Tiếng lục lạc lưng núi

(Baonghean) - Có lẽ nên bắt đầu bài viết này về ấn tượng của tôi với những dãy hàng rào tre nứa của đồng bào vùng cao xứ Nghệ. Quả thực chẳng hiểu sao mỗi lần đặt chân đến bản làng của những huyện Tương Dương, Kỳ Sơn hay Quế Phong tôi luôn cảm thấy có cái gì đó chạy qua ngón tay mỗi khi chạm vào dãy cọc rào được buộc khoanh vùng vắt néo qua các sườn núi. Phía trong hàng rào là những đàn trâu, bò nhẩn nha gặm cỏ. Cảnh vật núi rừng như chưa bao giờ yên bình đến thế...

Trên đường từ thị trấn Mường Xén vào xã Bắc Lý, đi đến đoạn bản Kèo Lực 3, xã Phà Đánh (Kỳ Sơn) chúng tôi buộc phải dừng lại để “nhường” lối đi cho đàn trâu bò. Dễ đến hơn 10 phút chúng tôi cứ ngồi chống chân trên “con ngựa sắt” chờ cho đàn trâu bò chen chúc đi qua. Nếu ở vùng đồng bằng ắt bị một phen bực mình, có khi anh bạn đồng hành lại đã chẳng buông một vài câu cục cằn. Nhưng với địa bàn miền núi điều này là bình thường, thậm chí nó phản ánh cuộc sống của đồng bào dân tộc theo cách đầy đặn, bình yên nhất.
Và trong một buổi sáng đẹp trời giữa lưng chừng núi, chúng tôi quyết định dừng chân tìm vào bản Kèo Lực 3. Tại sao lại gọi là Kèo Lực 3? Vì ở xã Phà Đánh còn có Kèo Lực 2 và Kèo Lực 1. Thông thường địa bàn hành chính của các bản làng miền núi đặc thù thường được phân chia theo địa bàn, vị trí địa lý và đặc điểm dân cư. Bản Kèo Lực 3 nằm sát với Quốc lộ 7A, trong buổi ban mai, những ngôi nhà sàn lô xô bóng nắng như những nốt nhạc in trên bản tình ca. Chúng tôi vượt qua con đường bê tông thoai thoải dốc để tìm nhà Trưởng bản Kèo Lực 3. Đang ngó nghiêng hỏi đường, bỗng đâu có tiếng phụ nữ hỏi: “Các anh mua bò à?” Đó là người phụ nữ đang ngồi dệt thổ cẩm trên gác chạn của ngôi nhà sàn sát đường đi. Chị tự giới thiệu là Kha Thị Mằn và cho biết Trưởng bản Kha Văn Mun là chồng của chị. “Các anh mà mua bò thì phải đợi thôi. Anh Mun đưa muối vào rừng cho bò rồi. Hắn đi từ sáng” – Mằn cười tỏa nắng bên khung dệt. 
Các hộ dân ở bản Kèo Lực 3 lùa bò về bản.	Ảnh: Hồ Phương
Các hộ dân ở bản Kèo Lực 3 lùa bò về bản.                   Ảnh: Hồ Phương
Trời non trưa Trưởng bản Kha Văn Mun mới rẽ lau về đến bản. Từ xa đã thấy Mun vừa đi vừa “a lô” qua điện thoại. Kha Văn Mun cứng cáp hơn so với tuổi 33. Hạ chiếc bế, dắt con dao vào thưng gỗ, anh nói với khách: “Có người hỏi mua bò. Chưa bán được vì hắn còn nhỏ quá. Chưa được to. Ít tháng nữa mới bán”. Qua trò chuyện, Kha Văn Mun cho biết, bản Kèo Lực 3 hiện nay có 75 hộ với 314 nhân khẩu. Cả bản có hơn 1000 ha đất tự nhiên, gồm cả đất rừng và đất sản xuất. Trong đó chủ yếu là rừng núi đá vôi không thể canh tác sản xuất nông nghiệp. “Là đất trồng ngô, trồng lúa ít. Ở trên ni không như dưới xuôi tính bằng sào, bằng mẫu. Tính lượng giống gieo thôi. Mỗi năm theo đầu người được khoảng 5 tạ thóc. Mùa vừa rồi mất, cả gia đình cũng chỉ được dăm tạ” -  Trưởng bản Mun chia sẻ và anh cũng nói rằng nếu không làm nghề phụ thì làng bản thiếu đói quanh năm.
Nghề phụ của bản Kèo Lực 3 chính là chăn nuôi và dệt thổ cẩm. Nếu như dệt thổ cẩm là công việc của phụ nữ, thì chăn nuôi bò là nghề của đàn ông. Bản Kèo Lực 3 hiện có đàn bò 235 con, đàn lợn hơn 200 con, đàn gà cũng khoảng 200 con. Hỏi riêng về đàn bò, Kha Văn Mun cho biết trước đây dân bản chưa nhận thấy giá trị kinh tế nên nuôi ít và việc chăm sóc cũng hết sức đơn giản. Bò cứ thả trong rừng vài ba tháng mới vào kiểm tra một lần. Vậy nên mới có tình trạng bò, bê bản này lẫn với bản khác. Nhưng nay mọi việc đã khác. Trong bản đã hình thành các nhóm chăn nuôi bò phát triển kinh tế. Theo đó, mỗi nhóm có khoảng 10 hộ dân, họ cùng góp tiền, góp công, đào hố, đóng cọc, dựng hàng rào khoanh các vùng đồi núi thành khu chăn thả trâu, bò tập trung.
Ở bản Kèo Lực 3 có gần 10 nhóm chăn nuôi như vậy. Mỗi nhóm nuôi nhốt chung từ 20 - 30 con trâu bò. Gia đình ông Kha Văn Bún là người có nhiều bò nhất với 16 con, ông Kha May Mun có 10 con, ngay như Trưởng bản Kha Văn Mun cũng có 7 con bò. Trên khu vực núi đồi có khe nước chảy qua, đàn bò được khoanh nuôi với diện tích 13 ha. “Cứ vài ba ngày mình lùa bò về bản một lần để ta cho hắn ăn muối, không thì các gia đình trong nhóm thay nhau đưa muối vào rừng rồi kiểm tra luôn. Con bò hắn cũng như ta, cũng cần muối mới khỏe được” - Kha Văn Mun cười phô hàm răng đen xỉn. 
Dựng hàng rào khoanh nuôi trâu bò giờ đây không còn là “điểm sáng” hay “phong trào” ở một số bản làng miền Tây Nghệ An nữa, mà đang dần trở thành nếp trong hoạt động sản xuất chăn nuôi của đồng bào. Cái lợi trước hết là có thể chăm sóc, theo dõi, quản lý chặt chẽ đàn gia súc, không lo bị mất mát. Khi chẳng may xảy ra dịch bệnh cũng được phát hiện kịp thời và có các biện pháp phòng chống. Liên quan đến vấn đề này, nhiều người dân cho biết đàn gia súc của họ đều được tiêm phòng theo định kỳ hằng năm. Việc nuôi thả tập trung cũng giúp các hộ dân hỗ trợ bò mẹ sinh sản và bê con. Điều quan trọng nhất là lợi ích kinh tế. Mỗi một con bê cũng có giá trên10 triệu đồng, nếu là bò trưởng thành thì từ 15 - 30 triệu đồng/con. “Rừng đó, thức ăn đó, cái lợi ngay trên mảnh đất của mình răng lại không phát huy” - đó là tâm sự của ông Moong Phò Tóm- Trưởng bản Huồi Cáng 1, xã Bắc Lý (Kỳ Sơn).
Gia đình của Phò Tóm có 14 con bò, 7 con trâu, hơn 20 con lợn, chưa tính đến đàn gà đen mấy chục con. Chính vì thấy được cái lợi từ địa bàn sinh sống nên những năm qua rất nhiều hộ dân ở xã Bắc Lý mở rộng quy mô, phát triển đàn trâu, bò. Và tất cả đều tiến hành nuôi đàn đại gia súc theo hình thức làm hàng rào khoanh vùng. Lâu nay nhiều người vẫn cho rằng ở khu vực miền Tây Nghệ An đồng bào dân tộc Khơ mú chưa chăm chỉ bằng các dân tộc thiểu số khác nhưng ông Cụt Phò Dương - Chủ tịch UBND xã Bắc Lý đã khẳng định điều ngược lại. Rằng: “Nếu bà con không chăm chỉ, không nuôi bò, nuôi trâu thì lấy chi mà ăn”. Như để minh chứng cho điều mình nói, ông Cụt Phò Dương cho biết, hiện nay ở Bắc Lý có đàn bò gần 1.400 con, đàn trâu 652 con, đàn dê 1.300 con, đàn lợn gần 2.000 con, gà vịt gần 10.000 con. Ông Dương cũng thừa nhận: Bắc Lý  là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, hộ nghèo vẫn chiếm cao nhưng bình quân nhà nào cũng có 4-5 con trâu bò. Và khoanh nuôi đại gia súc là 1 trong những hướng đi lâu dài để phát triển kinh tế địa phương. “Cứ chờ vào ông “tời” thì đến tháng 2, tháng 3 là chết đói” - Chủ tịch UBND xã Bắc Lý huơ tay chỉ lên trời phân bua. 
 
Vì không thể chờ “trời sinh voi sinh cỏ” được nên nhiều bản dân cư ở Bắc Lý bà con đều chủ động bàn bạc thống nhất với nhau việc khoanh nuôi trâu, bò. Ông Cụt Xuân Khánh ở bản Huồi Cáng 1 cho hay cứ 5 - 6 hộ dân chung nhau một khu vực chăn nuôi. Khi cùng tham gia khoanh nuôi, tùy theo số lượng trâu bò của từng hộ gia đình để quy ra việc đóng góp cuộn thép hàng rào. Mỗi cuộn dây thép dài 100m có giá 200 nghìn đồng, gia đình nào có nhiều bò thì góp 10 - 15 cuộn, ít thì 4 -5 cuộn. Diện tích khoanh vùng mỗi nhóm khoảng 2 ha, theo phân công cứ luân phiên mỗi hộ chăm sóc, theo dõi 1 tuần. 
Cũng như Huồi Cáng 1, ở bản Phà Coóng cũng đang nuôi gia súc theo cách làm tương tự. Bản có 28 hộ với 132 nhân khẩu và nhà nào cũng có trâu, bò. Các hộ dân trong bản nhóm lại với nhau theo họ hàng, anh em. Ví dụ như nhóm dòng họ Cụt có tới 10 gia đình cùng góp tiền, góp công dựng hàng rào làm khu chăn nuôi với diện tích trên 3ha. Ở đó luôn có hơn 60 con trâu, bò của các gia đình như” Cụt Phò Chớ, Cụt Phò Dương, Cụt Văn Cường, Cụt Phò Hoàn... Ngoài ra tại bản Phà Coóng còn có các nhóm chăn nuôi bò của dòng họ Chích, dòng họ Moong... Cũng nhờ việc chăn nuôi trâu bò nên tỷ lệ hộ nghèo của Phà Coóng từ trên 90% của cách đây vài năm hiện nay đã giảm xuống còn 50%.
Đây chính là hiệu quả có thể nhìn thấy được ở địa bàn cách trung tâm xã Bắc Lý gần 5km và cách trung tâm huyện Kỳ Sơn gần 40km. Ông Cụt Phò Dương - Chủ tịch UBND xã Bắc Lý còn cho biết: Sở dĩ địa phương phát triển được đàn gia súc và mở mang được tư duy kinh tế là nhờ vào hệ thống đường sá giao thông do Nhà nước đầu tư. Đến nay đường nhựa đã vào đến trung tâm xã và từ xã có đường bê tông đến các bản. Nhờ vậy việc vận chuyển nông sản nói chung và xuất bán trâu, bò nói riêng cũng rất thuận lợi. “Ta phải làm hàng rào chớ. Không thể chờ nhà nước, mong ông “tời” mãi được” - câu nói của vị lãnh đạo thuộc đồng bào dân tộc Khơ mú khiến tôi ấn tượng mãi. Đúng là tất cả đều bắt đầu từ những dãy hàng rào giữa điệp trùng rừng núi trên vùng rẻo cao. Và niềm vui còn dâng đầy hơn thế khi đi qua bản Huồi Cáng 1 bất chợt vọng lên tiếng hát lanh lảnh: “Em ở bên kia núi/ Sao chẳng về cùng anh/ Mặt trời muốn đi ngủ/ Mắt anh vẫn ngón chờ/ Nếu có về với anh/ Em nhớ theo tiếng lục lạc/ Đàn bò ở đâu là có anh ở đó...”.
Đào Tuấn

tin mới

Điểm tái định cư

Người dân vùng lũ Kỳ Sơn thấp thỏm chờ tái định cư

(Baonghean.vn) - Cơn lũ quét lịch sử vào tháng 10/2022 đã khiến hàng trăm hộ dân Kỳ Sơn bị mất nhà cửa. Sau gần 1 năm chờ đợi, người dân vùng lũ vẫn chưa có nơi ở mới, nhiều hộ buộc phải dựng nhà tạm để sống trong khi mùa mưa lũ lại sắp cận kề.

Lê rừng

Xã vùng cao Kỳ Sơn vào mùa thu hoạch lê rừng

(Baonghean.vn) - Những ngày này, nhiều hộ dân ở xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) đang vào mùa thu hái mắc coọc (lê rừng). Đây là một loại cây ăn quả đặc trưng của đồng bào người Mông nên rất được người mua ưa chuộng.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dự Lễ khánh thành cầu dân sinh ở bản biên giới

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dự Lễ khánh thành cầu dân sinh ở bản biên giới

(Baonghean.vn) - Sáng 14/7, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy tới dự Lễ khánh thành cầu dân sinh bản Phà Mựt và khởi công cầu dân sinh bản Nhôn Mai, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Đây là các công trình do lực lượng Bộ đội Biên phòng Nghệ An kêu gọi, xây dựng hỗ trợ người dân vùng biên.

Niềm vui của 35 hộ đồng bào Đan Lai ở Con Cuông

Niềm vui của 35 hộ đồng bào Đan Lai ở Con Cuông

(Baonghean.vn) - Giữa những ngày nắng gắt, 35 hộ đồng bào Đan Lai ở bản Bá Hạ, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông bất ngờ đón niềm vui khi được nhận quà tặng từ đoàn công tác chính quyền các cấp và tấm lòng hảo tâm của Nhóm thiện nguyện Niềm tin.

Nghề 'bế' gừng thuê ở Na Ngoi

Nghề 'bế' gừng thuê ở Na Ngoi

(Baonghean.vn) - Gừng là một trong những loại cây trồng chủ lực ở Na Ngoi (Kỳ Sơn). Trong mùa thu hoạch gừng, lao động trên địa bàn chủ yếu đi làm ăn xa, nhiều hộ đồng bào Mông đã thuê người Thái, Khơ Mú ở các địa bàn lân cận để "bế" (thồ - PV) gừng từ nương rẫy, vận chuyển về bãi tập kết.

Hội Nguyên – điểm du lịch mới ở miền Tây Nghệ An

Hội Nguyên – điểm du lịch mới ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) -  Được đưa vào khai thác từ năm 2022, điểm du lịch Hội Nguyên ở xã Yên Thắng, huyện Tương Dương có sức hút đối với nhiều người. Về đây, du khách được hòa mình vào sông nước, núi rừng và có được những giờ phút thư giãn, trải nghiệm thú vị.
Hơ-Mông (H’mông), Mông, Mèo: Đọc, viết sao cho đúng?

Hơ-Mông (H’mông), Mông, Mèo: Đọc, viết sao cho đúng?

(Baonghean.vn) -  Là tộc người đã định cư ở Việt Nam hơn 400 năm, với số dân gần 1,4 triệu người, đông thứ 8 trong các dân tộc ở Việt Nam, nhưng tộc danh của người Mông vẫn chưa được công chúng hiểu và đọc , viết cho đúng. Ở Việt Nam, người Mông thường được gọi là “Hơ-Mông” hoặc “Mèo” ; còn trên các văn bản viết, người ta có khi viết “H’mông”, HMông, có khi lại viết Mông, Mèo. Như vậy, đâu mới là cái tên đúng nhất về dân tộc này và vì sao lại có những cách gọi , đọc, viết khác nhau như vậy? Bài viết dưới đây của một người Mông giải thích rõ về điều này.
Mùa nước đổ dưới chân Puxailaileng

Mùa nước đổ dưới chân Puxailaileng

(Baonghean.vn) - Thời điểm này đang vào mùa nước đổ ở Puxailaileng. Bà con bước vào vụ sản xuất mới trên những thửa ruộng bậc thang. Cuộc sống, sinh hoạt và cảnh sắc dưới “nóc nhà” miền Tây xứ Nghệ hiện lên như tranh vẽ, làm xao xuyến bất cứ ai khi ghé thăm.
ff

'Trốn nắng' ở vùng sinh thái Con Cuông

(Baonghean.vn) - Dòng sông Giăng xanh mát, thác nước Khe Kèm như mát xa vào thân người tắm ở giữa vùng rừng Con Cuông (Nghệ An) là những điểm đến lý thú để du khách "trốn nắng" hiệu quả trong mùa Hè. Đến đây du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc sắc do đồng bào chế biến và hòa mình vào tiếng khèn, khắc luống cùng điệu múa sạp sôi động.
Động lực mới phát triển miền Tây

Động lực mới phát triển miền Tây Nghệ An

(Baonghean) - Động lực mới với chính quyền và người dân nơi miền Tây Nghệ An khi Quốc hội phê duyệt Nghị quyết về “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” và Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết triển khai thực hiện.
Món rêu đá ngày Tết

Hấp dẫn, thơm ngon món mọc rêu đáy sông gói lá chuối ngày Tết

(Baonghean) - Từ nhiều đời nay, rêu đá ở dưới đáy các sông, suối trên thượng nguồn sông Lam được người dân miền núi xứ Nghệ xem như một loại thực phẩm phục vụ đời sống hằng ngày. Đặc biệt đối với đồng bào người Thái, rêu đá còn được dùng để chế biến ra nhiều món ăn truyền thống, ngon và đặc sắc trong dịp lễ, Tết.
Người có uy tín vùng đồng bào DTTS.

Tuyên dương 200 người có uy tín tiêu biểu vùng đồng bào DTTS ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò tích cực, có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh nói chung và các huyện miền núi nói riêng. Họ chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào các DTTS, nhân dân vùng miền núi.
ảnh đại diện ý kiến

Những thủ lĩnh nơi bản làng miền Tây xứ Nghệ

(Baonghean.vn) - Người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động đồng bào áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Về dự Hội nghị tuyên dương người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Nghệ An lần thứ 2, năm 2019 diễn ra vào chiều 15/10, các đại biểu gửi gắm nhiều tâm nguyện từ thực tiễn.
Có không gian vừa thoáng mát, vừa yên tĩnh dường như đã tạo cảm hứng đọc sách cho các em học sinh

Dãy nhà chờ độc đáo cho giáo viên và học sinh vùng cao Nghệ An

(Baonghean.vn) - Điểm Trường Tiểu học bản Khổi, thuộc Trường Tiểu học Tam Thái (Tương Dương - Nghệ An) chỉ có 2 phòng học, không có phòng chờ cho giáo viên và phòng đọc sách cho học sinh. Phụ huynh nơi đây đã cùng nhau góp tre, nứa, lá cọ để dựng lên những nhà chờ đẹp mắt, thân thiện.
học sinh tựu trường

Những đứa trẻ người Mông ở Nghệ An rời bản, xuống núi đến trường

(Baonghean.vn) - Cuộc sống vất vả đã “cuốn” những đứa trẻ người Mông ở Tri Lễ (Quế Phong) sớm lên nương, vào rẫy... Tuy nhiên năm gần đây, nhận thức người dân được nâng lên, người Mông đã xem việc đưa trẻ xuống núi theo học là để tiếp thu kiến thức mới, góp phần nâng cao cuộc sống, xây dựng bản làng.
Trải nghiệm chợ phiên vùng cao Tương Dương với các loại rau củ độc đáo

Trải nghiệm chợ phiên vùng cao Tương Dương với các loại rau củ độc đáo

(Baonghean.vn) - Đã từ lâu người dân khắp nơi đều biết đến chợ phiên Tam Thái (Tương Dương) là phiên chợ chuyên bày bán rất nhiều loại rau, củ, quả do bà con tự trồng hoặc thu hái ở trên nương rẫy hay khe suối. Đây không chỉ là những loại nông sản "sạch" mà còn là những vị thuốc rất tốt cho sức khỏe, nên được người dân rất ưa chuộng.
Hoạt động của bộ phận một cửa tại Chi cục thuế huyện Tương Dương. Ảnh: Phương Thúy

Huyện có 5 dự án thủy điện ở Nghệ An kiến nghị trích nguồn thuế cho địa phương

(Baonghean.vn) - Trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An) hiện có 5 dự án thủy điện nhưng việc thu thuế lại không thuộc trách nhiệm của huyện. Do đó, huyện vùng cao này đề nghị có chính sách nhằm trích lại một phần kinh phí từ nguồn thu thuế các công trình thủy điện trên địa bàn cho địa phương.