Tìm một nét xưa…

(Baonghean) - Nối từ ngã ba Quán Bàu đến ngã tư Quán Bánh, đường Nguyễn Trãi là một con đường khá đặc biệt. Tôi đã nhiều lần đi trên con đường này mà vẫn không sao quen được với những cửa hàng san sát nhau, bán đủ thứ trên đời. Quả ở thành phố mình, hiếm có con đường nào lại “chè thập cẩm” đến thế. Anh muốn mua đồ điện tử? Mời anh đến đường Minh Khai. Anh là dân nhậu nhẹt? Mời anh đến đường Lê Hồng Phong nhắm chân gà nướng, hoặc giả đường Đinh Công Tráng ăn nộm và ốc. Phụ tùng ô tô xe máy hiển nhiên phải đến đường Lê Lợi chứ không đâu khác được. Còn nếu thứ anh cần là một chút tấp nập của phố xá chấm phá nét cổ xưa như những con phố cổ Hà Nội thì có lẽ, tôi sẽ đưa anh đến đường Nguyễn Trãi.

Đường Nguyễn Trãi là đường có nhiều quán ăn sáng, có lẽ vì ở cửa ngõ của thành phố nên nhiều người lại qua. Đồ ăn cũng thường, quán lại nhỏ, nhưng được cái bao giờ cũng đông khách. Ăn một bát cháo lươn, nghe được đủ thứ chuyện trên đời của những người thành phố có, ngoại ô có, ngoại tỉnh cũng có, kể không lấy gì làm đắt!

Ăn sáng xong hiển nhiên phải có ly cà phê theo đúng “mốt” hiện nay, thì xin mời anh đi bộ vài bước. Nếu anh có định nhăn mặt chê cà phê “rang” cháy quá thì xin chớ, có lẽ là những ngôi nhà từ thập niên 80, 90 đã rót mùi cổ xưa vào phin cà phê đấy thôi! Ngồi dưới những tán cây mấy chục năm tuổi (hầu như đã bị chặt bớt ở những con đường lớn từng có nhiều cây như đường Trần Phú), nhìn một ông già đeo kính bắc ghế ra đọc báo, đâm ghiền thứ cà phê “rang quá độ” lúc nào không hay!

Đường Nguyễn Trãi cũng có thể xem như một con đường buôn bán. Kìa anh trông, một, hai, ba, bốn hàng tạp hoá. Đã bao giờ anh thấy trên một con đường chưa đến 2 cây số có chừng ấy hàng tạp hoá chưa? Những hàng tạp hoá ở đây không quá lớn, và nếu anh cần tìm một thứ gì đó đặc biệt thì chắc bà bán hàng sẽ cười ngượng nghịu. Nhưng anh cứ thư thả mà xem, kia có phải là 2 đứa con nít đạp xe chở nhau đi mua đồ cho mẹ không? Đứa chị chở đứa em, con bé chỉ cao hơn cái yên xe có hơn 1 cái đầu thôi mà nó nhảy xuống chống xe cho em nó xuống mới khéo làm sao! Còn giờ thì hai đứa đang ngồi chia nhau một gói bim bim, có lẽ là tiền thừa mẹ cho ăn quà. Tôi đố anh tìm ra đứa con nít nào chở em đi mua đồ cho mẹ như thế nữa?

Hai chị em trước cửa hàng tạp hoá ở trên đường Nguyễn Trãi.

Còn kia là một nhà bán lồng chim cảnh, ông bố đang loay hoay treo những cái lồng gỗ. Đứa con - có lẽ chỉ cao bằng chiếc lồng - quanh quẩn không rời chân bố, y như con chim nhỏ. Thú quá đúng không anh? Một hàng bán lồng chim ở nơi cửa ngõ thành phố, chắc chẳng ai nghĩ đến bao giờ! Ấy thế mà những cửa hàng ghế đệm, ảnh đá, nhựa trần, camera chống trộm, đồ mỹ nghệ,... và ti tỉ những mặt hàng chẳng có tí liên quan gì với nhau vẫn vui vẻ nằm san sát, dưới những mái nhà rất cổ nhìn ra một con đường rất mới. Không có vẻ gì của những phường buôn lái, con người nơi đây toát lên nét cũ kỹ, điềm đạm của nếp sống xưa.

Đến chợ Nghi Phú rồi đấy anh ạ, chợ này nổi tiếng bán các thức đồ tươi và ngon. Nếu anh sành ăn và chịu khó thì 6 giờ sáng anh vào chợ, hỏi bà Ngô bán lòng lợn nhé. Ăn lòng luộc buổi sáng, kể cũng hơi gở người nhưng phải thử một lần mới biết ngon đáo để! Đấy là cái thú của những chị nền bà háo của lạ, còn cánh nền ông, nhất là cánh xe ôm thì chỉ cần miếng bánh mì lót dạ là được.

Ngay kia có một xe đạp bán bánh mì, thứ bánh mì dài rất hợp với những khách đường xa! Người xưa vẫn bảo “Nhất cận thị, nhị cận giang”, ở gần chợ quả không có gì tiện bằng. Phải cái hơi ồn ào, vả chăng buổi chiều đến mà mấy xe “vịt quay xứ Lạng” cứ quạt khói thơm lừng thế kia, đố ai mà kìm lòng được!

Chợ Nghi Phú buổi chiều.

Chập choạng chiều, những cảnh bán buôn nhộn nhịp cũng uể oải dần rồi vắng hẳn. Bây giờ thì các ông già bà cả bắt đầu bắc ghế, mắc võng ra sân ngồi. Một chị cầm bát cơm nịnh nọt đút cho đứa con nít ngồi sau xe bố mấy thìa cho đến khi nó quầy quậy lắc đầu tránh những thìa cơm, kêu ầm lên: “Đi nữa, đi nữa!”.

Một đám nhóc ngồi trước cửa kéo của một ngôi nhà, lâu lâu lại làm trò với người qua đường, trông như những chú hề. Mấy ông xe ôm tụ tập dưới những ngọn đèn đường, bắt chân ngồi chồm hỗm. Thi thoảng một bà đồng nát trên chiếc xe đạp cọc cạch dừng lại lom khom sục sạo một đống rác rồi cặm cụi đi, không biết là về đâu? Trời tối hẳn, hàng ăn đêm bây giờ mới mở. Những con gà luộc béo mỡ màng đầu gục xuống, mắt nhắm nghiền tưởng như đang ngủ. Bà bán hàng luôn tay múc cháo, cắt gà cho khách, lâu lắm mới có thời gian nói đôi lời cà kê với mấy ông xe ôm. Ánh đèn đường hắt lên những cửa chớp, cửa kính đóng kín mít của mấy salon ô tô. Không biết có ai còn nhớ, những cửa hàng, khách sạn, trung tâm thương mại hiện đại ấy xây dựng trên nền những ao hồ lớn mà thời xưa người ta gọi là bàu - có tên gọi Quán Bàu là vì thế.

Hai bố con nhà nọ xì xụp ăn cháo gà. Cô con gái, có lẽ học cấp 2, cặp sách vẫn để một bên liên tục giục bố ăn nhanh để kịp ca học thêm buổi tối. Bỗng cô bé dừng ăn, hỏi bố: “Đường này là đường gì bố nhỉ? - Đường Nguyễn Trãi con ạ”. Cô bé reo lên: “Thật hả bố, hôm nay ở lớp con cô giáo vừa giảng về Nguyễn Trãi đấy”. Nói rồi, cô bé kể vanh vách:

“Nguyễn Trãi sinh năm 1380, mất năm 1442, quê ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Bố ông là một nhà nho nghèo, mẹ ông là con gái của quan tư đồ Trần Nguyên Đán. Nguyễn Trãi là một nhà chính trị, nhà thơ, nhà địa lý học, nhà sử học. Ông đã phò trợ cho Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, chống lại ách đô hộ của quân Minh. Ông này viết bài Bình Ngô Đại Cáo rất oách bố ạ, cô bé dí dỏm nói rồi lấy lại ngay vẻ nghiêm trang. Khi Lê Lợi lên làm vua lấy hiệu là Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi và nhiều công thần khai quốc bị các phe phái hãm hại nên không được trọng dụng. Vua Lê Thái Tông sau này vời Nguyễn Trãi về, rất quý trọng ông. Nhưng vị vua thiếu niên này băng hà đột ngột ở tuổi 20, còn Nguyễn Trãi cùng người thiếp là Nguyễn Thị Lộ bị vu cho tội giết vua, bị xử tru di tam tộc. 22 năm sau, vụ án Lệ Chi Viên và mối oan của Nguyễn Trãi mới được vua Lê Thánh Tông làm sáng tỏ. Nguyễn Trãi được tổ chức UNESCO công nhận là danh nhân văn hoá thế giới”.

Cô bé chớp chớp mắt nhìn bố, nói như bà cụ non: “Lệ Chi Viên có nghĩa là vườn vải đấy bố ạ. Đường Nguyễn Trãi ở đây, thế vườn vải ở đâu hả bố?”. Ông bố cười ngượng nghịu trước câu hỏi của con. Còn tôi, ngồi bần thần nhìn tấm bảng tên đề “Đường Nguyễn Trãi”, tự hỏi: Không biết người công thần sống qua 3 đời vua, 2 triều đại (Hồ và Lê) xưa có còn ôm nỗi hận Lệ Chi Viên nữa không?

tin mới

Những hình ảnh ấn tượng tại Lễ hội quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa sen nở'

Những hình ảnh ấn tượng tại Lễ hội quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa sen nở'

(Baonghean.vn) - Các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân đến từ 20 huyện, thành, thị đã mang đến không khí sôi động bằng những màn trình diễn hấp dẫn, với những tinh hoa văn hóa đặc sắc của các đồng bào các dân tộc tỉnh Nghệ An tại Lễ hội quảng diễn đường phố "Quê hương mùa sen nở".

Tháng Năm ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên

Tháng Năm ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên

(Baonghean.vn) - Tháng Năm về, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên lại đón hàng chục nghìn lượt khách từ mọi miền của Tổ quốc và bạn bè quốc tế về tham quan, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già kính yêu của dân tộc nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Người.

Đồng lúa và sen

Mùa vàng trên quê Bác

(Baonghean.vn) - Cùng với những đổi thay trên quê Bác, ngày mùa ở Kim Liên (Nam Đàn) dường như cũng đẹp hơn, rộn ràng hơn. 

Tình người ở… 'xóm chạy thận'

Tình người ở… 'xóm chạy thận'

(Baonghean.vn) - Dẫu tương lai phía trước còn rất mịt mờ nhưng bằng tình thương, sự động viên của cộng đồng và sự đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ, trên những gương mặt xám nghoét vì thiếu máu, vì chạy thận lâu ngày, tôi vẫn thấy nụ cười luôn toả nắng...

Họp

UBND tỉnh Nghệ An họp và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng

(Baonghean.vn) - Chiều 15/5, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp để nghe và cho ý kiến về các nội dung: Chế độ dinh dưỡng đặc thù cho huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao; đặt tên đường trên địa bàn thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc; họp Ban chỉ đạo Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh.

Bác Hồ

Chuyện những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ

(Baonghean.vn) - Bác Hồ là lãnh tụ thiên tài của đất nước, vị Cha già của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, không chỉ người dân Việt Nam mà khắp thế giới đều ngưỡng mộ Người. Những ai từng được gặp gỡ, làm việc bên Bác đều xem đó là may mắn và niềm vinh dự theo suốt cuộc đời…

Thiếu nhi Nghệ An làm theo lời Bác dạy

Thiếu nhi Nghệ An làm theo lời Bác dạy

(Baonghean.vn) - Để hiểu hơn về những nỗ lực của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong việc đồng hành với các em thiếu nhi làm theo lời Bác dạy, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Trần Linh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Nghệ An.

Viettel Nghệ An ‘Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương’ tại xã nghèo Huồi Tụ, Kỳ Sơn

Viettel Nghệ An ‘Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương’ tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn

(Baonghean.vn) - Hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), vừa qua, Viettel Nghệ An triển khai chương trình "Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương" tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huồi Tụ 1, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn.

Nhìn nhận và đối mặt bệnh 'sợ trách nhiệm' ở thanh niên

Nhìn nhận và đối mặt bệnh 'sợ trách nhiệm' ở thanh niên

(Baonghean.vn) - "Bệnh sợ trách nhiệm" là tiêu đề bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Cộng sản; được nhắc đến trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".

Nghệ An tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tự kỷ

Nghệ An tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tự kỷ

(Baonghean.vn) - Chiều 13/5, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án "Thúc đẩy thực thi quyền trẻ em, đảm bảo trẻ em được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục đối với trẻ em bị hội chứng rối loạn phổ tự kỷ”.