Tìm hướng đi mới cho hội họa

13/11/2014 08:44

(Baonghean) - Dành trọn niềm đam mê cho hội họa, có nhiều tác phẩm ghi dấu ấn trong làng mỹ thuật, nhưng các họa sỹ lại không thể sống được với nghề. Trong xu hướng mới, các họa sỹ “rẽ ngang”, làm thêm các nghề tay trái khác như kỹ thuật đồ họa; in thêu, thiết kế quảng cáo…

Đam mê

Nói đến mỹ thuật Nghệ An, không thể không nhắc đến những hoạ sỹ gạo cội như: Trần Minh Châu, Hồ Thiết Trinh, Nguyễn Đình Truyền, Trần Hoàng Trung… Hầu hết những hoạ sỹ tên tuổi ấy là hội viên tích cực tham gia các hoạt động mỹ thuật của tỉnh; họ góp mặt trong các cuộc triển lãm thường niên và gặt hái những giải thưởng, bằng khen, tặng thưởng mỹ thuật cao quý. Thế hệ hoạ sỹ ấy đã góp phần không nhỏ trong việc đưa mỹ thuật tỉnh nhà tạo dấu ấn riêng trên “bản đồ” mỹ thuật của cả nước.

Hoạ sỹ Nguyễn Đình Truyền  (Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt Đức - TP. Vinh) mở lớp ôn luyện mỹ thuật cho học sinh phổ thông.
Hoạ sỹ Nguyễn Đình Truyền (Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt Đức - TP. Vinh) mở lớp ôn luyện mỹ thuật cho học sinh phổ thông.

Bước chân vào ngôi nhà nhỏ bình dị trên đường Nguyễn Sỹ Sách (TP. Vinh) của hoạ sỹ - nhà điêu khắc Trần Minh Châu, chúng tôi như lạc vào không gian của một bảo tàng nghệ thuật mi - ni. Hàng loạt bức tranh được treo trên tường và những bức tượng lớn, bé được ông xếp đặt tỉ mẩn từ sân, vườn vào tận phòng khách. Ông tự hào giới thiệu cho chúng tôi về những tác phẩm điêu khắc đã giành được các giải thưởng cao quý của Hội Mỹ thuật Việt Nam như: “Tình biên giới”; “Tần tảo”, “Nhất nông”… Dù ở vị trí công tác nào, từ nhân viên của xưởng mỹ thuật nhiếp ảnh những năm 80; hay sau này là cán bộ quản lý văn hoá cấp tỉnh thì họa sỹ Trần Minh Châu vẫn dành tình yêu sâu sắc cho hội hoạ - điêu khắc. Sau những giờ làm việc là thời gian ông dành cho những bức vẽ, bức tượng. Ông kể, dù cuộc sống trước còn khó khăn nhưng ông luôn cố gắng dành dụm từng đồng lương ít ỏi để đầu tư mua vật liệu vẽ. Để đúc một bức tượng có khối lượng 10 kg, thì chi phí để mua các loại nguyên liệu như: chất compusite, sợi thuỷ tinh, khuôn… cũng đã lên tới vài triệu đồng; có những bức lên tới 2 -3 yến phải mất mấy tháng tiết kiệm tiền lương mới hoàn thành. Với ông, dường như tất cả hoạt động gắn bó với nghệ thuật chỉ là để được giao lưu nghề và được thoả chí sáng tạo.

Đến nay, có không ít tác phẩm phù điêu thạch cao, đất nung, tượng đài làm nên sự bề thế, vững chãi mang dấu ấn của hoạ sỹ - nhà điêu khắc Trần Minh Châu đang được trưng bày tại các địa danh lịch sử, cơ quan và trường học trên địa bàn tỉnh. Đáng kể như: Tượng đài chiến thắng tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Tượng đài Nguyễn Tất Thành tại công viên Nguyễn Tất Thành (Thành phố Vinh), tượng đài 72 chiến sỹ Xô Viết – Nghệ Tĩnh tại Khu di tích Tràng Kè (Yên Thành)… Dẫu vậy, ông vẫn tâm sự rất thật rằng, hầu hết các tác phẩm ông đạt giải trong các cuộc triển lãm vẫn được lưu giữ tại “bảo tàng gia đình”; chỉ có một vài bức bán được với giá gấp đôi mức lương của ông những năm 80 là hơn 60 đồng/tháng. Còn những năm gần đây các tác phẩm đạt giải không có người mua; mỗi năm, chỉ tham gia vài công trình nghệ thuật theo yêu cầu.

Còn hoạ sỹ Nguyễn Đình Truyền – thế hệ họa sỹ kế cận, hiện là Trưởng ban Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, người được đánh giá là tác giả của những tác phẩm khắc gỗ, trổ giấy với sự tươi mới, khoáng đạt từ đường nét, hình khối. Tài sản của hơn 30 năm cầm cọ vẽ của ông là hơn 70 bức vẽ nhiều thể loại. Những tác phẩm nghệ thuật của ông đã để lại dấu ấn đặc biệt như bức tranh “Chiều quê” đạt giải Ba của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam (năm 2007) hay bức “Trung thu”, giải Ba Triễn lãm khu vực Bắc miền Trung năm 2009… Và một công việc khác gắn bó với nghề của ông chính là trao truyền tình yêu nghệ thuật cho các thế hệ học trò. Hoạ sỹ Nguyễn Đình Truyền là giáo viên dạy Mỹ thuật của Nhà Văn hoá thiếu nhi Việt Đức hơn 20 năm nay. Tình yêu nghệ thuật của ông đã được “kết trái” là những học trò đạt các giải thưởng mỹ thuật trong và ngoài nước như: Đậu Thanh Hương, Võ Bích Thoa, Phan Thanh Nhàn…

Để “nuôi” đam mê nghệ thuật của mình, hoạ sỹ Đình Truyền đã mở các lớp ôn luyện thi đại học cho các học sinh thi khối V, H đều đặn mỗi năm. Ngoài ra, ông còn in thêu các biển hiệu quảng cáo theo đơn đặt hàng để có thêm thu nhập. Còn một số lượng lớn tranh ông vẽ với hơn 30 bức, chỉ vài bức có giải bán được như bức tranh khắc gỗ “Chiều quê” được bán với giá 15 triệu đồng, còn lại vẫn nằm “lặng lẽ” ở góc phòng nhỏ nơi hoạ sỹ thường ngồi sáng tác.

Hoạ sỹ Đình Truyền tâm sự, môi trường để hoạt động mỹ thuật ở tỉnh ta còn nghèo nàn; nghề hoạ sỹ ít có cơ hội phát triển. Bởi thế, dẫu rằng niềm đam mê nghề thì lớn lắm, thế nhưng “nghề” không nuôi nổi mình nên hầu hết hoạ sỹ thời ông hoạt động nghề theo kiểu “chắp vá”; bởi thế mà cuộc sống của người nghệ sỹ hội hoạ thường chật vật.

Rẽ ngang…

Các hoạ sỹ ở Nghệ An chỉ được tham gia các hoạt động triển lãm khu vực mỗi năm tổ chức một lần, trại sáng tác hai năm tổ chức một lần và triển lãm toàn quốc 5 năm tổ chức một lần. Hoạt động giao lưu mỹ thuật trong tỉnh rất hạn chế, hầu như không có. Thiếu các phòng tranh nghệ thuật để giới thiệu, bán tranh hoặc giao lưu nghề. Bởi vậy ngày càng ít các bạn trẻ theo đuổi hội hoạ. Ở Ban Mỹ thuật tỉnh, thành viên trẻ tuổi nhất cũng xấp xỉ 40 tuổi; mỗi năm chỉ kết nạp thêm một vài thành viên mới. Lớp trẻ hôm nay hầu hết là những người được đào tạo bài bản ở các trường đại học, cao đẳng. Thế nhưng các tác phẩm của các họa sỹ trẻ được trưng bày trong các kỳ triển lãm trong khu vực vừa thưa thớt, vừa thấy “non” nghề. Như vậy, cái “khoảng trống” trên sân chơi nghệ thuật của Nghệ An vẫn chưa biết bao giờ mới có thể san lấp được.

Để lý giải xu hướng phát triển nghề của các hoạ sỹ trẻ hiện nay, chúng tôi tìm đến Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An, nơi duy nhất đào tạo chuyên ngành Mỹ thuật của tỉnh. Nếu như cách đây 5 năm số sinh viên của khoa là gần 150 sinh viên/khoá thì những năm gần đây, sinh viên giảm dần. Đến nay trung bình mỗi khoá chỉ có 45- 50 sinh viên theo học. Theo Thạc sỹ Lê Vũ Anh, Phó hiệu trưởng nhà trường, hiện nay trong số sinh viên của khoa Mỹ Thuật có khoảng trên 30% sinh viên theo học chuyên ngành Mỹ thuật ứng dụng, còn lại là ngành sư phạm Mỹ thuật; còn ngành hội hoạ thì 2 năm gần đây sinh viên thi vào quá ít nên nhà trường không mở được ngành học riêng mà nhập sang các lớp sư phạm.

Thực tế cho thấy, khi hội hoạ không có môi trường phát triển nhiều thì hầu hết sinh viên lựa chọn ngành Mỹ thuật ứng dụng để phát triển sự nghiệp. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành đồ hoạ, khoa Mỹ thuật K42, Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Nghệ An (một ngành học được coi là “hot” hiện nay), anh Đoàn Văn Phú trở thành hoạ sỹ đồ hoạ của Công ty Thiết kế kiến trúc và xây dựng Xanh, chuyên trang trí nội ngoại thất, sân vườn, tiểu cảnh... Anh chia sẻ, mỹ thuật hội hoạ là niềm đam mê từ ngày bé của tôi. Thế nhưng thay vì chọn hội hoạ thì tôi lựa chọn trở thành một hoạ sỹ đồ hoạ để phù hợp với xu hướng hiện nay. Công việc này vừa cho tôi được thoả mãn với niềm đam mê hội hoạ qua các tác phẩm tranh tường, các bức phù điêu, bức tượng… lại vừa mang lại cho tôi thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng/tháng để đảm bảo cuộc sống”.

Còn anh Dương Xuân Tùng K15, khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật, anh học thêm chuyên ngành Đồ hoạ. Nhờ có tay nghề tốt nên anh đang cùng lúc cộng tác với hai công ty chuyên thiết kế quảng cáo và thiết kế nội thất; nên thu nhập từ công việc cũng khá cao (trên 10 triệu đồng/tháng). Công việc bận rộn, ít có thời gian sáng tác nghệ thuật, nên anh chủ yếu gửi gắm cảm xúc thẩm mỹ qua mỗi sản phẩm. Bởi với anh mỗi sản phẩm mình tạo ra, dù là một hình ảnh quảng cáo sản phẩm, thương hiệu hay bức tranh tường đều được làm tâm huyết như là một tác phẩm nghệ thuật. Thành công của “tác phẩm” chính ở sự ghi nhận của khách hàng.

Thầy Lê Văn Hải, giảng viên lâu năm chuyên ngành Mỹ thuật Đồ hoạ của khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An chia sẻ: Đa phần sinh viên bây giờ lựa chọn ngành học Mỹ thuật ứng dụng, bởi nhu cầu xã hội đối với các công việc này hiện nay khá lớn, hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm. Các em có thể vận dụng kiến thức của mình trong thiết kế quảng cáo, nhãn hiệu sản phẩm, trang trí nội, ngoại thất, tạo dáng công nghiệp …

Trăn trở hướng đi mới

Có thể coi sự “rẽ ngang” của các họa sỹ như một cách điều chỉnh linh hoạt để tồn tại và phát triển nghề. Thế nhưng có một điều chúng ta không khỏi băn khoăn, rằng nghệ thuật hội hoạ rồi sẽ đi về đâu khi thế hệ hoạ sỹ “tiền bối” của tỉnh ta “về cội”?! Còn lớp hoạ sỹ trẻ hiện nay tham gia các “sân chơi nghệ thuật” rất thưa thớt. Chỉ có một số ít hoạ sỹ trẻ nỗ lực tìm kiếm cơ hội giao lưu, phát triển nghề ở những thành phố lớn và vươn ra cả nước ngoài, nơi có nền hội họa phát triển. Thạc sỹ Lê Vũ Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật tỉnh, đồng thời là một hoạ sỹ trẻ tài năng, cũng lựa chọn phát triển nghề theo hướng đó. Anh đã có cơ hội trưng bày và bán tác phẩm tại một phòng tranh ở Paris (Pháp). Mỗi năm trung bình có khoảng 15 tác phẩm của hoạ sỹ Lê Vũ Anh được bán ở đây với giá từ 20 – 30 triệu đồng/bức. Đa số tranh của anh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu nên chi phí đầu tư cho mỗi bức tranh chỉ chiếm khoảng trên 20% giá bán. Bởi thế, mà anh vẫn thường xuyên sáng tác và “nuôi” đam mê của mình bằng chính nguồn thu nhập từ tác phẩm nghệ thuật mang lại. Dù con số đó chưa nhiều, nhưng cũng đã là mơ ước của nhiều hoạ sỹ trẻ hiện nay ở tỉnh ta.

Theo họa sỹ Lê Vũ Anh, để nghệ thuật hội hoạ có thể song song tồn tại bên cạnh mỹ thuật ứng dụng, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, bản thân những người sáng tác, những người yêu nghề họa cũng cần tạo mối liên hệ, liên kết với nhau, tổ chức nhiều hơn các hoạt động giao lưu, triển lãm mỹ thuật trên địa bàn. Bản thân những người nghệ sỹ cũng cần chủ động tạo ra các cơ hội giao lưu, kết nối, xây dựng những phòng tranh nghệ thuật, tạo môi trường để các hoạ sỹ trẻ được thể hiện mình và giao lưu với nhau. Đồng thời cũng chủ động hội nhập và tạo ra nhu cầu thưởng thức, nhu cầu thẩm mỹ, mở ra các hướng tiếp cận với hội họa một cách rộng rãi để kết nối với khách hàng. Bởi để xây dựng các phòng tranh nghệ thuật cần nguồn kinh phí lớn; nên việc xây dựng cần xã hội hoá; tạo cơ hội để hoạ sỹ trẻ giới thiệu và bán sản phẩm và trích % để các phòng tranh này duy trì hoạt động. Những phòng tranh nghệ thuật này có thể mở trưng bày tại các điểm du lịch, vừa thu hút khách tham quan vừa để giới thiệu, bày bán sản phẩm cho du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, nghiệp đoàn của những người hoạt động trong nghề hội họa cũng cần có sự liên kết với các trung tâm lữ hành, các đơn vị tổ chức sự kiện, các đơn vị tư vấn thiết kế công trình xây dựng để đa dạng hóa các thị trường bán tranh. Chủ động tiếp cận và giới thiệu, quảng bá tác phẩm trên các website, các môi trường quảng bá có sự tương tác mạnh với các đối tượng có tiềm năng sử dụng các tác phẩm hội họa. Qua đó kích thích nhu cầu sử dụng tác phẩm hội họa, mở ra những hướng đi mới cho nghề hội họa trong xu thế hội nhập.

Bài, ảnh: Đinh Nguyệt

Mới nhất

x
Tìm hướng đi mới cho hội họa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO