2007 diện tích ngô vụ đông phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, khi bảo đảm được an ninh lương thực trên địa bàn, ngành Nông nghiệp đã chủ trương giảm bớt diện tích ngô đông ở những vùng đất sản xuất bấp bênh, hiệu quả kém, mà tập trung vào trồng, đầu tư thâm canh trên những diện tích hiệu quả. Thế nhưng, dù chỉ tiêu đặt ra đã giảm mạnh, hầu hết các địa phương vẫn không đạt, đặc biệt là ngô trên đất 2 lúa.
Nguyên nhân trước hết được cho là do thời tiết. Từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, mưa lũ xảy ra không còn theo quy luật thông thường mà có xu thế xuất hiện sớm, gây úng ngập, thiệt hại nhiều diện tích ngô khi đang ở thời kỳ cây con, gây tâm lý chán nản cho nông dân. Bên cạnh đó, vào thời kỳ thu hoạch ngô thường là cuối tháng 12, đầu tháng 1, hạt ngô lại hay bị ẩm mốc do gặp trời rét, mưa phùn, ẩm độ cao. Đây cũng là một nguyên nhân quan trong làm giảm hiệu quả sản xuất ngô vụ đông.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc lớn, nhưng chủ yếu mua nguyên liệu từ bên ngoài, do ngô của Nghệ An còn phơi thủ công, dễ mốc, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm thức ăn. Ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành chia sẻ: Yên Thành là huyện có tiềm năng phát triển diện tích ngô đông. Những năm 2005 - 2006, toàn huyện có trên 5.000 ha ngô đông, nhưng mấy năm nay diện tích giảm dần, đặc biệt là ngô trên đất 2 lúa. Hiện diện tích ngô đông chỉ còn trên dưới 1.000 ha, chủ yếu tập trung ở các xã vùng trên như Quang Thành Thịnh Thành, Minh Thành…
Trong khi đó, tiềm năng phát triển ngô đông của huyện lên tới 6.000 - 7.000 ha. Mấy năm nay, xu hướng chăn nuôi chủ yếu theo hướng hàng hóa, vỗ béo bán thịt, lượng trâu bò dùng cày kéo giảm mạnh, làm cho khâu làm đất trở nên khó khăn, công lao động tăng trong khi lực lượng lao động ngày càng thiếu. Và trong khi thời tiết diễn biến phức tạp làm sản xuất ngô đông bấp bênh, thì giá các loại vật tư đầu vào cao, giá sản phẩm lại gần như không tăng trong mấy năm gần đây. Vụ đông năm nay, chủ trương của huyện sẽ tập trung đẩy mạnh diện tích ngô đông, ở những diện tích đất cao, ít úng ngập, vừa để phục vụ chăn nuôi trên địa bàn, vừa tạo điều kiện tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho nông dân.
Nghệ An có quỹ đất rất rộng, có thể phát triển mạnh phong trào trồng ngô vụ đông, nhất là trên đất 2 lúa. Thực tế nhiều năm qua đã cho thấy điều đó. Để có thể làm được điều này, cần có những cơ chế chính sách phù hợp, sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ để có thể giải quyết tất cả các vướng mắc trong quá trình thực hiện- điều mà chỉ riêng ngành Nông nghiệp không thể làm được.
Ông Nguyễn Thọ Cảnh, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT từng chia sẻ: Trong thời gian lãnh đạo ngành, có những địa phương, ông chưa bao giờ có thể “ra đồng” cùng lãnh đạo huyện, trong khi một số địa phương như Diễn Châu, bất cứ chuyến công tác nào của ông, Bí thư huyện ủy cũng thu xếp đi cùng, tranh luận sôi nổi ngay trên ruộng. Đó cũng chính là một nguyên nhân quan trọng giúp Diễn Châu luôn đạt được những thành tựu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, lãnh đạo. Trong bối cảnh toàn tỉnh giảm mạnh về diện tích sản xuất cây vụ đông, đặc biệt là cây ngô. Vụ đông 2012, Diễn Châu vẫn gieo trồng được gần 3.600 ha ngô, tăng gần 200 ha so với vụ đông năm 2011.
Ngô vụ đông ở Diễn Thọ (Diễn Châu). Ảnh: P.H
Diện tích cây ngô đông giảm mạnh trong những năm qua, ngoài những lý do khách quan, còn do cả tâm lý tự thỏa mãn của người dân. Trong khi đó, theo đánh giá chung, lãnh đạo các cấp chính quyền nhiều nơi còn thờ ơ, không quan tâm phát triển. Để phát động lại ngô vụ đông thành vụ sản xuất chính, nhất là ngô trên đất 2 lúa, chúng ta cần xác định rõ vai trò của Nhà nước, đồng thời thu hút được những doanh nghiệp đủ tiềm lực đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho dân. Hiện nay trên địa bàn, chỉ riêng Trang trại bò sữa TH cũng đã có thể tiêu thụ sản phẩm hạt ngô, thậm chí là thân, lá của hàng chục nghìn ha ngô, Đó là chưa nói đến các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc lớn trên địa bàn như Gorden Star, Con heo vàng....
Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự phối hợp và vào cuộc đồng bộ, tạo những vùng sản xuất tập trung, quy trình sản xuất đáp ứng được nhu cầu chế biến thức ăn cho đàn bò sữa cũng như sản phẩm hạt ngô đủ đáp ứng tiêu chuẩn đưa vào chế biến thức ăn gia súc. Hiện nay, các loại giống ngô không thiếu, nhiều giống vừa có tiềm năng năng suất cao (60 - 70 tạ/ha), vừa ngắn ngày, phù hợp cho sản xuất vụ đông như LVN 14, Bio 06… Tỉnh cần duy trì và phát triển tối đa diện tích ngô trên các chân đất bãi ven sông, đất bãi màu đồng, các chân đất 2 lúa có thành phần cơ giới nhẹ. Tuy nhiên, chỉ nên bố trí ở những vùng sản xuất an toàn, ăn chắc, chủ động tiêu úng.
Ông Hoàng Đức Ân (Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên) cho rằng: Ngô là giống ưa nước nhưng lại chịu úng kém, vì vậy cần tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương cũng như điều kiện thời tiết từng năm để bố trí diện tích, lịch thời vụ, xuống giống nhằm né tránh lụt đầu vụ. Đối với đất 2 lúa, nên chủ động làm bầu, mạ ngô trước khi thu hoạch lúa hè thu. Đồng thời, khuyến cáo nông dân tăng mật độ cây trên đơn vị diện tích để tăng năng suất, vì hiện có những giống ngô chịu mật độ dày rất tốt.
Cùng với đó, tỉnh cần có cơ chế chính sách trong đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước. Nhiều năm qua, vụ đông ở huyện Nam Đàn bấp bênh do thời tiết không thuận lợi, úng ngập. Huyện đã tiến hành chỉnh trang đồng ruộng, tu bổ, xây dựng hệ thống kênh mương ở các cánh đồng. Nhờ đó, vụ đông năm 2012, toàn huyện đã gieo trồng được 2.793 ha ngô đông, nhiều xã có diện tích ngô trên đất 2 lúa đạt và vượt kế hoạch như Nam Anh trồng được 159 ha, đạt 106% KH, Hùng Tiến 115 ha, đạt 100% KH... Như vậy, có thể thấy, nếu giải quyết được vấn đề tiêu úng, sẽ tạo tâm lý yên tâm cho nông dân, giúp tăng diện tích sản xuất ngô đông.
Phú Hương