Tìm giải pháp ngăn tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ở Hàn Quốc

09/09/2011 19:00

(Baonghean) - Nhằm ngăn chặn thực trạng lao động nước ta bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc, sáng 9/9, tại Thị xã Cửa Lò đã diễn ra buổi tọa đàm “Các biện pháp ngăn ngừa lao động làm việc theo chương trình EPS ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp”.

Buổi tọa đàm do Cục quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Nghệ An tổ chức. Theo thống kê của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Hàn Quốc thì có đến 8.780 người đã bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp. Trong đó, tỉnh Nghệ An chiếm hơn 2000 lao động. Nghiêm trọng hơn là tình trạng này ngày càng tăng lên trong thời gian gần đây. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2011, có 25 lao động Việt Nam bỏ trốn khi vừa tới sân bay, trong đó riêng Nghệ An có 5 người.



Tỉnh ta hiện đang có 6.500 lao động đã thi đậu kỳ thi tiếng Hàn, trong đó có 4.000 lao động đã xuất cảnh, 2.500 đang chờ phía Hàn Quốc cấp phép để xuất cảnh. Tuy nhiên, tình trạng trên đã gây nhiều khó khăn cho các chủ sử dụng lao động tại Hàn Quốc, gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế của nước này, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Việt Nam và mục tiêu đưa 85.000 lao động sang các nước của Chính phủ trong thời gian tới.

Tại buổi tọa đàm, nhiều giải pháp và khuyến cáo đã được đưa ra. Ông Đào Quang Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện cho lao động tiếp cận với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, các lao động bị trục xuất hoặc về nước trước thời hạn được hỗ trợ về mặt tài chính; các địa phương cần tổ chức đón tiếp lao động về nước đúng thời hạn.

Ông Lương Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước cũng đã đề ra một số giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng lao động ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp như: Thay đổi cách thức tuyển chọn lao động ngành nông - ngư nghiệp; Không tuyển lao động ở địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao; Phối hợp với gia đình và các địa phương vận động lao động bỏ trốn về nước. Phối hợp với Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành pháp lệnh xử phạt hành chính đối với lao động hết hợp đồng nhưng không chịu về nước, mức xử phạt cao nhất có thể lên đến 100 triệu đồng/người; Tăng cường bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi xuất cảnh để nâng cao nhận thức cho người lao động, tránh xẩy ra tình trạng trốn hay chuyển đổi hình thức lao động.


Phụ huynh một lao động đang chờ được xuất cảnh phát biểu ý kiến.


Buổi toạ đàm thu hút nhiều người tham dự.

Ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho rằng, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động; tăng cường công tác chuẩn bị nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề, thu nhập cho người lao động; tăng cường phối kết hợp giữa địa phương và trung ương quản lý người lao động từ khi đi đến khi về; không tổ chức tuyển dụng tổ chức tuyển dụng lao động đi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc ở những địa phương có 3 người lao động bỏ trốn …

Các đại biểu cho rằng, những giải pháp nêu ra là rất thực tiễn, muốn cánh cửa đón lao động Việt Nam của nước bạn không dần bị khép lại, không chỉ có nỗ lực của nhiều cơ quan chức năng, sự giúp đỡ của phía Hàn Quốc mà còn từ chính ý thức của người lao động.


Phạm Bằng

Mới nhất
x
Tìm giải pháp ngăn tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ở Hàn Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO