(Baonghean) - Ký ức hào hùng của những cựu binh từng tham gia “Đường Hồ Chí Minh trên biển” dường như lại trở về mỗi dịp kỷ niệm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam. Những kỷ niệm, câu chuyện của thời đạn lửa đã tiếp sức cho các chiến sỹ trẻ hôm nay “chắc tay súng”, giữ vững chủ quyền, bảo vệ biển, đảo của tổ quốc...
Trở về từ rừng U Minh Hạ
Về xóm Đông Lộc, (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) không khó khăn để chúng tôi hỏi thăm nhà cựu chiến binh Lương Luyến – Trưởng ban Liên lạc đoàn tàu không số của huyện. Đón chúng tôi, ông hào hứng: Biết nhà báo muốn tìm nhân chứng, tôi đã phải gọi cho anh Ngô Trí Bảo... người được mệnh danh là “người sót lại cuối cùng của rừng U Minh Hạ”. Nghe vậy, người đàn ông đậm chất nông dân ngại ngùng: So với bác Luyến, tôi đi ít chuyến hơn nhiều. Những cựu binh của đoàn tàu không số mỗi người đều là một pho lịch sử sinh động...
Nói rồi phân trần, nhà báo chịu khó nghe, bởi sau nhiều năm lăn lộn chiến trường, ảnh hưởng của các loại chất độc hóa học nên hiện nay đường thanh quản của bác bị tổn thương, việc giao tiếp gặp nhiều khó khăn. Ông chậm rãi kể về chuyến tàu C69 (thuộc Tiểu đoàn 3, Đoàn 125) vào tháng 3/1971.
Đây là chuyến đi đầu tiên của anh lính trẻ Ngô Trí Bảo sau hơn 10 tháng tham gia khóa huấn luyện ở Đoàn 170 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Trước khi nhận nhiệm vụ, ông chỉ biết “chuẩn bị được ra biển” còn chở gì, chở ai thì đến khi lên đến tàu mới rõ. Với nhiệm vụ chở vũ khí vào miền Nam, tàu xuất phát từ Cảng K20 (Thủy Nguyên, Hải Phòng) rồi trải qua hàng chục ngày lênh đênh trên biển cuối cùng cũng đến được vùng Cửa Hố (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vào đêm 11/4/1974. Khi chỉ còn cách bờ khoảng 10 hải lý (gần 20 cây số) thì tàu C69 bất ngờ bị tàu địch phát hiện. Lúc này, tàu trưởng đưa ra mệnh lệnh “Phải lập tức tiêu hủy tàu”, ngay sau đó lệnh phá kíp 45 phút được triển khai. Chúng tôi nhanh chóng mặc áo phao nhảy xuống.
![]() |
Các cựu chiến binh Ngô Trí Bảo và Lương Luyến xem lại hồi ký của Đoàn tàu không số.
Gần một đêm lênh đênh trên sóng nước, rạng sáng ngày hôm sau Ngô Trí Bảo bơi được vào đất liền. Vừa đặt chân lên bờ, đã nghe tiếng máy bay ầm ào bên tai. Tiếng loa gọi hàng của địch cứ lải nhải liên tục: “Hỡi chiến binh cộng sản Bắc Việt, các bạn đã bị bao vây. Hãy mau mau trở về với chính nghĩa quốc gia để được vợ đẹp con khôn, cơm no áo ấm…”.
“Lúc ấy chỉ có một khẩu AK và hơn hai mươi viên đạn, tôi không khỏi hoang mang. Suy nghĩ đầu tiên là phải trốn vào chỗ kín, rồi mới tính tiếp, bởi cửa sông để vào đất liền đã bị bao vây hoàn toàn, bờ biển thì bị chặn đứng bởi một trung đội người nhái đang rà soát”.
Nấp gần trọn một ngày, đêm xuống nghe ngóng đã bắt đầu yên ắng, men theo đường bờ biển lần tìm dấu vết cơ sở thì phát hiện gần chục tên lính ngụy đang mắc võng. Đoán chắc đã bị động, ông liền nổ súng, rồi sau đó nghe trong đêm tiếng rên rỉ và chửi rủa của lính Ngụy. Tuy nhiên, khi đó ông cũng đã bị thương ở lưng, phải cố gắng lắm mới đi ngược được vào rừng sâu. Người lả đi vì đói, mệt, mất máu.. “Đói quá không chịu được, đành phải bắt một con cua, bóc mu, rửa qua nước mặn nhai ngấu nghiến, không còn biết tanh hôi là gì. Không ngờ, sau khi có tí chất tanh vào, người khỏe hẳn lên. Tôi lại thêm niềm tin và tiếp tục đi”.
Sau trận này, do bị thương nên phải chuyển đơn vị, nhưng ông vẫn bám trụ ở vùng U Minh Hạ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngày trở về, mang trên mình thương tật của chiến tranh, nhưng ông vẫn cố gắng làm lụng chăm chỉ nuôi 3 người con ăn học, xây dựng gia đình. Thỉnh thoảng sang nhà người đồng đội cũ Lương Luyến để ôn lại chuyện xưa. Trong những câu chuyện, có chuyện làm ăn kinh tế, chuyện dựng vợ, gả chồng cho con, chuyện nhà, chuyện thôn... và mỗi lần nhắc lại chuyện xưa cả hai đều bồi hồi, xúc động. Hồi ức về đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, về đoàn tàu không số giúp các ông mạnh mẽ hơn, quên đi khó nhọc của đời thường ...
Từ “Trận chiến ma” đến chiến công thời bình
Đến Hải đội 137 thuộc Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân, được Trung tá Vũ Xuân Tình – Chính trị viên đại đội dẫn vào phòng Hồ Chí Minh – phòng truyền thống của đơn vị. Nơi trang trọng nhất là bức chân dung của Bác Hồ, tiếp đến là những hình ảnh ghi lại quá trình hình thành và phát triển của lực lượng Hải quân Việt Nam.
Trung tá Vũ Xuân Tình, đặc biệt giới thiệu bức ảnh đen trắng ghi lại hình ảnh một con tàu thô sơ với những nòng súng kiêu hãnh hướng về phía một hạm đội tàu hiện đại của Mỹ. Đây là 1 trong 3 con tàu do Tiểu đoàn trưởng Lê Duy Khoái và Nguyễn Xuân Bột thuộc Tiểu đoàn 135 trực tiếp chỉ huy tham gia vào trận đánh với Mỹ sau sự kiện đêm 31/7/1964 Mỹ cho tàu Maddox xâm phạm vào vùng biển miền Bắc nước ta.
Trận đấu diễn ra trong điều kiện không cân sức, khi một bên là Mỹ với đội tàu tinh nhuệ hiện đại cộng với máy bay yểm trợ và một bên là bộ đội Hải quân Việt Nam vũ khí trang bị thô sơ, nhưng sau 2 ngày chiến đấu ác liệt, chúng ta đã đánh đuổi tàu Maddox ra khỏi hải phận, bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 1 máy bay khác. Trận chiến này, sau đó được báo chí Mỹ gọi là “trận chiến ma” bởi họ không giải thích được tại sao Mỹ là kẻ chủ động gây chiến nhưng lại bị sa lầy trong trận địa đó.
Thua trận, hai ngày sau chính quyền Mỹ dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”… bất ngờ mở cuộc tấn công mang tên “Hành quân Pierce Arrow” (Mũi tên xuyên), đánh phá vào hầu hết các căn cứ hải quân của ta trên suốt dải ven biển miền Bắc từ Cảng Sông Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh) nhưng một lần nữa chúng lại thất bại. Chiến thắng ngày 2/8 và 5/8 đã mở đầu cho trang sử chiến đấu và chiến thắng hào hùng của Hải quân Việt Nam, khẳng định quyết tâm và ý chí dám đánh, quyết đánh và biết đánh Mỹ của ta. Ngày 5/8 cũng được chọn là ngày truyền thống của bộ đội Hải quân Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Hải quân Việt Nam, Hải đội 137 được thành lập ngày 6/5/2005 để thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm là: Sẵn sàng chiến đấu, tuần tiễu, trinh sát cùng với các lực lượng quản lý bảo vệ chủ quyền vùng biển phía Nam Vịnh Bắc bộ của Tổ quốc; phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn trên sông, trên biển. Trung úy Mai Văn Sơn (Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu) kể: Cơn bão số 5 bất ngờ đổ bổ xuống Tân Kỳ năm 2005.
Khi đó, đơn vị mới thành lập, hầu hết các chiến sỹ trong Hải đội đều mới được điều động từ đơn vị khác đến, bản thân anh cũng mới chuyển công tác từ Đoàn Đặc công Hải quân Hải Phòng về. Nhưng anh đã cùng với các chiến sỹ trong Hải đội lập tức có mặt tại vùng tâm bão, tham gia giúp đỡ, cứu hộ, cứu nạn cho 12 xã trong huyện. Hay những lần tham gia tìm kiếm cứu nạn tàu cá của ngư dân Thanh Hóa, những lần xua đuổi lực lượng tàu thăm dò nước ngoài...
Với các anh, những chuyến đi, những cuộc vật lộn với sóng gió, bão táp đầy hiểm nguy không chỉ có ý nghĩa xả thân mình vì sự bình yên, an toàn của Tổ quốc và người dân, mà còn là những trải nghiệm quý giá đối với người lính chỉ có ở lực lượng bộ đội hải quân. Phải chăng những điều đó đã tạo nên giá trị, tạo nên cái gọi là “chất lính” chỉ có ở người lính Cụ Hồ, dù họ đang tại ngũ hay đã xuất ngũ.
Bởi vậy, câu chuyện trước ngày ra quân của Thoại với ý định học nghề điện tử, còn Quân sẽ về Quảng Bình để tiếp tục sự học đang dang giở... vẫn được nối dài dài mãi mỗi mùa ra quân của các chiến sỹ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Hầu hết trong số họ khi trở về địa phương đều là những nhân tố tích cực, tiêu biểu trên mọi lĩnh vực dù là công tác đảng, chính quyền, đoàn thể hay hoạt động văn hóa xã hội, kinh doanh, sản xuất... Bởi như niềm tin sắt đá của Thoại “Hai năm khoác trên mình bộ quân phục bộ đội hải quân, được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt, kỷ cương, em thấy mình trưởng thành nhiều. Sau khi được học tập, tham gia nhiều cuộc huấn luyện, chiến đấu em thấy mình phải có trách nhiệm trở thành “người lính” đi đầu trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, dù là ở đâu, ở trên lĩnh vực nào”.
Trung tá Vũ Xuân Tình cho biết: Hải đội đến gần 70% là người ngoại tỉnh, nhưng vì nhiệm vụ đặc biệt nên mỗi năm anh em chỉ về quê được một lần. Sống xa gia đình, xa vợ con, nỗi nhớ quê nhà cứ gợn lên mỗi lần theo tàu tuần tra lênh đênh trên biển. Những khi ấy, nhìn về đất liền, lại càng thấy dải đất hình chữ S sao mà thiêng liêng, máu thịt; càng thấm thía sâu sắc chân lý: Sống ý nghĩa là hy sinh và xả thân cho sự bình yên của nhân dân và vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam yêu dấu.
Chia tay với cán bộ, chiến sỹ Hải đội 137, đã hằn sâu trong tôi những dòng chữ trong lá thư của Trung úy trẻ Phạm Quang Giáp gửi mẹ “Mẹ ạ, đất nước ta dài và rộng quá, biết bao bà mẹ vẫn chiều chiều ra cổng đứng chờ con nhưng có mấy người ra đi rồi trở lại, họ ra đi mãi mãi vì Tổ quốc thân yêu. Hòa bình rồi nhưng có lẽ bây giờ mẹ cũng vậy! Con đi mang theo tình thương yêu của mẹ, sức bền bỉ và lòng dũng cảm của cha, sự đùm bọc của xóm làng, ơn thầy cô dạy dỗ làm hành trang trong cuộc đời quân ngũ. Quê hương chính là nguồn sức mạnh, chắc tay súng con sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh giữ vững mảnh đất này để tiếp bước lớp lớp cha anh đã ngã xuống”...