Tiết kiệm năng lượng: Giảm chi phí đầu vào
(Baonghean) - Tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho các DN sử dụng năng lượng, mà còn có tác dụng đến đời sống xã hội. Hiện nay, mặc dù doanh nghiệp nào cũng muốn tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí, nhưng trên thực tế số DN có biện pháp hiệu quả để tiết kiệm năng lượng chưa nhiều.
Hiện nay, nguồn năng lượng chính được sử dụng trong các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh là điện, xăng, dầu, gas… Trong đó, năng lượng điện được sử dụng nhiều nhất, chiếm tỷ trọng hơn 80%.
Sử dụng năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên toàn thế giới. Thực hiện Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26/1/2011của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện, ngày 6/4/2011, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1061/2011/QĐ-UBND.CN phê duyệt chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. UBND tỉnh đã tập trung vào việc nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng điện. Đồng thời, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng; hỗ trợ các nhà sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, đưa sản phẩm đến với doanh nghiệp và người dân; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình tòa nhà, trong hoạt động giao thông vận tải.
Đặc biệt, kể từ khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành, Sở Công thương Nghệ An đã cùng với Văn phòng Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương) xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2012 của tỉnh. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An đã tổ chức các đợt tập huấn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho cán bộ công chức ngành Công thương, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và các hợp tác xã quản lý điện năng trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm Khuyến công đã tổ chức làm việc và tư vấn cho 13 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo Quyết định 1294/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành. Ví dụ như Công ty Xi măng Hoàng Mai, Công ty Dệt may Hoàng Thị Loan, Công ty CP bia Sài Gòn – miền Trung (Sabeco)… Cũng thông qua chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhiều DN trên địa bàn đã chủ động cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất sản xuất và tiết kiệm điện.
Đối với ngành Dệt may, tiết kiệm năng lượng là lời giải cho bài toán tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhận thức được vai trò của tiết kiệm năng lượng trong sản xuất kinh doanh, Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan đã chủ động đầu tư thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng, thay thế thiết bị, sản phẩm lạc hậu tiêu hao nhiều điện năng bằng những thiết bị mới.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan.
Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Điều hành sản xuất của công ty cho biết: Sau khi có Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả, Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo và triển khai 5 nhóm giải pháp chủ yếu thực hành tiết kiệm điện bắt đầu từ tháng 10/2012. Trong đó, có 3 nhóm giải pháp quan trọng là giải pháp về chuyên môn kỹ thuật, giải pháp về tổ chức, bố trí, điều hành sản xuất và giải pháp về đầu tư kỹ thuật, thiết bị, công nghệ mới. Công ty đã thay thế hệ thống biến tần tại 8 buồng sản xuất nhằm điều chỉnh dòng điện theo thời tiết.
Nhờ đó, đã giảm được 30% lượng điện mà 8 buồng sản xuất này tiêu thụ. Tiếp đó công ty đầu tư hệ thống tụ bù cho các trạm biến thế. Cụ thể, trước khi tham gia Sản xuất sạch hơn, các trạm biến thế của công ty đều được lắp đặt từ những năm 1980 và chỉ hoạt động với 50% công suất. Trong quá trình triển khai chương trình, công ty đã lắp mới tụ bù cho các trạm biến thế, đồng thời chuyển tải của 6 trạm về tập trung tại 4 trạm. Với chi phí khoảng 2.930 USD, giải pháp này đã giúp công ty tiết kiệm được khoảng 113 MWh/năm, tương ứng với 5.831 USD.
Giải pháp tiếp theo được công ty thực hiện là cải thiện hệ thống cửa thông gió tại các buồng AC cho xưởng sợi số 1 và lấy ánh sáng cho xưởng may, để không sử dụng máy lạnh vào mùa hè nhưng vẫn giải quyết được hệ thống làm mát cho xưởng sản xuất. Giải pháp này tiết kiệm được 532.683 kwh/năm, được hội đồng sáng kiến cải tiến kỹ thuật tỉnh Nghệ An xét đạt giải Nhì về sáng kiến Khoa học Công nghệ...
Đối với Công ty CP Xi măng Hoàng Mai, với công suất thiết kế 1,4 triệu tấn/năm, trung bình mỗi tháng Công ty phải chi trả số tiền điện trên 10 tỷ đồng. Ông Nguyễn Công Hòa – Phó Giám đốc công ty cho biết: Sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và làm việc với ngành điện, Công ty đã thành lập ban chỉ đạo tiết kiệm điện để đưa ra các giải pháp cần thiết. Trong đó, đáng chú ý là bố trí thời gian chạy máy hợp lý, bố trí sửa chữa lò theo định kỳ vào tháng 4 thay vì sửa chữa lò vào tháng 2. Tháng 4 - 5 - 6 là thời gian cao điểm của việc thiếu điện, vì vậy nếu dừng để sửa chữa lò theo định kỳ vào thời gian này (7 ngày/lần sửa) sẽ góp phần tiết giảm một lượng điện đáng kể.
Việc tiết kiệm điện có thể thực hiện ở những thiết bị dùng cho sản xuất như lọc bụi ở các cửa đổ trung gian, điều này vẫn không ảnh hưởng đến môi trường, bởi theo thiết kế các thiết bị lọc bụi dùng cho than khô, còn nếu than ướt vào mùa mưa thì không cần dùng đến lọc bụi, như vậy cũng tiết giảm được một lượng điện đáng kể. Ngoài ra, công ty đã bố trí chạy máy tránh những giờ cao điểm, hạn chế tối đa dùng điều hòa trong các khu nhà làm việc. Đối với những máy điều hòa cần thiết sử dụng, công ty yêu cầu phải để trên 25 độ C, cắt giảm đèn chiếu sáng ở khu vực công cộng trong công ty để dành chiếu sáng ở khu vực vận hành. Mặc dù, mới triển khai nhưng những biện pháp tiết kiệm đã đề ra, Công ty cổ phần xi măng Hoàng Mai sẽ tiết kiệm được 10% chi phí tiền điện.
Là một doanh nghiệp nhỏ nhưng Công ty TNHH Đức Phong (đóng tại KCN Nghi Phú) cũng rất quan tâm tới vấn đề tiết kiệm năng lượng. Nhận thấy lượng tiêu hao lớn từ việc sử dụng nguồn điện chưa hợp lý, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm đến mức tối đa nguồn điện sử dụng. Công ty đã thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng nhà xưởng từ bóng nion bằng bóng đèn tiết kiệm năng lượng, sắp xếp chỗ làm việc hợp lý để tận dụng ánh sáng bên ngoài và tránh dàn trải gây lãng phí điện chiếu sáng.
Ông Thái Đại Phong, Giám đốc công ty cho biết: Từ khi có sự tư vấn của các chuyên gia kỹ thuật, công ty đã áp dụng nhiều biện pháp có chi phí thấp để hạn chế sử dụng nguồn điện trong sản xuất. Mỗi tháng, công ty tiết kiệm được hàng chục triệu đồng, bên cạnh đó nhận thức và thái độ của người lao động cũng được thay đổi, giúp công ty hoạt động ổn định hơn.
Công ty TNHH Đức Phong tận dụng ánh sáng mặt trời để tiết kiệm điện.
Chương trình tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi song vẫn chưa tạo được hiệu ứng mạnh mẽ tác động tới ý thức tiết kiệm điện của các DN. Trong khi theo đánh giá của các chuyên gia thì khả năng tiết kiệm năng lượng của Nghệ An vẫn còn lớn, khoảng 30%.
Hiện Nghệ An có hơn 10.800 DN lớn, nhỏ, tỷ lệ năng lượng tiêu thụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn chiếm 30% tổng năng lượng tiêu thụ của toàn tỉnh. Trong đó, có trên 2.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có sử dụng lượng điện lớn với mức tổn thất điện năng khoảng 10% - 40%. Nếu 30% DN ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, thì lượng điện nói riêng và năng lượng nói chung tiết kiệm được rất lớn. Lãng phí điện, sử dụng điện không hiệu quả có nguyên nhân lớn từ công nghệ lạc hậu. Điều đáng báo động là thực tế hiện nay ở một số DN vẫn tiếp tục đầu tư những công nghệ cũ, thải loại từ nước ngoài, gây lãng phí năng lượng, đẩy giá thành và giá bán sản phẩm tăng theo. Giá bán quá cao thì DN sẽ “thua ngay trên sân nhà” trong cuộc cạnh tranh gay gắt của hàng hóa cùng loại. Do đó đòi hỏi các nhà sản xuất cần có cái nhìn xa hơn và quyết đoán hơn trong đổi mới công nghệ.
Khó khăn lớn nhất để thực hiện chương trình có hiệu quả là nguồn kinh phí. Hiện nay, Ban chỉ đạo và cụ thể là phòng Tiết kiệm năng lượng (Trung tâm Khuyến công) vẫn đang hoạt động dựa trên nguồn kinh phí của quốc gia, mỗi năm được khoảng 200 triệu đồng. Trong khi đó, nguồn kinh phí của tỉnh kế hoạch mỗi năm từ 1,5 - 2 tỷ đồng đang chờ được HDND tỉnh thông qua. Do mới được thành lập nên các chính sách chưa được cụ thể hóa, bộ máy chưa thống nhất nên hiệu quả đạt được còn hạn chế.
Ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Sở Công thương (Phó ban thường trực Ban chỉ đạo chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả) cho biết: Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình, kết quả sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đạt được còn khiêm tốn. Đối với các công ty, xí nghiệp, nhà hàng là những đơn vị sử dụng năng lượng lớn nhưng việc hưởng ứng chương trình này vẫn còn hạn chế. Hiện vẫn chưa có chế tài xử phạt khi các đơn vị này không thực hiện nên tinh thần tự giác vẫn là chính. Bên cạnh đó, nguồn hỗ trợ từ Trung ương và của tỉnh còn hạn chế nên những doanh nghiệp có nguyện vọng được thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng rất khó thực hiện.
Để thực hiện tốt chương trình này trong thời gian tới, theo ông Phan Thanh Tịnh cần có những chỉ tiêu bắt buộc trong việc sử dụng, tiết kiệm năng lượng đối với các đơn vị sử dụng ngân sách của Nhà nước. Đối với các dự án, nhà máy chuẩn bị đi vào sản xuất thì cần tuyên truyền, vận động sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Và Nhà nước cần bố trí nguồn kinh phí hợp lý để hỗ trợ cho các DN để thực hiện tốt hơn các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh việc triển khai thực thi luật, cần xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả trong các cơ sở công nghiệp mới, đồng thời có giải pháp hỗ trợ tài chính cho các dự án nâng cấp, cải tạo sử dụng năng lượng có hiệu quả.
Phạm Bằng