Tiếng hát từ những "trái tim khát vọng"

02/11/2014 07:19

(Baonghean) - Trong 2 ngày (31/10 và 1/11), tại TP. Vinh, diễn ra Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ nhất, vòng chung khảo khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Điều đặc biệt của hội thi, không chỉ ở sự hồi hộp, chờ đón những tiết mục biểu diễn, mà hơn hết là không khí chân tình, ấm áp, chia sẻ giữa các đoàn của mỗi tỉnh tham gia...

Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ nhất do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam cùng các bộ, ngành Trung ương phối hợp tổ chức nhân Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12) và chào mừng Hội nghị quốc tế về người khuyết tật khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Việt Nam. Hội tụ về cuộc thi đặc biệt này trên tỉnh quê hương Bác Hồ, có hơn 117 thí sinh đại diện cho hàng nghìn người khuyết tật khác đến từ 10 đoàn: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, TP. Đà Nẵng, Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng.

Tiết mục dự thi của đoàn Nghệ An.
Tiết mục dự thi của đoàn Nghệ An.

Hội trường Nhà khách Nghệ An luôn đông kín người. “Sức nóng” của cuộc thi ngày càng được tăng lên sau mỗi tiết mục biểu diễn. Tiếng reo hò, tiếng vỗ tay cổ vũ, và những cái bắt tay, vỗ vai động viên nhau. Phía dưới khán đài, lượng khán giả vẫn rất đông vui và nhiệt tình. Có một nhóm các em đứng vỗ tay rất to, và liên tục nói thứ ngôn ngữ cơ thể của riêng mình với những nụ cười rất tươi, đôi mắt sáng, gương mặt hân hoan. Đó là các em đến từ Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An, thuộc “đội chủ nhà”. Các em đã biểu diễn xong trước nhưng vẫn ở lại cổ vũ các đội bạn. Tôi tiến lại gần, ra hiệu muốn nói chuyện với một em bằng cuốn sổ và cây bút. Cô bé Nguyễn Thanh Ngân (16 tuổi) cho biết: “Các em nằm trong tốp múa của đoàn, dù đứng trên sâu khấu lớn, nhưng các em chỉ hồi hộp một chút thôi, sau đó thì không run nữa, và biểu diễn rất tự tin. Dù không nghe được nhạc, nhưng em vẫn múa đều và đúng, vì có cô giáo đứng bên dưới hướng dẫn, ra hiệu, và đã được tập luyện từ trước đó. Hơn nữa mắt em “tinh lắm” và em “cảm nhận” nhạc theo cách của riêng mình”.

Cảm nhận qua hội thi, các tiết mục của các đoàn đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, trang phục đẹp... với nội dung hướng ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi truyền thống yêu nước của nhân dân ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ca ngợi quê hương, đất nước, những thành tựu trong công cuộc đổi mới, tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân. Chương trình biểu diễn của các đoàn cũng là tiếng nói giới thiệu các giá trị văn hóa đặc trưng mỗi vùng, miền trên cả nước và tôn vinh những tấm gương điển hình vượt lên số phận…

Thí sinh tỉnh Đắk Lắk tại hội thi. Ảnh: Minh Quân
Thí sinh tỉnh Đắk Lắk tại hội thi. Ảnh: Minh Quân

Đó dường như là những tiếng hát cất lên từ đôi tay tật nguyền, từ đôi chân không cử động được, từ đôi mắt chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng mặt trời… Đó là điệu múa mềm mại, nhịp nhàng đến kinh ngạc của những chàng trai, cô gái chưa bao giờ từng được nghe một bản nhạc hay bất kỳ thanh âm nào của cuộc sống. Số phận có thể không may mắn, nhưng họ biết đứng lên bằng chính trái tim mạnh mẽ, thiết tha yêu cuộc sống, chưa bao giờ gục ngã và thôi khát vọng. Đó là tiếng hát khỏe khắn, mạnh mẽ mang âm hưởng núi rừng Tây Nguyên của đoàn đến từ tỉnh Đắk Lắk. Đó là điệu múa đẹp mắt, nhịp nhàng, đậm nét văn hóa Chăm của đoàn đến từ TP. Đà Nẵng. Có tiết mục tự sáng tác bài hát, tự biên đạo múa của tỉnh Nghệ An, gợi nhắc truyền thống anh hùng cũng như ân tình sâu nặng của mảnh đất xứ Nghệ…

Khi em Lương Thị Nga được “bế” ra sân khấu, cả hội trường sau phút lặng đi là vỡ òa tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ. Cô bé 14 tuổi có hình hài như đứa trẻ 5, 6 tuổi, ngồi “lọt thỏm” trên chiếc ghế. Tay cầm “míc”, em cất tiếng hát bài “Bàn tay mẹ” đầy tự tin, khỏe khoắn và yêu thương. Tiếng hát ấy như được vang vọng từ nương rẫy, từ bản làng xa xôi của mảnh đất Tây Nguyên nắng gió… Lương Thị Nga năm nay 14 tuổi, người dân tộc Xơ-đăng, năm nay em đang học lớp 3 tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum. Gia đình có 3 chị em, Nga là con gái đầu. Em bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ ông nội, thế nên ngay từ lúc sinh ra, em đã không có hình hài lành lặn, mạnh khỏe như một đứa trẻ bình thường. Cô bé lớn lên trong mái nhà gỗ đơn sơ, cha mẹ ngày ngày lên rẫy, em vẫn không giấu nổi khát khao được đi học, để trở thành một người có ích cho xã hội. Năm 2009, bố mẹ đưa Nga đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, tại đây, em được chơi, được học cùng các bạn, và được phát hiện ra những tài năng của riêng mình. Cô Lê Thị Hương, cô giáo và là người đưa Nga cùng các bạn ra Nghệ An dự thi cho biết: “Em Nga sức đề kháng yếu lắm, ăn uống cũng ít, người bé xíu, nhưng em ngoan và học rất giỏi, 3 năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nga có giọng hát hay, em còn vẽ rất đẹp nữa, dù tay chân không thể cử động thoải mái. Nga cũng như bao nhiêu người khuyết tật khác, hôm nay về với hội thi để được đem tài năng của mình ra biểu diễn, để nhận được sự chia sẻ, cổ vũ của mọi người, để hòa nhập với các hoạt động của cộng đồng xã hội”.

Về tham dự hội thi, với nhiều người đây là lần đầu tiên được đi xa, đến Nghệ An quê Bác, có thêm những trải nghiệm thú vị. Cô Lê Minh Yêm - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết: Sau vòng thi tỉnh, đoàn của cô được chọn để đi biểu diễn ở vòng chung khảo miền Trung - Tây Nguyên. Đây là lần đầu tiên cô và 11 thành viên khác của đoàn được ra Nghệ An, vì thế đoàn đã đi trước 2 ngày. Đến Nghệ An, mọi người đã đi thăm Quảng trường Hồ Chí Minh, về quê hương Bác Hồ ở Kim Liên (Nam Đàn) để dâng hương và báo công với Người. “Tôi thấy người Nghệ An chân thành lắm, cảm giác rất lưu luyến và yêu quý con người nơi đây. Chúng tôi về thắp hương cho Bác ở làng Kim Liên (Nam Đàn), mong Bác phù hộ để cho chúng tôi biểu diễn thành công. Trong số các tiết mục biểu diễn, chúng tôi cũng có 2 bài hát về Bác Hồ”. Chia sẻ về quá trình luyện tập để đi thi, cô Yêm cho biết thêm: Đoàn của chúng tôi tập luyện trong thời gian 1 tháng rưỡi, chủ yếu là vào buổi chiều tối. Vì ban ngày mọi người còn phải đi làm, ai cũng có nghề riêng để kiếm thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Vất vả lắm, nhưng ai cũng vui và cố gắng. Được tỉnh chọn ra đây dự thi vòng chung khảo khu vực, mọi người rất mừng. Ra đây, chúng tôi thấy nhiều đoàn của các tỉnh bạn cũng xuất sắc lắm”.

Kết thúc hội thi tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có những tiết mục xuất sắc sẽ được BTC trao giải HCV, HCB, giấy khen, được chọn để đại diện cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên về tham gia chung kết toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 11 tới. Cũng có những đoàn sẽ trở về mà không đi tiếp. Nhưng hội thi đã để lại cảm nhận chung sâu sắc là với những người khuyết tật, nụ cười hôm nay có thể còn ẩn chứa bao nước mắt, bao nỗi đau giấu kín, bao khát khao đời thường không thực hiện được, nhưng điều quan trọng nhất họ luôn cố gắng để hòa nhập, để sống ý nghĩa, không còn mặc cảm, tự ti… Có thể hôm nay đây, trên sân khấu này, tiếng hát của những trái tim mạnh mẽ trong cơ thể khuyết tật ấy không chuyên nghiệp bằng các ca sĩ, điệu múa còn đôi chút vụng về, nhưng họ đã cống hiến hết mình, tràn đầy đam mê. Những tiếng hát, điệu múa ấy rồi không sẽ không chỉ ở trên sân khấu một hội thi, mà sẽ còn được ngân lên trong những ngày tháng bình thường của cuộc đời.

Và có lẽ, điều quan trọng nhất không phải thắng hay thua, mà “những trái tim khát vọng” ấy đã được cất lên tiếng hát, để tin yêu, tin vui với cuộc đời. Hội thi là sân chơi cho những người khuyết tật. Nhưng tin rằng, tất cả chúng ta thêm một lần thấm thía: Sự khiếm khuyết về cơ thể là thiệt thòi của số phận, điều quan trọng nhất là hãy giữ tâm hồn mình đừng khiếm khuyết, với trái tim không ngừng yêu thương, khát vọng.

Bài, ảnh: Hồ Lài

Mới nhất
x
Tiếng hát từ những "trái tim khát vọng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO