Tiền vào ngân hàng rồi đi đâu?

23/05/2013 15:02

(Baonghean) - Hiện nay, tại các ngân hàng, dù lãi suất tiền gửi hạ thấp xuống 7% nhưng vẫn rất đông khách hàng đến gửi...

(Baonghean) - Hiện nay, tại các ngân hàng, dù lãi suất tiền gửi hạ thấp xuống 7% nhưng vẫn rất đông khách hàng đến gửi tiền tiết kiệm. Điều này cho thấy, dù lãi suất hạ thấp, ngân hàng vẫn đứng vững, không có gì thay đổi, vẫn cứ “đi lên” như thường”! Tuy nhiên, vấn đề mà Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang lo lại chính ở chỗ tiền vào ngân hàng rồi tiền ứ đọng lại đó, không giải ngân được! Trong các báo động về kinh tế hiện nay có một báo động đang được các phương tiện thông tin đại chúng giật tít là “báo động về việc tiền cứ ngồi trong ngân hàng!”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mới đây nhận định: “Tình trạng mất cân đối khá nghiêm trọng. Tình hình tài chính hiện tại, tôi thấy xấu lắm!”. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tán thành nhận định đó, và cho rằng “nền kinh tế hiện nay là bức tranh thực tế với rất nhiều khó khăn”. Bà nói: “Tôi thấy tình trạng thế này là gần như đóng băng rồi, khi vốn đầu vào vẫn tăng hơn 5% mà vốn chảy ra chỉ nhúc nhắc 1%. Mức đó rõ ràng là báo động vì đồng tiền cứ nằm trong ngân hàng, nghĩa là sản xuất đã đình trệ”. Ở nước ta, chưa khi nào và chưa một ai phát biểu nhận định về tình hình kinh tế xã hội lại đưa đến kết luận là “sản xuất đã đình trệ” như ý kiến của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lần này. Nhưng ý kiến đó lại được nhiều vị đại biểu trong UBTVQH đồng tình, ủng hộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành với phân tích này: “Ngân hàng huy động được tiền nhưng lại không cho vay được, vì không có hoạt động sản xuất kinh doanh, không doanh nghiệp nào đầu tư mở rộng sản xuất làm ăn. Như vậy, rõ ràng, các nguồn thu của ngân sách tiếp tục… tắc!” Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nợ xấu cao, hàng tồn kho không giảm, DN tiếp tục phá sản. 50% trong số doanh nghiệp còn hoạt động cũng báo lỗ! Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói rằng, thời gian qua, mức lãi suất huy động đã ghìm cương mạnh, có thể hạ xuống 6,5%, người gửi tiền tiết kiệm vẫn đông nhưng việc giải ngân vẫn chưa có triển vọng!

Vì sao vậy? Trăm sự là ở chỗ DN không mặn mà gì với việc mở rộng sản xuất kinh doanh, hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, trong lúc hàng tồn kho chưa có biện pháp gì để tháo gỡ. Sự tắc ách ở khâu sản xuất của các doanh nghiệp, tất nhiên ảnh hưởng liên hoàn đến nhiều mặt khác của nền kinh tế, chẳng hạn như việc thu thuế, thu ngân sách… Ngay cả hệ thống ngân hàng cũng gặp khó, nếu tiếp tục nhận tiền gửi vào mà không có đầu ra!

Rõ ràng, vấn đề đang thu hút sự quan tâm lo lắng của mọi người hiện nay là vấn đề tiền từ ngân hàng có quay trở lại để tham gia vào quá trình vận động trong guồng máy sản xuất lưu thông hàng hóa của nền kinh tế hay không, hay là nằm chết, đóng băng ở đó? Đây là bài toán khó, cần lời giải của các chuyên gia kinh tế và cần sự đóng góp ý kiến xác đáng của các vị ĐBQH trong kỳ họp lần này. Giải pháp quan trọng nhất, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, là phải tập trung tháo gỡ cho bằng được khối lượng hàng tồn kho. Điểm mắc nhất là doanh nghiệp chưa trả nổi nợ cũ, làm sao có thể vay mới? Không gỡ được nút thắt này, tình trạng phá sản các doanh nghiệp vẫn tiếp tục. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng vấn đề cơ bản là ở sức mua của nền kinh tế. Cần có giải pháp ưu tiên về vấn đề sức mua, vấn đề thị trường…

Các giải pháp kinh tế trong cuộc họp Quốc hội lần này là rất quan trọng và cũng rất hấp dẫn, rất thú vị cho những ai quan tâm theo dõi tình hình kinh tế của đất nước. Hy vọng các báo, các đài đã đưa tin về dòng chảy của đồng tiền đến với ngân hàng sẽ có dịp loan báo tin vui ngược lại đồng tiền từ ngân hàng trở về với vòng quay của nền kinh tế trong quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp… Chúng ta chờ đón các tin vui đó!


Thạch Qùy

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Tiền vào ngân hàng rồi đi đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO