Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển

27/12/2013 14:12

(Baonghean) - Vừa qua, Nghiệp đoàn nghề cá được thành lập thí điểm tại xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu với sự tham gia của 155 lao động và chủ tàu thuyền trong xã. Đây được xem là bước đi đúng hướng, hợp lý, góp phần quan trọng giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển. Mặc dù vậy, mô hình thí điểm này đang đứng trước những khó khăn, thách thức.

(Baonghean) - Vừa qua, Nghiệp đoàn nghề cá được thành lập thí điểm tại xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu với sự tham gia của 155 lao động và chủ tàu thuyền trong xã. Đây được xem là bước đi đúng hướng, hợp lý, góp phần quan trọng giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển. Mặc dù vậy, mô hình thí điểm này đang đứng trước những khó khăn, thách thức.

Chúng tôi về xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu vào một ngày cuối tháng 12. Trời hửng nắng nhưng gió rét căm căm. Biển động mạnh. Dọc con đường từ cầu Quốc lộ 1A xuống cầu Diễn Thủy, nhà dân san sát, tiếng nhạc xập xình, tiếng gọi nhau í ới của những ngư dân lúc biển động khiến vùng biển Diễn Bích náo nhiệt như ngày hội. Khắp các ngõ ngách đặc trưng của vùng biển, đâu đâu cũng thấy những tốp, những hội bạn thuyền ngồi tán gẫu, khề khà chén trà, điếu thuốc để “giết” thời gian. Trong câu chuyện, bên ấm chè của ngư dân xã Diễn Bích những ngày này, họ đều nói nhiều đến hai từ “Nghiệp đoàn”. Hỏi ra mới biết, ngày 20/12 vừa qua, Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích chính thức ra mắt với sự tham gia của 155 lao động, làm việc ở các tàu cá. Đây là Nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên, được Liên đoàn Lao động tỉnh và huyện Diễn Châu thí điểm thành lập.

Các chủ tàu thuyền ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu trao đổi về hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá
Các chủ tàu thuyền ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu trao đổi về hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá

Vừa nói đến chuyện Nghiệp đoàn, anh Thái Bá Minh (40 tuổi) dừng tạm ván bài vui đang đánh dở cùng một số chủ tàu cá khác ở thôn Quyết Tiến dẫn chúng tôi ra lạch biển Diễn Kim. Khác với không khí nhộn nhịp trong làng, phía dưới chân cầu Diễn Kim, nơi hàng chục con tàu của ngư dân đang neo đậu, một không khí vắng lặng khác thường. Đưa tay về phía tàu cá 180 mã lực màu xanh của mình, anh Minh tâm sự, từng theo cha đi biển từ lúc 12 tuổi và chính thức làm thuyền trưởng khi chưa đầy 20 tuổi nhưng anh và các thợ bạn thấy rằng, thời tiết trên biển càng ngày càng phức tạp. Sóng to, gió lớn bất thường, bão lốc, không khí lạnh không đi theo quy luật về thời gian, về hướng gió về hướng trăng như trước đây nữa. “Các anh xem, từ gần 2 tháng nay, biển lúc nào cũng động, hết siêu bão lại đến áp thấp rồi không khí lạnh tăng cường. Sóng cứ giật ngang đầu người, chẳng ai dám ra khơi đành phải neo tàu ở nhà, anh Minh thở dài ngao ngán.

Chính sự phức tạp của thời tiết, khí hậu trên biển đã khiến những ngư dân dạn dày sương gió như anh Minh lo lắng nên khi có chủ trương thành lập Nghiệp đoàn nghề cá, anh hăng hái đăng ký đầu tiên và vận động các thuyền viên làm thuê trên tàu của mình cùng tham gia. Dù chưa biết Nghiệp đoàn sẽ làm được những việc gì nhưng anh Minh cũng như chủ tàu Nguyễn Trúc Giang đều cảm thấy phấn khởi. Theo các anh, khi đã đứng chung trong Nghiệp đoàn, nghĩa là các đoàn viên đều phải có trách nhiệm với nhau, hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt, khai thác hải sản trên biển. Đặc biệt, mỗi khi tàu bạn gặp nguy hiểm, bão tố, gió lốc thì các tàu khác đều có trách nhiệm phải tham gia cứu hộ, cứu nạn với tinh thần giúp bạn là giúp mình. “Khi được đứng chung trong Nghiệp đoàn, dưới sự quản lý của một tập thể, chúng tôi hy vọng sẽ được sống trong một gia đình. Buồn vui có nhau, cùng giúp nhau bám biển, vươn khơi, làm giàu chính đáng”, Thuyền trưởng Nguyễn Trúc Giang tâm sự.

Theo quy định, khi tham gia nghiệp đoàn, bên cạnh quyền và nghĩa vụ của mình theo Luật công đoàn và việc giúp đỡ nhau trong quá trình lao động, sản xuất trên biển cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn thì những đoàn viên trong Nghiệp đoàn cũng rất hy vọng đây là cơ hội để họ nhận được những chính sách, cơ chế ưu đãi trong quá trình vay vốn sản xuất; được cùng nhau quyết định giá cả của đầu ra mà không bị tư thương ép giá quá nhiều như trước. Đặc biệt, nhiều đoàn viên Nghiệp đoàn ở xã Diễn Bích tin tưởng và mong muốn mọi người sẽ cùng nhau đoàn kết, chống lại sự xâm nhập và gây hấn của những tàu lạ ngày càng xuất hiện nhiều trên vùng biển nước ta. Xa hơn, họ muốn rằng, với sự hỗ trợ của Ban Chủ nhiệm Nghiệp đoàn, sự chung tay của các cơ quan chức năng, họ sẽ có cơ hội được vươn xa ra vùng đánh cá chung, đến các ngư trường quốc tế giàu có và làm chủ được vùng biển Đông rộng lớn của đất nước.

Các tàu cá thuộc Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích đang đậu tại lạch Diễn Kim chờ ra khơi.
Các tàu cá thuộc Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích đang đậu tại lạch Diễn Kim chờ ra khơi.

Ông Thạch Đình Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích cho biết, việc thành lập Nghiệp đoàn được triển khai từ đầu tháng 9/2013. Sau nhiều cuộc họp, nhiều buổi tuyên truyền, đã có rất nhiều người dân viết đơn tham gia Nghiệp đoàn. Xã Diễn Bích có 190 tàu thuyền với khoảng 1.500 lao động tham gia đánh bắt trên biển. Các tàu thuyền có công suất từ 20CV đến 350CV, ngư trường truyền thống là khu vực Vịnh Bắc Bộ, nghề chính là đi đánh đáy, đánh lưới bóng. Trước nhu cầu của ngư dân, các cơ quan chức năng đã quyết định tạm thời lựa chọn những người đang làm việc trên các tàu cá có công suất trên 90CV tham gia vào Nghiệp đoàn.

Có thể khẳng định rằng, việc thành lập Nghiệp đoàn nghề cá là một hướng đi đúng đắn ở Nghệ An – một địa phương có đường bờ biển dài với hơn 4000 tàu thuyền đánh cá với hơn 19.000 lao động đang ngày đêm bám biển. Nhiều tỉnh, thành khác ở Việt Nam cũng đã có các Nghiệp đoàn nghề cá và bước đầu thu được nhiều thành công. Nghiệp đoàn nghề cá Diễn Bích vừa mới ra đời, có thể là một tín hiệu mới, giúp người dân phấn khởi vươn khơi, bám biển vì sau lưng mình đã có một tập thể vững chắc.

Mặc dù vậy, qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, Nghiệp đoàn nghề cá Diễn Bích vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Ông Thạch Đình Nghĩa thừa nhận, hiện nay, Nghiệp đoàn chưa có nguồn ngân quỹ nào để hoạt động, trong thời gian tới, chắc chắn sẽ phải vận động đoàn viên đóng góp. Trong khi đó, ở xã Diễn Bích, từ lâu nay, người dân đã tham gia vào Hội Nghề cá. Những hội này được hình thành từ các tổ, đội sản xuất với sự tham gia của các chủ tàu thuyền. Các chi hội, tổ đội nghề cá đều có vốn lưu động, có nguồn quỹ riêng, một số tổ đội thậm chí có nguồn quỹ lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, tất cả các thành viên của Nghiệp đoàn nghề cá hiện đang tham gia vào các tổ đội của Hội Nghề cá. Khi tham gia cả Nghiệp đoàn và Hội Nghề cá, liệu họ có gặp phải sự chồng chéo, khó khăn về tổ chức, về nguồn quỹ hay không?.

Hiện nay, Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích đã bầu ra Ban Chấp hành với 9 thành viên, nhưng các thành viên này chưa có nguồn kinh phí, chưa có phụ cấp để hoạt động. Bên cạnh đó, tất cả các thành viên Nghiệp đoàn là ngư dân, đánh bắt dài ngày, xa bờ trên biển, việc liên lạc với nhau chủ yếu qua các máy bộ đàm, ICOM. Tuy nhiên, lâu nay, ngư dân vẫn có thói quen giấu nghề, giấu ngư trường, thường đổi tần số ICOM mỗi khi đi đánh bắt để không bị lộ về luồng cá,… Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong việc đoàn kết thành viên bởi muốn có sự liên lạc chung trên biển với cả trăm đoàn viên, buộc Nghiệp đoàn phải có thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, nội dung sinh hoạt của Nghiệp đoàn cũng cần phải hợp lý, cuốn hút được ngư dân cùng nhau tham gia, bởi đây là những người có đặc thù đi đánh bắt dài ngày trên biển, chỉ những ngày mưa gió, bão, biển động, họ mới ở nhà.

Ông Phạm Đức Cường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu khẳng định, việc thí điểm thành lập Nghiệp đoàn nghề cá ở Diễn Bích là một hướng đi đúng đắn, là bước hỗ trợ để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Mặc dù vậy, quá trình hoạt động ban đầu của Nghiệp đoàn cũng gặp những khó khăn, thách thức về kinh phí, về nội dung và thời gian sinh hoạt, về sự chồng chéo giữa Nghiệp đoàn và Hội Nghề cá cũng như thói quen giấu nghề, giấu ngư trường của ngư dân. “Trước những khó khăn thách thức đó, Nghiệp đoàn nghề cá Diễn Bích rất cần sự chung tay, giúp đỡ, quan tâm của các cơ quan chức năng từ Trung ương, tỉnh đến huyện và xã, đặc biệt là tổ chức công đoàn cấp trên cũng như các tổ chức xã hội khác để Nghiệp đoàn có thể đi vào hoạt động một cách hiệu quả, thực sự là chỗ dựa vững chắc để ngư dân yên tâm bám biển”.

Nguyên Khoa

Mới nhất
x
Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO