Tiếp tục ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số vì sự nghiệp CNH - HĐH quê hương, đất nước

22/12/2011 10:07

(Baonghean.vn) Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ngành DS - KHHGĐ, báo Nghệ An trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của đồng chí Hồ Đức Phớc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.


Công tác DS-KHHGĐ là nội dung rất quan trọng của chiến lược phát triển đất nước. Nó không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa về văn hóa, xã hội, là yếu tố cơ bản để phát huy nguồn lực con người, góp phần quyết định sự phát triển bền vững. Trong thời gian qua, công tác DS - KHHGĐ luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, cùng với cả nước, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh ta đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Tỷ lệ phát triển dân số giảm từ 3,45% (năm 1961) xuống còn 1,18% (năm 2010); tốc độ tăng quy mô dân số giảm từ 1,18% (năm 1961) xuống 0,2% (năm 2010). Số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 6,78 con (năm 1961) xuống 2,56 con (năm 2010).



Phát tờ rơi tuyên truyền công tác Dân số - KHHGĐ ở Tương Dương Ảnh: Thu Hương


Đây thực sự là một cố gắng rất lớn. Nhận thức của cán bộ và nhân dân về vấn đề dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình đã có chuyển biến rõ rệt. Phong trào nhân dân thực hiện mô hình ít con, khoẻ mạnh, bình đẳng và tiến bộ đã từng bước phát triển rộng khắp và trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2001 - 2010, mặc dầu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác DS- KHHGĐ đã được đẩy mạnh toàn diện cả bề rộng và bề sâu, góp phần tích cực vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Có được những thành quả to lớn đó là nhờ sự lãnh đạo sát sao của các cấp uỷ đảng, sự đầu tư và chỉ đạo sâu sát của UBND các cấp; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân; sự nỗ lực bền bỉ của cơ quan chuyên trách công tác DS - KHHGĐ từ tỉnh đến thôn, bản, các cơ quan truyền thông đại chúng đã vào cuộc một cách tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với chính sách DS - KHHGĐ. Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số lớn (đứng thứ 4 cả nước).

Trong khi cả nước đã đạt mức sinh thay thế, thì Nghệ An mức sinh tuy giảm nhưng chưa vững chắc và còn cao, đang nằm trong nhóm 10 tỉnh có mức sinh cao, mỗi năm tăng hơn 30 ngàn người. Tỷ lệ phát triển dân số và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trong những năm qua đã giảm nhưng còn chậm, nhất là là ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng có đông đồng bào công giáo. Đây là bài toán khó đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, như các nhu cầu: nhà ở, học hành, khám - chữa bệnh, việc làm, vui chơi, giải trí nâng cao chất lượng toàn diện của con người và phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

Ngoài ra, tình trạng mất cân bằng giới tính đang trở thành một vấn đề xã hội lớn. Chất lượng dân số còn hạn chế, chỉ số phát triển con người vẫn ở mức thấp. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp. Tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc các bệnh tật di truyền, suy dinh dưỡng còn ở mức cao. Trong khi giai đoạn tới, chúng ta phải tiến nhanh, tiến mạnh để thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Nghệ An lần thứ XVII đề ra: "Phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản để trở thành tỉnh công nghiệp".

Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục có những giải pháp để ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH - HĐH quê hương, đất nước. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong toàn tỉnh thời gian tới cần tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp sau:


Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt và nhận thức đầy đủ, toàn diện và sâu sắc nội dung các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của công tác DS - KHHGĐ để tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đạt hiệu quả, thiết thực. Phát huy được sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, trong đó vai trò của cấp uỷ, chính quyền và cơ quan tham mưu làm nòng cốt. Các cấp uỷ chính quyền địa phương, nhất là đồng chí Chủ tịch UBND huyện phải đặc biệt quan tâm đến công tác dân số, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm lồng ghép hiệu quả với các hoạt động chuyên môn của ngành và các chương trình kinh tế - xã hội khác.


Thứ hai: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động về công tác DS - KHHGĐ. Tăng cường tuyên truyền công tác này trên các kênh thông tin đại chúng. Đây là nội dung quan trọng, vì vậy các cơ quan báo, đài cần mở chuyên mục về công tác DS - KHHGĐ, coi đây là nhiệm vụ chính trị của mình. Sớm đưa công tác tuyên truyền, vận động vào hoạt động của mặt trận, các đoàn thể, và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Không ngừng tăng cường tuyên truyền vận động, thuyết phục xã hội và người dân tự nguyện thực hiện mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 đến 2 con để nuôi dạy con tốt. Đây là cuộc vận động lớn nên cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện chính sách DS - KHHGĐ; gắn việc thực hiện chính sách DS - KHHGĐ với việc xây dựng gia đình, làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng nông thôn mới.


Thứ ba: Tập trung củng cố, kiện toàn và ổn định tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ từ tỉnh đến thôn, bản để có đủ năng lực chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Đồng thời, quan tâm tham mưu xây dựng hệ thống chính sách công tác DS - KHHGĐ, trong đó lưu ý chính sách cho cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở; công tác thi đua, khen thưởng và xử lý vi phạm chính sách DS - KHHGĐ. Cùng với việc tăng mức đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước chi cho chương trình mục tiêu DS - KHHGĐ, cần tích cực huy động sự đóng góp của toàn xã hội. Bảo đảm đủ kinh phí thực hiện công tác DS - KHHGĐ, quản lý chặt chẽ, điều phối và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư.


Thứ tư: Phải quan tâm đến chất lượng dân số. Đây là vấn đề rất quan trọng mà ngành Y tế, dân số phải làm, thông qua việc xây dựng và triển khai các đề án nâng cao chất lượng dân số. Từng bước cải thiện chất lượng dân số, cần có các giải pháp để phát huy lợi thế "dân số vàng" để có một lực lượng lao động dồi dào đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực thực hiện sự nghiệp CNH - HĐH quê hương, đất nước.


Thứ năm: Tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch hành động của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 để thực hiện Chiến lược Dân số - Sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia dân số giai đoạn 2011 - 2015.


Bằng các biện pháp tổng hợp cùng với sự quan tâm và chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đầu tư của Nhà nước, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ, cùng với sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của người dân, công tác DS - KHHGĐ tỉnh nhà thời gian tới phấn đấu thu được nhiều thành tựu mới.


Hồ Đức Phớc - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh

Mới nhất
x
Tiếp tục ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số vì sự nghiệp CNH - HĐH quê hương, đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO