Tiếp tục kết nối giao thông, mở đường phát triển
(Baonghean) - Năm 1946, trong Chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ” của chính quyền mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh sự cần thiết của công tác giao thông vận tải: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Thấm nhuần lời Bác dạy, trong bất kỳ giai đoạn nào, ngành GTVT Nghệ An luôn thể hiện vai trò tiên phong “đi trước mở đường” thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII (2011 - 2015) với mục tiêu giao thông luôn đi trước một bước, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành GTVT Nghệ An đã có những bước tiến mới, vững chắc, chủ động, sáng tạo làm nền tảng cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Để phục vụ cho mục tiêu phát triển, tăng cường liên kết vùng, ngành GTVT tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, huy động nguồn lực từ Trung ương và sự phối hợp của các cấp, ngành thu hút được nhiều dự án, đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông mang tính chiến lược.
Trong giai đoạn 5 năm (2011-2015), tỉnh Nghệ An để lại ấn tượng khi xây dựng, hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm, quan trọng với tổng kinh phí thực hiện đạt khoảng 19.500 tỷ đồng, trong đó các công trình do sở làm chủ đầu tư đạt 6.620 tỷ đồng. Một số công trình tiêu biểu đã hoàn thành như: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đã cơ bản hoàn thành cùng những cây cầu vượt đường sắt vừa giúp rút ngắn thời gian lưu thông, vừa góp phần “khơi dậy” tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà. Tuyến đường tránh Vinh được nâng cấp chất lượng mặt đường và hoàn thành cầu Bến Thủy 2 nối đôi bờ Lam giang; cải tạo và nâng cấp Sân bay Vinh... Song song với 2 trục Quốc lộ 1A và đường cao tốc, dự án đường ven biển Nghi Sơn đi Cửa Lò giai đoạn 1 chuẩn bị xây dựng. Việc đầu tư xây dựng 3 trục đường quan trọng kể trên sẽ góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa tam giác kinh tế Nghi Sơn - Vinh - Vũng Áng, tạo thuận lợi cho các trung tâm kinh tế vệ tinh dọc hành lang phát triển, đưa Thành phố Vinh trở thành Trung tâm khu vực Bắc Trung bộ.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải kiểm tra thi công tuyến đường Tây Nghệ An. Ảnh: Hoàng Vĩnh |
Trong chiến lược kết nối nội tỉnh và tăng sức hấp dẫn cho các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế có các dự án giao thông gắn kết giữa đô thị trung tâm Vinh với đô thị Cửa Lò, với Khu kinh tế Đông Nam, Khu công nghiệp Hoàng Mai - Đông Hồi, với miền Tây Nghệ An... đồng thời với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của từng khu vực được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tạo thuận lợi cho các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông khu vực kinh tế dọc trục Bắc - Nam, ngành GTVT Nghệ An cũng dành sự quan tâm phát triển giao thông khu vực miền Tây Nghệ An. Tỉnh đang tiến hành nâng cấp mở rộng Quốc lộ 7 đoạn qua Diễn Châu, Đô Lương, Quốc lộ 48, Quốc lộ 46 và sẽ đầu tư một loạt các tuyến đường quan trọng lên miền Tây. Những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ 5 năm, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngành GTVT Nghệ An tập trung quyết liệt để hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm. Trong thời gian ngắn đã hoàn thành đường Tây Nghệ An từ Quế Phong đi Kỳ Sơn giai đoạn 2, đường Châu Thôn - Tân Xuân và một số tuyến đường quan trọng khác, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn khu vực miền núi cao biên giới, tạo sự tăng trưởng đồng đều giữa các vùng, miền trong tỉnh.
Đặc biệt, năm 2013, Sở GTVT Nghệ An được giao làm Chủ đầu tư Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn, đây là một dự án đặc thù, mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử, tâm linh sâu sắc nhằm tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Thực hiện dự án, UBND tỉnh, Sở GTVT đã dồn tâm sức để đầu tư tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn, xứng đáng với những cống hiến hy sinh của lực lượng thanh niên xung phong Nghệ An cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tổng mức đầu tư 360 tỷ đồng, trên diện tích 22,6 ha, công trình được hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành GTVT.
Cùng với đó, ngành tích cực thực hiện công tác cải cách hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ, đặc biệt cải cách trong lĩnh vực sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe, được Bộ GTVT đánh giá là “điểm sáng” về cải cách hành chính của ngành. Ngành cũng kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm đạt mục tiêu “3 giảm” về tai nạn giao thông, tập trung xoá bỏ các “điểm đen”; tăng cường công tác thẩm định, quản lý chất lượng công trình giao thông; công tác bảo dưỡng, duy tu đường bộ và cầu yếu; công tác quản lý vận tải; kiểm soát chặt chẽ phương tiện, loại bỏ các phương tiện hết niên hạn sử dụng; tăng cường giám sát chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp phép lái xe, công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ; xã hội hóa trong đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện,…
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá rất cao sự phối hợp của ngành GTVT Nghệ An với các cơ quan của bộ, đặc biệt trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công tác đảm bảo trật tự ATGT… góp phần phát triển kinh tế, xã hội của Nghệ An trong nhiều năm qua. Đóng góp của các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động ngành GTVT Nghệ An đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao qua việc tặng thưởng những danh hiệu cao quý: 2.911 huân, huy chương các loại; 36 Cờ thi đua của Chủ tịch nước, Chính phủ và Bộ GTVT; phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 tập thể; Anh hùng Lao động cho 1 tập thể và 2 cá nhân; được Chính phủ, Bộ GTVT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng 334 Bằng khen; năm 2005, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; Năm 2014, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GTVT nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2020, ngành GTVT đang tăng cường phối hợp với sở giao thông các tỉnh kết nối vùng Bắc Trung bộ. Theo kế hoạch đầu tư trung hạn, giai đoạn 2016 - 2020, ngành GTVT Nghệ An xác định nhu cầu vốn cho các công trình dự án do sở làm chủ đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng. Với mức đầu tư đó, Nghệ An có thể sớm hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ với những công trình trọng điểm kết nối với đường thủy, đường sắt và đường hàng không.
Với sự ủng hộ tích cực của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, lãnh đạo tỉnh, ngành GTVT đang quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tạo bước chuyển để Nghệ An trở thành trung tâm chính trị - văn hóa theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.
Thu Huyền