Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: Hiệu quả từ Yên Thành

12/05/2014 15:16

(Baonghean) - Việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để ngành Điện bán điện trực tiếp tới đông đảo nhân dân là chủ trương của Chính phủ. Ở huyện Yên Thành, kết quả từ chủ trương đúng đắn này đã góp phần giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn và cải thiện đời sống người dân nông thôn.

(Baonghean) - Việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để ngành Điện bán điện trực tiếp tới đông đảo nhân dân là chủ trương của Chính phủ. Ở huyện Yên Thành, kết quả từ chủ trương đúng đắn này đã góp phần giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn và cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Anh Nguyễn Hữu Thắng, chủ cơ sở chế biến nông sản ở Lộc Thành - Nam Thành tâm sự: Cơ sở chúng tôi đầu tư chế biến lúa gạo. Trước đây điện yếu, chập chờn dễ gây hư hỏng các máy móc, thiết bị thì nay chất lượng điện ổn định, gia đình tôi đã đầu tư máy móc hiện đại để chế biến xuất bán mỗi ngày trị giá trên 200 triệu đồng tiền gạo, tạo việc làm ổn định cho trên 15 lao động với mức lương ổn định. Tại các xóm Vĩnh Thành, Lộc Thành, Lâm Xuyên, hệ thống điện đều được làm mới, cột mới, dây bọc đảm bảo an toàn. Ông Nguyễn Thọ Bắc ở Vĩnh Thành phấn khởi tâm sự: “Các xóm này là vùng cuối nguồn điện, dây cột không đảm bảo an toàn, chỉ thắp một bóng đèn “khi tỏ, khi mờ” thì nay dùng được cả ti vi, tủ lạnh, máy xay xát và bình nóng lạnh…”.

Công nhân điện lực Yên Thành duy tu trạm biến áp ở Thị trấn Yên Thành.
Công nhân điện lực Yên Thành duy tu trạm biến áp ở Thị trấn Yên Thành.

Ông Phan Thế Trung - Chủ tịch UBND xã Nam Thành cho biết: Trước đây, hệ thống điện áp nông thôn ở Nam Thành xuống cấp trầm trọng, chỉ được 2 trạm biến áp phục vụ cho toàn xã. Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, xã đã được đầu tư thêm 2 trạm biến áp nâng tổng số hiện có lên 4 trạm. Từ năm 2012, Nam Thành tiếp tục được dự án KFW (vốn vay ngân hàng tái thiết Đức) đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng cải tạo lưới điện nông thôn. Đến thời điểm này, 7/9 xóm ở Nam Thành đã thay thế từ dây điện trần sang dây điện bọc an toàn, thay thế các cột điện xuống cấp, các cột điện không đúng nơi quy hoạch như nằm trong vườn nhà đều được di dời đến nơi an toàn. Thay mới 100% đồng hồ đo điện, 1.100 hộ dân trên địa bàn xã trực tiếp mua điện với giá điện của Chính phủ quy định. Cũng nhờ tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn mà giảm thiểu tổn thất điện năng, trước đây có những xóm tổn thất từ 35 - 40%, nay giảm xuống còn 10 - 12%. Nam Thành hiện còn lại 2 xóm Sơn Thành và Hợp Thành do ở xa trung tâm xã, địa bàn rộng nên chưa được đầu tư lưới điện, xã đang rất mong được ngành điện quan tâm để cải tạo đầu tư lưới điện đồng bộ.

Tại xã Liên Thành, nhờ nguồn điện ổn định nên các ngành nghề dịch vụ phát triển khá mạnh. Ông Nguyễn Như Tuyết - chủ một xưởng sửa chữa ô tô cho biết: Trước đây điện không đảm bảo để hàn, bơm hơi. Hiện nay, sau khi được cải tạo thì nguồn điện đã ổn định, chúng tôi mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mở rộng quy mô thu hút sửa chữa ô tô các loại. Dọc xóm Cầu Thông là hàng chục cơ sở như sản xuất đá lạnh, nhà hàng, khách sạn, 2 cơ sở kinh doanh xăng dầu… Ông Nguyễn Thế Nông - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Thành nói thêm: Trước đây Liên Thành chỉ có 2 trạm biến áp, hệ thống lưới điện hầu như xuống cấp, sau khi tiếp quản lưới điện hạ áp thì Liên Thành đã được ngành điện đầu tư thêm 2 trạm biến áp mới 1 tỷ đồng, đầu tư trên 2,5 tỷ đồng thay thế được hơn 17 km đường dây điện bọc, thay thế trên 20 cột điện không đảm bảo chất lượng. Nhờ được nâng cấp, cải tạo mà hệ thống điện ở Liên Thành trên 90% đảm bảo chất lượng điện, vào mùa mưa bão bớt lo dây điện trần bị đứt vắt ngang đường như trước đây.

Cũng như nhiều địa phương, tại Yên Thành thời điểm năm 2008 về trước, kinh doanh điện nông thôn chủ yếu do các HTX dịch vụ điện năng quản lý. Hạn chế của các tổ chức này là trình độ quản lý và chuyên môn còn hạn chế, không ít người chưa qua đào tạo, chi phí nhân công lớn, làm tăng giá bán điện khiến người sử dụng thiệt thòi. Các HTX dịch vụ điện hạch toán thu chi chưa bảo đảm quy định; hệ thống công tơ không bảo đảm chất lượng theo quy định của Pháp lệnh Đo lường. Không có điều kiện đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện dẫn đến tổn thất điện năng lớn.

Ông Hồ Sĩ Vĩnh - Giám đốc Điện lực Yên Thành cho biết: Thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, đến nay Điện lực Yên Thành đã tiếp nhận được 25/38 xã, Thị trấn ký hợp đồng mua bán điện với trên 43.000 khách hàng. Sau khi tiếp nhận, Điện lực Yên Thành đã tập trung cải tạo, đầu tư hệ thống lưới điện của các xã, với nguồn vốn đầu tư trên 22 tỷ đồng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Từ nguồn vốn này, Điện lực Yên Thành tập trung thay công tơ, thay các dây nèo, xà sứ nứt vỡ, dây dẫn và bổ sung tiếp địa, giải phóng hành lang và sửa chữa cải tạo một phần đường dây quá cũ nát, mất an toàn của tất cả các xã mới tiếp nhận.

Năm 2012, Yên Thành tiếp tục được dự án KFW (vốn vay ngân hàng tái thiết Đức) đầu tư 47 tỷ đồng đầu tư cho trên 20 xã, Thị trấn. Trong năm 2014, Tổng công ty Điện lực miền Bắc tiếp tục đầu tư nâng cấp thêm cho các xã khó khăn. Đến thời điểm này, toàn huyện có 22 xã, Thị trấn cơ bản hoàn thiện hệ thống lưới điện nông thôn với mức đầu từ 2,5 - 4 tỷ đồng từ các dự án. Sau tiếp quản lưới điện hạ áp nông thôn, nhờ được đầu tư cải tạo nên chất lượng điện áp ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân nông thôn. Tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ hơn 30% trước tiếp nhận xuống còn 10%, người dân được mua điện đúng với giá điện do Chính phủ quy định.

Bài, ảnh: Văn Trường

Mới nhất
x
Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: Hiệu quả từ Yên Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO