Tìm hiểu về Ví giặm Nghệ Tĩnh
Về nguồn gốc, ví giặm khởi phát từ hai hình thức dân ca Nghệ Tĩnh: hát ví và hát giặm. Hát ví có nhiều thể như ví phường vải, ví phường cấy, ví phường nón, ví phường gặt, ví phường đan, ví phường củi,... nhưng ví phường vải là đặc sắc nhất.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cũng như các loại dân ca khác, ví phường vải (còn gọi hát phường vải) là hình thức văn nghệ tự túc của người Nghệ Tĩnh mang đậm tính chất trữ tình. Còn hát giặm là hình thức tự sự theo lối kể chuyện có vần vè để nghị luận, triết lí, tả cảnh, tả tình, tuyên truyền, châm biếm, v.v.. Theo Ninh Viết Giao, hát giặm không phổ biến khắp xứ Nghệ bằng hát ví, chỉ thịnh hành chủ yếu ở các huyện phía Nam Nghệ Tĩnh gồm Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Nhưng hát ví, nếu chỉ nói đến hình thức phổ biến là ví phường vải thì địa bàn chủ yếu gồm Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An), trong đó, Nam Đàn được nói đến nhiều nhất: Thanh Chương là đất cày bừa/ Nam Đường (Đàn) bông vải hát hò thâu canh. Tuy có một số điểm khác nhau nhưng hát ví và hát giặm đều là tiếng lòng thốt ra qua cách diễn xướng mộc mạc, điệu thức dung dị, ngôn từ đặc biệt của nhiều thế hệ người lao động Nghệ Tĩnh. Vì thế, tên gọi cũng như các nghiên cứu có thể gộp chung là ví giặm Nghệ Tĩnh.
Biểu diễn dân ca ví, dặm trên sân khấu lớn. |
2.1. Có thể nói, ngôn ngữ ví giặm có những đặc điểm của ngôn ngữ thơ Việt Nam. Bởi vậy, nó không chỉ mang chức năng thông báo thuần tuý mà còn là chức năng thông báo - thẩm mĩ. Điều này được thể hiện trên nhiều bình diện, nhưng ở bài viết này, chúng tôi chỉ xem xét một số mặt tiêu biểu.
2.1.1. Ví giặm sử dụng phổ biến lớp từ toàn dân, trong đó, nhiều từ ngữ rất trau chuốt, mượt mà, ý nhị, thể hiện cách nghĩ, cách cảm nên thơ của các chàng trai, cô gái Nghệ Tĩnh. Chẳng hạn, đây là cách giãi bày và đong đếm tình cảm: Hồng Sơn cao ngất mấy trùng/ Lam Giang mấy trượng thì lòng mấy nhiêu (Hát phường vải). Còn nữa, từ ngữ trong nhiều bài ví giặm giàu hình ảnh, có tính biểu trưng cao, có tính “thơ” rất rõ nét. Chẳng hạn: Đá có rêu bởi vì nước đứng/ Núi bạc đầu là tại sương sa; Ra về dặn nước dặn non/ Dặn rằng một chữ vuông tròn phu thê, v.v. (Hát phường vải); hoặc: Mẹ dừng chân đứng lại/ Sợ bóng xế, hoa tàn/ Sợ gió kép, mưa đơn/ Cho duyên rày áy náy/ Cho phận rày áy náy,... (Hát giặm).
2.1.2. Ví giặm Nghệ Tĩnh sử dụng có hiệu quả các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, phúng dụ, khoa trương, v.v... Các biện pháp tu từ được xây dựng theo quan hệ liên tưởng thể hiện nét riêng trong cách nghĩ, mĩ cảm của người Nghệ Tĩnh. Về biện pháp so sánh, ví giặm chủ yếu dùng lối so sánh “lộ thiên” (có gần như đầy đủ công thức so sánh), dùng những sự vật rất gần gũi trong đời sống nhưng lại tạo được những liên tưởng tinh tế. Chẳng hạn: Da em như đọt chuối non/ Eo lưng thắt đáy như con tò vò (Hát phường vải); Hoặc: Bụng tròn như vại nhút/ Béo như con tru (trâu) lào (Hát giặm).
Trong ví giặm Nghệ Tĩnh, ẩn dụ tu từ được sử dụng nhiều nhất. Các tác giả dân gian dùng lối ẩn dụ để gửi gắm tình ý của mình. Trong nhiều trường hợp, biện pháp nghệ thuật này tạo được những cách nói bỏng bẩy, ý nhị về những điều khó nói, không dễ giãi bày. Chẳng hạn: Con chim phượng hoàng dại lắm không khôn/ Núi Tam Thai không đỗ lại đỗ cồn cỏ may (Hát phường vải); Hoặc: Ong ra vào mấy chuyến/ Bướm qua lại mấy lần/ Để bồ liễu chút thân/ Xót trong lòng nông nỗi (Hát giặm),...
Lối nhân hóa cũng được sử dụng trong ví giặm để nói về phong cảnh, thông tin thời tiết, hoặc bày tỏ nỗi niềm nhân thế. Chẳng hạn, lối nhân hóa trong câu hát giặm Rú Bờng chưa đội mũ/ Rú Bể chưa mang tơi là thông tin thời tiết trời chưa mưa (Rú Bờng, tức Côn Bằng, Thạch Hà, mây chưa che; rú Bể, tức Nam Giới, Thạch Hà, mây chưa bọc quanh). Hoặc: Vườn hoa quả thị má hồng/ Mận mơ quấn quýt đèo bòng cho cam (Hát phường vải) vừa diễn tả tình cảm gắn bó, quấn quýt của trai gái, vừa như giới thiệu vườn hoa quả, gồm bảy loại quả: thị, hồng, mận, mơ, quýt, bòng, cam (nhân hóa kết hợp chơi chữ). Thật là bất ngờ và thú vị.
Khoa trương (còn gọi ngoa dụ, phúng dụ) - phương thức tu từ gây ấn tượng mạnh bằng cách diễn đạt nhân lên gấp nhiều lần thuộc tính của sự vật, hiện tượng cũng xuất hiện nhiều trong ví giặm Nghệ Tĩnh. Chẳng hạn: Dù ai khoét mắt, chặt tay/ Cũng lần hơi hướm đường này với anh (Hát phường vải); Đôi ta đã thề ước/ Quyết sống thác cùng nhau/ Dù bể thẳm non cao/ Dù lưỡi gươm kề đầu/ Phải liệu mà cất bước/ Tính liệu mà cất bước (Hát giặm). Những cách nói như thế là biểu thị thái độ quyết tâm cao của tình yêu lứa đôi.
Những biện pháp tu từ xây dựng theo quan hệ liên tưởng kiểu Nghệ Tĩnh trên đây đã tạo cho ví giặm cái ý nghĩa bề sâu, tầng nghĩa thứ hai ám ảnh, mời gọi trường liên tưởng của người tiếp nhận.
2.1.3. Một trong những đặc điểm làm cho ví giặm Nghệ Tĩnh dễ đi vào lòng người chính là sự sâu lắng và da diết của nhạc điệu. Nhạc điệu ví giặm được hình thành chủ yếu từ hiệp vần và ngắt nhịp. Về hiệp vần, do hầu hết các bài ví giặm sáng tác theo thể lục bát (ví), hoặc ngũ ngôn (giặm) nên các câu bao giờ cũng kết dính với nhau bằng cách hiệp vần ở những vị trí nhất định. Đó là kiểu vần lưng ở hát ví. Chẳng hạn: Bao giờ Hồng Lĩnh đá mòn/ Hoành Sơn mây phủ, dạ còn nhớ anh, v.v.. Đó là vần chân ở hát giặm. Chẳng hạn: Dù biển cạn đá mòn/ Dạ sắt với lòng son/ Biết khi mô (nào) phai lạt (nhạt)/ Biết thủa nào phai lạt,... Cách hiệp vần trong ví giặm hầu hết là vần chính (đồng nhất hoàn toàn ở các yếu tố thanh điệu, âm cuối, âm chính), do đó, chức năng hoà âm của vần phát huy tối đa.
Trong nhiều trường hợp, ngay các âm tiết (tiếng) trong câu cũng bắt vần với nhau gia tăng âm hưởng cho câu ví giặm. Chẳng hạn: Đi qua nghe tiếng em reo/ Nghe xa em kéo muốn đeo (đem) em về; ngoài cặp vần lưng trong reo/đeo còn có có các âm tiết bắt vần: qua/xa, nghe/về, reo/kéo/đeo. Hay: Đôi đụa (đũa) sơn son/ Gắp hòn tro đỏ/ Bỏ vô cơi vàng/ Đến đây xa xạ (xã) ngái làng/ Ước răng (sao) cho được con phượng bắc ngang con rồng. Bài ví phường vải hợp thể này, ngoài các âm tiết hiệp vần theo nguyên tắc thi ca son/hòn, vàng/làng/ngang, còn có hàng loạt âm tiết cũng bắt vần đụa/ tro/ đỏ/ bỏ/ vô/ cho, cơi/ đây/ ngái, làng/ răng/ ngang, ước/ được/ bắc ríu vào nhau tạo nên âm điệu thiết tha, da diết, qua đó bộc lộ nội dung câu ví.
Nhạc tính của ví giặm còn được hình thành từ ngắt nhịp (ngừng giọng) trong từng câu, từng bài. Trong ví giặm Nghệ Tĩnh, ngắt nhịp không chỉ thực hiện chức năng phân giới các thành phần câu, các câu mà còn thực hiện chức năng duy trì nhạc tính, qua đó tăng thêm sức mạnh biểu đạt ý nghĩa, góp phần thể hiện nội dung các câu ví giặm. Do đó, ngoài việc tổ chức nhịp theo thi pháp thể loại (nhịp chẵn 2/2/2 và 2/2/2/2 lục bát trong ví, nhịp 3/2 ngũ ngôn trong giặm), ngắt nhịp trong ví giặm Nghệ Tĩnh không phải bao giờ cũng suôn sẻ, êm đềm mà biến thiên đa dạng theo cảm hứng của chủ thể trữ tình, từ đó làm nên các phức điệu. Chẳng hạn: Đừng/ cờ/ cờ/ bạc/ bạc// Đừng/ rượu/ rượu/ chè/ chè// Đừng/ rủ bạn/ rủ bè// Đừng/ nghe mồm thiên hạ// Chớ/ nghe mồm thiên hạ (Hát giặm). Trong một khổ năm câu, mỗi câu có nhịp biến thiên khác nhau: nhịp 1/1/1/1/1 (câu 1 và 2), nhịp 1/2/2 (câu 3), nhịp 1/4 (câu 4 và 5). Hay: Một/ là duyên/ là nợ// Hai/ tại mẹ/ tại thầy// Ba/ tại số ai đây// Cho duyên rày áy náy// Cho phận rày áy náy (Hát giặm). Những dẫn cứ này cho ta thấy nhịp trong ví giặm gồ ghề, đa dạng như cuộc sống gian khó của người lao động Nghệ Tĩnh vậy.
2.2. Ngôn ngữ với chức năng quan trọng nhất là làm công cụ diễn đạt và qua ngôn ngữ, đã phản ánh cách ứng xử của từng cộng đồng người khác nhau. Không chỉ có thế, bức tranh văn hóa ngay trong từng cộng đồng lại diễn ra khá đa dạng qua từng vùng, từng khu vực địa phương. Cố nhiên, sự phân cắt giữa các vùng văn hóa và các phương ngữ (dialect) không hoàn toàn trùng khít nhau, nhưng nếu dựa vào khẳng định của F.de Saussure: Phong tục của một dân tộc có tác động đến ngôn ngữ, và mặt khác, trong một chừng mực khá quan trọng, chính ngôn ngữ làm nên dân tộc [6], thì cũng suy ra, ngôn ngữ địa phương mang trong nó bản sắc văn hóa địa phương, của từng khu vực dân cư. Do ví giặm được sáng tác và diễn xướng bằng ngôn ngữ địa phương (tức phương ngữ Nghệ Tĩnh) cho nên, xuống dưới, chúng tôi tiếp tục chứng tỏ những vẻ đẹp của ví giặm qua các phương tiện ngôn từ của phương ngữ Nghệ Tĩnh.
2.2.1. Trong giao tiếp hàng ngày, người Nghệ dùng giọng Nghệ, nghĩa là dùng một loại vỏ ngữ âm kèm theo giá trị ngữ nghĩa hoàn toàn khác biệt so với các vùng địa phương khác. Do đó, phương ngữ Nghệ Tĩnh có một vốn từ ngữ “rặt” địa phương. Những “đặc sản” địa phương này xuất hiện dày đặc trong ví giặm, trở thành những phương tiện biểu đạt đặc hữu, tạo được ấn tượng sâu sắc ở người tiếp nhận. Khảo sát văn bản ví giặm, dễ dàng nhận ra lớp từ đắc dụng nhất là từ xưng hô. Người Nghệ dùng từ xưng hô và cách xưng hô hết sức đa dạng, độc đáo. Cũng như các địa phương khác, xưng hô trong ví giặm, trước hết, dùng các đại từ nhân xưng theo các ngôi và số như: tui (tôi), tau, mi (mày), hấn (hắn), mềng/mèng (mình), choa, bay/bây, nậu, v.v..
Chẳng hạn: Hết răng (sao) thì choa chịu/ Hết gia tài choa chịu/ Choa mà bắt bay chịu/ Choa không phải con ngài (người). Với bài hát giặm này, choa dùng ở ngôi thứ nhất, số nhiều. Trong giao tiếp, choa thường tương ứng với bay/ bây. Còn nữa, người Nghệ dùng từ đơn tiết này để cấu tạo các từ khác dựa trên một cơ cấu ngữ nghĩa nhất định như bầy choa, bọn choa, nhà choa, v.v.. Những từ này lại được dùng để ứng đáp nhằm bày tỏ một thái độ quyết liệt: Bầy choa ăn đọi (bát) cơm/ Như đơm một đọi máu/ Máu chi tanh tưởi máu ơi/ Mồ cha quân cướp nước, sướng đời không bay (Hát giặm). Cách dùng từ xưng hô trong ví giặm như kiểu này là dẫn cứ chứng tỏ người Nghệ quen chịu đựng gian khổ nhưng không chịu nhục, và trong cái gan góc có cái bướng bỉnh, trong cái trung thực có cái thô bạo, trong cái mưu trí có cái liều lĩnh (Đinh Gia Khánh, 1995), hay chính là tính gàn Nghệ Tĩnh như nhiều người nhận xét.
Trong ví giặm, lớp từ chỉ cách xưng gọi trong quan hệ họ tộc, gia đình như ông, bà, cha, mẹ, chú, bác, cụ (cậu), mự (mợ), dì, o (cô), anh, ả (chị), em, v.v. cũng xuất hiện có tần số cao. Trong các từ này, từ mự là độc đáo hơn cả. Trong ví giặm, từ mự dùng để xưng hô với các vai sau đây: 1/ vợ chú, tương đương với thím (Bắc bộ); 2/ vợ cụ (cậu), tương đương với mợ (Bắc bộ); 3/ người phụ nữ đã có tuổi (khoảng 40 đến 50); 4/ chỉ người con gái. Chẳng hạn: Trốc cúi bằng ống giang/ Lạ lung chi hỡi mự (Hát giặm), từ mự chỉ người phụ nữ đã có tuổi. Hay: Trước mự nói mự thương/ Cau tui (tôi) dành để trong buồng/ Trù tui dành để ngoài nương/ Lợn ụt ịt trong chuồng/ Tiền buộc chạc (dây) trong rương/ Chõng đục sẵn trong buồng/ Giừ mự nói không thương/… Chứ bạc tình chi rứa (thế) mự/ Chi bạc tình rứa mự (Hát giặm); từ mự là chỉ người con gái phản bội lời giao ước. Vì trong một số gia đình Nghệ, con cái hiếm muộn gọi bố mẹ là cụ mự (cậu mợ) nên cách xưng hô mự (chỉ người con gái) trong bài hát giặm trên là biểu thị tình cảm thực sự gần gũi, thân thiết tưởng như chắc chắn nhưng kết cục lại không như mong muốn.
Thật khó có nơi nào như Nghệ Tĩnh, trong xưng gọi có các từ như anh nho, anh học, anh nhiêu, chú xạ, anh hoe, anh cu, anh đị, anh cháu, anh chắt, v.v.. Dĩ nhiên, đã có anh cháu, anh chắt, anh cu, anh đị, v.v. cũng có ả cháu, ả chắt, ả cu, ả đị, v.v.; mỗi từ như thế có nét nghĩa phân biệt với nhau. Chẳng hạn: Trèo truông cho đổ mồ hôi/ Mượn khăn điều chú xạ lau đôi má hồng (Hát ví). Hay: Anh cu Thắng than oán/ Tại ả cháu nơi mô (đâu)/ Mẹ đĩ Túc tri hô/ Bởi vì làng vì xóm (Hát giặm), v.v.. Thú vị nhất là, từ mệ tương ứng ngữ âm với mẹ trong tiếng Việt toàn dân, nhưng trong các tổ hợp mệ mi, mệ chắt, mệ cu, mệ đị, v.v. thì đấy là cách gọi vợ của các ông chồng Nghệ Tĩnh. Chẳng hạn: Mệ mi nì (này) nghĩ lại/ Đừng dức lác (cằn nhằn) mà rầy rà/ Tại thầy dóng hướng nhà/ Vợ chồng ta nỏ (không) nhác/ Đôi ta rày không nhác (Hát giặm). Từ những cách sử dụng từ xưng hô như đã trình bày cho thấy tính chất khẩu ngữ được thể hiện khá đậm đặc trong ví giặm Nghệ Tĩnh.
Tính chất khẩu ngữ trong ví giặm Nghệ Tĩnh còn được bộc lộ qua cách sử dụng vốn từ ngữ địa phương. Ngoài việc sử dụng dày đặc các từ ngữ là những biến thể địa phương tương ứng về ngữ âm, tương đồng về ngữ nghĩa (ở âm đầu, vần, thanh điệu) là những từ ngữ chỉ tồn tại trên khu vực địa phương. Đó là các từ như nhút, nham, lớ,… (chỉ sản vật), nắng cưởi, mù nam,… (chỉ thời tiết); chóp hiệu, nhà mại, nón chế, đám dận,... (nghi lễ), v.v.. Chẳng hạn: Nhút Thanh Chương cũng ngọt/ Kể chẳng mấy trự (đồng) tiền (Hát giặm). Hay: Chỉ nắng cưởi với mù nam/ Trăm cơn (cây) chi (gì) cũng khô/ Ngàn cơn chi cũng héo (Hát giặm). Nhút là món ăn chế biến từ quả mít non. Còn nắng cưởi là nắng như lửa đốt; mù nam là nhiều sương và có gió lào. Còn nữa, hàng loạt từ ngữ rất cổ của tiếng Việt được sử dụng trong ví giặm như chiềng (thưa/trình), mần (làm), dức lác (rầy la), dóng (đặt), dứt lắc (bứt quách), chợm (sướng), sương (gánh), tráo (đi trở lại), đòn noi (tấm ván), trấp (mắc/bận), trặc (lấy), nhéo (trêu ghẹo), tróng (thòng lọng), van (kêu), ngăm (doạ), ràn (chuồng), trọt (chỗ trũng ở cánh đồng), chỉn (chỉ), răng giừ (bao giờ), răng nấy (bao nhiêu), nỏ (không), rứa hè (thế nhé), vô kể (nhiều), bựa ni/bựa rày (hôm nay),…
Chẳng hạn: Trời mần (làm) một trộ (trận) mưa dông/ Củ nu (nâu) nặng gánh, đò không sang đò (Hát ví). Hay: Tau (tôi) trôi nhà trôi cựa (cửa)/ Mi (mày) nỏ (không) dòm ngó thì thôi/ Rọng (ruộng) tau có kẻ xin rồi/ Tru (trâu) mi bựa ni (hôm nay) tau lấy/ Bò mi bựa rày (hôm nay) tau lấy (Hát giặm), v.v.. Tính chất cổ của ngôn từ ví giặm còn được thể hiện ở hàng loạt từ láy phương ngữ Nghệ Tĩnh như lọng khọng (rất cao), lộ mộ (thưa thớt), xóng nóng (nấn ná), trăn triu (keo cú), khăn khắn (lo lắng), hởn hởn (tươi tốt), hoang đàng (lười biếng), thúc thích (từ từ), chờm chợ (lui tới), thiu thiu (nhỏ bé, rất nhỏ), lúc ngúc (dáng điệu chậm chạp), ngạ nghề (no say), ngao ngán/ngơ ngẩn (rất nhiều), lật lưởng lật lờ (không chắc chắn),… Chẳng hạn: Mới đến chơi một bựa (bữa)/ Cơm rượu thịt ngạ nghề (no say)/ Cho cái bánh cắp về/ Tưởng rứa (thế) là đã chợm (sướng), (Hát giặm). Hay: Trúc xinh trúc mọc trên đời/ Măng non hởn hởn (tươi tốt, non tơ) đợi người tài hoa (Hát ví), v.v.. Có thể nói, các từ láy địa phương là những điểm nhấn ngữ nghĩa cho các câu ví giặm.
2.2.2. Thêm một nét đặc sắc của ví giặm Nghệ Tĩnh, đó là dùng hình thức chơi chữ bình dân nhưng rất độc đáo. Ngoài việc sử dụng có hiệu quả các hình thức chơi chữ của tiếng Việt, trong nhiều bài ví giặm, tác giả dân gian dùng tiếng Nghệ để chơi chữ. Hình thức chơi chữ thường gặp nhất là chơi chữ đồng âm. Chẳng hạn: Chào chàng một tiếng chào chung/ Những ai đó hạ mà đông rứa hè. Câu hát phường vải này có hai từ địa phương: hạ, biến âm của “hả”, rứa hè, tương ứng với “thế à” trong tiếng Việt toàn dân. Vì có yếu tố hè (được hiểu là mùa hè) nên hạ vừa như “hả” (trong tiếng Việt), vừa là hạ trong mùa hạ. Lại có hình thức chơi chữ đồng nghĩa được xác lập trên cơ sở đồng âm. Chẳng hạn: Ra về dặn thiệt nhớ nha/ Tối mai răng cũng lại nhà em chơi. Ta có: thiệt là biến âm của “thật” nhưng đồng âm với thiệt là “lưỡi”, nha là biến âm của “nhé” nhưng lại đồng âm với nha là “răng”, răng tương ứng với “sao” (đại từ) nhưng lại đồng âm với răng chỉ bộ phận cơ thể, lại là phụ từ (chỉ sự tiếp diễn) và lại còn là biến âm của “lưỡi”, từ đó dẫn đến các cặp đồng nghĩa: thiệt/ lại (lưỡi), nha/ răng. Hay: Chuồng lợn thấp hơn chuồng gà/ Kê lên một thỉ, hỏi anh đà đối chi. Câu hát phường vải ở chặng đối đáp này có thỉ là biến âm của tí (một ít), nhưng thỉ cũng có nghĩa là “lợn”; kê là “đặt”, nhưng kê còn có nghĩa là “gà”, thành ra có các cặp đồng nghĩa: lợn/ thỉ, gà/ kê.
Cũng có những hình thức chơi chữ rất công phu như nói lái - đồng âm - đồng nghĩa. Chẳng hạn, ở chặng đối đáp, bên nữ hát: Anh bứt cỏ ngựa ngồi đầu cựa ngọ/ Kẻ bắn con nây ngồi cội (gốc) cây non. Trong phát âm, người Nghệ thường sử dụng các biến thể địa phương ở các bộ phận của âm tiết (thanh điệu, phần vần và âm đầu), do đó, ở câu ví trên, cựa ngọ là tương ứng với “cửa ngõ”, con nây tương ứng với “con nai”. Và phải dùng cách phát âm địa phương thì cây non mới là nói lái của con nây; đặc biệt, cựa ngọ là nói lái của cỏ ngựa, dẫn đến: ngọ vừa tương ứng với “ngõ”, vừa đồng âm với ngọ là “ngựa” (năm ngọ), để có ngựa/ ngọ là một cặp đồng nghĩa. Câu trên, nếu phát âm như tiếng Việt toàn dân: Anh bứt cỏ ngựa ngồi đầu cửa ngõ/ Kẻ bắn con nai ngồi gốc cai non thì mất hết những bất ngờ, thú vị. Từ các dẫn cứ về chơi chữ trong ví giặm cho phép ta khẳng định người Nghệ không thiếu chữ nghĩa. Cách chơi chữ của người Nghệ là chủ ý dùng các chất liệu bình dân, có sẵn trong ngôn ngữ địa phương để qua đó bộc lộ trí thông minh, tính uyên bác của mình.
3. Ngôn ngữ là nơi lưu giữ và thể hiện đặc trưng văn hóa dân tộc. Chính ngôn ngữ là cầu nối, phương tiện mở rộng giao lưu, trao đổi sự hiểu biết về văn hóa giữa các cộng đồng người khác nhau; ngôn ngữ là địa chỉ của văn hóa. Điều này không chỉ phản ánh qua ngôn ngữ từng dân tộc, cộng đồng mà ngay cả từng khu vực, các vùng khác nhau hay các phương ngữ. Có thể nói, ví giặm Nghệ Tĩnh bao chứa bên trong nó những đặc điểm, đặc trưng độc đáo của lối tư duy, quan điểm thẩm mỹ, đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế, thái độ đối với cái thiện, cái ác, v.v. của một vùng địa lý - dân cư quen gọi là xứ Nghệ. Bài báo của chúng tôi khảo chứng vẻ đẹp của ví giặm Nghệ Tĩnh từ góc nhìn ngôn ngữ, qua đó, chỉ ra nét riêng về văn hóa và ngôn ngữ của khu vực Nghệ Tĩnh. Là người con của xứ Nghệ, nghiên cứu ví giặm trước hết là ý thức trách nhiệm, thái độ và tình cảm trân trọng của một con dân đối với di sản truyền thống cha ông để lại, góp phần lưu giữ, bảo tồn vốn văn hóa dân gian - những viên ngọc quý dễ bị lãng quên. Chúng tôi mong muốn việc sưu tầm, bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể này cần phải rốt ráo hơn nữa, làm tốt hơn nữa để giữ gìn bản sắc văn hóa của người Nghệ.
Theo DancaNgheTinh