Tiết kiệm nước cho sản xuất nông nghiệp
(Baonghean) - Năm nay, tổng lượng mưa thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, mùa mưa lại kết thúc sớm hơn so với mọi năm, nên đến thời điểm hiện tại, mực nước dự trữ trong các hồ chứa chỉ còn khoảng 60 - 70% dung tích thiết kế. Chưa nói đến sản xuất hè thu, mà trước mắt, ngay từ vụ xuân này, nguy cơ hạn hán cũng hoàn toàn có thể xảy ra, nếu chúng ta không thực hiện những biện pháp hữu hiệu ngay từ bây giờ.
Năm nay diễn biến phức tạp nên theo nhận định hạn hán có thể xảy ra trong tiến trình vụ xuân, vì thế tiết kiệm nước đang là vấn đề được các đơn vị và địa phương quan tâm. Ông Nguyễn Đôn Lực (Đà Sơn- Đô Lương) cho biết: Hiện tại, chúng tôi đang tập trung gieo cấy đúng lịch thời vụ. Nguồn nước hiện đang đủ, tuy nhiên thường vào giai đoạn lúa trổ vẫn bị hạn, nên tất cả bà con đều có ý thức dùng nước tiết kiệm, không lãng phí, còn để dành nước cho vụ hè thu”.
Với nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 28.000 ha lúa của 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu, hệ thống Thủy lợi Bắc đóng vai trò rất quan trọng góp phần thành công vào sản xuất nông nghiệp cho vùng trọng điểm lúa này của tỉnh. Ông Hồ Ngọc Mai - Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên thủy lợi Bắc cho biết: Hiện tại ở đầu mối của hệ thống Thủy lợi Bắc là Bara Đô Lương, lưu lượng dòng chảy chỉ đạt 31m3/giây, thấp thua so với thiết kế 6m3/giây, nguyên nhân do lượng đất bùn bồi lắng ở kênh dẫn lớn. Để đảm bảo đủ nguồn nước cho sản xuất, công ty đã xây dựng phương án tưới luân phiên, đồng thời tiếp tục thuê tàu hút bùn nạo vét hệ thống kênh dẫn dài 1,8 km này. Tuy nhiên, theo ông Mai, cùng phương án phục vụ nước hợp lý, đơn vị cũng tập trung tuyên truyền để nông dân sử dụng tiết kiệm nước, đồng thời yêu cầu các địa phương có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kiên quyết không ký hợp đồng tưới với những diện tích không đảm bảo chủ động nguồn nước, đặc biệt trong vụ hè thu.
Nông dân Nghi Lộc ra mạ gieo cấy vụ xuân.
Tại Bara Nam Đàn - đầu mối của hệ thống Thủy lợi Nam, theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi tỉnh, vào sáng 24/1/2013, mực nước tại đây chỉ đạt 1,1m so với thiết kế 1,15m. Đây là điều bất thường so với các năm trước, bởi theo các nhà chuyên môn, thường mùa kiệt của sông Lam bắt đầu vào tháng 5 dương lịch, những năm gần đây nguồn nước kém, thời tiết diễn biến bất thường nhưng cũng phải đến tháng 2, tháng 3 thì mực nước mới xuống thấp như thế này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc năm nay nguy cơ hạn hán sẽ rất lớn. Vì thế, ngay từ bây giờ Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam đã lên phương án tiết kiệm nước tưới, đồng thời tưới khoa học để đảm bảo nước phục vụ sản xuất vụ xuân.
Đến ngày 30/11, lượng mưa trung bình các huyện chỉ đạt 1.644 mm, thấp thua so với cùng kỳ năm ngoái 344 m. Qua kiểm tra, nguồn nước phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2013 thiếu hụt so với yêu cầu và thấp thua so với trung bình nhiều năm. Hiện mới là đầu vụ sản xuất, nhưng nhiều hồ đã thiếu nước. Qua quan trắc, trong 50 hồ do doanh nghiệp quản lý đã có 18 hồ không đầy nước; các hồ do xã, HTX quản lý dung tích chỉ đạt 50 - 60% dung tích thiết kế, mực nước trên các triền sông, suối giảm nhanh. Theo dự báo, nếu thời gian tới không có mưa, hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng. Trong khi đó, với những hồ nhỏ, có điều tiết năm, thì đầu vụ có thể đầy nước, nhưng nếu không có mưa thì cuối vụ sẽ cạn, thiếu nước. Đặc biệt ở miền núi, nếu thời tiết bất lợi, nắng nóng, không có mưa và gió Tây Nam về sớm thì hạn vào cuối vụ, nhất là thời kỳ lúa trổ là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.
Có thể nói, khả năng hạn hán vào cuối vụ xuân và sản xuất hè thu là điều có thể thấy được ngay từ bây giờ. Để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ứng phó tốt với hạn hán, thì các địa phương, đơn vị thủy nông cần rà soát, kiểm kê nguồn nước hợp lý để có kế hoạch phân phối nước hợp lý, triệt để tiết kiệm nước dành cho thời kỳ lúa trổ, lập phương án đối phó khi có hạn hán xảy ra, nhất là các vùng cuối kênh, vùng bán sơn địa và vùng miền núi; cần có sự bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý, phù hợp điều kiện công trình, nguồn nước, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của khô hạn; các đơn vị thủy nông cũng cần vận hành hợp lý các cửa cống đầu mối để đảm bảo cấp nước, các cống tiêu cuối hệ thống (cống Nghi Quang, Bến Thủy, Diễn Thành, Diễn Thủy) phải vận hành theo đúng quy trình để ngăn mặn, giữ ngọt và chỉ thực hiện giao thông thủy theo đúng quy trình được duyệt. Các trạm bơm vùng ven biển và vùng gần cửa sông Lam, ven sông Cấm, kênh Hoàng Cần, sông Bùng phải kiểm tra chất lượng nước nghiêm túc, chặt chẽ trước, trong và sau khi vận hành; phải coi sự việc xảy ra năm 2005 khi một diện tích lúa mạ rất lớn đã bị chết do mặn xâm nhập để làm bài học quý giá. Nhất thiết chỉ được vận hành bơm nước tưới khi nồng độ mặn của nguồn nước cho phép (đối với lúa đã phát triển tốt độ mặn không vượt quá một phần nghìn, đối với mạ và lúa non phải ngọt hoàn toàn). Các đơn vị phải tuyệt đối tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa nước và trạm bơm, với vùng hồ đập phải chủ động gieo cấy đúng kế hoạch, không gieo cấy ở những khu vực sử dụng nước tưới từ các hồ không đảm bảo đủ nước suốt vụ.
Phú Hương