Tìm lại không gian diễn xướng cho dân ca

13/12/2014 11:40

(Baonghean) - “Mời bạn về thăm đất mẹ quê mình, nghề làm chổi làng tôi rất chi nổi tiếng… chổi đót, chổi giang, chổi dài, chổi ngắn. Ai đã dùng rồi thì… dùng mãi không thôi…”, những câu hát ví mộc mạc ấy dường như đã gắn bó máu thịt với người dân làng nghề chổi đót thôn Sơn, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) bao đời nay.

Người dân làng nghề chổi đót thôn Sơn (Thanh Lĩnh - Thanh Chương)  phục dựng không gian diễn xướng Dân ca ví, dặm.
Người dân làng nghề chổi đót thôn Sơn (Thanh Lĩnh - Thanh Chương) phục dựng không gian diễn xướng Dân ca ví, dặm.

TIN LIÊN QUAN

Câu hát ví, dặm được dân thôn Sơn hát khi lên rừng lấy cây đót về làm chổi, hát khi xuống thuyền, khi đan chổi… đằm thắm mà da diết niềm tự hào về một làng nghề truyền thống. Trong ký ức của cụ bà Nguyễn Thị Khương, thôn Sơn, thời chúng tôi ngày trước còn nghèo, vất vả lắm nhưng lại giàu tình yêu với câu hát dân ca. Nơi sân đình, gốc đa những đêm trăng sáng; hay bên bờ sông, người dân vừa làm chổi vừa hát ví, đối; nên có ví phường đan, phường củi…

Về sau, nghề làm chổi đót Thanh Lĩnh ngày một phát triển. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, các gia đình làng nghề bây giờ không còn sản xuất tập trung như trước. Thế nhưng, những người yêu câu ví, điệu hò thì vẫn nỗ lực lưu giữ không gian diễn xướng của mình. Bà Nguyễn Thị Tâm - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca xã Thanh Lĩnh là người truyền dạy hát dân ca cho người dân trong làng, trong xã. Đến nay ở thôn Sơn, nhiều hạt nhân dân ca như anh Huế - Bí thư chi bộ, chị Hà, chị Dương, chị Tường… luôn tích cực tham gia phong trào và say mê tập luyện các tiết mục dân ca.

Mặc dù đã ngoại lục tuần nhưng với bà Nguyễn Thị Tâm niềm say mê với câu hát ví vẫn luôn dào dạt. Vốn sinh ra ở làng nghề nên bà thấu hiểu được công việc cũng như những đặc trưng của nghề, bà tự tìm tòi các cụ trong làng các làn điệu cổ và đặt lời mới. Nhờ đó mà đến nay, những bài hát ví về làng nghề chổi đót ngày một phong phú. Những làn điệu dân ca ví, dặm về làng nghề “Thôn sơn quê mình đổi mới”, “Nghề chổi làng tôi”… thường được câu lạc bộ dân ca xã tổ chức biểu diễn phục vụ cho bà con vào các dịp lễ, tết… Không gian diễn xướng dân ca gắn với hoạt động làm nghề được khôi phục lại, người dân vừa hát vừa làm chổi, thu hút đông đảo người dân tham gia. Qua đó, gắn kết tình làng nghĩa xóm, bồi đắp thêm niềm tự hào về truyền thống quê hương.

Rời Thanh Lĩnh đến thăm làng mộc Ngọc Sơn, làng nghề truyền thống đã có từ lâu đời mà dân gian xưa vẫn ví von “thợ cưa Nghi Lộc, thợ mộc Ngọc Sơn”. Tồn tại song hành cùng với làng nghề truyền thống là những làn điệu dân ca ví, dặm; là nơi người dân làng nghề mộc trải lòng, gửi gắm tình cảm của mình với quê hương, đất nước. Xuất phát từ chính hoạt động lao động thường ngày nên câu hát dân ca ví, dặm mang những nét riêng của làng nghề mộc. Ông Võ Trọng Thìn, người dân làng mộc cho biết: Từ thuở bé, ông đã được theo ông, theo cha đi hát ở các phường mộc trong làng, khi thì ở sân đình, sân kho, hoặc ngay trong gia đình. Những người thợ mộc vừa chạm trổ, vừa say sưa hát ví, hát đối theo nhịp gõ của tiếng đục, đẽo… “Ơ … nhà tứ trụ có bao nhiêu cột/Mấy cột bồng, máy chuyền chụp… mấy rui…”. Những làn điệu hát ví về làng nghề ấy luôn được bà con làng nghề mộc lưu giữ với niềm tự hào riêng. Ngoài sưu tầm những lời cổ do các cụ già trong làng truyền lại, ông Thìn còn tìm tòi để đặt lời mới cho các làn điệu; để có những “Khúc hát làng nghề”, “Thắm tình làng quê”; “Khúc ca người thợ”… những lời hát chân chất, mộc mạc như lời trò chuyện dí dỏm của những người thợ làng nghề mộc “Ở… nhà anh hạ đục bằng chi/ Con chi đút được để phòng khi bão… ơ… bùng” vẫn luôn được người dân Ngọc Sơn ngâm nga đầy thân thuộc.

Thế nhưng, người dân làng nghề ngày nay ít có dịp để được tham gia giao lưu hát dân ca ngay chính tại quê mình. Bởi làng nghề mộc Ngọc Sơn biến đổi theo sự phát triển của xã hội; người dân làm nghề ngày một ít hơn. Những làn điệu, những bài diễn xướng về làng nghề chỉ diễn ra trong những dịp lễ, tết... Ông Nguyễn Như Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá huyện Thanh Chương, chia sẻ, mặc dù ở Thanh Chương có khá nhiều làng nghề truyền thống nhưng chỉ có ba câu lạc bộ dân ca ví, dặm phát triển như: Thanh Lĩnh có nghề làm chổi, nghề làm nhút; Đồng Văn có nghề làm nón và Ngọc Sơn có nghề mộc;…

Ở những nơi đó, các hạt nhân dân ca đang nỗ lực khôi phục lại không gian diễn xướng gắn với làng nghề. Tuy nhiên, những hoạt động giao lưu dân ca ở các làng nghề này vẫn còn thưa thớt. Khôi phục môi trường diễn xướng được coi là định hướng để bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, dặm trong sự phát triển chung của xã hội hiện nay; địa phương mong muốn tổ chức các hoạt động giao lưu dân ca ví, dặm ngay chính cộng đồng, đặc biệt là các làng nghề. Tuy nhiên, hiện các nghệ nhân hát dân ca ở các làng nghề rất ít; ở một số làng nghề chưa thành lập được các câu lạc bộ dân ca để đẩy mạnh phát triển phong trào; kinh phí để tổ chức các hoạt động giao lưu, xây dựng các tiết mục diễn xướng ngay tại địa phương còn hạn chế…

Những câu hát, làn điệu ví, dặm ngày xưa vốn được cất lên từ những không gian gắn liền với làng nghề, với cuộc sống sinh hoạt và lao động của người dân. Vì thế, để bảo tồn dân ca ví, dặm, làm cho loại hình sinh hoạt văn hóa này sống trong cộng đồng, thiết nghĩ cần có những chính sách phù hợp nhằm khôi phục các làng nghề, các ngành nghề truyền thống để dân ca gắn với không gian sinh hoạt và môi trường lao động của cộng đồng. Đồng thời cần có chính sách phát huy vai trò của nghệ nhân để duy trì và xây dựng các tổ, đội, nhóm, các câu lạc bộ hát dân ca ở các thôn, làng, thường xuyên sinh hoạt ca hát, gắn với những sinh hoạt văn hóa làng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng để dân ca ví, dặm có môi trường tự thân phát triển.

Đinh Nguyệt

Mới nhất

x
Tìm lại không gian diễn xướng cho dân ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO