Tiền đề cho thành công trong nhiệm kỳ mới

11/10/2015 15:18

(Baonghean) - Nhiệm kỳ 2010 - 2015 của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An đã để lại những dấu ấn nổi bật và đáng khích lệ trên mọi mặt. Để trở thành tỉnh khá, tỉnh công nghiệp vào năm 2020 như Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra, Nghệ Aan cần tiếp tục tăng tốc, sớm đạt những mục tiêu gần trong nhiệm kỳ mới 2015 - 2020.

Trước hết, kết quả tổng quan về tình hình phát triển kinh tế của tỉnh thể hiện qua các chỉ tiêu chính như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân trong 5 năm đạt 7,89%, cao hơn mức bình quân của cả nước là 5,82%, tuy nhiên, chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là 11 - 12%. GDRP bình quân đầu người cuối nhiệm kỳ tăng gần 2 lần so với đầu nhiệm kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tham quan mô hình trồng cà rốt ở xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên).
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tham quan mô hình trồng cà rốt ở xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên).

Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cả giai đoạn ước tăng 4,65% và đạt mục tiêu đề ra, ngành dịch vụ ước tăng 10%, đạt mục tiêu đề ra, công nghiệp - xây dựng bình quân ước tăng 10,71%/mục tiêu 15 - 16%. Thu ngân sách tăng nhanh so với đầu nhiệm kỳ, năm 2015 ước đạt 10.034 tỷ đồng, đạt mục tiêu đề ra. Nhìn lại bước phấn đấu trong 5 năm qua dưới ánh sáng chỉ đạo, định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, với sự quan tâm, dõi theo và lãnh đạo của Đảng, nổi bật lên 2 thành tựu rõ nét nhất và có tác động lớn nhất đến nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà, đó là:

Thứ nhất, đã bước đầu định hướng phát triển kinh tế theo ngành trọng điểm và vùng trọng điểm. Đối với cơ cấu tỷ trọng ngành, tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp - xây dựng lần lượt tăng 2,15% - 2,61%, tỷ trọng nông nghiệp giảm 4,76% so với đầu nhiệm kỳ. Tuy chưa thực sự nhanh, nhưng sự chuyển dịch trong tư tưởng sản xuất của người dân, tư duy quy hoạch, quản lý của các cấp, các ngành đã bước đầu hình thành tương đối rõ nét.

Đặc biệt, về nửa cuối nhiệm kỳ, có sự phát triển đột phá trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với mạng lưới giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không được củng cố, nâng cấp; hạ tầng đô thị và nông thôn được hoàn thiện, đồng bộ hóa; các công trình phục vụ an sinh xã hội như bệnh viện, trường học, công trình thuỷ điện, nhiệt điện,...; các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm được mở rộng, xây mới hoàn thành, tạo nền móng hạ tầng công nghiệp sẵn sàng đón tiếp các dự án, các nhà đầu tư về hoạt động tại Nghệ An. Cùng với chính sách mở cửa, trải thảm đỏ thu hút đầu tư và những nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, tỉnh Nghệ An đã có sự “bứt phá” đáng khích lệ khi được tăng thêm 18 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014, vươn lên vào nhóm các tỉnh khá.

Dây chuyền đóng hộp tại Nhà máy Royal Foods. Ảnh: Lâm Tùng
Dây chuyền đóng hộp tại Nhà máy Royal Foods. Ảnh: Lâm Tùng

Tổng kết nhiệm kỳ 5 năm, Nghệ An đã vận động và triển khai thực hiện 533 dự án mới với gần 137 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký. Một số dự án, công trình có quy mô lớn, đáng chú ý như Dự án phát triển đô thị Vinh, Khôi phục nâng cấp hệ thống Thuỷ lợi Bắc, Khắc phục vùng ngập lũ, Nhà máy xi măng Sông Lam 1 và Sông Lam 2, Nhà máy Tôn Hoa Sen, Nhà máy sữa TH, Nhà máy chế biến thực phẩm Massan,... hay mới nhất và cũng quy mô nhất là Dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An đã khởi công vào ngày 16/9 vừa qua dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore. Những dự án như thế này đã, đang và sắp đi vào triển khai thực hiện, sẽ có đóng góp không nhỏ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà một cách nhanh chóng và bền vững.

Thứ hai, về văn hoá - xã hội, đã tiến đến gần hơn với mục tiêu trở thànhtrung tâm văn hoá - giáo dục của vùng, thông qua mức phát triển ổn định và đồng đều ở mọi lĩnh vực thuộc về văn hoá - xã hội. Về giáo dục, công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp triển khai có hiệu quả, hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, trong đó Trường Đại học Vinh được Chính phủ phê duyệt là một trong các trường đại học trọng điểm quốc gia. Dự kiến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 65% số lượng các trường đạt chuẩn quốc gia, đạt mục tiêu đề ra.

Bến cá Nghi Hải (TX. Cửa Lò).Ảnh: Trần Hải
Bến cá Nghi Hải (TX. Cửa Lò). Ảnh: Trần Hải

Các giá trị văn hoá, truyền thống, mang đậm bản sắc địa phương được quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy. Đáng chú ý nhất là sự kiện Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Các công tác đảm bảo an sinh, nhu cầu xã hội khác như thể dục, thể thao quần chúng, nghệ thuật, thông tin truyền thông, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết lao động,... đều có nhiều tiến bộ và đạt các chỉ tiêu đề ra.

Tổng quan, đời sống nhân dân tỉnh nhà trong nhiệm kỳ qua có nhiều chuyển biến, ngày một nâng cao. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 3,07%, vượt chỉ tiêu đề ra là giảm 2%/năm và cao hơn mức giảm trung bình của cả nước.

Như vậy, có thể đánh giá trong giai đoạn 2010 - 2015, Nghệ An đạt được những thành quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, bước đầu chuyển biến, tạo nền móng cho phát triển theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Tuy nhiên, tốc độ phát triển chưa nhanh, trình độ chưa thực sự cao, nên nền kinh tế chưa đạt được tăng trưởng đột phá, chưa tương xứng với yêu cầu của xã hội và tốc độ phát triển chung của cả nước, của khu vực.

Cầu vượt đường sắt ở Cửa Nam, TP Vinh
Cầu vượt đường sắt ở Cửa Nam, TP Vinh

Cụ thể, có 4 chỉ tiêu về kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Mặc dù đã hình thành các mũi kinh tế trọng điểm nhưng một số chưa thực sự đạt hiệu quả kinh tế cao, chưa tạo đột phá lớn như kỳ vọng. Xác định lấy nguồn vốn từ thu hút đầu tư làm chủ lực tạo đà phát triển cho kinh tế - xã hội nhưng cải cách môi trường thu hút đầu tư chuyển biến còn chậm, cộng đồng doanh nghiệp đa số vẫn ở quy mô nhỏ và vừa, chưa tập trung đầu tư đổi mới công nghệ.

Về mặt xã hội, chất lượng cuộc sống chưa đồng đều, vẫn còn chênh lệch ở các vùng, miền, vấn đề môi trường ở một số nơi chưa xử lý triệt để. Một số chỉ số về mặt văn hoá - xã hội như tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng,... vẫn còn đáng kể. Tỷ lệ chất xám, khoa học công nghệ trong nguồn lao động và trong các mô hình phát triển kinh tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Những hạn chế, tồn tại nói trên xuất phát từ các nguyên nhân khách quan như bối cảnh kinh tế chung khủng hoảng; tình hình an ninh chính trị khu vực và thế giới diễn biến phức tạp; xuất phát điểm của tỉnh thấp và chưa có nguồn đầu tư thoả đáng. Về mặt chủ quan, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của một số cấp, ngành, đơn vị, đoàn thể chưa cao; sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa đồng bộ, đôi khi còn thiếu chủ động; sử dụng nguồn lực còn phân tán; một số chỉ tiêu nhiệm kỳ đề ra cao...

Nhưng tựu trung, phải thừa nhận một điều là với nền tảng phát triển vốn có của Nghệ An - một tỉnh có nhiều tiềm năng về nông - lâm nghiệp và có cơ cấu kinh tế truyền thống với nông nghiệp làm chủ lực - cần phải có một giai đoạn chuyển đổi lớn trên mọi phương diện kinh tế - xã hội, từ hạ tầng phần cứng cho đến phần mềm là tư tưởng, nhận thức và trình độ của con người. Điều này giải thích phần nào tốc độ phát triển chưa thực sự nhanh trong giai đoạn 2010 - 2015 vừa qua.

Tuy nhiên, bắt đầu từ nửa cuối nhiệm kỳ, nhất là từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26, xác định xây dựng Nghệ An thành trung tâm kinh tế - văn hoá - xã hội của vùng, quá trình xây dựng - phát triển tỉnh nhà đã có sự chuyển biến nhanh hơn, sâu rộng hơn. Bước sang nhiệm kỳ mới với hành trang, nền móng đó, chúng ta hoàn toàn có lý do để tin tưởng sẽ đạt được những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, dưới ánh sáng định hướng, dẫn đường của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Với phương hướng đề ra: Tập trung đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các khu vực, lĩnh vực trọng điểm và có lợi thế. Phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao và các ngành dịch vụ để phát huy tối đa nguồn tài nguyên tự nhiên và con người của tỉnh nhà.

Trong đó, chính quyền đóng vai trò tích cực và trực tiếp trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nên phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết công việc liên quan đến nhân dân và doanh nghiệp. Đồng thời, bám sát với thực tiễn tình hình, diễn biến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh để kịp thời đôn đốc, điều chỉnh, đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Để đạt được mục tiêu nói trên, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng chính là sự nâng đỡ và dẫn đường về mặt tư tưởng, là yếu tố then chốt quyết định thắng lợi của một nhiệm kỳ mới với những vận hội, thách thức mới khi Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung chủ động mở ra cánh cửa hội nhập. Trong nhiệm kỳ tới (2015 - 2020), chúng ta phải phấn đấu để đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá, tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Nguyễn Xuân Đường

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Tiền đề cho thành công trong nhiệm kỳ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO