Tìm con chữ - còn đó nhọc nhằn

31/01/2012 15:00

(Baonghean.vn) - Theo Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, học sinh THCS miền núi khó khăn được hỗ trợ mỗi em 140.000 đồng/tháng. Nhưng hiện nay, chính sách này đã kết thúc. Trong lúc chờ đợi một chính sách hỗ trợ khác thì cuộc sống, chuyện học hành của những học sinh này gặp rất nhiều khó khăn.

(Baonghean.vn) - Theo Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, học sinh THCS miền núi khó khăn được hỗ trợ mỗi em 140.000 đồng/tháng. Nhưng hiện nay, chính sách này đã kết thúc. Trong lúc chờ đợi một chính sách hỗ trợ khác thì cuộc sống, chuyện học hành của những học sinh này gặp rất nhiều khó khăn.

Đầu năm ngược ngàn về Môn Sơn - xã biên giới vùng đặc biệt khó khăn huyện Con Cuông thăm những người giáo viên đang ngày đêm ra sức dạy chữ, gieo ước mơ, xây dựng bản làng nơi đây. Thấy nhiều thầy, cô đượm vẻ buồn lo vì lẽ: Chế độ Hỗ trợ chế độ chính sách cho học sinh nghèo nội trú theo Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ thì đã hết từ năm ngoái; chế độ hỗ trợ học phí 70 nghìn đồng/tháng cho các em thì về chậm. Thầy cô nhà trường bây giờ ngoài thời gian lên lớp còn phải lo chạy ăn từng bữa cho các em. Đồng lương giáo viên chia năm, sẻ bảy để nhường cơm, sẻ áo cho các em, đến khi không chạy, không chia nổi nữa thì rất khó để giữ các em ở lại học...



Thầy, cô giáo phải đi thuyền vào bản Búng, xã Môn Sơn (Con Cuông) để dạy chữ .Ảnh: Thu Hương


Hỏi kỹ mới biết, những học sinh đang có nguy cơ bỏ học đều là học sinh người Đan Lai (tộc người Đan Lai khoảng hơn 3.000 người, chủ yếu cư trú tại bản Cò Phạt và Khe Khặng, xã Môn Sơn, nằm sâu trong rừng Quốc gia Pù Mát). Tộc người này đang được Đảng và Nhà nước thực hiện đề án bảo tồn nòi giống và phát triển bền vững.

Hiện nay tổng số học sinh người Đan Lai đang học tại Trường THCS Môn Sơn là 73 em, trong đó có 26 em sống ở khu nội trú Đan Lai. So sánh với những năm trước, số lượng học sinh người Đan Lai ra trường THCS học chỉ khoảng 3-4 em thì số học sinh tốt nghiệp tiểu học ra học ở trường THCS đạt gần 90% như lúc này quả là một kỳ tích mà thầy, cô của trường đã tạo nên bằng nhiều công sức và tâm huyết...

Thầy giáo Nguyễn Văn Vỹ, Hiệu phó Trường THCS Môn Sơn cho biết: Thực hiện chủ trương của Nhà nước và ngành Giáo dục, năm học 2009-2010, trường phối hợp cùng Đồn Biên phòng 555 tổ chức hai đoàn giáo viên vào tận các thôn, bản, gia đình để vận động đưa các em ravới trường lớp. Việc vận động không dễ do người Đan Lai đã quen với việc sống biệt lập, tự cung, tự cấp, người lớn thì chưa nhận thức tốt về lợi ích việc học chữ, trẻ em thì hễ cứ thấy người lạ đến nhà là chạy thẳng vào rừng.

Các thầy cô đã phải kiên trì cả tháng trời, cùng ăn cùng ở mới đả thông được tư tưởng của người lớn, gieo nên những ước mơ cuộc sống thoát nghèo, thoát đói nhờ con chữ cho các em... Nếu như vận động được các em ra học khó khăn một thì việc lo cho các em cái ăn, cái ở, cái mặc để học hành lại khó khăn gấp bội: người Đan Lai vốn rất nghèo, phụ huynh đều khoán trắng, giao trách nhiệm phải chăm lo cái ăn, ở luôn cho nhà trường.


Hành trang các em từ bản ra trung tâm xã học chỉ vỏn vẹn một hai bộ quần áo rách mướp. Thế là cùng với các chế độ ưu đãi của Nhà nước, để giữ các em ở lại trường, giáo viên trường THCS Môn Sơn đã bỏ tiền thuê đò chở các em ra; mỗi giáo viên nhận một học sinh để chăm lo từng bữa ăn, từng buổi học; thường xuyên thăm hỏi, động viên, trích tiền lương giúp các em mua nhu yếu phẩm. Học sinh thiếu quần áo, nhà trường lập tờ trình gửi các trường thuận lợi hơn quyên góp; cùng địa phương kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ gạo cho các em ăn. Nhà trường còn xin kinh phí địa phương, các tổ chức hảo tâm xây dựng nhà nội trú. Trường đề xuất huyện hợp đồng một người chuyên chăm lo chuyện ăn ở cho các em; hướng dẫn các em tăng gia sản xuất.


Để chăm sóc và nuôi dưỡng cho 73 em đang tuổi ăn, tuổi lớn thật không phải là dễ, nhưng bằng sự cố gắng, bằng tấm lòng thương yêu học trò của thầy, cô và sự chia sẻ của các bạn đã giúp cho các học sinh Đan Lai có một mái ấm thứ hai. Khu nội trú của trường có 5 phòng hiện có trên 40 em đang, số còn lại ở nhờ các nhà dân xung quanh trường. Cô Lê Thị Thu Hiền, một giáo viên miền xuôi mới lên công tác không khỏi ngậm ngùi kể: Các em thiếu thốn nhiều quá, cả về vật chất lẫn tinh thần. Bữa cơm 6 người chỉ có một rá cơm, một món rau cùng với cá kho. Năm học 2011-2012 này lại khó khăn hơn bởi năm học 2010-2011 trở về trước các em được hưởng chế độ Nhà nước cấp cho là chế độ 112, mỗi tháng được 140 nghìn/em, giờ không có chế độ 112 nữa nên cuộc sống sinh hoạt của các em hoàn toàn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các bạn trong trường và các thầy, cô giáo cưu mang.


Cũng theo thầy Nguyễn Văn Vỹ, năm học vừa rồi, trường còn vận động được Hội LHPN xã giúp các em 3 tạ gạo, Đồn Biên phòng 555 cấp giúp mỗi em 7 kg gạo/tháng, phòng LĐTB&XH huyện cấp 6 tấn gạo; Công ty Hương Rừng ủng hộ 28 triệu đồng mua giường, chăn cho các em. Năm học này nhà mới chỉ nhận được 1 tấn gạo từ Huyện Đội, xin được 1 triệu đồng từ Bảo hiểm huyện nên nhà trường đã vận động mỗi giáo viên quyên góp 10 kg gạo, trường có 33 giáo viên nên cũng đã có gần 350 kg để các em ăn. Chuyện cái ăn đã vậy rồi, chuyện sách vở, bút mực, mua thêm chăn màn, áo ấm... còn phải lo nhiều nữa. Nếu tình trạng này kéo dài thì khi cái bụng không ưng nữa thì các em lại về mất thôi!...


Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT cho biết: "Không riêng học sinh Đan Lai mà những học sinh vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đều đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn như vậy, khi chính sách 112 kết thúc. Trong khi chờ chính sách thay thế, ngành Giáo dục cũng đang tìm những giải pháp để giúp đỡ các em nhưng không dễ. Hơn bao giờ hết lúc này các em rất cần những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức đưa các em tới trường...


Hình ảnh những học sinh tộc ngườiĐan Lai tay đen nhẻm tưới nước chăm sóc vườn cải xanh mướt để cải thiện bữa ăn ở khu nội trú Trường THCS Môn Sơn cho thấy khát vọng vươn lên của các em cũng như tấm lòng của các thầy, cô giáo. Nhưng xem ra để các em học sinh vùng đặc biệt khó khăn đến với con chữ còn lắm nỗi vất vả, nhọc nhằn.


Thành Chung - Thảo Nhi

Mới nhất
x
Tìm con chữ - còn đó nhọc nhằn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO