Tiếp tục sẻ chia trách nhiệm
(Baonghean) - Đã gần 10 năm kể từ thời điểm những hộ dân đầu tiên vùng tái định cư Thủy điện Bản Vẽ về nơi ở mới nhường đất cho dòng năng lượng trắng. Vượt qua mọi sự khó khăn, rào cản, cuộc sống của bà con cũng đã dần ổn định và thích ứng. Tuy nhiên, những bất cập về thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, xuống cấp về hạ tầng giao thông... là những trở ngại rất lớn đối với bà con TĐC, nhất là trong điều kiện hạn mức hỗ trợ cấp lương thực theo Quyết định của Chính phủ chỉ còn 7 tháng.
TIN LIÊN QUAN
Vườn chè của anh Vi Văn Tuyền (xã Ngọc Lâm - Thanh Chương) cho hiệu quả cao. |
Sức sống trên vùng đất mới
Trở lại vùng tái định cư Thủy điện Bản Vẽ thuộc 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (Thanh Chương) vào những ngày đầu tháng 7, thời điểm tiểu thử, giữa thời của mùa nắng nóng, ấy vậy mà vẫn ngút ngàn một màu xanh của sắn, của cây nguyên liệu giấy, của chè, măng tre... Điều này đã cho thấy những thành quả lao động sản xuất mà bà con lam lũ kể từ khi về nơi ở mới đã cho kết quả, bà con cũng dần quen với phương thức tập quán làm ăn mới; kết quả của sự chung tay vào cuộc quyết liệt của chủ đầu tư, của các cấp, các ngành, địa phương; sự nỗ lực vươn lên của gần 2.300 hộ, với trên 11.000 nhân khẩu đồng bào tái định cư.
Tại bản Tả Xiêng, xã Ngọc Lâm chúng tôi có dịp vào thăm gia đình anh Vi Thanh Tuyền, một trong những hộ năng động làm mô hình kinh tế tổng hợp kết hợp vừa buôn bán, vừa trồng chè, chăn nuôi trâu, bò có hiệu quả. Thăm vườn chè diện tích gần 1.000 m2, mới hơn 4 năm tuổi, dưới cái nắng gay gắt nhưng vườn chè của anh vẫn xanh tốt. Anh Tuyền cho biết: Mỗi tháng 2 lần hái nhập cho Công ty chè Trường Thịnh, thu nhập từ cây chè mỗi năm cũng được từ 12-14 triệu đồng, một nguồn lực rất lớn cho ổn định cuộc sống gia đình. Cạnh nhà anh Tuyền, cũng từ nguồn hỗ trợ trồng chè của Chương trình 135/CP, gia đình anh Lương Văn Tỷ cũng trồng chè và đã cho thu nhập ổn định mỗi tháng trên 1 triệu đồng. Không chỉ quen dần với phương pháp trồng, chăm sóc, thu hoạch chè công nghiệp mà một số hộ dân tái định cư từ những bàn tay thô ráp của họ qua tập huấn giờ cũng đã khéo léo ươm được những cành chè non mơn mởn.
Có mặt trong vườn ươm chè cành có mái che rộng gần 200 m2 của 2 anh em Vi Văn Hòa và Vi Văn Nghị, mới thấy được khả năng lao động, thích ứng khá nhanh với phương thức làm ăn trên vùng đất mới của bà con. Dưới giàn mái che, gần 1,5 vạn bầu chè giống xanh tốt chuẩn bị cho đợt trồng mới diện tích chè công nghiệp theo kế hoạch của huyện Thanh Chương. Trưởng bản Vi Văn Nghị không những hướng dẫn cho anh trai Vi Văn Hòa cùng làm mà còn động viên gần 10 hộ dân bản Tả Xiêng mạnh dạn làm vườn ươm để tạo giống chè chuẩn bị cho kế hoạch trồng mới. Trưởng bản Nghị cho biết: Rút kinh nghiệm từ đợt đầu trồng chè của Chương trình 135/CP do chưa quen kỹ thuật, chưa chủ động được nguồn giống nên hiệu quả không cao. Tới đây trồng mới chè của dự án chè công nghiệp, các hộ trong bản đã nắm được kỹ thuật cơ bản, sẽ trồng đảm bảo và cây chè sẽ trở thành cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả của bản Tả Xiêng. Hiện tại, trên diện tích gần 114 ha chè kinh doanh mà bà con có được từ Chương trình 135/CP đang trở thành cây trồng cho thu nhập bền vững, tích lũy kinh nghiệm kỹ thuật để bà con bắt tay thực hiện Dự án trồng chè công nghiệp vùng tái định cư trên diện tích 543 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Rời bản Tả Xiêng chúng tôi đến bản Kim Kiên, xã Ngọc Lâm, bản về vùng tái định sớm nhất, dẫu không trực tiếp trồng chè nhưng tại bản cuộc sống của bà con đã ổn định, phương án làm ăn của các gia đình đã khá rõ ràng. Từ nguồn vốn vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH, hộ anh Lương Văn Hoài và chị Lô Thị Đa đầu tư vào chăn nuôi trâu. Vận dụng kinh nghiệm thực tế nuôi trâu ở quê cũ vào điều kiện mới nên con trâu ban đầu đã sinh sản 2 lứa, kết hợp nuôi trâu, gia đình còn khai hoang 5 sào ruộng, trồng măng bát độ nên kinh tế gia đình ổn định. Nhờ linh hoạt trong nguồn vốn, nên anh đã trả trước hạn món vay 10 triệu đồng. Cạnh nhà bên, hộ bà Quy Thị Nguyệt vay gần 30 triệu đồng cho con đi xuất khẩu lao động cũng đã rất hiệu quả, nguồn tiền con gửi về hàng tháng không những góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, xây cất nhà cửa, mà còn trả nợ ngân hàng. Báo cáo tổng hợp của Ngân hàng CSXH huyện, dư nợ cho vay của 2 xã tái định cư đã hơn 12,5 tỷ đồng, cơ bản bà con đã tiếp cận được các chương trình cho vay và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, nợ quá hạn rất thấp.
Đìu hiu bản cũ
Khác với “sức sống trên vùng đất mới”, tại một số bản phía ngoài như Tả Xiêng, Kim Liên, Nhãn Phá, bản Lạp..., bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm vẫn một không khí đìu hiu, đầy khó khăn. Cây cầu nối tuyến đường độc đạo từ bản Tả Xiêng vào bản Kim Hồng do hoàn lưu cơn bão số 8 năm ngoái gây mưa lớn, đã cắt đứt làm 3 đoạn, gần 1 năm nay không đi lại được. Để nối việc đi lại ra phía ngoài, xã, bản đã làm cầu dã chiến chế rọ thép ghép phía dưới nhưng chỉ cần một trận mưa là đoạn đường bị cắt đứt và bản Kim Hồng hoàn toàn bị cô lập. Đường vào khó khăn là vậy, nhưng nóng ruột, xót xa hơn khi rải rác khắp bản còn hiện hữu vết tích của những hộ đã quay về quê cũ bây giờ còn trơ móng cột, tường xây đổ nát, cỏ mọc khắp sân, vườn nhà.
Nhà của gia đình Chưởng Văn Hoành, bán nhà từ năm 2011, người mua đã dỡ lấy gỗ, bây giờ trơ lại tường bếp đổ loang lổ. Cạnh bên nhà hộ Vi Văn Điền, bán đi bán lại qua nhiều người, bây giờ cửa cài then đóng im ỉm... Bản Kim Hồng ban đầu có 101 hộ về sinh sống thì có tới 36 hộ bán nhà về quê cũ. Nét mặt đượm buồn, Bí thư chi bộ Lương Thị Liêm nói: Từ khi bà con bán nhà về quê cũ chỉ duy nhất có hộ Vi Văn Nhàn quay lại. Trước đó, chi bộ cũng vận động các hộ ở lại, lúc đầu họ nói chỉ về làm rẫy thôi nhưng rồi các hộ ngấm ngầm bán nhà, bán rồi chi bộ, ban cán sự bản mới biết. Ngay cả trong chi bộ có 14 đảng viên thì có 2 đảng viên Chưởng Văn Hoành và Quang Văn Tuyên cũng không gương mẫu vẫn bán nhà về quê cũ.
Theo ông Lô Huy Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm thì nguyên nhân xẩy ra tình trạng một số bà con trở về nơi cũ là do khó khăn trong làm ăn, không quen với nơi ở mới. Bản Kim Hồng do về sau, đất đai đều bị các hộ về trước khai hoang nên không có đất sản xuất. Một nguyên nhân khác là do sự xúi giục, theo nhau lúc đầu thì chỉ về làm rẫy, sau đó là bán nhà về luôn. Huyện, xã và bản cũng đã thành lập mấy đoàn lên tận vùng lòng hồ vận động các hộ trở về nhưng không có kết quả.
Cầu bị hỏng, người dân bản Kim Hồng phải đi đường vòng, trời mưa rất nguy hiểm. |
36 hộ bản Kim Hồng trong tổng số 46 hộ toàn vùng 2 xã tái định cư trở về quê cũ vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ tưởng cuộc sống sẽ tươi sáng, đỡ vất vả cực nhọc hơn nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Tại những điểm bà con về mà chúng tôi đã có chuyến ngược vùng lòng hồ và chứng kiến ở đó đang tiềm ẩn tạo ra những hệ lụy xã hội khó lường. Vấn đề này đã được cảnh báo qua loạt bài viết xung quanh hậu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ “Góc tối giữa lòng hồ” đăng trên báo Nghệ An cuối năm 2012. Tại đây, các hộ bỏ về sống tạm bợ chênh vênh trên các chòi lán men theo các khe Sốp Xuân, khe Cà Múc, khe Táng... tự do “vô chính phủ” không ai quản lý, không thuộc bản, xã nào. Người lớn đã đành nhưng tình trạng thất học đối với các cháu, bệnh tật, xẩy ra là rất đáng lo ngại. Đây là vấn đề tồn tại lớn nhất của dự án, cần có phương án giải quyết rốt ráo, càng nhanh càng tốt.
Cần tiếp tục sẻ chia trách nhiệm
Dự án tái định cư Thủy điện Bản Vẽ là một dự án lớn cả về tổng mức đầu tư và tái định cư một lượng lớn số hộ, số nhân khẩu lớn nhất trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay. Địa hình phức tạp, khoảng cách di dân quá xa, tập quán sản xuất, đặc điểm văn hóa đời sống giữa nơi ở cũ và vùng tái định cư có sự khác biệt, nên phải có thời gian bà con mới hòa nhập, bắt kịp được. Thời gian ban đầu đã có những bất cập, không hợp lý trong khâu quy hoạch, thiết kế nhà, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất... vì thế mâu thuẫn giữa các hộ dân TĐC và chủ đầu tư có thời điểm gay gắt, nóng bỏng. Tuy nhiên, với sự quan tâm, trách nhiệm cao của chủ đầu tư, cùng với sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của huyện Thanh Chương và các xã nơi đến, thì tình hình sau gần 10 năm về nơi ở mới cơ bản bà con đã yên tâm sinh sống.
Lên vùng tái định cư lần này, một điều rất đáng ghi nhận, biểu dương đó là việc Công ty CP Thủy điện Bản Vẽ sau khi bà con tái định cư, các cấp, các ngành kiến nghị, báo chí cũng đã phản ánh khá nhiều về hiện trạng nhà ở của bà con xuống cấp nghiệm trọng ảnh hưởng đến việc “an cư” thì doanh nghiệp hiện đang thực hiện việc hỗ trợ kinh phí tu sửa 779 nhà (Thanh Sơn: 354 nhà, Ngọc Lâm: 425 nhà) theo cơ chế hỗ trợ 2 đợt: đợt 1 các hộ ứng 50% với số kinh phí gần 5 tỷ đồng để tự sửa chữa và khi hoàn thành, có số lượng, đúng thủ tục hoàn tất 50% kinh phí còn lại. Với giải pháp này cơ bản đã giải quyết được tình trạng xuống cấp nhà cửa mà bà con kiến nghị, đề xuất.
Hiện nay, để ổn định cuộc sống của bà con, trước hết về phía chủ đầu tư (Công ty CP Thủy điện Bản Vẽ) cần phải hoàn tất thủ tục hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo cơ sở pháp lý cho bà con đầu tư, yên tâm sản xuất lâu dài. Đến thời điểm này, chủ đầu tư chưa có đầy đủ hồ sơ, chứng từ để phối hợp với UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quá chậm, vì chưa cấp quyền sử dụng đất nên nhiều hộ bà con chưa yên tâm, vẫn còn tư tưởng sống tạm bợ, chưa có cơ sở để các hộ cầm cố, thế chấp vay vốn ngân hàng mở rộng phát triển sản xuất. Đồng thời cần phải tiếp tục quan tâm hỗ trợ bà con đầu tư sản xuất sản xuất, bởi trên diện tích gần 200 ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 90 ha mà Ban Quản lý dự án khai hoang bàn giao cho 2 xã để chia cho bà con hiện tại mới chỉ có 35 ha đã bắt đầu đưa vào sản xuất nhưng tình trạng xói mòn, rửa trôi và đặc biệt là thiếu nước sản xuất nên rất khó khăn, dẫn đến năng suất thấp.
Ông Phan Đình Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương kiến nghị: UBND tỉnh cần nghiên cứu áp dụng cơ chế linh hoạt hơn để bà con có thể hưởng mức kinh phí hỗ trợ trồng chè như QĐ 09/2012 đối với các huyện vùng núi cao để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện dự án trồng 543 ha chè công nghiệp tại 2 xã đã được UBND tỉnh phê duyệt. Bởi hiện nay, trên diện tích chè kinh doanh bà con đang có (114 ha) đã được trồng theo Chương trình 135 có nhiều diện tích phát huy hiệu quả rất tốt, khẳng định cây chè rất phù hợp với vùng đất này và đang trở thành cây trồng cho thu nhập ổn định hỗ trợ các hộ xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời cần phải xem xét cấp nguồn kinh phí thu hồi diện tích đất rừng da báo để có nguồn quỹ đất cấp bổ sung đối với những hộ còn thiếu đất sản xuất theo quy định của dự án. Đối với hạ tầng hư hỏng nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương giữa các bản cũng như trong nội vùng tái định cư, đặc biệt là cầu nối từ bản Tả Xiêng đi bản Kim Hồng và cầu trên tuyến đường từ bản Kim Liên sang bản Chà Luân, Sốp Phe đã bị sập gần 1 năm, cần phải bố trí nguồn vốn để khắc phục, sửa chữa, đảm bảo an toàn khi mùa mưa bão đang đến gần.
Để bà con 2 xã vùng tái định cư ổn định cuộc sống nơi ở mới bền vững, những nỗ lực vào cuộc của chủ đầu tư, của tỉnh, huyện là đáng ghi nhận, trân trọng. Tuy nhiên, chỉ còn một số tồn tại, vướng mắc ở trên đang rất cần sự quan tâm giải quyết với tình cảm, trách nhiệm cao của chính quyền địa phương, chủ đầu tư, các cấp, ngành liên quan... Cần phải có giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết dứt điểm vấn đề bà con tái định cư trở về nơi ở cũ, tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xẩy ra.
Hữu Nghĩa- Thành Duy