Tiếng kèn trong đời sống tâm linh người Thái
(Baonghean) - Trong đám tang của người Thái ở miền Tây Nghệ An, từ xưa đến nay, chiếc kèn luôn giữ vị trí quan trọng.
Khi trong nhà có người nằm xuống, khâm liệm xong là làm lễ nhập quan tài, sau ba hồi trống đánh lên cho cả bản, cả mường cùng biết, thì ngay lập tức người nhà phải đi tìm “thầy kèn”. Có “thầy kèn” đến nhà rồi, người ta mới thành lập hội nhạc đám tang (tiếng Thái - Tày - Mường ở huyện Quỳ Hợp gọi là “củ xủ”). Có hội “củ xủ” rồi, công việc của lễ nhập quan tài mới được tiến hành.
Thầy kèn và hội củ xủ trong một đám tang đồng bào Thái ở xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp. |
Trong suốt 3 ngày quàn thi hài trong nhà, tiếng kèn và trống hầu như không dứt, cả đêm lẫn ngày. Mỗi lần có ai đến viếng, hội “củ xủ” lại cử hành một “hiệp”, thường kéo dài chừng 2 phút. Trong thời gian cử hành nhạc, người đến viếng đứng im, hơi nghiêng đầu để tưởng nhớ. Khi tiếng kèn vừa dứt, người đến viếng liền ngồi thụp xuống rồi quỳ lạy trước quan tài, sau đó ngồi ôm mặt khóc. Nhạc “củ xủ” lại nổi lên một “hiệp” nữa, lần này kéo dài đến gần 3 phút. Khi tiếng kèn dứt thì người đến viếng cũng đứng dậy, đi ra khỏi nhà, cuộc viếng kết thúc!
Thường trong 3 ngày của đám tang, ngày thứ 2 hai đông khách đến viếng nhất. Hội “củ xủ” phải làm việc liên tục từ sáng đến chiều tối. Cả ngày hầu như không dứt tiếng kèn, cho đến tận đêm khuya. Hết người viếng rồi thì tiếp tục thổi kèn làm các lễ khác trong đám tang. Không làm lễ thì thổi kèn cho con cháu đánh cồng chiêng. Khi người thổi kèn có giai điệu chậm, thì người đánh cồng chiêng và đánh trống cũng đánh chậm lại, còn khi giai điệu kèn nhanh thì tiếng cồng chiêng và tiếng trống cũng nhanh theo… và khi tiếng kèn đột ngột dừng lại (vì một lý do nào đó) thì cồng chiêng và trống cũng dừng theo ngay. Người thổi kèn bởi thế mới được gọi là “thầy kèn”, tiếng kèn có chức năng dẫn dắt tất cả các nhạc cụ khác như cồng chiêng, trống, mõ tre và thanh la phải theo mình. Trong đám tang, khi nhạc “củ xủ” nổi lên, cho dù trống lên tiếng trước, nhưng chưa có tiếng kèn thì các thứ khác ( cốc, mông, phèng la…) cũng chưa lên tiếng phụ họa được.
Đến ngày di quan, hội “củ xủ” đi đầu, và đương nhiên là người thổi kèn phải đi trước, vừa đi vừa thổi cho tiếng kèn giữ nhịp “củ xủ” từ nhà ra tới tận rú mồ, dù đường ngắn hay dài thì tiếng kèn vẫn không ngắt quãng.
Tiếng kèn quan trọng trong một đám tang là như vậy, nên không phải ai cũng biết thổi kèn. Muốn tập thổi kèn, người ta phải đi thật xa bản, ở trên nương rãy hoặc ngoài bờ suối, thường là đi chăn trâu một mình hoặc ở rãy một mình thì mới dám tập thổi kèn. Tiếng kèn cất lên trong bản, cho dù ở giai điệu nào, cho dù thổi tập hay thổi cho vui thì cũng vẫn được cho là kiêng, nghe rất dễ sợ bởi cảm giác tang tóc, không yên bình, bị phản đối. Lại nữa, những người biết thổi kèn thường có tư chất khá đặc biệt, như là nghề mo, nghề cúng hoặc làm những việc tương tự có liên quan nhiều đến tâm linh, thậm chí là phải có nòi, có dòng, nghĩa là có sự truyền đời từ ông, đến cha, rồi đến con cháu.
Cho đến tận bây giờ, cho dù đã có nhiều đổi thay trong quá trình thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang của MTTQ các cấp, nhưng nhạc “củ xủ” trong đám tang thì chưa ai bỏ được. Có người chết là người nhà lập tức đi tìm cho bằng được “thầy kèn”. Chính vì thế mà các “thầy kèn” bây giờ đang có xu hướng “thương mại hóa” tiếng kèn đám tang của mình.
Ngày nay, không ai thổi kèn nữa, bọn trẻ lớn lên đều lo làm ăn kinh tế, chứ mấy ai nghĩ đến chuyện đi học thổi kèn?
Thái Tâm