Tiền lương cho đối tượng 2B - Bao giờ ?

09/08/2012 15:19

(Baonghean) … Hơn 100 cán bộ quản lý bảo vệ rừng thuộc diện 2B (đơn vị tự trang trải kinh phí trả lương) trên địa bàn tỉnh đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, khi mà ròng rã gần 1 năm qua họ không được hưởng một đồng lương, nhưng vẫn đang phải cố bám trụ giữ rừng để nuôi hy vọng một ngày được “trả lương” ổn định cuộc sống.

Toàn tỉnh hiện có hàng trăm cán bộ quản lý bảo vệ rừng thuộc đối tượng 2B tại các Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) chưa được nhận lương từ đầu năm 2011 đến nay; lý do là: Nguồn kinh phí thực hiện từ dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã kết thúc, nguồn hỗ trợ của Nhà nước không còn, cũng là lúc các Ban QLRPH trên địa bàn tỉnh không có khả năng để chi trả lương cho cán bộ bảo vệ rừng.



Công nhân Công ty Lâm nghiệp Con Cuông tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: V.Đ

Anh Hoàng Văn Minh, cán bộ Ban quản lý rừng Tương Dương tốt nghiệp Đại học Nông – Lâm Huế, năm 2008 lên nhận công tác được giao nhiệm vụ tại Trạm QLBVR xã Hữu Khuông, đến năm 2010 thì được thông báo là không có nguồn lương chi trả, anh vẫn bám trụ và cuối cùng được tỉnh cân đối chi trả được 10 tháng lương. Nhưng sang đầu năm 2011 anh không được nhận lương nữa, mặc dù được Ban QLRPH tạo điều kiện nhưng cuộc sống của anh vô cùng khó khăn. Đến nay, hàng tuần, hàng tháng Minh vẫn phải về quê xin gia đình gạo.

Ở nhiều trạm quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn Tương Dương đa số các cán bộ diện 2B đều phải sống lay lắt, họ đã phải nợ ăn dai dẳng các hàng quán. Sống không lương nhưng những cán bộ lâm nghiệp này vẫn hàng ngày không quản ngại khó khăn tuần tra trên những cung đường núi non hiểm trở để giữ rừng. Từ tháng 11/2011 đến thời điểm này đã gần 10 tháng, nhưng 24 cán bộ bảo vệ rừng của Ban QLRPH Tương Dương chưa có nguồn kinh phí để trả lương và các khoản đóng góp theo lương. Hiện tổng số nợ lương của 24 cán bộ 2B là trên 465 triệu đồng và khoản nợ “đọng” Bảo hiểm xã hội là 110 triệu đồng. Bảo hiểm xã hội tỉnh có Công văn số 711 ngày 15/6/2012 gửi QLRPH về việc “Thông báo khởi kiện đối với các đơn vị nợ BHXH”, tiến hành lập hồ sơ khởi kiện ra toà án cấp huyện theo đúng quy định đối với các đơn vị nợ kéo dài.

QLRPH Kỳ Sơn được giao bảo vệ trên 172.000 ha rừng và đất rừng phòng hộ xung yếu, tổng số có 35 cán bộ thì có 21 cán bộ thuộc diện 2B. Anh Vi Văn Kiên cán bộ Trạm bảo vệ rừng ở Hữu Lập cho biết: “Nhận công tác từ năm 2009, trong 2 năm đầu được trả lương đầy đủ, đến năm 2011 chỉ được nhận 10,5 tháng lương, trong năm 2012 chưa nhận được đồng lương nào. Trong khi vợ con vẫn đang phải thuê nhà để ở. “Tình hình này có lẽ phải tìm việc khác để mưu sinh”. Theo ông Nguyễn Thanh Bình – Trạm trưởng Trạm QLBVR xã Nậm Càn thì trạm có 3 người thì cả 3 đến nay vẫn chưa có lương, phải vay mượn, lấy tiền nhà ra để hàng ngày bảo vệ trên 20.000 ha rừng nơi địa thế hiểm trở. Được biết trong năm 2012 tỉnh đầu tư kinh phí cho Ban QLRPH Kỳ Sơn khoảng 400 triệu đồng tiền bảo vệ 2000 ha rừng. Sau khi, trừ chi phí lập hồ sơ thủ tục chỉ còn 340 triệu đồng, trong khi cả năm trả lương cần trên 1 tỷ đồng/21 cán bộ giữ rừng; có nghĩa là trong năm nay Ban vẫn còn nợ cán bộ trên 700 triệu đồng.

Tại Ban QLRPH Yên Thành, sau khi chuyển đổi từ Công ty Lâm nghiệp sang Ban QLRPH cũng có 32 người phải “chuyển công tác sang đơn vị mới”. nhưng thực tế 32 cán bộ này vẫn chưa được ai tiếp nhận mà Ban QLRPH Yên Thành vẫn đang phải cưu mang. Không có nguồn kinh phí chi trả lương, Ban phải tìm mọi cách tạo việc làm cho anh em như giao khoán bảo vệ rừng, khoán sản phẩm vườn ươm để trả lương …Chưa kể là các Ban QLRPH Anh Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu đang có nhiều cán bộ diện 2B cùng chung cảnh ngộ làm việc không lương.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho hay: Chúng tôi đã vừa có cuộc làm việc với Sở Nội vụ nhưng vẫn chưa tìm ra cách giải quyết dứt điểm. Sở NN&PTNT tiếp tục xử lý theo 2 hướng: Hướng thứ nhất là: Tìm các nguồn hỗ trợ như lồng ghép các nguồn vốn 30A để có thêm tài chính hỗ trợ cho anh em. Thứ hai là tiếp tục trình UBND tỉnh có phương án đưa lực lượng viên chức 2B trở thành lực lượng chính thức bảo vệ rừng theo như Quyết định 186 của Chính phủ là 1000 ha rừng/1 cán bộ bảo vệ rừng. Hiện rừng Nghệ An có 480.000 ha rừng giao cho các Ban QLRPH quản lý, trong khi lực lượng chính thức chỉ có trên 130 người, vẫn đang cần trên 300 cán bộ bảo vệ rừng.

Theo Thông báo số 397 - TB-UBND ngày 21/10/2011 kết luận của đồng chí Hồ Đức Phớc –Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã giao cho Sở NN&PTNT, Sở Nội vụ, Sở Tài chính lập phương án trình UBND tỉnh xử lý theo hướng đảm bảo ổn định nguồn kinh phí trả cho người lao động thuộc diện 2B của các Ban QLRPH. Các Ban QLRPH đã có nhiều văn bản, tờ trình gửi lên các ngành liên quan trên; khẩn thiết đề nghị UBND tỉnh xem xét để bổ sung kinh phí vào quỹ lương chi trả cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tạo điều kiện giúp người bảo vệ rừng ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay chế độ của người lao động vẫn chưa được giải quyết. Hiện đã có một số cán bộ làm đơn xin nghỉ việc, nếu chế độ tiền lương không đảm bảo thì nguy cơ cán bộ viên chức 2B bảo vệ rừng sẽ đồng loạt nghỉ việc, đồng nghĩa nhiều cánh rừng sẽ thiếu lực lượng bảo vệ.


Văn Trường

Mới nhất
x
Tiền lương cho đối tượng 2B - Bao giờ ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO