Tiêu chí Giáo dục và Văn hóa trong xây dựng NTM: Linh hoạt nhưng phải đảm bảo chất lượng
(Baonghean) - Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), lĩnh vực giáo dục gồm tiêu chí số 5 (cơ sở vật chất trường học) và tiêu chí số 14 (chất lượng giáo dục); lĩnh vực văn hóa gồm tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí số 16 (chất lượng văn hóa). Trong quá trình khảo sát tại các xã chuẩn bị về đích NTM, cho thấy các tiêu chí về lĩnh vực giáo dục và văn hóa đang gặp những khó khăn cần tháo gỡ.
Từ cách xây dựng các tiêu chí trên cho thấy yêu cầu đối với mỗi tiêu chí phải cả 2 khía cạnh là đảm bảo cả về lượng và chất. Cụ thể, để được công nhận đạt chuẩn NTM trên lĩnh vực giáo dục, một địa phương ngoài phải đảm bảo cơ sở vật chất và chất lượng ở mức 80% trường chuẩn quốc gia do Bộ Giáo dục quy định thì phải đạt tỷ lệ nhất định về huy động phổ cập giáo dục từ mầm non đến THCS; tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp và tỷ lệ học sinh được đào tạo nghề... Tương tự, lĩnh vực văn hóa thì ngoài vấn đề chất lượng, tình trạng đầu tư cho các hạng mục thiết chế văn hóa thông tin, thể thao cơ sở, phải có trên 70% số thôn làng, cụm dân cư và gia đình đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, gia đình văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa...
Cán bộ Sở Thông tin - Truyền thông kiểm tra tiêu chí Bưu điện Văn hóa ở xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn). |
Trong thực tế, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên việc hoàn thiện, đảm bảo các tiêu chí này gặp không ít khó khăn. Đơn cử ngay như xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, để được công nhận về đích NTM năm 2015, xã phải rất quyết tâm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cấp xóm. Ngoài việc xã phải xây thêm 1 cơ sở 2 cho trường mầm non (đã khởi công nhưng chưa có vốn) thì số xóm được công nhận danh hiệu Làng văn hóa chưa đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Được huyện, xã có cơ chế hỗ trợ và khuyến khích, trong 6 tháng đầu năm 2015 có 11 xóm đã làm được nhà văn hóa, nhưng đến thời điểm này xã mới chỉ có 18/26 xóm có nhà văn hóa và 6/26 xóm đạt danh hiệu Làng Văn hóa. Xã Hưng Phú, một trong những xã cũng đăng ký về đích năm 2015 của Hưng Nguyên đến thời điểm này vẫn còn vướng tiêu chí lớn nhất là thiết chế văn hóa chưa đồng bộ khi các công trình, thiết chế văn hóa của xã như nhà văn hóa đa chức năng, trụ sở và sân vận động mới khởi công nhưng không có nguồn để đẩy nhanh tiến độ, kịp về đích.
Không chỉ Hưng Nguyên mà ngay cả các huyện có số xã đăng ký về đích nhiều như Diễn Châu, Yên Thành hay Quỳnh Lưu cũng gặp khó khăn nay. Các huyện này, mặc dù theo lộ trình thực hiện các trường chuẩn quốc gia về giáo dục từ bậc mầm non đến THCS, tuy nhiên, một trong những vấn đề các địa phương này phải đối mặt là giữ được chuẩn sau khi công nhận. Trong một khảo sát sơ bộ của ngành Giáo dục mới đây đối với 249 trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã được công nhận từ năm học 2002 - 2003 đến năm học 2013 - 2014, kết quả chỉ có 12 trường nâng cao chất lượng hơn để đạt chuẩn mức độ 2, chỉ có 63 trường giữ được 5/5 tiêu chí, số còn lại chỉ còn từ 1- 3/5 tiêu chí.
Về lĩnh vực này, thầy Ngô Quang Long, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Diễn Châu, địa phương có nhiều trường mầm non sau khi được công nhận nhưng không giữ được đủ chuẩn, cho biết: Huyện có 28 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng đến nay một số trường không còn đủ chuẩn. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là Nhà nước có điều chỉnh chiến lược coi trọng bậc học mầm non và yêu cầu phổ cập đối với trẻ 5 tuổi; các phụ huynh thay đổi nhận thức đưa trẻ đến hệ mầm non nhiều hơn nên xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp xuống cấp, trong khi nguồn huy động xã hội hóa chưa đáp ứng kịp thời. Bên cạnh đó, một số địa phương, trường học có tư tưởng thỏa mãn sau khi đạt chuẩn, không cố gắng và quan tâm đúng mức đến việc tiếp tục đầu tư để giữ chuẩn nên tiêu chuẩn bị sụt giảm. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, trong số các xã về đích NTM của Diễn Châu năm ngoái, nhưng một số hạng mục đến nay mới hoàn thành. Còn các xã đang ký về đích trong năm nay như: Diễn Xuân, Diễn Thái, đã đủ tỷ lệ 75% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nhưng vẫn còn vướng diện tích khuôn viên, bổ sung thêm cơ sở vật...
Trong số các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM thì nguồn lực đầu tư cho giáo dục và văn hóa đứng ở tốp đầu, chỉ sau giao thông - thủy lợi. Cụ thể, trong số 33 xã được công nhận NTM năm 2014, đã đầu tư 442 tỷ đồng, bình quân 13,4 tỷ đồng/xã; năm 2015 với 14 xã được thẩm định đã đầu tư 163 tỷ đồng, bình quân 11,7 tỷ đồng/xã, trong đó chủ yếu là nguồn nhân dân đóng góp. Tương tự, đối với tiêu chí thiết chế văn hóa, tỉnh có Đề án hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở theo Quyết định 80/QĐ.UB/2002 từ năm 2002, trong đó đã hỗ trợ xây dựng 186 nhà văn hóa với tổng số tiền trên 60 tỷ đồng, nay bước vào NTM mới, để xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở (tiêu chí số 16), bình quân mỗi xã đầu tư khoảng 3 - 4 tỷ đồng nhưng trên thực tế, rất nhiều hạng mục cần đầu tư nâng cấp mà chưa có vốn...
Rõ ràng với những khó khăn thực tại trên, trong bối cảnh đầu tư hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước chưa nhiều, các địa phương xây dựng NTM phải tập trung nguồn lực cho các hạ tầng thiết yếu như dồn điền, đổi thửa, làm giao thông nội đồng; xây dựng lại đường, thủy lợi nên nguồn lực không còn nhiều để hỗ trợ cho trường học, thiết chế văn hóa. Trong quá trình xây dựng NTM, nhóm tiêu chí về văn hóa cũng đã được Ban chỉ đạo xây dựng NTM Trung ương điều chỉnh theo hướng “mềm” hơn và phù hợp với thực tiễn từng vùng, miền. Nếu địa phương nào thực sự quyết tâm và xây dựng NTM một cách thực chất thì dễ nhận được sự chia sẻ, thậm chí nếu có cam kết rõ ràng thì tỉnh vẫn công nhận đạt chuẩn NTM, đồng thời cho thời hạn để hoàn thành, nâng cao chất lượng tiêu chí. Bên cạnh đó, đối với các xã đạt chuẩn NTM, trên cơ sở kết quả rà soát của các ngành chủ quản, Văn phòng điều phối NTM tỉnh cần tích cực đôn đốc các địa phương tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn nợ và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Bài, ảnh: Nguyễn Hải